Đưa trẻ nhiễm HIV đến trường: "Bài toán khó" của ngành giáo dục

Thứ Năm, 17/09/2009, 18:35
Theo Luật Phòng chống lây nhiễm HIV hiện hành, trẻ nhiễm HIV/AIDS có quyền đến trường như bao đứa trẻ bình thường. TP HCM đã có nhiều nỗ lực trong dự án đầy nhân văn: đưa trẻ HIV đến trường. Tuy nhiên, việc đưa trẻ có HIV đến trường hòa nhập cộng đồng gặp rất nhiều trở ngại.

Nhiều người lo ngại, trẻ nhiễm HIV/AIDS sẽ có những manh động gây tổn thương cho những đứa trẻ bình thường khác. Mới đây, hàng trăm phụ huynh Trường tiểu học An Nhơn Đông (huyện Củ Chi, TP HCM) đã phản ứng mạnh mẽ khi biết con em họ sẽ học chung với những trẻ có HIV, sự việc đã gây nhiều luồng dư luận trái chiều…

Ngành giáo dục: Một nỗi lo, hai áp lực

Sự việc bắt đầu vào sáng ngày 17/8, được sự đồng ý của UBND và Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Củ Chi, 14 trẻ từ 6 đến 10 tuổi của Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV Mai Hòa (Củ Chi, TP HCM) - nơi đang nuôi dưỡng 16 em đều trong độ tuổi đến trường -  được các sơ dẫn đến Trường tiểu học An Nhơn Đông để tựu trường.

Sáng 17/8, cũng như tất cả các trường trên địa bàn huyện Củ Chi, Trường tiểu học An Nhơn Đông (xã An Nhơn Tây, Củ Chi) bắt đầu ngày đầu tiên của năm học mới. Đáp lại sự háo hức của các trẻ Mai Hòa là những ánh mắt kỳ thị, nghi ngại từ các bậc phụ huynh đưa con đến trường. Khi hay tin về việc hòa nhập của trẻ em Mai Hòa, có phụ huynh dù đã đưa con tới cổng trường nhưng không cho vào, một số khác đã đưa con vào trường rồi thì vội vã đưa về.

Trước phản ứng tiêu cực của những phụ huynh này, cô trò của Trung tâm Mai Hòa đành phải lầm lũi dắt díu nhau trở về. Ngay sau đó, hàng trăm phụ huynh đã ra "tối hậu thư" cho Ban giám hiệu Trường tiểu học An Nhơn Đông. "Một là nhà trường dạy gần 300 học sinh của xã, hai là dạy 14 trẻ bị nhiễm HIV/AISD".

Một phụ huynh nói rằng: "Tôi cũng thật sự xúc động và xót xa cho các cháu bị lây nhiễm HIV/AIDS. Nhưng ở cấp tiểu học, các cháu còn rất hiếu động, hoàn toàn xảy ra những chuyện như đánh, cắn nhau, từ đó khả năng lây HIV là rất cao. Phải nói thẳng rằng, không thể loại trừ hoàn toàn khả năng lây nhiễm HIV giữa các cháu. Nếu như chuyện đó xảy ra, ai sẽ chịu trách nhiệm? Các cháu không có tội tình gì, có quyền được đi học, nhưng hãy sắp xếp một lớp học riêng đặc biệt cho các cháu có HIV.

Trường học, các cấp, các ngành có thể quyết cho cháu đi học nhưng không thể quyết được chuyện các cháu khác sẽ chuyển khỏi lớp. Mọi người có thể coi ý kiến này là khá nặng nề, nhưng tôi tin dù không nói nhưng một phần lớn phụ huynh có chung ý kiến giống tôi. Các cơ quan quản lý luôn hô hào các bậc phụ huynh nên biết cảm thông. Nhưng nếu, để xảy ra việc lây nhiễm cho những trẻ khác thì nhà trường, ngành GD&ĐT, Cơ quan Y tế... có gánh trách nhiệm không?!".

Trong khi Ban giám hiệu nhà trường đang bối rối thì trên 200 phụ huynh có con theo học ở đây đều đòi rút lại hồ sơ, cho con đi học nơi khác. Nhận được thông tin từ Trường tiểu học An Nhơn Đông, UBND và Phòng GD&ĐT huyện đã xuống trường làm việc, dù quan điểm của UBND và Phòng GD&ĐT là cho trẻ Mai Hòa được học hòa nhập tại Trường tiểu học An Nhơn Đông nhưng trước phản ứng quá gay gắt của phụ huynh, Phòng GD&ĐT Củ Chi đành phải ưu tiên con em địa phương.

Theo đó, quyết định cuối cùng của Phòng GD&ĐT là 14 trẻ của Trung tâm Mai Hòa chỉ sinh hoạt tập thể tại Trường tiểu học An Nhơn Đông, còn việc học văn hóa sẽ học ngay tại trung tâm, giáo viên do Phòng GD&ĐT huyện cử xuống giảng dạy. Tạm thời, các lớp học của trung tâm sẽ được tổ chức như một phân hiệu của Trường An Nhơn Đông, trường đã đưa 14 học sinh Mai Hòa vào biên chế chính thức danh sách học sinh của trường (trước đây nhà trường chỉ bảo trợ kết quả học tập).

Bà Cao Thị Gái - Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, trước năm học mới huyện đã gửi 2 văn bản cho Trường An Nhơn Đông với yêu cầu nhận 14 trẻ từ Trung tâm Mai Hòa. "Huyện sẽ hỗ trợ giáo viên cũng như cơ sở vật chất để mở lớp tại trung tâm, đồng thời tạo mọi điều kiện để các em được hòa nhập dần từ các hoạt động khác như vui tết Trung  thu, tết Thiếu nhi... Trẻ ở Mai Hòa và trẻ bình thường chỉ khác nhau ở địa điểm học mà thôi!" - bà Gái khẳng định.

Ngoài ra, huyện đã nhiều lần tuyên truyền vận động người dân không nên kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, sự phản ứng tiêu cực của phụ huynh học sinh các ngành chức năng đã không lường hết.

Việc đưa trẻ nhiễm HIV đến trường hòa nhập với cộng đồng đã được UBND TP HCM đồng ý và Ủy ban Phòng chống AIDS TP HCM đã tuyên truyền vận động sâu rộng trong các tháng hè vừa qua. Một số quận như Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp... đã làm tốt công tác này.

Theo thống kê không đầy đủ, TP HCM hiện có khoảng vài trăm trẻ nhiễm HIV. Đó là số ca bệnh tồn tại từ nhiều năm trước. Những năm gần đây, nhờ chương trình phòng chống lây nhiễm từ mẹ sang con, mỗi năm TP HCM chỉ có khoảng 30 trẻ có HIV ra đời. Theo Công ước quốc tế về Quyền trẻ em và Luật Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em Việt Nam thì mọi trẻ em đều có quyền được đi học, luật pháp Việt Nam cũng quy định rõ việc học của trẻ nhiễm HIV.

Tại một hội thảo mới đây về việc đưa trẻ nhiễm HIV đến trường do Sở Y tế và Sở GD&ĐT TP HCM tổ chức, luật gia Phạm Thị Hồng Hương, Hội Luật gia TP HCM cho biết, theo luật pháp hiện hành, trẻ nhiễm HIV có quyền được học tập vì các em còn phải học nghề, kiếm việc làm và tự nuôi bản thân. Do đó không ai được sa thải người lao động, học sinh, sinh viên bị nhiễm HIV. Trẻ nhiễm HIV nếu không được đến trường sẽ mất động lực chiến đấu với bệnh tật, không muốn phấn đấu thành người tốt.

Sở GD&ĐT đã không ít lần phối hợp với Sở Y tế tổ chức những buổi tuyên truyền đến từng trường học, học sinh và cả phụ huynh để mọi người hiểu rõ thực sự HIV không dễ lây nhiễm như nhiều người nghĩ, hiểu được pháp luật luôn bảo vệ quyền lợi trẻ em để từ đó có cái nhìn đúng đắn và thái độ bao dung đối với trẻ nhiễm HIV.

Tuy nhiên, trên thực tế ngành giáo dục TP HCM vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn cho dù đã nỗ lực hết sức mình để đưa các  em nhiễm HIV đến trường  trước sự kỳ thị, thái độ e ngại về trẻ nhiễm HIV của nhiều giáo viên, phụ huynh.--PageBreak--

Ông Lê Trường Giang - Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, thường trực Ủy ban Phòng chống AIDS TP HCM đánh giá cao nỗ lực "đưa trẻ HIV đến trường" của ngành giáo dục trong thời gian qua. Ông Giang cho rằng, trẻ nhiễm HIV/AIDS nếu bắt đầu đến trường từ khi vào lớp 1 sẽ tạo thành một thói quen, đến khi trẻ lên cấp II - III, trẻ đã hòa nhập bao nhiêu năm với nhau. Người lớn sẽ không còn sợ phản ứng giữa trẻ bình thường với trẻ nhiễm HIV, vì chúng đã hiểu rõ về nhau. Càng sớm đưa trẻ nhiễm HIV đến trường, càng sớm xóa tan đi nỗi kỳ thị trong cộng đồng.

Ngành giáo dục đã tổ chức tuyên truyền cách phòng chống HIV/AIDS cho học sinh phổ thông. Giáo viên thì được tập huấn, hướng dẫn cách chăm sóc, chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cũng như ngăn ngừa sự lây nhiễm. Quan điểm của Sở GD&ĐT TP HCM là tất cả các trường đều nhận trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Từ nhiều năm nay, ngành giáo dục đã chỉ đạo cho trẻ HIV hòa nhập, đã có nhiều trẻ được "đến trường" nhưng chưa hoàn toàn theo đúng nghĩa của nó.

Hiện nay, tại TP HCM đã có một số trường học bắt đầu nhận học sinh nhiễm HIV ở cả 2 cấp tiểu học và trung học. Phần lớn các em vẫn phải sống và học tập trong các trung tâm nuôi dưỡng như Trung tâm Mai Hòa, Tam Bình. Ông Lê Trường Giang từng nói: "Ngành giáo dục đang đứng giữa hai áp lực, mà áp lực nào cũng lớn. Một áp lực là từ ước vọng chính đáng của trẻ có HIV mong muốn được đến trường, áp lực từ những người làm công tác phòng chống AIDS, bảo vệ chăm sóc trẻ em, áp lực từ cơ chế của luật pháp ngày càng định hình rõ hơn. Tuy nhiên, ngành giáo dục cũng đứng trước một áp lực khác: áp lực từ cha mẹ học sinh, từ giáo viên, xuất phát từ nhận thức chưa rõ, tâm lý e ngại".

Theo nhận định của những chuyên gia tâm lý, phản ứng tiêu cực của nhiều phụ huynh đối với sự xuất hiện của trẻ có HIV tại học đường là điều dễ hiểu, bởi dù nguy cơ lây nhiễm là rất nhỏ, nhưng vẫn là... nguy cơ. "Sự băn khoăn của phụ huynh là đúng đắn, nó xuất phát từ tình thương con nhưng trên hết là sự thiếu hiểu biết về HIV/AIDS. Tôi có thể khẳng định nguy cơ lây nhiễm HIV ở trường học là rất hiếm, cho đến thời điểm này vẫn chưa có một tai nạn nào xảy ra. Những trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trước khi tới trường đã được tư vấn rất kỹ về cách chăm sóc bản thân, không lây bệnh cho các bạn...", ông Giang nhấn mạnh.

Chuyện học của trẻ nhiễm HIV ở Tam Bình

Cách đây không lâu, người viết có mặt tại một lớp học của những trẻ nhiễm HIV. Một lớp học nhỏ nằm trong khuôn viên Trung tâm Tam Bình. Năm 2001, Cơ sở II của trung tâm ra đời để chăm sóc những đứa trẻ có HIV. Năm 2004, trung tâm đã bắt đầu có một lớp học đầu tiên dành cho những đứa trẻ có HIV, lớp 1/8 thuộc Trường tiểu học Xuân Hiệp, quận Thủ Đức.

Những người khai sinh ra lớp học chính là những người ở Tam Bình, những người đã đón nhận và nâng niu từng số phận nhỏ nhoi, bất hạnh khi các em bị ba mẹ, người thân bỏ rơi và cộng đồng từ chối. Trung tâm đã có lớp mẫu giáo nhưng không lẽ chúng học lớp mẫu giáo hoài sao? Một câu hỏi ám ảnh những con người nhân từ đầy trách nhiệm ở trung tâm trong một thời gian dài!

Dự định của trung tâm chỉ là mở lớp, tìm một giáo viên tình nguyện để dạy cho các em biết đọc, biết viết, biết ê a. Không ngờ ý định ấy được lãnh đạo quận Thủ Đức và Trường tiểu học Xuân Hiệp nhiệt tình ủng hộ, lớp học ấy trở thành lớp học 1/8 của Trường tiểu học Xuân Hiệp. 5 năm trôi qua, những học sinh đầu tiên của của Trung tâm Tam Bình đã lên lớp 5. Từ những đứa trẻ không tương lai, giờ đây các em có thể tính toán, đọc truyện, vẽ tranh và đắm chìm trong thế giới cổ tích từ những cuốn truyện mà giáo viên mang đến. Lớp học nhỏ trong Trung tâm Tam Bình đã thay đổi cuộc sống ngắn ngủi của nhiều đứa trẻ HIV. Khát khao hòa nhập, học hành của những đứa trẻ HIV lớn hơn bất cứ đứa trẻ nào...

Trẻ HIV học ở Trung tâm Tam Bình.

Trước đây, với trẻ nhiễm HIV, trung tâm chỉ dừng lại ở nỗ lực kéo dài sự sống vì hầu như các em đều mất trước 5 tuổi. Nhưng cùng với việc triển khai nhiều biện pháp chăm sóc trẻ HIV, trong đó có dùng thuốc đặc trị ARV, nên tuổi đời các trẻ nhiễm được kéo dài hơn.

Theo chúng tôi được biết, hơn 10 em nhỏ ở Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em Tam Bình đã được công khai đến trường. Điều này bước đầu mở ra một cuộc sống mới, cuộc sống bình thường cho những trẻ em nhiễm HIV. Tuy nhiên, để có được kết quả như hôm nay, Trường Tiểu học Xuân Hiệp và Trường THCS Xuân Trường, Phòng GD&ĐT quận Thủ Đức phải trải qua một thời gian dài đấu tranh, thuyết phục, thay đổi định kiến của nhiều phụ huynh. Không ít phụ huynh đã phản ứng gay gắt khi nghe tin trẻ em nhiễm HIV sẽ học cùng con mình. Họ gửi đơn kiến nghị đến UBND quận và Phòng GD&ĐT đề nghị gây sức ép với nhà trường.

Tại cuộc họp Ban đại diện phụ huynh vào đầu năm học, Ban Giám hiệu nhà trường đã mời Trung tâm Y tế dự phòng quận Thủ Đức đến tuyên truyền về HIV/AIDS cho phụ huynh, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn giáo viên thực hiện sơ cấp cứu vết thương. Nhà trường cũng trang bị 50 hộp đựng dụng cụ sơ cấp cứu ở các lớp học và phòng đa chức năng. Các em nhiễm HIV được trung tâm giáo dục rất kỹ về cách tự chăm sóc sức khỏe cho mình.

"Dù thời gian có trôi qua thế nào, được sống và học như mọi trẻ thơ khác là quyền của các em. Càng bất hạnh, các em càng phải được có quyền ấy. Chúng tôi muốn giúp các em được sống như một công dân thật sự, dù đấy chỉ là một thời gian không dài" - ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc cùng tập thể nhân viên Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình đã có suy nghĩ như thế.

Theo Bác sĩ Võ Minh Quang (Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TP HCM) thật ra, việc lây nhiễm HIV không phải dễ dàng như nhiều người tưởng. Tỉ lệ lây sau một lần tiếp xúc có nguy cơ cao là khoảng 1/1000-1/100. Nguồn phơi nhiễm phổ biến nhất là máu. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm virus HIV qua đường máu chỉ là 0,3%. Với các tương tác với người bệnh, nguy cơ phơi nhiễm với máu qua da chỉ 0,3%. Máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào vùng da lành thì không có nguy cơ. Các loại dịch tiết từ bệnh nhân HIV như sữa người, nước mắt, nước bọt mà không thấy máu, nước tiểu không có máu, phân... không xem là nguyên nhân lây nhiễm. Cho đến nay, chưa có trường hợp nào lây nhiễm HIV do tương tác nhẹ trong quá trình sống chung với người nhiễm.

Nếu mãi còn sự kỳ thị, chắc chắn rằng, đường đến trường của trẻ nhiễm HIV còn không ít chông gai...

Thuận Thiên
.
.