Duật còn ở lại…

Thứ Bảy, 17/11/2007, 09:30
Trong những ngày này, anh em văn nghệ sĩ cả nước đang chuẩn bị chấp nhận một tin buồn - nhà thơ Phạm Tiến Duật phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo và không thể cứu chữa. Phạm Tiến Duật là người đã làm rạng danh cho nền thơ ca trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của nhà thơ Vũ Duy Thông và bài thơ cuối cùng của nhà thơ Phạm Tiến Duật tặng nhà văn Hữu Ước.

Bây giờ Duật nằm đây, trắng toát trong một phòng bệnh trắng toát. Nhớ Xuân Quỳnh. Nhớ Tô Hà. Cả hai người ấy đều thắc thỏm không yên khi bị cái màu trắng lạnh lùng của bệnh viện bủa vây. Xuân Quỳnh thoát nhưng lại đụng phải một cái chết tức tưởi. Tô Hà không thoát được, bệnh suy thận chặn mọi nẻo. Còn Duật, khi tôi viết bài này, anh đang nằm im lìm trong sự giằng co miên man giữa đi và ở...

Sao mấy năm nay các nhà thơ “đi” nhiều thế? Gặp nhau ở cổng bệnh viện, có người đùa: Thơ vẫn nhiều nhưng các nhà thơ còn sống để vào thăm bạn ốm thì cứ ít dần. Tất cả đều cười, tiếng cười lào khào như kiệt sức.

Nhà xuất bản Giáo dục muốn in lại lần thứ 4 tập chuyên khảo về thơ kháng chiến, yêu cầu bổ sung phần lý lịch các nhà thơ, chỉ thấy phần nhiều là thêm ngày tháng năm mất. Sách chưa in xong, lại phải ghi thêm tên Phạm Tiến Duật vào số những người thiên cổ chăng?

*

Đất Phú Thọ sinh ra chàng trai Phạm Tiến Duật nhưng chiến trường đã sinh ra nhà thơ Phạm Tiến Duật. Học xong Trường phổ thông cấp 3 Hùng Vương, anh thi đỗ vào Đại học Sư phạm Hà Nội, cùng lứa với Tô Nhuận Vĩ, Nguyễn Khoa Điềm, Vũ Đình Minh, Nguyễn Đình Ảnh và nhiều nhà thơ, nhà văn khác.

Ngay từ ngày còn sinh viên, anh đã có thơ in trên các báo. Người đọc còn nhớ đến bài thơ đầu tay của anh, một đôi yêu nhau chia tay ở vườn hoa đầu đường Thanh Niên  để người con trai vào chiến trường

Nhưng có lẽ chỉ có thế. Phạm Tiến Duật không thể trở thành nhà thơ tiêu biểu bậc nhất cho thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Không thể trở thành một cột mốc mang tính định vị cho giai đoạn thơ này, một cột mốc như cột cây số bên đường, bình thường ít ai để ý nhưng thiếu nó, người ta sẽ kinh ngạc, không hiểu nổi.

 Phạm Tiến Duật không thể trở thành niềm tự hào của bộ đội Trường Sơn, của Trường đại học Sư phạm Hà Nội, của Phú Thọ trung du và không thể trở thành người bạn thân thiết của nhiều thế hệ bạn đọc nếu không có Trường Sơn đông và Trường Sơn tây, không có niềm hăm hở vào chiến trường, trong anh như thế hệ thanh niên thời ấy.

Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, câu thơ của Duật bây giờ nhiều người có vẻ lạ nhưng thật đúng vào thời đó và tôi nghĩ nó sẽ lại tìm được nhiều đồng cảm nếu đất nước này lại có giặc ngoại xâm.

Thế hệ chúng tôi, những Nguyễn Mỹ, Chu Cẩm Phong, Ca Lê Hiến, Nguyễn Trọng Định, Vũ Đình Văn, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Khắc Phục, Trần Vũ Mai và rất nhiều người khác đã đến với chiến trường trong sự hăm hở thậm chí thoáng chút kiêu hùng của tuổi trẻ.

Tốt nghiệp đại học, Phạm Tiến Duật không được phân công đi dạy học mà được tuyển vào bộ đội, đầu tiên là pháo cao xạ, rồi về Binh đoàn Vận tải 500 - bộ phận tiền phương của Cục Vận tải quân sự, sau này sáp nhập với Binh đoàn Vận tải 559, Bộ đội Trường Sơn. Khu 4 (cũ) thời kỳ ấy là chiến trường ác liệt với ngã ba Đồng Lộc, đường 15, đường 20 quyết thắng.

Đơn vị của Duật đóng ở Hương Đô, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Một lần đến Đoàn 500 công tác, tôi đòi bằng được Phòng tham mưu Binh đoàn dẫn đến thăm Duật. Anh đi công tác vắng (vào sâu trong Quảng Bình, Quảng Trị). Trong một lán nhỏ của Ban Tuyên huấn, người ta bảo cái giường liếp nứa để trống đó là của Duật.

Đời lính đơn giản, cất bước đi là tất cả lên vai, chỉ để lại cái chỗ nằm bỏ trống. Kỷ niệm chiến trường giữa tôi và Duật chỉ có thế. Mãi sau này ở Hà Nội, chúng tôi mới gặp nhau.

Nhưng là gặp nhau mặt nhìn mặt, còn qua thơ thì trước đó đã lâu. Cũng những năm tháng trong chiến trường ấy, chúng tôi cùng nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, cùng đọc báo Văn nghệ, cùng biết có cuộc thi thơ và cùng gửi thơ dự thi.

Tôi mãi đến 31/12/1969 mới gửi chùm 3 bài có “Bè xuôi sông La” ra Hà Nội, còn Duật chắc gửi sớm hơn và chùm thơ 4 bài của anh đoạt giải nhất trong lần thi ấy, như mọi người đã biết.

Đối với bạn đọc hồi ấy, thơ Phạm Tiến Duật hết sức mới và lạ. Chùm bốn bài “Gửi em cô thanh niên xung phong”, “Bài  thơ về tiểu đội xe không kính”, “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây”, “Nhớ” được giải thưởng và sau đó là “Lửa đèn” và các bài thơ khác được anh tập hợp trong tập thơ đầu tay “Vầng trăng quầng lửa” khép lại giai đoạn tìm đường của thơ những năm đầu chiến tranh chống Mỹ.

Mấy năm trước đó, thơ chống Mỹ thiên về luận lý, tư biện. Về sau, tiếng thơ trữ tình có nhiều hơn nhưng cảm hứng chung vẫn là căm phẫn, bi tráng. Qua chùm thơ được giải, với chất giọng tưng tửng đùa đùa và cách kết bài đột ngột rất thông minh, Phạm Tiến Duật đã thổi vào thơ một không khí tươi tắn, hồn nhiên khiến người ta nhận ra chiến trường không chỉ có chết chóc, đau thương, bom rơi đạn nổ mà còn tuổi trẻ phơi phới, còn tiếng cười tươi sáng.--PageBreak--

Những phát hiện, liên tưởng bất ngờ và độc đáo trong thơ Phạm Tiến Duật  đại thể như: mang tên Đèo Ngang nhưng “con đèo lại chạy dọc”, “Ở chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ”, “không có kính không phải vì xe không có kính”, “cái gạt nước xua đi nỗi nhớ”... là sự thật, hơn nữa nó còn là cách nhìn chiến tranh, nhìn cuộc đời thật sự cần thiết cho những người đang chiến đấu nên đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt.

Duật đi vào văn học bằng con đường ra trận và mãi thủy chung với con đường ấy. Anh yêu những người lính, nhất là những người lính Trường Sơn và những người lính cũng rất yêu quý anh.

Giải ngũ mấy chục năm nhưng ở đâu có bộ đội Trường Sơn là ở đấy có Phạm Tiến Duật. Anh là nhà thơ có chất “cựu chiến binh” nhất trong số những  nhà thơ từng cầm súng mà tôi biết.

*

Nghiệp làm thơ, có điều gì đó như duyên kiếp, như may rủi. Có người tre càng già càng cứng, gừng càng già càng cay, có người thơ đến với họ như ngọn lửa xăng,  chỉ bùng lên chốc lát.

Người ta vẫn nói thơ như của bắt được là vậy. Là người  tự ý thức được mình, Phạm Tiến Duật ngày càng ít in thơ hơn. Lúc đầu, ngồi nhâm nhi ngoài quán cóc, Duật hay nói tới những dự định thơ, nhiều nhất là nhắc đến trường ca “Những vùng rừng không dân” nhưng rồi cũng thưa dần.

Có người trách: “Phạm Tiến Duật là nhà thơ nhưng lại mải những việc không thơ”. Anh nghe và im lặng. Dễ ai đã hiểu được nỗi khổ tâm riêng của người sáng tác. Ngược lại, có người nhẹ nhàng: “Nhiều nhà thơ được một bài để đời cũng đã mãn nguyện. Ông có cả một chùm bài, gần xa đều biết tiếng, thế còn gì nữa!”.

Nghe những lời vừa là tán tụng vừa là an ủi như thế, anh cũng chỉ ừ hữ hoặc lảng sang chuyện khác. Bởi từ trong gan ruột, Phạm Tiến Duật không bao giờ nghĩ mình sẽ từ bỏ văn chương. Nhận ra duyên với thơ không còn là bao, anh vẫn viết nhưng nhiều hơn là lao vào những công việc khác của nghệ thuật và báo chí.

Bản chép tay bài thơ cuối cùng của nhà thơ Phạm Tiến Duật tặng nhà văn Hữu Ước.

Anh làm biên tập thơ cho báo Văn Nghệ; tham gia Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn; đi nói chuyện thơ; ngồi thẩm định thơ; viết kịch bản, viết lời bình cho mười mấy phim tài liệu về chiến tranh; tham gia xây dựng bảo tàng bộ đội Trường Sơn; viết hồi ký cho một vị chỉ huy cũ của binh đoàn; viết phê bình văn học trên báo; làm Tổng biên tập một tạp chí văn nghệ.

Công việc cuối cùng mà anh chọn là làm người dẫn chương trình truyền hình dành cho người cao tuổi và trở thành người dẫn chương trình cao tuổi nhất của Đài Truyền hình Việt Nam. Mỗi tuần, Duật cùng một bạn nữ lại lên hình, cổ vũ cho “sống vui, sống khỏe, sống có ích”.

Vốn thông minh lại lợi khẩu, áo quần đầu tóc phẳng phiu; anh đã làm chương trình của mình có một đối tượng công chúng khá đông và ổn định. Con người nghệ sĩ, con  người thơ trong Phạm Tiến Duật luôn thường trực. Anh đã sống với con người ấy đến tận chót đời mình...

*

Bẵng đi khá lâu không gặp nhau, chợt một hôm nghe tin dữ, tôi tìm đến nhà Duật. Nhà anh gần một khu chợ cóc, luẩn quẩn trong ngõ, thật khó tìm. Trong lúc tìm nhà, trong tôi trở về với biết bao kỷ niệm.

Năm 1982, tôi in tập thơ đầu tay “Những đám lá đổi màu” mỏng dính, trong khi ấy ngoài tiếng tăm ra, Duật đã bề thế trong vai biên tập viên thơ báo Văn Nghệ. Cầm tập thơ tặng trong tay, chưa kịp đọc, anh đã bảo: “Chưa đọc nhưng chắc là hay. Tớ sẽ viết về tập này”.

Tưởng thế thôi, Phạm Tiến Duật là người luôn luôn có những ý tưởng mới nhưng rất ít khi thực hiện đến đầu đến đũa. Ai ngờ chỉ ít lâu sau, trên báo Văn Nghệ xuất hiện bài viết chiếm gần hết trang báo với cái đầu đề khiến tôi sửng sốt: “Dưới tán rợp của những đám lá đổi màu”.

Bài viết ấy của Duật là bài phê bình đầu tiên về thơ của tôi với nhiều phát hiện đến giờ vẫn đúng. Dù sau này còn có thêm nhiều bài giới thiệu khác, viết rất hay nhưng bài báo ấy vẫn có một vị trí riêng, không thể trộn lẫn.

Rồi một kỷ niệm khác, Duật nói với tôi sắp đến kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, báo cần một bài thơ. Thế là tôi hùng hục viết rồi hăm hở trèo lên tận cái căn hộ tầng 5 của anh hồi ấy để đưa bài.

Mấy hôm sau mở báo ra, tên vẫn tên mình, đầu bài vẫn đầu bài của mình nhưng thơ thì đã bị chữa gần hết. Tức giận, tôi vớ lấy cái xe đạp, đạp đến 17 Trần Quốc Toản, không ngờ lại gặp Duật ngay ở cửa tòa soạn.

Đã tưởng sẽ có một cuộc đấu khẩu, ai ngờ vừa nhìn thấy tôi, Duật nói ngay, giọng tỉnh queo: “Biết rồi. Lần sau mình sẽ không như thế nữa”. Thế là hết chuyện để nói!--PageBreak--

Tính Duật là thế, ngẫu hứng và lãng tử. Ngay khi còn trong quân đội, vui bạn vui bè và nổi máu văn chương là anh đi bạt, không biết tìm ở đâu. Mà bom đạn chứ đâu phải chơi.

Năm 1975, dẫn đoàn nhà văn vào chiến trường Nam Bộ, bất ngờ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thế là rông thẳng vào Sài Gòn rồi ở miết mấy tháng mới trở về đơn vị. Nhưng dù thế nào thì có một sự thật mà ai cũng dễ nhận thấy là cuộc sống của Duật, suy nghĩ của Duật hầu như đều quy tụ về văn chương.

Là một trong những người đầu tiên có mặt tại Sài Gòn sau ngày giải phóng, Duật trở về Hà Nội với hai bàn tay không, thậm chí đến những cuốn sách dịch và in ở miền Nam trước năm 1975 là thứ rất có giá với anh em sáng tác hồi đó, cũng không có.

Là người rất được quân đội, thậm chí nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước quý mến, ưu ái nhưng suốt đời, anh phải ở những nơi rất chật chội, bất tiện: một căn buồng tối om và ẩm thấp ở ngõ Yên Thế, một căn hộ hai chục mét vuông mãi trên tầng 5 khu chung cư Trung Tự và bây giờ, anh vào viện từ ngôi nhà không có số nhà, đồ đạc đơn sơ, mặt sàn cũng hơn hai chục mét vuông là cùng.

Là người có đóng góp đáng kể vào nền thơ Việt, đại diện hàng đầu của thế hệ các nhà thơ chống Mỹ, được bạn đọc không chỉ trong nước mà ở nhiều nước trên thế giới biết đến nhưng công việc trong làng văn của anh chủ yếu là biên tập viên của báo Văn Nghệ, đâu còn vài “chức” khác, nhưng chưa có “chức” nào có vai trò thật sự  trong Hội Nhà văn.

Là người có tài và lẽ ra có thể dễ dàng có quyền, có tiền và có tình song cuộc đời anh không ít khúc mắc. Nhưng tứ tán cái gì thì tứ tán, văn chương là thứ bao giờ cũng được anh cư xử nghiêm túc. Đọc tập tiểu luận “Vừa làm vừa nghĩ” của anh, thấy thấp thoáng rất nhiều hiểu biết và chiêm nghiệm đáng quý.

Nhưng những hiểu biết và chiêm nghiệm anh chưa viết thành chữ còn  hơn thế rất nhiều. Tôi ít khi gặp, nhưng gặp anh, nghe anh nói lần nào là thấy bất ngờ lần ấy.

Có lần tôi đùa, cứ có một người đi cạnh Phạm Tiến Duật, ghi lấy những điều Duật nói và thực hiện hết những ý tưởng rất hay ấy thì anh ta sẽ thành nghiệp lớn. Tiếc thay, nhiều suy nghĩ rất hay nhặt nhạnh dọc một đời thơ sẽ mãi mãi đi cùng Phạm Tiến Duật sang thế giới bên kia rồi...

*

Thế giới ấy ở đâu? Trong căn nhà vừa tả, nơi tôi trò chuyện với Duật lần cuối, đang mạch chuyện rất vui, rất thanh thản, bình tĩnh ngay cả khi giải thích về bệnh ung thư phổi của mình (khối u 15mm thùy phổi phải, có “chân”), đột ngột Duật im lặng, đăm đăm nhìn lên.

Theo ánh mắt của anh, gặp trần nhà, trên trần nhà là vòm cây, trên vòm cây là bầu trời Hà Nội thu xanh thăm thẳm. Cô B. người lặng lẽ chăm nom anh rất chu đáo suốt những ngày tháng này, khẽ khàng:

- Gặp ai là vui như chẳng có chuyện gì, là mắng chỉ hay nghĩ vớ vẩn. Nhưng khi còn một mình lại thẫn thờ...

HỌA SĨ

Tặng Hữu Ước

Tôi nhìn anh với cái tạp dề xanh
Tay
cầm bay miết trên tấm toan to rộng
Tấm toan ấy hay là cuộc sống
Ơi người họa sĩ của trần gian?

Này Thân cò hay ấy người dân cơ cực, bần hàn
Bao thế kỷ chơi vơi đồng lúa nước
Chỉ hai chân thôi làm sao sống được
Cò phải thành siêu thực bốn năm chân

Này Người và quỷ giữa chốn phong trần
Lửa thái cực đỏ hồng một khối
Chỉ một khối thôi mà thiện ác hai vai buộc trói
Thân người hai đầu kia, một quỷ một người

Vòng đời kia xoáy lốc đất trời
Cái màu lạnh đến ghê người, màu lạnh
Mà màu nóng ít thôi, mà cơn buồn ngỡ tạnh
Cái thiện cuối cùng sẽ chế ngự dương gian

Với tạp dề xanh anh đứng giữa trần gian
Và với cái bay kia anh như người khai phá
Người ta giàu có xây nhà. Còn anh vất vả
Xây ngôi đền vô hình của cái đẹp giữa dương gian.

Cuối tháng 5/2007

Im lặng nghe. Lát sau, bằng giọng khàn đặc do dây thanh đã bị hạch di căn chèn ép, Duật thủ thỉ, như thể tự dỗ dành mình:

- Sống được đến 67 tuổi, thế là mừng lắm rồi...

Đấy là câu cuối cùng tôi nghe Duật nói, lần sau chỉ còn là cái bắt tay thật chặt, nửa như không muốn rời, nửa như sự bám víu vô thức. Cái con người luôn cố tìm trong mọi việc, trong mọi người phần lạc quan nhất để mà vui, mà tin. Cái con người còn bộn bề bao thứ định làm chưa muốn đi, đã phải sắp ra đi.

Nhưng hãy yên lòng, nếu phải ra đi anh vẫn ở lại trong những người đang sống, trong thơ Việt Nam thế kỷ XX.

.
.