Dự án mạng Internet liên hành tinh

Thứ Ba, 15/12/2009, 21:50

Sự phát triển của internet đã mang lại kết nối thông tin rộng rãi cho cuộc sống của con người trên trái đất. Chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi xuất hiện, internet đã được kết nối toàn cầu, song không chỉ dừng lại ở đó, các nhà khoa học đang tiếp tục phát triển internet với quy mô kết nối lớn hơn nữa. Điều này đã và đang mở ra hướng phát triển đầy triển vọng cho mạng internet liên hành tinh.

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ - NASA là trung tâm  đầu tiên đưa ra ý tưởng về việc đưa vào thử nghiệm mạng Internet liên hành tinh. Mô hình kết nối này xuất phát từ yêu cầu thực tế trong việc kết nối thông tin giữa trái đất, các tàu vũ trụ và các phi hành gia. Tuy nhiên, trong thực tế, việc kết nối thông tin giữa các con tàu vũ trụ khi ra khỏi quỹ đạo trái đất với các trạm điều khiển ở trái đất là một vấn đề nan giải đối với các nhà khoa học nghiên cứu vũ trụ. 

Những công việc đầu tiên

Sự ra đời của mạng Internet liên hành tinh không thể không kể đến công lao của những người đầu tiên đưa ra ý tưởng và góp phần quan trọng vào việc tạo ra mạng Internet. Cuộc thí nghiệm đầu tiên của NASA về mở rộng mạng Internet lên quy mô liên hành tinh (năm 1999) cũng có sự tham gia của Vinton Cerf - người được xem là cha đẻ của mạng Internet toàn cầu ngày nay. 

Tuy nhiên, đối với việc liên lạc giữa vũ trụ và trái đất, thì dù hiện tượng mất dữ liệu có xảy ra, người ta cũng không thể phát hiện ra hoặc sẽ phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới có thể phát hiện ra, do đó các nhà khoa học NASA buộc phải tính đến một phương thức mới giúp truyền dữ liệu hiệu quả và đảm bảo an toàn hơn. Đó cũng là một trong những công việc quan trọng và cần thiết đầu tiên đối với công trình mạng Internet liên hành tinh.

Yếu tố thứ hai được tính đến theo như Tiến sĩ Adrian Hooke - người đứng đầu dự án - đó là khoảng cách của sự kết nối. Hệ thống mạng Internet không dây xuyên hành tinh dường như gặp phải rất nhiều khó khăn bởi các trung tâm thu phát sóng đặt bên ngoài trái đất luôn vận động không ngừng trong quỹ đạo, do đó vị trí của những cột thu phát sóng này liên tục thay đổi, tất yếu dẫn đến mất ổn định sóng mạng Internet liên hành tinh. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã phần nào giải quyết được những yêu cầu đã và đang đặt ra cho công trình mạng Internet xuyên hành tinh, đồng thời đang đẩy kế hoạch này tiến đến gần hơn bao giờ hết.

Chặn trước nguy cơ hacker

Cũng giống như mạng Internet thông thường, một trong những yếu tố được xem là đáng ngại nhất đó là nguy cơ bị tấn công bởi các hacker. Nếu như việc kết nối được mở rộng, thì nguy cơ bị tấn công bởi những kẻ tò mò và hiếu kỳ hoặc những kẻ mưu đồ phá hoại là điều không thể tránh khỏi. Để phòng ngừa sự xâm nhập của hacker, một phương thức mới có tên gọi DTN (delay - tolerant - networking) sẽ được ứng dụng cho mạng Internet liên hành tinh.

Theo phương thức mới, mỗi nút mạng sẽ liên tục lưu giữ các thông tin cho tới khi nó được kết nối và truyền được thành công các thông tin đó đến một nút mạng khác, đồng thời toàn bộ quá trình truyền dữ liệu đều được mã hóa để đảm bảo giữ bí mật thông tin. Cũng theo cách thức này sẽ hạn chế được nguy cơ mất dữ liệu một cách tối đa.

Theo Tiến sĩ Hooke, mục tiêu của các nhà khoa học NASA là đến cuối năm 2011, phương thức truyền dữ liệu mới sẽ chính thức được đưa vào ứng dụng cho việc kết nối thông tin giữa các tàu vũ trụ. Hiện mục tiêu gần nhất của nhóm các nhà khoa học là lắp đặt hệ thống truyền dữ liệu theo phương thức DTN cho trạm vũ trụ quốc tế

Minh Ngọc (tổng hợp)
.
.