Dự báo “Siêu khủng hoảng” năm 2020

Thứ Hai, 01/10/2018, 17:21
Dấu hiệu về một cuộc khủng hoảng tài chính mới lại xuất hiện và ngày càng rõ nét. Các chuyên gia dự báo, sau cuộc khủng hoảng tồi tệ vào năm 2008, 12 năm sau, vào năm 2020, rất có thể thế giới sẽ phải đối mặt với những cú sốc kinh tế mà các chuyên gia của ngân hàng hàng đầu Mỹ JPMorgan Chase gọi là “siêu khủng hoảng”.

Bất ổn quy mô lớn

10 năm nhìn lại, các chuyên gia kinh tế Mỹ nhận định: Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 tại Mỹ lan rộng ra toàn cầu là một thảm họa “có thể tránh được nếu không có sự thất bại sâu rộng trong công tác điều hành của chính phủ, sự quản lý sai lầm của doanh nghiệp và hành vi mạo hiểm hết sức bất cẩn của giới kinh doanh tài chính”.

Các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Mỹ kết luận: Chúng ta đã để hệ thống tài chính phát triển nhanh hơn các biện pháp bảo vệ mà chúng ta đưa ra trong các cuộc đại suy thoái và khiến cho hệ thống trở nên rất dễ vỡ và dễ bị tổn thương.

Theo dự báo của Công ty Dịch vụ tài chính và đầu tư ngân hàng đa diện Mỹ JPMorgan Chase, thế giới sẽ phải đối mặt với hàng loạt vụ bạo loạn và gián đoạn trong hoạt động cung cấp lương thực. Dự báo trên được đưa ra đúng vào dịp tròn 10 năm ngân hàng đầu tư Lehman Brothers sụp đổ và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn đến suy thoái dài hạn.

Dấu hiệu về cơn bão khủng hoảng mới đang hình thành. Ảnh: wsj.com.

Kể từ đó, các nhà tài chính thiết lập những mô hình khác nhau nhằm dự báo về thời điểm và mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo mà thế giới sẽ hứng chịu, xác định chu kỳ lặp lại trong nền kinh tế. Các chuyên gia của JPMorgan Chase dựa trên mô hình riêng và rút ra kết luận rằng một sự sụp đổ sẽ diễn ra vào đầu năm 2020.

Mô hình của họ dựa trên các yếu tố gồm quãng thời gian tăng trưởng kinh tế, độ dài dự báo của cuộc suy thoái tiếp theo, mức độ vay nợ, định giá tài sản và mức độ nới lỏng các quy chế giám sát và mức độ sáng tạo tài chính. Các nhà phân tích của ngân hàng này lưu ý rằng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chỉ số S&P 500 trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm 54% từ đỉnh.

Như dự đoán, lần khủng hoảng tiếp theo có thể gây ít tác động tiêu cực hơn so với những lần khủng hoảng trước bởi giá trị tài sản ở các nước đang phát triển hiện nay là thấp hơn nhiều so với năm 2008.

Chiến lược gia Marko Kolanovic của JPMorgan Chase cho rằng, sự dịch chuyển mạnh mẽ khỏi hoạt động quản lý tài sản chủ động sang quản lý thụ động, thông qua sự nổi lên của các quỹ chỉ số, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) và các chiến lược giao dịch dựa trên định lương đã làm gia tăng mức độ nguy hiểm của sự gián đoạn thị trường.

Kolanovic chỉ ra rằng suy giảm thanh khoản trên thị trường chứng khoán Mỹ hiện vẫn ở khoảng 2/3 dưới mức trước khủng hoảng. Tính thanh khoản trên các thị trường thu nhập cố định đã xấu đi do các ngân hàng đang đóng một vai trò nhỏ hơn như các nhà sản xuất thị trường.

Các nhà phân tích của ngân hàng bình luận: "Các sự kiện thị trường sau cú sốc 2008 đã dẫn đến suy giảm thanh khoản trên thị trường tài chính toàn cầu, nhân tố này có thể trở thành một tính năng chính kích động cuộc khủng hoảng tiếp theo”.

Suy giảm thanh khoản trong đầu tư thụ động lại tăng là nguyên nhân làm suy yếu khả năng của thị trường trong việc ngăn chặn đà sụt giảm mạnh khi biến động gia tăng. Các nhà phân tích cho rằng việc thay đổi cấu trúc của thị trường cho vay thế chấp tại Mỹ tiềm tàng rủi ro lớn, cụ thể là tỷ lệ các khoản vay thế chấp phi ngân hàng tăng đến 80% (trước cuộc khủng hoảng chỉ chiếm ít hơn 20%).

Các tổ chức tín dụng phi ngân hàng thường ít vốn hơn so với các ngân hàng. Ngoài ra, không có cơ chế rõ ràng để xác định ai có thể đảm nhận vai trò nhà cung cấp dịch vụ phi ngân hàng nếu tổ chức tín dụng dừng kinh doanh.

Biểu tượng của sự sụp đổ hệ thống tài chính năm 2008. Ảnh: Fortune.

Câu hỏi đặt ra là khi nào cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ chính thức khởi phát? Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CNBC của Mỹ, chiến lược gia Marko Kolanovic cho rằng xác suất bùng phát một cuộc khủng hoảng trong nửa cuối năm 2019 vẫn khá thấp.

Nguy cơ tái diễn khủng hoảng có thể được xác định chủ yếu bằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất như thế nào và cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc cũng có thể kích động cũng như trì hoãn cuộc khủng hoảng sắp tới.

Trên thực tế, trước đây các chuyên gia của ngân hàng Mỹ Merrill Lynch cũng đã cảnh báo rằng lãi suất tăng có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới. Trong suốt năm 2018, thị trường chứng khoán của các thị trường mới nổi rất nhộn nhịp do FED tăng lãi suất để củng cố đồng USD. Theo các nhà phân tích của ngân hàng, tình hình hiện nay rất giống với những gì đã xảy ra 2 thập niên trước khi các nhà đầu tư ồ ạt rút vốn khỏi các thị trường mới nổi.

Trong khi đó, Bank of America coi chính sách bảo hộ của Washington là mối đe dọa lớn đối với sự ổn định kinh tế thế giới. Các cuộc chiến thương mại gây ra những tổn thất lớn cho thương mại quốc tế, ảnh hưởng đến giá cả và khả năng tiếp cận các sản phẩm trong chuỗi cung ứng, điều này gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu.

Nhà phân tích chiến lược đầu tư nổi tiếng của Mỹ James Rickards cho rằng đà tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Mỹ và châu Âu có thể dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, tương tự như những gì đã xảy ra trong năm 1929 và sau đó suy thoái kinh tế kéo dài trên thế giới là điều khó tránh khỏi.

Các chuyên gia của JPMorgan Chase cũng cảnh báo rằng, khác với cuộc khủng hoảng 10 năm trước, cuộc khủng hoảng mới sẽ gây ra tình trạng bất ổn quy mô lớn, đặc biệt ở Mỹ. Theo chiến lược gia Kolanovic, yếu tố góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng này là sự phổ biến của mạng Internet và các mạng xã hội, trong khi các sự kiện chính trị như cuộc bầu cử tại Mỹ và Brexit sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa.

Theo giới phân tích, nếu các ngân hàng trung ương tìm được giải pháp để ngăn chặn sự suy giảm mạnh giá trị tài sản, người ta có thể giảm bớt phần nào những hệ quả nặng nề. Nếu không, thế giới có thể sẽ phải đối mặt tình trạng bất ổn và “những thay đổi theo hướng cực kỳ tiêu cực”.

10 năm sau khủng hoảng tài chính, thế giới tiếp tục đứng trước nguy cơ về cơn bão khủng hoảng mới. Ảnh: diplomatic-corporate-services.si.

Nguy cơ tiềm ẩn

Theo báo cáo công bố ngày 26-9 của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu có dấu hiệu lung lay với các cuộc chiến thương mại và nguy cơ bất ổn sâu hơn. Báo cáo năm 2018 về "Thương mại và phát triển: Quyền lực, nền tảng và ảo tưởng thương mại tự do" đã cảnh báo kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục hoạt động dưới mức tiềm năng.

Một thập niên sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, các nước đã thất bại trong việc thay đổi chính sách để ngăn ngừa nguy cơ khủng hoảng tái diễn, thay vào đó cho phép nợ và các thể chế tài chính khổng lồ phát triển một cách thiếu kiểm soát. Báo cáo nêu rõ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang là dấu hiệu xuống cấp của hệ thống kinh tế và cơ chế đa phương. Đây được xem là vòng luẩn quẩn về bất bình đẳng và sự gắn bó mật thiết giữa quyền lợi chính trị và tiền bạc của các tập đoàn.

Tổng Thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi nhận định kinh tế toàn cầu đang chịu nhiều áp lực, bao gồm việc tăng thuế quan, các dòng tài chính bất ổn. Tuy nhiên, đằng sau các mối đe dọa sự ổn định toàn cầu này là thất bại lớn hơn trong việc giải quyết bất bình đẳng và mất cân bằng trong một thế giới đang ngày càng toàn cầu hóa.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008, thay vì giải quyết gốc rễ nguyên nhân, thế giới đã cho phép các thể chế tài chính lớn mạnh hơn, trong khi các ngân hàng "ngầm" tăng trưởng lên tới 160.000 tỷ USD, gấp đôi quy mô kinh tế toàn cầu. Báo cáo chỉ ra rằng cổ phiếu nợ đã tăng lên gần 250.000 tỷ USD, gấp 3 lần tổng thu nhập của thế giới và cao hơn 50% so với giai đoạn xảy ra khủng hoảng.

Sau sự kiện sụp đổ của hệ thống tài chính, ngân hàng thế giới đã rút ra nhiều bài học. Ảnh: The Best Wall.

Người đứng đầu mảng chiến lược phát triển và toàn cầu hóa UNCTAD Richard Kozul-Wright cảnh báo lịch sử đã chứng minh các bong bóng do nợ gây nên đều luôn dẫn tới những hậu quả rất tồi tệ. Nợ cao gắn liền với sự gia tăng bất bình đẳng khi mà ảnh hưởng của các thể chế tài chính cũng tăng lên và số lượng doanh nghiệp lớn giảm đi.

Ông Kozul-Wright đánh giá 1% số các tập đoàn lớn kiểm soát hơn 50% giao dịch thương mại thế giới. Điều này là rất đáng quan ngại vì các "đại gia" chính là nguồn cơn gây ra sự bất bình đẳng trong thế giới tài chính hóa ngày nay.

Trong khi đó, lòng tin vào hệ thống lại suy giảm nghiêm trọng khi các thể chế tài chính gây ra khủng hoảng lại không phải chịu trách nhiệm và thậm chí kiếm thêm lợi nhuận từ việc này. Ông Kozul-Wright tin rằng chiến tranh thương mại đã phản ánh sự thiếu lòng tin trên khắp hệ thống chính trị. Trong khi đó, UNCTAD cảnh báo rằng các đòn đáp trả thương mại gần đây sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng không chỉ với thương mại.

10 năm sau, nguy cơ một cuộc đại suy thoái lại manh nha. Mọi điều tốt đẹp mới xuất hiện có vẻ như đã chấm dứt kể từ khi xảy ra cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Chuyên gia kinh tế Mark Mobius, người đã có nhiều năm kinh nghiệm ở các quốc gia đang phát triển cho rằng, chiến tranh thương mại chỉ là màn khởi đầu cho khủng hoảng tài chính. Một cuộc khủng hoảng tài chính trên phạm vi toàn thế giới đang dần hiện lên ở phía chân trời.

"Không sớm thì muộn, khủng hoảng tài chính cũng sẽ xảy ra. Phải nhớ rằng chúng ta sắp chấm dứt thời kỳ tiền giá rẻ tràn ngập", Mobius nói trong một lần trả lời phỏng vấn ở Singapore.

Hãng tin CNBC, Korea Investment Corporation - một tổ chức uy tín của Hàn Quốc mới đây đã cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, cùng với sự bất ổn ở thị trường mới nổi, có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới. Về nhận định không mấy tốt đẹp trên, tỷ phú Bill Gates cũng có cùng quan điểm: Khủng hoảng tài chính 2008 chắc chắn sẽ quay trở lại.

Những người chèo lái kinh tế Mỹ trong cơn bão tài chính năm 2008 gồm cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, Henry Paulson, cùng Timothy Geithner, và cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke trong lần “hội ngộ” mới đây cũng nhất trí rằng hệ thống ngân hàng giờ đã vững vàng hơn nhiều so với trước nhưng thâm hụt ngân sách lớn ở Mỹ và đống nợ đang phình to ra, dự kiến sẽ đạt 33 nghìn tỷ USD vào năm 2028, cùng với cái mà họ gọi là hệ thống chính trị "bất thường" của Mỹ có thể gây rắc rối nếu một cuộc khủng hoảng tài chính khác lại tấn công một lần nữa.

Tại sao lại xuất hiện những dự báo như vậy? Hãng tin CNN phân tích: Tổng thống Donald Trump đang là nhân vật chính khiến trật tự thế giới thay đổi. Những thay đổi này đang làm lung lay “niềm tin” của thế giới khi ông Trump đang từng bước thực hiện các cam kết của mình là rút Mỹ khỏi các hiệp định toàn cầu mà nước này từng thúc đẩy như Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu; Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA); Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); cũng như đặt câu hỏi về vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)...

Ngoài nguyên nhân từ nền kinh tế Mỹ, các chuyên gia cũng dự báo một số nguyên nhân có thể là quả bom kích nổ cuộc khủng hoảng mới. Thứ nhất là nợ công và nợ thương mại đang ở mức báo động. Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng mới. Chúng ta có thể sẽ không thấy sự tái xuất hiện những trường hợp phá sản các ngân hàng như trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng năm 2008. Nhưng chúng ta đang chứng kiến nợ công tăng khủng khiếp kể cả ở Mỹ, Anh, Nhật Bản, Italy và giờ là Mỹ Latinh...

Quá trình tích lũy nợ công này không thể dừng lại rồi sẽ tới lúc “phát nổ”. Thứ hai là tình trạng mất lòng tin của các nhà đầu tư và cuối cùng là vì các công ty trong lĩnh vực công nghệ mới và các tổ chức tài chính phi ngân hàng phớt lờ các quy tắc của thị trường. Cuộc khủng hoảng tiếp theo có thể sẽ khác, có thể là do các công ty trong lĩnh vực công nghệ mới và các tổ chức tài chính phi ngân hàng đang hoạt động bất chấp các quy tắc của thị trường.

10 nhìn lại những bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Theo nhận định của Hãng Smith's Research & Gradings, thế giới đang đứng trước nguy cơ tái diễn cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 10 năm. Đúng như ông trùm đầu cơ George Soros cảnh báo: "Chúng ta có thể đang tiến gần một cuộc khủng hoảng tài chính lớn khác".

Nguyễn Hòa
.
.