“Đòn ghen” trí thức: “Nhẹ như bấc, nặng như chì”

Thứ Tư, 09/07/2014, 19:45

Nhiều người vẫn nhắc đến cơn ghen Hoạn Thư mà Đại thi hào Nguyễn Du đã từng mô tả trong Truyện Kiều: những “đòn ghen” thâm hậu “nhẹ như bấc, nặng như chì”, không ồn ào mà “hiệu quả”, không đánh vào thể xác Thuý Kiều mà đánh sâu vào tâm tưởng, làm cho nàng Kiều nhục nhã, đau đớn ê chề về chữ “trinh”, về thân phận mình. Và đòn ghen ấy, dường như đang âm ỉ chảy trong tầng lớp trí thức của thời hiện đại: “Một mình âm ỉ đêm chầy, Đĩa dầu vơi nước mắt đầy năm canh”.

Cuộc "tra tấn" tinh thần… man rợ!

Chị A. bạn tôi lâu lâu mới gặp ngồi uống cà phê cùng nhau thỉnh thoảng lại nhí nhoáy nhắn tin điện thoại khiến câu chuyện bị đứt đoạn. Thấy tôi có vẻ khó chịu, chị giải thích: Dạo này chồng chị cứ ghen bóng ghen gió, nên chả được đi đâu cả, có đi đâu thì anh ấy cũng nhắn tin kiểm tra suốt, nào thì "Đi với ai?", "Ngồi ở đâu?", "Bao giờ về?"… Như hôm nay, dù tôi đã đến tận công ty chở chị đi nhưng chồng chị vẫn nghi ngờ là tìm "bằng chứng giả" để dễ qua mặt anh.

Chả là hai vợ chồng chị cùng mở một công ty riêng, sáng chồng chở vợ đi, chiều chở về. Chồng thường ngồi một chỗ điều hành còn vợ thì chạy qua chạy lại ngoại giao. Rồi chẳng hiểu sao, khi tìm được đối tác làm ăn là một công ty bạn ngay bên cạnh thì anh chồng lại nghi ngờ vợ có quan hệ "tình cảm" cùng anh giám đốc công ty ấy.

Cuộc "ghen tuông" bắt đầu bằng việc nếu anh giám đốc ấy đi vắng thì chị A. phải ở nhà và ngược lại, dù không biết với lý do gì, nhưng nếu cả hai vắng mặt ở hai công ty cùng một lúc thì "đừng có trách!".

Chì chiết vợ hàng ngày như vậy nhưng mỗi khi gặp anh giám đốc đối tác kia, chồng chị vẫn tay bắt mặt mừng, thậm chí thỉnh thoảng còn uống rượu cùng nhau… Mỗi cuộc vui anh kéo vợ đến và thể hiện tình cảm yêu đương đối với vợ, ôm hôn vợ ngay trước mặt mọi người, nhưng khi về nhà thì lại chì chiết: "Tôi thấy ánh mắt cô nhìn nó ngượng ngùng lắm!", hay: "Tại sao tôi ôm mà cô không ôm lại tôi cho tình cảm?"… Hàng ngày, chị A. đã phải gặp mặt chồng ở công ty, đến tối về lại tiếp tục bị dò hỏi, chì chiết khiến cuộc sống của chị vô cùng căng thẳng, ngột ngạt.

Ngay cả khi ân ái cùng vợ, anh chồng cũng phân vân: "Tôi đoán là cô cũng đã ngủ cùng nó!" khiến cuộc hôn nhân không khác gì địa ngục. Rồi chị vừa cầm điện thoại nhắn tin vừa khẳng định, cái kiểu ghen tuông như thế này đang giết chết cuộc hôn nhân của chị và chưa biết nó sẽ tồn tại được bao lâu.

Cũng một tâm trạng tương tự, PGS.TS N.K. đang là Phó Chủ nhiệm khoa của một trường đại học danh tiếng, lần gặp tôi gần đây thở than: ông và vợ mình, một giảng viên đại học đã nghỉ hưu, sau nhiều năm chung sống có cháu nội đã phải ra tòa ly hôn vì ông không chịu đựng nổi tính ghen tuông vô cớ của bà. Bà thuê thám tử tư theo dõi ông, nhất cử nhất động của ông đến đêm về đều phải giải thích, đến chỗ này làm gì, đến chỗ kia với ai, ngồi trong phòng này phòng kia lâu thế, sao trưa lại không ăn cơm suất ở cơ quan mà đi ra ngoài ăn…

Chưa hết, khi căn vặn ông chưa đủ, bà tìm đến những cô giáo trẻ, những em sinh viên bà "khả nghi" là có quan hệ "đặc biệt" với chồng mình để "lên tiếng" đánh động rằng bà biết quan hệ của hai người, nào là phải biết dừng lại ở tình cảm thầy trò, đồng nghiệp. Rồi bà viết thư nặc danh để tố cáo cô này, cô kia có quan hệ bất chính với chồng mình để "làm nhục" họ.

Khi không đủ tỉnh táo, bà còn viết thư nặc danh để tố cáo chính chồng mình mong ông bị "nghỉ hưu sớm" để về nhà làm "tù giam lỏng" của bà. Không chỉ thế, bà thường xuyên đến kiểm tra phòng làm việc riêng của ông xem có thư từ, ảnh chụp chung với cô nào, điện thoại "sơ cua" hay "bằng chứng" của việc ngoại tình hay không…

Đã giải thích cặn kẽ với vợ, đã trấn an người phụ nữ đi cùng ông hơn nửa đời người để bà yên tâm rằng, tình nghĩa vợ chồng đâu phải như bát nước đổ đi, phải tin tưởng nhau sau nhiều năm chung sống. Nhưng bà như bị "ma làm", mỗi ngày đều nghĩ ra "trò" để "uy hiếp" tinh thần chồng nên PGS.TS N.K. đã phải đơn phương ly hôn người vợ mà ông đã đầu gối tay ấp bao năm trời mà không có được câu nói yêu thương chồng, không lo chăm sóc chồng chu đáo mà chỉ triền miên là những lời vặn vẹo, căn vặn, đa nghi ông với những người phụ nữ khác.

Khi ly hôn ông chấp nhận để lại tất cả tài sản cho vợ và các con, thuê một căn hộ tập thể hòng "yên thân" nghiên cứu khoa học nhưng cho đến nay, đã hơn hai năm trời trôi qua ông vẫn nhận được mỗi ngày cả chục cái tin nhắn sỉ nhục của người vợ cũ bị bệnh hoang tưởng.

Nhiều chuyên gia tâm lý khẳng định rằng, nếu như bạo lực thể chất là thứ tội ác dễ phát hiện và ngăn chặn bao nhiêu thì bạo lực tinh thần lại khó nhìn thấy và rất khó xử lý vì không để lại thương tích trên thân thể nạn nhân. Dường như, con người học vấn ngày càng cao, địa vị càng lớn thì càng ghen tuông khủng khiếp hơn. Có lẽ đơn giản họ đang cố bảo vệ cái danh, cái lợi trước mắt, cả sự sĩ diện. Bởi vậy, các dạng bạo lực tinh thần này đang đa dạng và có chiều hướng gia tăng. Nó không chỉ làm tổn thương nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến mọi thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là con cái, những đứa trẻ sống trong bầu không khí giả dối sẽ phát triển không bình thường, đa nghi và dễ bị trầm cảm.

Điều đặc biệt là bạo lực tinh thần ngày nay thường xảy ra ở các gia đình khá giả, có địa vị xã hội, có học thức cao. Nạn nhân thường nhẫn nhục chịu đựng, không muốn lộ ra ngoài để tránh điều tiếng và bởi vậy càng dung túng cho kẻ bạo hành. Kẻ bạo hành thường có suy nghĩ, phải làm như thế để đối phương nhớ đời, không bao giờ dám tái phạm. Nhưng đôi khi vì quá đà mà họ quên rằng, càng trả thù một cách thâm độc thì càng dễ làm mất tình yêu và sự tôn trọng của bạn đời, thậm chí, là cái chết.

Ảnh minh họa.

Chẳng hạn câu chuyện cách đây không lâu kể về một người chồng có học thức, một lần bắt quả tang vợ mình và một đồng nghiệp tại nhà nghỉ, anh ta không đánh đập, chửi bới, không làm ầm ĩ, chỉ "xin đểu" người đồng nghiệp của vợ 5 nghìn đồng mang về nhà dán lên kính ở bàn ăn, mỗi lần ngồi vào mâm cơm anh ta đều chỉ lên tờ năm nghìn được dán phẳng phiu và nói với con mình: "Đây là đồng tiền mẹ mày vất vả lắm mới kiếm được!". Không ít lâu sau, người vợ không chịu nổi phải tìm đến cái chết để thoát khỏi sự sỉ nhục của người chồng.

Mới đây, câu chuyện của gia đình chị Minh, một giảng viên đại học và chồng chị, anh Thắng, là cán bộ Sở Địa chính một tỉnh nọ đã khiến nhiều bạn bè bàng hoàng: Anh Thắng làm ăn "vào cầu" trúng quả đất đai trở nên giàu có một cách nhanh chóng, chị Minh là người phụ nữ đảm đang tháo vát. Họ có cậu con trai ngoan ngoãn học giỏi. Thế nhưng, tiền đi đôi với sự bận rộn, anh Minh vắng nhà suốt. Thỉnh thoảng bạn bè đùa rằng anh đi nhiều ở nhà có khi bị ông nào "nẫng" mất vợ. Vậy là Thắng đâm ra nghi ngờ. Anh ta đặt camera giấu trong phòng ngủ của hai vợ chồng.

Theo nhà tâm lý học Trịnh Trung Hòa, mỗi năm, trung tâm tư vấn hôn nhân và gia đình của anh đón tiếp hàng trăm lượt người đến xin tư vấn về tình yêu, hôn nhân, trong số đó, hầu hết là chuyện ghen tuông vì chồng hoặc vợ ngoại tình. Ông khẳng định, phần lớn những người đến xin tư vấn đều là những trí thức thậm chí là giàu có. Nhiều phụ nữ tuổi trung niên tìm đến ông để biết "cách thức" đối phó với bồ nhí của chồng mình.

Câu hỏi đặt ra cho xã hội hiện đại là: Có cách nào để những người chồng dù giàu lên vẫn chung thủy và yêu thương vợ như thuở hàn vi? Làm sao để đồng tiền không trở thành kẻ phá hoại hạnh phúc gia đình? Khi anh ta giàu có lên, bên trong người đàn ông diễn ra một quá trình biến đổi tâm lý có thể lý giải được.

Trước hết, anh ta cảm thấy mình là người có tài, có chí. Anh ta ý thức được sức mạnh của đồng tiền và dễ nghĩ rằng cứ có tiền là giải quyết được hết. Anh ta đã tạo ra một cuộc sống sung túc cho vợ con và như thế, anh ta tin rằng đã làm tròn trách nhiệm với gia đình, bây giờ mình có quyền vui chơi, hưởng thụ, có quyền được sống cho mình. Vậy tại sao người vợ vẫn không hài lòng với thực tại? Anh ta cho rằng thái độ bất mãn của vợ làm tổn thương anh ta.

Có anh lý sự: “Cô còn muốn gì? Nhà cao cửa rộng, con cái du học, kinh tế cô không phải lo, khối người mơ không được, sướng không biết đằng sướng”. Người vợ càng cảm thấy chồng không hiểu mình chút nào, sinh ra mâu thuẫn, xung đột thường xuyên.

Theo dõi không thấy gì, anh ta nghĩ ra "mẹo" thử lòng chung thủy của vợ bằng cách đi vắng lâu ngày rồi "thuê" một người bạn đến nhà "tán tỉnh" vợ. Người bạn đó không chỉ đến nhà "tán" cho vui mà đã bí mật cho thuốc ngủ vào ly nước của chị Minh rồi khi chị bị mê man hắn đã đưa chị vào phòng ngủ để giở trò đồi bại. Camera ghi lại được tất cả mọi việc và anh Thắng đã lưu lại làm bằng chứng ngoại tình để uy hiếp tinh thần của vợ. Khi tìm hiểu ra biết mình bị chồng và gã bạn lừa một cách ghê tởm, chị Minh đã làm đơn ly hôn và bằng mọi giá chấm dứt cuộc hôn nhân "đẹp như mơ" với gã chồng ghen tuông mù quáng.

Chuyện của chị Nhàn, giám đốc một công ty thiết bị y tế còn cay đắng hơn. Khi không ai khác chính người bạn thân "con chấy cắn đôi" của chị "phải lòng" chồng chị. Chị Nhàn kể lại: "Thực ra tôi đã nghi ngờ vì nhiều lần bắt gặp ánh mắt của cô ta nhìn chồng mình say đắm, nhưng tôi tin rằng có thể là bất cứ ai, chứ cô ta và chồng tôi là hai người gần gũi không thể làm đau lòng tôi được.

Một buổi chiều khi chồng tôi đi qua nhà mẹ đẻ của anh nhưng lại để quên điện thoại ở nhà. Tôi kiểm tra điện thoại nhưng không có gì lạ. Tôi thử nhắn tin cho cô ta "Đang làm gì?". Dù không lưu số trong danh bạ và phải chờ rất lâu, lâu đến nỗi tôi đã bắt đầu cảm thấy có lỗi khi nghi ngờ hai người họ vì không có tin nhắn trả lời, tôi đã định xóa cái tin nhắn gửi đi vì sợ chồng tôi biết sẽ trách, thì bỗng "tít tít": "Sao mấy ngày nay anh không gọi?".

Ôi tôi hoảng hồn thật sự, cô ấy hơn chồng tôi 2 tuổi và trước mặt tôi chưa bao giờ xưng "em" với chồng tôi. Chưa biết nhắn lại gì thì cô ta đã nhắn tiếp: "N. có nhà không?". Tôi hoa cả mắt, không nghĩ gì được nữa, nhắn đại: "Không. Gặp nhau đi?". "Bây giờ à? Ở đâu? Chỗ cũ nhé?". "OK!". Tôi nhắn xong mà trái tim rụng rời, không thể tin vào những gì mình đã nhìn thấy.

Không thể im lặng được nữa. Tôi lao đến nhà mẹ chồng để gặp anh và hỏi cho ra nhẽ. Anh ta cố chống chế nhưng không thể quanh co mãi được nữa. Chồng tôi buộc phải thú nhận tất cả mọi chuyện đã diễn ra lâu nay. Tôi thực sự đau đớn. Nỗi đau tăng lên gấp bội vì những tưởng cả hai con người sẽ không bao giờ làm đau một sợi tóc của tôi cuối cùng đã phản bội tôi.

"Xử lý" xong chồng tôi, tôi hẹn gặp người bạn thân thiết của mình. Chúng tôi ngồi trong xe ôtô quen thuộc, chiếc xe gắn nhiều kỷ niệm của tôi và cô ta trong suốt cả một quãng thời gian rất dài. Nước mắt cô ta giàn giụa, cầu xin tôi tha thứ nhưng mọi sự đã muộn rồi. Tôi bảo rằng, đã thân nhau đến nỗi, khi cần, tôi có thể cho cô ta một phần cơ thể, nhưng tôi cũng đã từng nói với cô ta rằng, riêng chồng thì không thể chung. Bởi vậy, cả cuộc đời này, tôi sẽ nguyền rủa cô ta vì đã lấy đi của tôi mọi thứ: niềm tin, tình bạn, lòng chung thủy.

Trước khi nói lời vĩnh biệt và muốn cô ta đừng bao giờ xuất hiện trước mặt mình, tôi đã tặng cô ta một món quà tôi đã chuẩn bị sẵn, một thứ nước hỗn hợp gồm phân và mắm tôm trộn vào nhau. Tôi dội vào cơ thể cô ta, dội khắp cái xe ôtô của cô ta như những kẻ đi đòi nợ thuê vẫn thường hắt vào nhà con nợ. Để cả cuộc đời còn lại này, cô ta sẽ phải nhớ…!"

Huy Tuấn
.
.