Đông Á với giải pháp năng lượng hạt nhân

Thứ Tư, 21/04/2010, 13:45
Các chính quyền Đông Á đang theo đuổi năng lượng hạt nhân như là một phần trong câu trả lời cho sự ấm lên toàn cầu. Nhật Bản đang có kế hoạch xây dựng 8 hay 9 lò phản ứng hạt nhân vào năm 2020, thêm vào 54 lò phản ứng hiện nay của nước này; trong khi đó Hàn Quốc có kế hoạch xây dựng thêm 8 lò phản ứng nữa vào năm 2016, thêm vào 20 lò phản ứng hiện nay.

Trung Quốc tham vọng hơn với 21 lò phản ứng đang xây dựng, bổ sung cho 11 lò đang hoạt động hiện nay. Bắc Kinh mong muốn đến năm 2020 nguồn năng lượng hạt nhân sẽ cung cấp 70 GW, hay 9,7% nhu cầu sử dụng điện của nước này, trong khi hiện nay chỉ có 9 GW phục vụ 2,7% nhu cầu điện năng.

Nhưng chương trình hạt nhân của các quốc gia này sẽ đụng chạm đến vấn đề an toàn hạt nhân. Đài Loan ít tham vọng về năng lượng hạt nhân nhất ở vùng Đông Á, do phong trào chống đối dữ dội việc mở rộng chương trình hạt nhân diễn ra vào năm 2000. Tuy nhiên, Đài Loan vẫn có kế hoạch cho lò phản ứng hạt nhân thứ 4 vào năm 2011 và mong muốn xây dựng thêm 3 lò phản ứng mới cho 3 nhà máy đang tồn tại vào năm 2025.

Cả Nhật Bản và Đài Loan cũng đang khởi động chương trình năng lượng tái tạo như gió và mặt trời. Mặc dù vậy, hai chính quyền cũng cho biết trong tương lai, hai nguồn năng lượng gió và mặt trời sẽ quá đắt tiền và họ không thể không có năng lượng hạt nhân.

Chính quyền mới của Nhật Bản cam kết sẽ có một số chương trình cắt giảm khí thải carbon đầy tham vọng nhất thế giới. Thủ tướng Yukio Hatoyama có ý định cắt giảm đến 75% mức khí thải của năm 1999 vào năm 2025.

Katsuyuki Tada, quan chức về năng lượng hạt nhân của Nhật Bản, nói: "Chúng tôi nghĩ các nhà máy điện hạt nhân rất cần thiết để chống lại sự thay đổi khí hậu toàn cầu, bởi vì năng lượng hạt nhân không phát ra bất cứ carbon dioxide nào". Thủ tướng Nhật Bản cũng đồng tình với ý kiến đó.

Ngày 7/3, theo tờ Japan Times, thủ tướng nói với báo chí: "Mặc dù năng lượng hạt nhân đặt ra một số vấn đề về rác thải và tính an toàn, nhưng theo tôi thì đây là năng lượng chủ yếu để chống lại sự thay đổi khí hậu toàn cầu và giảm bớt carbon dioxide".

Ngoài việc cho xây dựng thêm những nhà máy hạt nhân mới và tăng khả năng của những lò phản ứng đang tồn tại, nước Nhật còn muốn có thêm 10% điện năng từ nguồn năng lượng gió và mặt trời. Katsuyuki Tada nói năng lượng hạt nhân có cái lợi là rẻ tiền hơn các nguồn năng lượng tái tạo khác: 4,8 đến 6,2 yen (khoảng 5 đến 7 cent) cho 1kw giờ, so với 10 đến 14 yen cho 1kw giờ khi sử dụng năng lượng gió; và 46 yen cho 1kw giờ đối với nguồn mặt trời.

Philip White, chuyên gia ở Trung tâm Thông tin hạt nhân cho công dân đặt tại Tokyo, nói: "Các nguồn năng lượng tái tạo như là gió và mặt trời thật ra không quá đắt đến thế. Hiện nay gió rẻ hơn hạt nhân. Mặt trời chẳng bao lâu nữa cũng sẽ rẻ hơn khi mà kinh tế và khoa học phát triển cao". Philip White cũng nói các nguồn năng lượng tái tạo có thể được sản xuất tại chỗ, ví dụ như hệ thống panel mặt trời lắp trên mái nhà, do đó có tính cạnh tranh cao hơn.

Các nhà hoạt động xã hội như Philip White đưa ra một số nghiên cứu - như là báo cáo về năng lượng hạt nhân ở Anh hay một nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) - Mỹ - để chứng minh những mặt hạn chế của năng lượng hạt nhân.  White nói: "Năng lượng hạt nhân là một trở ngại để giải quyết các vấn đề kết hợp với sự thay đổi khí hậu".

Nhà hoạt động chống hạt nhân Makoto Kondo cũng đồng ý với điều đó và ông nghi ngờ quan điểm cho rằng hạt nhân là nguồn năng lượng "sạch". Và ông nhấn mạnh rằng, năng lượng hạt nhân có thể gây nguy hiểm cao, nhất là tại một quốc gia thường xảy ra động đất như Nhật Bản.

Một trong những trận động đất lớn nhất mới đây, xảy ra năm 2007, đã làm đổ hơn 100 thùng chất thải hạt nhân trong một nhà máy, gây cháy và làm tuôn 1.200 lít nước cùng với một lượng nhỏ chất thải phóng xạ vào vùng biển Nhật Bản. Do những tai nạn này nọ cũng như sự tạm ngưng hoạt động sau vụ rùm beng làm giả báo cáo tại các nhà máy năng lượng hạt nhân khác cho nên các lò phản ứng của Nhật Bản hoạt động chỉ 58% công suất.

Kondo nói: "Chúng ta cần phát triển năng lượng sạch hơn, nhưng không phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân. Đó là cách duy nhất chống lại sự ấm lên toàn cầu. Tôi hy vọng một ngày nào đó chúng ta sẽ ngăn chặn được thế hệ hạt nhân. Chúng ta không được nhượng bộ".

Nhưng Đài Loan lựa chọn giải pháp năng lượng hạt nhân để cắt giảm khí thải carbon dioxide. Theo Vụ Năng lượng của Đài Loan, họ hy vọng sẽ có được 55% điện năng từ các nguồn "ít carbon" vào năm 2025. Do đó lựa chọn là năng lượng hạt nhân. Tu Yueh-yuan, người phát ngôn của Công ty Năng lượng nhà nước Taipower, nói: "Hạt nhân là nguồn năng lượng không carbon. Nếu không sử dụng hạt nhân, chúng ta buộc phải tăng nguồn cung từ các nhiên liệu hóa thạch".

Tu Yueh-yuan cho rằng Đài Loan cần xây dựng thêm 3 lò phản ứng hạt nhân mới bổ sung cho 3 nhà máy hạt nhân đang tồn tại. Đài Loan cũng cho rằng, năng lượng gió và mặt trời đắt tiền hơn năng lượng hạt nhân.

Tu  Yueh-yuan nói: "Ở Đài Loan, năng lượng gió đắt tiền hơn năng lượng hạt nhân. Mặt trời có đúng là ngày sẽ càng rẻ hơn nhưng không có nhiều đất cho các panel mặt trời. Trong khi đó phần đông người dân Đài Loan sống trong các chung cư cho nên cũng không có nhiều không gian mái nhà. Do đó, nếu chúng ta không sử dụng năng lượng hạt nhân thì sẽ phải làm gì?".

Nhưng Kao Cheng-yan có một vài ý tưởng về việc này. Anh đang học môn máy tính ở Đại học Madison, bang Wisconsin (Mỹ), khi tai nạn Three Mile Island (cù lao trên sông Susquehanna, gần Harrisburg, đông nam tiểu bang Pennsylvania, Mỹ) năm 1979 xảy ra. Cũng giống như nhiều người thuộc thế hệ của anh, tai nạn này - thậm chí còn tồi tệ hơn thảm họa Chernobyl năm 1986 - buộc anh phải chống lại việc sử dụng năng lượng hạt nhân.

Anh nói: "Vấn đề lớn nhất của chúng ta là cần phải cắt giảm sự tiêu thụ năng lượng". Với Kao thì năng lượng hạt nhân quá nguy hiểm, nhất là đối với khu vực thường xảy ra động đất như Đài Loan. Và, cũng giống như Mỹ và Nhật Bản, Đài Loan không tìm được chỗ để xử lý chất thải hạt nhân - thêm một lý do để chống lại việc phát triển các nhà máy năng lượng hạt nhân.

Anh nói: "Năng lượng hạt nhân không thể giải quyết vấn đề ấm lên toàn cầu. Chỉ có nguồn năng lượng tái tạo là có thể giải quyết vấn đề"

Diên San (tổng hợp)
.
.