Du lịch bụi: Hai mảng sáng – tối

Thứ Ba, 14/10/2014, 11:15

Có lẽ chưa bao giờ phong trào du lịch bụi của giới trẻ lại đạt đến thời "cực thịnh" như hiện nay. Họ gọi là đi "phượt", từ lóng này vốn xuất phát từ một diễn đàn du lịch trên mạng từ nhiều năm trước để miêu tả việc xê dịch du lịch bụi, phủi và tốn cực ít chi phí, vô cùng thích hợp với giới sinh viên.

Phong trào "phượt" phát triển mạnh ở khu vực phía Bắc bởi những chuyến đi chinh phục đây đó thường gắn liền với núi rừng thiên nhiên hùng vĩ từ Tây Bắc sang Đông Bắc của Tổ quốc. Thời điểm vàng để đi thường rơi vào dịp cận cuối năm thời tiết thuận lợi, khi những thửa ruộng bậc thang chín vàng ngút ngàn, hoa lê hoa mận nở trắng rừng… Từng nhóm thanh niên áo đỏ sao vàng, cổ quấn khăn rằn, lỉnh kỉnh lều túi, điếu cày hăm hở từng đoàn từ vài xe đến vài chục xe gắn máy phăm phăm đổ về Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái mỗi dịp cuối tuần…

Một cách sòng phẳng nhìn nhận về hiện tượng đi "phượt", có thể khẳng định luôn đây là một niềm đam mê mang lại nhiều điều bổ ích cho giới trẻ mê "chủ nghĩa xê dịch". Mỗi cung đường, những buổi sinh hoạt tập thể, giao thoa văn hóa vùng miền là những trải nghiệm thật khó quên cho các thành viên trong đoàn.

Thế nhưng sự hiếu động, thiếu hiểu biết, a dua đám đông của không ít nhóm du lịch trẻ để lại nhiều tai tiếng trong cộng đồng. Nhất là về khoản trèo leo di tích, phá phách ruộng vườn, nông sản của nông dân miền núi. Nhìn những bức hình ghi lại vườn tược tan hoang bởi những bước chân sau khi các bạn "ghé thăm" chụp ảnh lưu niệm mới thấy thảm cảnh gây ra bởi sự thiếu ý thức.

Một mẫu tuyên ngôn khá nổi tiếng của dân "phượt" được treo trang trọng trên nhiều diễn đàn: "Không lấy gì ngoài những tấm ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân". Về đại ý câu tuyên ngôn là tốt nhưng có lẽ nên ghi chú thêm: "Dấu chân không nên ở trên ruộng nông sản dân nghèo”.

Sự an toàn, văn hóa ứng xử trong mỗi nhóm hầu hết đều phụ thuộc vào trưởng nhóm (leader) định hướng cho các thành viên. Nhưng chính sự dễ dãi kết nối của mạng xã hội tập hợp nhau cho đủ người, đi càng đông càng rẻ vô hình trung lại phá đi sức mạnh tập thể do hiểu nhau quá ít, mà đó lại chính là điều không thể thiếu của bạn đồng hành.

Nhóm phượt Phong Vân.

Năm nào trên mạng cũng có những chủ đề chia buồn, những bài viết chia sẻ kinh nghiệm đi đường, những bài học đắt giá phải đánh đổi bằng chính sinh mạng những kẻ có máu phiêu du. Nhưng tất cả chỉ một thời gian ngắn đều rơi vào quên lãng. Khi mà phong trào du lịch "phượt" đang nở rộ và biến tướng một cách khó kiểm soát như hiện nay, không phải ai mới tham gia trào lưu này trong giới trẻ cũng được trang bị những kiến thức đi đường sơ đẳng, những trang bị cần thiết cho một chuyến đi.

Trong danh sách đau lòng của những nạn nhân, có cả những người dày dạn kinh nghiệm đi xe nhiều năm. Không ai có thể nói trước được điều gì sẽ xảy đến với mình trên đường với tình hình đường sá và ý thức tham gia giao thông như hiện nay.

 Giới "phượt" giờ khác xưa nhiều, nó biến chất, gập ghềnh và đầy rẫy thị phi. Mới chỉ cách đây vài năm thôi, khi mạng xã hội Facebook chưa phát triển mạnh như bây giờ, các leader, các nhóm hầu như biết nhau hết, nhóm nào đi đâu ai cũng biết, nhìn nhau trên đường cũng đoán ra "nhà nào" bởi quanh quẩn chỉ có 2 nơi tập trung nhiều "dân đi" nhất là box Du lịch mạng Trí tuệ Việt Nam online và diễn đàn Phuot.vn".

Ngọc Sáng là một trưởng nhóm trẻ khá nổi tiếng tâm sự: "Anh em gặp nhau tay bắt mặt mừng, bữa tối mời nhau chén rượu khề khà kể chuyện trên đường rồi hôm sau lại tỏa đi tứ phía. Ngày trở về lại í ới nhau viết hồi ký và chia sẻ ảnh để biết nhau đã về an toàn. Ngày đó giờ đã xa, sợi dây kết nối năm xưa đã đứt. Giờ trên Facebook hẳn chẳng ai có thể thống kê nổi hàng trăm nhóm tự phát đang hàng tuần, hàng tháng kêu gọi rủ rê thành viên đi chơi với những leader non trẻ thiếu kinh nghiệm nhưng vẫn nhận đoàn có khi lên đến hàng chục xe.

Nhiều khi trên đường thoáng bắt gặp những chiếc xe dán phản quang phía sau xe và trên mũ, tôi chỉ thầm nghĩ mong sao họ được dẫn dắt bởi những leader thực sự có tâm, lo lắng an nguy và sức khỏe cho cả đoàn, để những chuyến đi khám phá những miền đất lạ mãi là những kỷ niệm đẹp chứ không phải là nỗi ám ảnh hay là vết đen, nỗi dằn vặt suốt cuộc đời còn lại. Đừng để khi những sự việc đáng tiếc xảy ra mới thấm thía và thốt lên hai từ "giá mà". Đừng để điểm đến cuối cùng của chuyến đi lại là bệnh xá, hay tồi tệ hơn nữa là những nơi lạnh lẽo mà chẳng ai muốn đến".

Vượt chướng ngại.

Chính sự phát triển phong trào đến mức khó kiểm soát đó thì bắt đầu nảy sinh ra cơ hội cho những kẻ lừa đảo. Thủ đoạn cực đơn giản, tạo ra một vài cái tài khoản trên mạng xã hội rồi kêu gọi, rủ rê các thành viên khác tham gia. Các tài khoản "âm binh" giả mạo sẽ vào khen ngợi những chuyến đi tưởng tượng nào đó và thông báo đã nộp tiền để tham gia chuyến đi mới. Trò "rắc thính" này tuy đã rất lạc hậu nhưng không phải ai cũng biết, tiền nộp qua chuyển khoản chỉ vài trăm ngàn nhưng nhân với số lượng lớn người thì cũng là một số tiền không hề nhỏ, nhất là đối với sinh viên.

Đôi khi để tạo lòng tin, một vài tay "leader" rởm cao tay cũng tổ chức đi hoành tráng một vài lần rồi mới giở trò ma mãnh. Phổ biến nhất là vay mượn, trộm cắp tài sản có giá trị như điện thoại, máy ảnh… rồi “bốc hơi”.

Mới đây, một nhóm Việt kiều Mỹ trở về Việt Nam và cũng qua quen biết trên mạng nhờ một "leader" khá có tiếng dẫn đường đi "phượt" trải nghiệm kết hợp chụp hình tại Hà Giang. Chuyến đi kết thúc tốt đẹp cho đến khi một thành viên phát hiện mất ví, trong đó có hơn 1.000 USD tiền mặt và nhiều thẻ tín dụng.

Vấn đề nảy sinh khi thẻ tín dụng của thành viên trên phát sinh 2 giao dịch tại Hà Nội sau đó. Cô này tức tốc nhờ ngân hàng truy vấn và gây sức ép với cửa hàng nơi bán đồ cung cấp đoạn băng an ninh ghi hình người thanh toán thẻ. Thật bất ngờ chính là gã trai trẻ trưởng đoàn. Hắn chỉ nhận lỗi khi được xem đoạn clip và hứa hoàn trả tiền. Đoàn "phượt" này đã cho gã một cơ hội là không báo cơ quan pháp luật, phải chăng chính những điều thông cảm thương xót này sẽ góp phần sản sinh ra thêm những kẻ trộm cắp thời hiện đại?

Cứu cánh cho hình ảnh về dân "phượt" gần đây nhất không thể không kể đến những nghĩa cử đẹp của đoàn "phượt" Phong Vân. Nhóm 18 bạn trẻ đến từ nhiều vùng quê khác nhau là những người đầu tiên đã không quản ngại nguy hiểm đêm tối lao xuống vực sâu để sơ cứu, giúp đỡ cho những nạn nhân trong vụ tai nạn thương tâm ở Sapa, Lào Cai hôm 1/9 vừa qua.

Trong buổi gặp gỡ, trao tặng bằng khen cho nhóm Phong Vân tại Hà Nội. Thừa nhận từng nghĩ không tốt về dân “phượt” nhưng Bộ trưởng Giao thông cho hay, khi chứng kiến những gì họ đã làm sau vụ tai nạn xe khách tại Lào Cai, ông đã thay đổi quan điểm. Hội Chữ thập đỏ sau đó cũng mở một lớp đào tạo về sơ cứu y tế cho nhóm Phong Vân.

Hy vọng đây là một tín hiệu tốt về ý thức, văn hóa "phượt" cần được nhân rộng trong giới trẻ đam mê du lịch “bụi”. Họ đang phải trải qua thời kỳ khủng hoảng thần tượng, tâm lý vô vàn bất ổn bởi sự ảnh hưởng văn hóa tạp nham.

Đi là để được chứng kiến, được va chạm, được giao thoa, được học những bài học không giáo điều. Giới trẻ "phượt" cần cẩn trọng mỗi bước chân, cư xử lịch lãm với núi rừng và tỉnh táo với những mối quan hệ lạ lẫm.

Đi là để trở về!

Minh Trí
.
.