Dubai bên bờ vực phá sản: Thế giới sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính mới?

Thứ Bảy, 05/12/2009, 21:15
Thế giới chưa thoát khỏi khủng hoảng tài chính, không những thế, nó có nguy cơ bùng lên nghiêm trọng nữa là khác. Đây là nhận định chung của giới chuyên gia tài chính quốc tế, sau khi có tin tập đoàn địa ốc hàng đầu của Tiểu vương quốc Arập Dubai giàu có tại Vùng Vịnh, Dubai World, không còn khả năng thanh toán nợ đúng kỳ. 59 tỉ USD là món nợ mà Dubai xin khất lại thêm 6 tháng nữa.

Thông tin triển hạn nợ trên ngay lập tức làm điên đảo các thị trường chứng khoán thế giới. Làn sóng chấn động sau tin Dubai đề nghị triển hạn việc trả nợ đang lan truyền với tốc độ sấm sét, không chỉ ở Vùng Vịnh mà ra cả thế giới.

Ngay tức khắc, các thị trường chứng khoán từ châu Mỹ, châu Âu đến châu Á đã tụt giảm mạnh. Mối lo ngại hiện nay, theo giới chuyên gia tài chính, là hệ quả dây chuyền, không biết bao nhiêu tập đoàn khác trong Vùng Vịnh sẽ triển hạn nợ, và tác hại đối với các ngân hàng, trước mắt là châu Âu, sẽ khá nghiêm trọng.

Theo các phân tích, năm 2008, riêng Dubai thu hút 21 tỉ USD đầu tư nước ngoài. Chính Dubai đã đầu tư rất nhiều ở ngoài. Cho đến nay, theo các báo, Dubai là biểu tượng của đồng tiền “hái được”, nhưng không phải nhờ dầu hỏa mà nhờ vào địa ốc và tài chính, Dubai là nhà đầu tư số một ở Tunisia, có nhiều đề án vùng Bắc Phi, nắm cổ phần trong nhiều tập đoàn lớn ở châu Á (như Sony), ở Mỹ, ở Nga. Dubai cũng đầu tư vào châu Âu, như vào Tập đoàn Không gian EADS. Nhiều nhà đầu tư e ngại, nếu Dubai quyết định bán lại những cổ phần của mình để trả nợ thì hậu quả trên các thị trường tài chính chứng khoán thật đáng quan ngại.

Một số công trình xây dựng lớn nhất thế giới được Dubai World làm chủ đầu tư.

Báo Libération, Pháp, (ngày 25/11) trích dẫn đánh giá của Ngân hàng Thụy Sĩ Crédit Suisse: các ngân hàng châu Âu có nguy cơ bị thiệt hại hàng tỉ euro. Tờ báo liệt kê một số ngân hàng đã bắt đầu chịu hậu quả. Tại Pháp, dính đến món nợ của Dubai có hàng loạt ngân hàng như BNP- Paribas, Société Générale, Crédit Agricole.

Tuy nhiên, những lo ngại lúc đầu rằng, cuộc khủng hoảng này có thể dẫn đến một cuộc suy sụp tài chính khác có vẻ giảm đi sau khi một số nhà phân tích lạc quan cho biết các ngân hàng của Mỹ không bị ảnh hưởng nhiều. Thị trường chứng khoán Mỹ rớt mạnh vào lúc đầu nhưng có lại sự phục hồi khi giới đầu tư nhận ra rằng, những tổn thất này chỉ có tính cách cục bộ và sẽ không lan rộng.

Chỉ số Dow Jones rớt khoảng 155 điểm và giá dầu thô tụt tới 7% trước khi phục hồi đôi chút. Sang ngày 27/11, các thị trường chứng khoán châu Âu không còn rơi vào hoảng loạn. Thị trường Paris, chỉ số CAC 40, sau khi sụt 3,41% hôm 26-11, đã lấy lại 1,15% điểm và các thị trường khác của châu Âu cũng tăng trở lại. Lý do là vì các nhà đầu tư nay nhận thấy, các ngân hàng thật ra không bị ảnh hưởng nhiều bởi những khó khăn tài chính của Dubai.

Trong khi đó, toàn bộ các thị trường chứng khoán châu Á đều sụt giảm rất mạnh, nhưng đó là bởi vì ngoài chuyện của Dubai, các nhà đầu tư còn lo ngại về hậu quả của việc đồng yen Nhật tăng giá quá mạnh so với USD.

Do đâu Dubai bị lâm vào tình trạng này? Dubai, một trong những nơi hiếm hoi ở Vùng Vịnh mà không có dầu hỏa, và đã đặt cược vào địa ốc, du lịch, nhắm vào tầng lớp sang trọng thế giới. Dubai đã thành công ngoạn mục từ hai thập niên với những công trình kiến trúc như các hòn đảo nhân tạo làm thế giới kinh ngạc.

Cách đây một năm thôi, Dubai vẫn được xem là một trong những trung tâm tài chính đáng tin cậy nhất hành tinh. Bây giờ thì đã trở nên một trong những nơi thiếu khả năng chi trả nhất. Nhìn lại nguyên nhân, giới phân tích cho rằng  Dubai đã bị hậu quả khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu.

Những lĩnh vực mà Dubai dựa vào: địa ốc, tài chính, du lịch là những ngành bị tác hại nhiều nhất. Giá địa ốc tại đây sụt giảm đến 47%, nhiều công trình hiện nay đã phải bị bỏ dở vì thiếu tài chính.

Liệu khó khăn tài chính của Dubai sẽ dẫn đến khủng hoảng mới? Tổng số nợ của Dubai lên tới 80 tỉ USD, trong đó 59 tỉ là nợ của Tập đoàn Dubai World, mà nước này xin hoãn 6 tháng để trả. Nguy cơ Dubai bị vỡ nợ khiến mọi người nhớ đến sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ Lehman Brothers vào mùa thu năm ngoái. Liệu kịch bản Lehman Brothers có tái diễn? Đa số các nhà phân tích không tin điều đó.

Theo họ, những khó khăn tài chính của Dubai sẽ không dẫn đến một cuộc khủng hoảng mới. Thứ nhất, sẽ không xảy ra hiệu ứng domino ở Vùng Vịnh bởi lẽ các nước khác như Arập Xêút, Abu Dhabi và Qatar không bị những vấn đề về tín dụng như Dubai. Hơn nữa, Abu Dhabi sẽ không bỏ rơi người láng giềng của mình, mà sẽ tung tiền ra để cứu vớt Dubai.

Về mức độ thiệt hại đối với các ngân hàng lớn của quốc tế hiện được chưa biết là bao nhiêu, nhưng chắc là chỉ vào khoảng vài chục tỉ USD, chủ yếu là thiệt hại đối với các ngân hàng Vùng Vịnh, vốn tham gia rất nhiều vào dự án Dubai World. Số tiền này chẳng thấm vào đâu so với con số hàng nghìn tỉ USD mà các ngân hàng châu Âu và Mỹ phải gánh chịu do hậu quả của khủng hoảng tín dụng địa ốc thứ cấp và khủng hoảng tài chính năm 2008.

Tuy đa số các nhà phân tích không thật sự lo ngại, nhưng tỏ ra thận trọng, chờ xem tình hình diễn tiến đến đâu. Theo họ, cuộc khủng hoảng ở Dubai cho thấy sự yếu đuối của nền kinh tế thế giới dù có các chỉ dấu đang phục hồi. Sự kiện Dubai nhắc nhở mọi người rằng, tình trạng “sức khỏe của tài chính toàn cầu” chưa trở lại bình thường.

Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo chính trị lại đang ra sức trấn an là nền kinh tế thế giới đến nay đã đủ vững chắc để chống đỡ với nguy cơ tương tự như nguy cơ vỡ nợ của Dubai. Tuy vậy, sau vụ việc này, các công ty lượng định khả năng tài chính đã hạ thấp chỉ số an toàn của Dubai, coi ý tưởng xin hoãn nợ là một hành động trốn nợ

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.