Dự án khai thác năng lượng từ biển tại châu Âu

Thứ Tư, 17/02/2010, 15:00
Tại Anh và các quốc gia khác của châu Âu, các công ty đang ráo riết chuẩn bị sử dụng năng lượng từ sóng và thủy triều đại dương để sản xuất điện năng. Nước Anh hy vọng sẽ đáp ứng được 5% nhu cầu điện năng nước mình từ cơ sở khai thác năng lượng thủy triều đại dương.

Và Anh cũng muốn rằng, chẳng bao lâu nữa sẽ chiếm vị trí hàng đầu trong khai thác thủy triều để sản xuất năng lượng sạch. Chỉ một nhà máy duy nhất đủ cung cấp 5% nhu cầu điện năng trong nước, với sản lượng 8,6 gigawatt điện không khí thải CO2 - tương đương với khoảng 8 nhà máy điện hạt nhân (nhưng không có rác thải nguy hiểm).

Mức chênh lệch thủy triều ở cửa con sông Severn lớn nhất của nước Anh là 15m. Do đó hiện nay Anh muốn xây một dự án khổng lồ gọi là đập Severn. Đập sẽ ngăn giữ nước khi thủy triều lên cao và 216 turbine (mỗi cái có đường kính 9m) sẽ vận hành khi thủy triều xuống.

Những người phê phán dự án lo sợ hệ sinh thái sông Severn sẽ bị phá hủy và lưu ý đến vấn đề tài chính. Nhưng, năng lượng mặt trăng điều khiển sự lên xuống của thủy triều là nguồn vô tận - chính vì vậy mà rất nhiều người quan tâm đến dự án này.

Sức mạnh thủy triều cũng có thể là nguồn lợi cho nước Đức, theo Giáo sư Kai-Uwe Graw, khoa Công nghệ thủy lực, Đại học Leipzig. Giáo sư nói vận tốc thủy triều lên - quanh 3 m/giây là lý tưởng - có thể tìm thấy ở đảo Sylt gần biên giới Đức - Đan Mạch.

Một cảng nhỏ ở thành phố Mutriku, miền bắc Tây Ban Nha, sẽ là địa điểm của nhà máy năng lượng thủy triều đầu tiên trên thế giới.

Giáo sư Graw bắt đầu nhận thức về khả năng tiềm tàng của năng lượng thủy triều từ thập niên 90 thế kỷ XX. Theo ông, các nhà máy điện thủy triều có thể dễ dàng tương hợp với những nỗ lực bảo vệ vùng duyên hải. Một lợi ích khác là các nhà máy khai thác năng lượng thủy triều sẽ giúp làm giảm bớt sự xói mòn bãi biển và bờ biển.

Có một trở ngại quan trọng là các turbine, đặt ngầm dưới nước, sẽ bị áp lực rất lớn khi sức nước tác động lên các cánh quạt rotor - sức ép có thể biến đổi tại những phần khác nhau của thiết bị và do đó đòi hỏi phải có thiết kế bền vững cao. Các rotor cũng đối mặt với hướng thay đổi luồng thủy triều để sản xuất năng lượng tối ưu nhất.

Hiệu quả của công nghệ hiện nay được chứng minh qua nhà máy điện thủy triều SeaGen dọc theo vịnh Strangford trên bờ biển Bắc Ireland, hoạt động từ mùa hè 2008. Tại nhà máy, hệ thống thiết bị hoạt động tương tự như cối xay gió dưới nước. Các cánh quạt rotor hoạt động nhờ sức mạnh thủy triều, với tốc độ 2,4m/giây.

Hai rotor có đường kính 16m mỗi cái có thể sản xuất ra 1,2 megawatt ở tốc độ thủy triều này - đủ cung cấp điện cho khoảng 1.000 căn hộ gia đình. Hiện thời, SeaGen là nhà máy điện thủy triều mạnh nhất thế giới. Để so sánh, một turbine gió lớn có khả năng sản xuất 5 megawatt điện. Công ty Voith Hydro ở thành phố Heidenheim nước Đức đề nghị giải pháp nguyên mẫu của một nhà máy điện thủy triều vào cuối năm 2010.

Các cánh quạt trên nguyên mẫu trông giống như chân vịt của xuồng máy hơn là cối xay gió, và chúng được thiết kế một cách đối xứng để không bị thay đổi vị trí trong khi thủy triều lên và xuống. Nguyên mẫu là một phần của dự án trạm năng lượng ngoài khơi Hàn Quốc.

Trong dự án này, các turbine sẽ sản xuất tổng cộng 600 megawatt điện - tương đương một nhà máy nhỏ vận hành bằng than đá - đủ cung cấp cho khoảng 400.000 hộ gia đình người Hàn Quốc.

Một mô hình nhà máy khai thác năng lượng sóng biển: những cái ống khổng lồ này di chuyển, giống như những con rắn, khi chúng sản xuất ra điện từ sóng đại dương.

Dự án thử nghiệm cũng được lên kế hoạch cho châu Âu. Điểm mấu chốt căn bản đối với năng lượng thủy triều ngay bây giờ là sự bảo vệ môi trường. Các chuyên gia từng chia rẽ nhau về vấn đề tác động môi trường của các trạm điện thủy triều. Nhưng thế hệ các turbine đại dương hiện nay thân thiện với môi trường hơn các nhà máy điện thủy triều trước đây. Khi nhà máy điện thủy triều lớn ở Saint-Malo (Pháp), tại cửa sông Rance, đi vào hoạt động năm 1966, nó đã gây tổn hại đáng kể cho đời sống động - thực  vật.

Nhưng với thế hệ mới nhất của các hệ thống khai thác năng lượng thủy triều, cá và các loài khác có thể dễ dàng tránh được các hệ thống thiết bị ngầm bằng cách bơi vòng quanh chúng. Ngoài ra, các hệ thống thiết bị này cũng không ảnh hưởng đến vùng bờ biển do các turbine được neo chặt dưới đáy biển.

Nhưng về mặt giá cả, nhà máy điện thủy triều vẫn chưa có tính cạnh tranh cao, khá đắt tiền - thậm chí có thể so sánh với các năng lượng tái tạo. Theo tính toán của Chính phủ Anh, điện thu được từ dự án đập Severn sẽ có giá khoảng 317 bảng Anh (352 euro/503 USD)/megawatt giờ.

Để so sánh: năng lượng gió ngoài khơi có giá khoảng 85 bảng Anh/megawatt giờ. Mặc dù vậy, năng lượng thủy triều vẫn có ý nghĩa để người ta theo đuổi sáng tạo công nghệ

Thục Miên (tổng hợp)
.
.