Dự án não nhân tạo ngừa liệt rung và mất trí

Thứ Tư, 14/05/2014, 15:20

Markram - nhà thần kinh học của Đại học Écloe Polytechnique Féderale ở Lausanne, Thụy điển đang điều hành một dự án nghiên cứu với sự tham gia của đội ngũ gồm các nhà khoa học đến từ 9 nước châu Âu. Dự án này đang hướng tới việc tạo nên một siêu máy tính có khả năng mô phỏng hoạt động của não bộ. Các nhà khoa học hy vọng, những kết quả thu được có thể đem lại những bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống lại căn bệnh mất trí và bệnh liệt rung, đồng thời có thể mô phỏng, thay thế hoạt động của bộ não mỗi cá nhân giúp con người bất tử…

Với quy mô của dự án, chắc chắn Markram và nhóm của ông sẽ cần một nguồn tài trợ vô cùng lớn. Và hiện những cố gắng xin hỗ trợ đang tập trung vào chương trình trợ cấp của Liên minh châu Âu. Không ít hơn 1 tỉ euro (1,42 tỉ USD), sẽ được giải ngân trong vòng hơn 10 năm. 10 thành viên khác cũng đang cố gắng để có được nguồn vốn từ Brussels, Bỉ.

Một trong những kỳ vọng của dự án là có thể tìm ra cách thức điều trị căn bệnh mất trí và liệt rung cho đến nay vẫn còn là mối bận tâm của nhân loại. Cách đây không lâu, một dự án nghiên cứu về bộ gien người đã từng được triển khai nhưng kết quả đem lại rất khiêm tốn.

Vỏ não là vùng mà các nhà khoa học quan tâm tới nhiều nhất, bởi đây là cơ sở để chúng ta có thể chú ý và tìm ra giải pháp khi gặp những biến đổi của môi trường. Phần lớn những gì chúng ta nhìn thấy không đi vào não bộ qua thị giác, thay vào đó nó dựa trên những ấn tượng, kinh nghiệm và quyết định của bộ não mỗi người.

Markham đã từng thành công với dự án "Não bộ xanh", một nỗ lực để hiểu và mô hình hóa bộ não của động vật có vú. Ông đã tạo được mô hình một phần nhỏ bộ não của loài chuột.

Markram với hệ thống máy tính mô phỏng não nhân tạo.

Lớp vỏ não của chúng ta hoạt động như một chiếc piano khổng lồ với hàng triệu phím, mỗi phím sẽ tương ứng với một giai điệu. Khi chúng ta giao tiếp, các phím này sẽ cùng phối hợp để tạo ra một bản giao hưởng thông tin.

Điều quan trọng là hiểu được quy tắc giao tiếp giữa những tế bào thần kinh. Những tế bào thần kinh đơn lẻ không giao tiếp với nhau một cách ngẫu nhiên mà sẽ tìm kiếm đối tác giao tiếp với một mục tiêu được định trước. Trục của những tế bào này giao nhau tại hàng triệu điểm, đó là nơi mà chúng sẽ tạo ra các khớp thần kinh. Điều này làm cho việc giao tiếp giữa 2 nơron xảy ra.

Trong một bài báo gần đây trên tờ Những tiến bộ khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, Markram cho rằng, những mối liên hệ này cũng được phát triển một cách toàn diện ngay cả trong trường hợp được cách ly. Điều này có thể cho chúng ta biết về một loại trí tuệ bẩm sinh của con người.

Việc mô hình hóa tất cả những điều trên trong một chiếc máy tính là vô cùng phức tạp. Mô hình hiện tại của Markram bao gồm hàng chục ngàn tế bào thần kinh. Nhưng điều này vẫn chưa đủ để vén lên bức màn bí mật về não bộ. Để làm được điều trên, các nhà khoa học phải xây dựng nên những mô hình riêng biệt, sau đó tập hợp chúng lại để tạo ra một mô hình hoàn chỉnh.

Siêu máy tính của Trung tâm Nghiên cứu Julich gần Cologne, Đức đang được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình này. Các mẫu mô phỏng não bộ sẽ đòi hỏi một trữ lượng lưu trữ thông tin khổng lồ. Một trong những thách thức cho các nhà khoa học tại đây là làm cách nào để quá trình làm việc của máy tính sẽ chỉ còn là một phần của thông tin trong mỗi lần xử lý, nhưng sẽ không làm mất thông tin những phần còn lại.

Các nhà khoa học cũng phải phát triển phương pháp hình ảnh không gian ba chiều lớn để có thể mô tả một khối lượng thông tin lớn đến như vậy

V.Nguyễn - H.C. (theo Spiegel)
.
.