Dubai: Tiếp thị sữa lạc đà ra thế giới

Chủ Nhật, 14/11/2010, 19:55
Lạc đà ngày nay không chỉ là vật thồ hàng như thông thường mà còn đem lại nguồn sữa tươi phong phú. Sữa được vắt bằng máy sẽ chảy vào một hệ thống ống máng rồi chuyển vào một cái bể đựng sữa bằng kim loại. Sữa tươi lạc đà đã xuất hiện ở các chợ châu Âu, nhưng xa hơn, các nhà kinh doanh ở Dubai đang muốn sản phẩm sữa lạc đà của mình sẽ trở thành một nhãn hiệu hàng hóa mang tính toàn cầu với tên gọi Camelicious.

Các cơ quan y tế của Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 7/2010, loan báo rằng, Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (U.A.E) đã chính thức trở thành nhà xuất khẩu sữa lạc đà đầu tiên tới 27 quốc gia trên thế giới. Nếu một khi EU đã hoàn tất cả công đoạn kiểm tra về giá trị dinh dưỡng và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của sữa lạc đà thì năm 2011, sữa lạc đà sẽ hiện diện khắp châu Âu, kế tiếp là châu Á và sau cùng là Mỹ.

Ông David Wernery, cố vấn pháp lý của thương hiệu Camelicious, thuộc Tập đoàn Công nghiệp sữa & các sản phẩm từ sữa lạc đà Arập (EICMP) phát biểu: "Tại thời điểm này chúng tôi biết rằng, người phương Tây chưa sẵn sàng lắm với các sản phẩm từ sữa lạc đà. Nhưng chúng tôi đang nghĩ tới những gian hàng thực phẩm và những thị trường đa dạng hóa tiêu dùng, đó là vấn đề mà chúng tôi đang quan tâm tới trước hết".

Các nhà nghiên cứu cho hay, sữa lạc đà chứa hàm lượng vitamin C nhiều gấp 3 lần sữa bò và có vai trò cực tốt trong việc phòng chống các loại vi khuẩn, u bướu và bệnh tiểu đường cũng như quan niệm truyền thống khi xem nó là liều thuốc dùng để chữa bệnh gan từ khu vực Trung Á đến Bắc Phi.

Camelicious bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2006 và nhanh chóng đưa các sản phẩm sữa lạc đà hiện diện trên thị trường bằng một cái logo rất đặc trưng: một con lạc đà có đôi mắt lồi đeo đôi kính mát màu tím. Kế đó nhiều hương vị mới đã được cho vào sữa làm phong phú thêm vị giác của người tiêu dùng như sôcôla, nghệ, chà là, dâu tây. Các sản phẩm khác bao gồm sữa lạc đà sôcôla và laban - một loại sữa chua truyền thống xứ Arập. Lạc đà ăn cỏ sa mạc sẽ có một thứ sữa tươi có mùi hơi mặn. Để tăng khẩu vị cho người tiêu dùng, Camelicious đã cho cỏ khô, cà rốt và quả chà là làm nguyên liệu chính cho thức ăn của lạc đà.

Một con lạc đà trung bình sản xuất ra khoảng 10 lít sữa tươi nguyên chất/ngày, thấp hơn công suất sản xuất sữa từ bò cái ở các trang trại nuôi bò sữa ở phương Tây, có thể sản xuất hơn 19 lít sữa/ngày. Tuy nhiên, giống lạc đà được nhập khẩu từ Arập Xêút và Xudem lại cho ra sản lượng sữa tốt hơn. Lạc đà vùng Vịnh thường được nuôi lấy thịt hơn là lấy sữa. Hiện tại, 700 con lạc đà tại nhà máy của Camelicious ở ngoại ô Dubai đang sản xuất khoảng  5.000 lít sữa/ngày. Một số lượng lớn sữa lạc đà được đóng chai cung ứng cho các thị trường nội địa và một lượng nhỏ sữa lạc đà được sấy khô và chỉ cần thêm nước vào dùng để sản xuất ra sôcôla.

Ông David Wernery nói: "Chắc chắn là một ngày gần nhất chúng tôi sẽ xuất khẩu sữa lạc đà đến châu Âu, như Tây Ban Nha chẳng hạn. Hiện tại chúng tôi đang tập trung các kế hoạch để ổn định thị trường xuất khẩu. Và tất nhiên là cần phải nhập khẩu thêm nhiều lạc đà". Những người mua lạc đà đã khai thác các giống lạc đà ở Trung Đông và Bắc Phi

Nguyễn Thanh Hải (theo AP)
.
.