Du lịch ở những vùng đất vừa đi qua chiến tranh

Thứ Sáu, 28/04/2017, 15:00
Những quốc gia từng bị cuộc nội chiến băm nát như Syria và Lybia lại là những nơi lưu giữ nhiều di tích giá trị của nền văn minh nhân loại. Đối với những người thích ngao du sơn thủy trong khung cảnh thanh bình thì họ không đời nào đặt chân đến những vùng đất phảng phất mùi bom đạn, nhưng với những ai đầy máu phiêu lưu thì được đến Syria hay Lybia để trải nghiệm thì thật là một chuyến đi đầy phấn khích. Một số công ty du lịch sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của đối tượng du khách bạo gan này.

Từ cuối năm 2015, ở Nga đã có công ty du lịch Megopolis đưa ra chương trình du lịch “hấp dẫn” với tên gọi Assad tour đưa du khách Nga tới Syria từ đầu năm 2016. Theo Báo Sự thật Komsomol, công ty du lịch này thực sự đã đăng ký hành nghề, khi đưa ra chương trình tour là họ đã hoàn tất việc đàm phán với Đại sứ quán Syria, liên hệ với các khách sạn và các công ty vận tải hành khách ở khu vực Trung Đông.

“Các chuyến du lịch trong 5 ngày đến vùng chiến sự sẽ bắt đầu được thực hiện vào năm 2016. Nhằm vinh danh Tổng thống Bashar al-Assad của Syria nên công ty được đặt tên là Assad Tour. Chúng tôi muốn tạo cơ hội cho những du khách ưa cảm giác mạnh chứng kiến cuộc nội chiến Syria để họ có thể cảm nhận được những gì đang xảy ra nơi chiến tuyến”, Báo Sự thật Komsomol dẫn lời ông Anatoly Aronov, Giám đốc Công ty Assad tour.

Anatoly Aronov còn đưa ra dự tính, mỗi tháng sẽ có khoảng 20-30 du khách mạo hiểm được công ty ông đưa đến Syria mà thậm chí... không cần mua bảo hiểm. Theo lời giới thiệu của phòng marketing, chuyến đi mạo hiểm sẽ gói trọn trong 5 ngày với mức giá 1.500 USD gồm vé máy bay, chi phí ăn ở đi lại, hướng dẫn viên du lịch, không bao gồm phí bảo hiểm.

Vẻ nguy nga, tráng lệ của Thánh đường Hồi giáo nghìn năm tuổi Umayyad, thành phố Aleppo, trước khi xảy ra nội chiến.

Những khách hàng chủ chốt của tour du lịch sẽ là “những người đàn ông trung niên thành đạt tò mò về những trải nghiệm mới và những người muốn tận mắt chứng kiến lịch sử được tạo ra như thế nào sẽ được đặt chân đến vùng đất nóng nhất trên thế giới và được tận mục sở thị sự khốc liệt của chiến tranh”.

Vào thời điểm đó, những chuyến bay dân sự bay trực tiếp từ Nga đến Syria đã bị tạm ngưng vì sân bay Damascus nói riêng và thủ đô Syria nói chung thường bị pháo kích. Hầu hết các nhà báo Nga tác nghiệp tại Syria đều được đưa đến căn cứ Hmeymim của không quân Nga, với sự hỗ trợ của Cơ quan thông tấn Bộ Quốc phòng Nga. Nhưng những du khách đến Syria chỉ đơn thuần để “xem chiến tranh” thì đương nhiên không được phép trú ngụ trong căn cứ này.

Thánh đường Umayyad hoang phế vì bom đạn.

Nhà tổ chức tour nói rằng, ông sẽ đưa đến Syria không chỉ khách Nga mà còn cả du khách phương Tây. Quả thật, Assad Tour trong năm qua đã tổ chức được 8-10 chuyến, mỗi chuyến có từ 10-18 khách đăng ký tham gia - con số còn khiêm tốn so với kỳ vọng nhưng các nhà tổ chức tour vẫn lạc quan tin rằng, thời gian tới họ sẽ bận rộn hơn nhiều.

Không chỉ Nga mà các nhà làm du lịch của Syria cũng sớm nhận ra thời cơ. Tháng 3 vừa qua, chính quyền Syria của Tổng thống Assad vừa đưa ra một đoạn phim quảng bá du lịch với quang cảnh thành cổ Damascus tráng lệ và thành phố Aleppo ở các khu vực chính phủ đang kiểm soát.

Được xây dựng vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên, Damascus là một trong những thành phố cổ nhất còn lưu giữ các giá trị lịch sử lâu đời ở khu vực Trung Đông, ẩn chứa nhiều câu chuyện lịch sử, còn hiện hữu nhiều di tích văn hóa quý báu của nhân loại. Được xây dựng vào năm 1078 sau Công nguyên, Damascus được sử dụng làm nơi ở của các vua Ai Cập và Syria trong thời kỳ đỉnh cao của cuộc Thập tự chinh. Những bức tường kiên cố bao bọc cổ thành đã thành trở lực lớn đối với các thế lực bên ngoài muốn tấn công thành phố.

Hình ảnh những đại lộ rộng thênh thang rợp bóng cây, những bể bơi xanh biếc đối nghịch hoàn toàn so với hình ảnh đổ nát của thánh đường Hồi giáo nghìn năm tuổi Umayyad ở khu vực phía đông thành phố. Đoạn phim quảng cáo còn sử dụng nhạc nền từ thiên truyền hình nổi tiếng trên kênh HBO “Game of Thrones” (Trò chơi vương quyền) đầy ẩn ý; phải chăng cuộc nội chiến ở Syria chính là một trò chơi vương quyền của thế giới?

Khu vực trung tâm làm nguồn ánh sáng của căn nhà hang động.

Aleppo là thành phố hơn 4.000 năm tuổi và là thành phố có số người Sunni đông thứ hai ở Trung Đông, nổi tiếng với những kiến trúc thời trung cổ và lịch sử văn hóa phong phú. Nằm ở khu vực Bắc Syria, thành phố này được xem như điểm kết nối các khu vực phía Bắc, phía Đông và phía Nam quốc gia Trung Đông này. Aleppo từng là nơi sinh sống của hơn 2 triệu người, là một trong những thành phố lớn nhất ở Syria và là một trong những thành phố có người sinh sống lâu đời nhất thế giới.

Năm 2006, Aleppo được Cơ quan Di sản thế giới của Liên Hiệp Quốc vinh danh là “Trung tâm Văn hóa Hồi giáo”. Hơn 5 năm nội chiến tương tàn cộng với sự tàn phá không nương tay của những đạo quân đến từ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã biến Aleppo thành một chiến trường khốc liệt vì Aleppo giữ vị trí quan trọng đặc biệt về quân sự - là bàn đạp tấn công vào Raqqa, thành trì của IS tại Syria chỉ cách đó khoảng 160km về phía Đông. Bên nào chiếm được thành phố Aleppo sẽ giành được lợi thế trên chiến trường Syria.

Một phòng trong căn nhà hang động ở Gharyan, Lybia.

Giờ trở lại thánh đường Umayyad giữa lúc quân đội Chính phủ Syria đang giành được quyền kiểm soát phần lớn diện tích lãnh thổ phía Đông Aleppo từ tay phe đối lập, khung cảnh đổ nát tại thánh đường nghìn năm tuổi này khiến nhiều người không khỏi xót xa. Thánh đường Umayyad nằm ở phía Bắc thành phố Aleppo, di tích cổ kính nhất của thánh đường là tòa tháp có chiều cao 45m được xây dựng vào thế kỷ XI từng được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Cuộc nội chiến khốc liệt diễn ra ở Syria không chỉ cướp đi mạng sống hàng triệu người, mà còn hủy hoại nhiều di tích lịch sử quý giá của đất nước này. Từng được xem là một trong những biểu tượng của thành phố cổ Aleppo, là một trong những ngôi đền Hồi giáo đẹp nhất thế giới và cần được bảo vệ, thánh đường này giờ đây hầu như chỉ là một tàn tích.

May mắn hơn Syria, Lybia nằm ngay giao lộ giữa sa mạc Sahara hùng vĩ và miền Địa Trung Hải thơ mộng, lại sở hữu 5 di sản văn hóa thế giới, nổi bật trong số này di tích Leptis Magna thời Đế chế La Mã, thành phố cổ đại Cyrene. Những cuộc bạo loạn tại đây diễn ra không lâu, và với sự can thiệp của NATO cùng các nước phương Tây, chế độ của nhà độc tài Gaddafi sụp đổ trước khi những di chỉ văn hóa vô giá bị chiến tranh tàn phá.

Đối với du khách phương Tây, Libya là một “vùng đất chưa khai phá”, tuy nhiên mỗi khu vực ở Lybia đều có một thủ lĩnh riêng tạo nên những lỗ hổng an ninh vô cùng phức tạp, đồng thời do thiếu sự hợp tác cũng như tính quan liêu vì thế vẫn rất khó hoàn thiện việc tổ chức các tour du lịch ở Lybia.

Điều đáng mừng là làn sóng đầu tư từ 3 năm qua bắt đầu đổ vào ngành du lịch và lữ hành của Libya, với hơn 6 dự án xây dựng khách sạn 5 sao ở thủ đô Tripoli cũng như các kế hoạch xây dựng sân bay, cảng, đường ôtô và đường xe lửa nối liền Libya với các quốc gia láng giềng. Có một điều chắc chắn là Libya sẽ không có những khu nghỉ dưỡng hoành tráng và đặc biệt là không có rượu.

Lối vào căn nhà hang động.

Giuma Buldeb, tùy viên truyền thông của tòa đại sứ Libya ở London cho biết: “Chúng tôi sẽ không bao giờ giống như những quốc gia khác với nhiều khách sạn, resort đồ sộ, và chúng tôi cũng sẽ không phục vụ rượu. Chúng tôi muốn du khách tham quan những di tích lịch sử của chúng tôi hơn là thụ hưởng những thói quen giải trí xa xỉ bởi vì công cuộc kiến thiết ở đất nước chúng tôi vẫn còn nhiều vấn đề sau quãng thời gian xảy ra xung đột bạo lực”.

Jabal Nasufah là dãy núi nằm ở khu vực phía bắc Libya, cách thủ đô Tripoli chừng 100km về phía nam. Ở cuối dãy núi này là một vùng cao nguyên với thị trấn Gharyan nổi tiếng nhờ những căn nhà hang động độc đáo. Do Jabal Nasufah bao gồm chủ yếu đá vôi và marl (loại đất gồm đất sét và vôi) cho nên không khó để cho người dân đào hang làm nhà.

Người ta cho rằng những căn nhà hang động ở Gharyan xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ XVI sau Công nguyên và được xây dựng bởi những người Do Thái tị nạn. Năm 1510, Tripoli rơi vào tay Tây Ban Nha khiến cho người Do Thái phải rời khỏi thành phố. Một số người Do Thái di cư xuống phía nam và bắt đầu định cư tại các thị trấn ở Jabal Nasufah - như là Tigrinna, Banu Abbas và Gharyan.

Ở Gharyan, cộng đồng người Do Thái đầu tiên hình thành và họ bắt đầu xây dựng những căn nhà nằm sâu trong lớp đá vôi của dãy núi.

Những căn nhà hang động ở Gharyan mang nhiều hình thù khác nhau. Một số căn chỉ đơn giản là hang động được đào nằm ngang trên sườn núi, trong khi số căn khác được đào công phu hơn với nhiều phòng bao quanh một vùng trũng ở trung tâm dùng làm nguồn ánh sáng. Một trong những lợi ích của nhà hang động là giữ ấm vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè.

Nhà hang động được sử dụng làm nơi ở bởi nhiều thế hệ tiếp nối nhau. Không phải mọi căn nhà hang động đều có người ở trong quãng thời gian liên tục. Ví dụ, tuyệt đại đa số những căn nhà hang động ở Gharyan bị bỏ hoang trong suốt thập niên 1950. Vào thời gian đó, nhiều người Do Thái rời bỏ Gharyan để di chuyển đến Israel, trong khi một số khác quyết định chuyển lên sống trong những căn nhà trên mặt đất.

Cuối cùng, một số nhà hang động bị bỏ hoang còn số khác được sử dụng làm nhà kho chứa thực phẩm hay để nuôi gia súc. Trong suốt cuộc nội chiến năm 2011 ở Libya, nhà hang động được người dân chọn làm nơi trú thân tránh bom đạn.

Dù sao, hiện nay vẫn có nhiều người ở Libya mong muốn gìn giữ những căn nhà hang động truyền thống và biến chúng thành địa điểm thu hút du khách nước ngoài. Họ có thể ngủ trong những căn phòng trong hang và thưởng thức thực phẩm được gia đình chủ nhà chuẩn bị. Sau nội chiến năm 2011, số lượng du khách đến với những căn nhà hang động ở Libya sụt giảm đáng kể.

Tuy nhiên, du khách trong nước vẫn tiếp tục đến tham quan những căn nhà hang động để tìm hiểu về di sản văn hóa đất nước và những người “chủ nhà” đang có kế hoạch biến các nhà hang động thành cụm khách sạn mini phục vụ các du khách thích trải nghiệm cảm giác lạ lẫm. 

Hiếu Thảo - Thiên Minh (tổng hợp)
.
.