Đức: Hàng giả lộng hành

Thứ Năm, 24/05/2012, 15:25

Hàng loạt chủ sở hữu các công ty và hãng xưởng ở Đức rất đỗi kinh ngạc khi phát hiện ra sản phẩm độc quyền của mình bị làm giả một cách tinh vi. Nhưng thay vì hàng bắt chước thương hiệu nổi tiếng lâu nay vẫn có xuất xứ từ nước ngoài, đằng này lại được sản xuất ngay trên đất Đức!

"Chuyện khó tin mà thật này ngang nhiên tồn tại ở Cộng hòa Liên bang Đức, nền kinh tế hàng đầu châu Âu khiến những người có lương tâm hết sức hổ thẹn", ông Peter Rayzental, Giám đốc Văn phòng Quản lý thương hiệu quốc gia có trụ sở tại thành phố Bonn khẳng định.

Đồng thời ông P. Rayzental cũng cho biết: Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay đã phát hiện hơn 200 sản phẩm sao chép bất hợp pháp được tung ra thị trường. Đơn cử như cửa hàng trực tuyến thuộc hãng cà phê Tchibo đang cuốn hút người mua thiết bị lọc tự động giá 14,95 euro, trong khi sản phẩm gốc bị ăn cắp mẫu mã của Công ty Reisenthel Accessoires có giá hơn gấp đôi là 40 euro.

"Những kiểu dáng đẹp thường bị sao chép nhiều hơn - ông  Rayzental cho biết thêm - Động cơ chủ yếu dựa theo nhu cầu bột phát từ mạng lưới bán lẻ mang mục đích gian lận thương mại. Hầu như bất cứ mặt hàng nào đang ăn khách lập tức có sản phẩm nhác xuất hiện với giá rẻ hơn nhiều".

Nhưng hàng tiêu dùng chỉ là một khía cạnh không đáng kể so với các sản phẩm trình độ cao khác. "Gần 25% mặt hàng máy móc ăn cắp kiểu dáng nước ngoài được cho ra lò tại Đức theo xu hướng cạnh tranh không lành mạnh - Tiến sĩ Hannes Hesse Chủ tịch Liên đoàn Kỹ thuật Đức (VDMA) có  trụ sở tại thủ đô Berlin nhận định - Tỷ trọng này khiến nước Đức xếp ngay sau Trung Quốc vốn là trung tâm hàng giả toàn cầu, cùng 70% sản phẩm cơ khí nhái mẫu mã ngoại quốc". 

Thương hiệu Rimlux (phải) bắt chước kiểu dáng vành xe hơi của hãng Shnister đoạt cúp Chiếc thìa gỗ - 2012.

Thực trạng làm hàng giả lan tràn đã thúc đẩy ý tưởng hình thành Viện Bảo tàng Plagiarized (Ăn cắp ý tưởng) tọa lạc giữa trung tâm thành phố Solingen, phía bắc bang Rhine-Westphalia.  Kể từ năm 2007 đến nay, trung bình mỗi năm bảo tàng trưng bày khoảng 350 sản phẩm cả chính hãng lẫn hàng nhái được đặt cạnh nhau để khách tham quan dễ phân biệt. Giải thường niên dành cho mặt hàng "ấn tượng nhất" là cúp Chiếc thìa gỗ do công chúng bình chọn. Năm 2011, kiểu ba lô du lịch Punch thuộc thương hiệu Bree nổi tiếng của Bỉ, bị một cơ cở sản xuất tại Đức sao chép đã “ẵm” Chiếc thìa gỗ.

"Một hiện tượng ít người để ý là đa phần các tụ điểm thương mại chuyên bán hàng giá rẻ, với chương trình khuyến mãi rầm rộ mỗi tuần thường đưa lên kệ những sản phẩm sao chép từ giới sáng chế ít tên tuổi", nữ phát ngôn viên Christine Lacroix của bảo tàng Plagiarized nhấn mạnh. Các khổ chủ chỉ còn cách đưa vụ việc ra chốn pháp đình, hòng bảo vệ những sáng chế kỳ công cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Nhưng không phải phần thắng khi nào cũng thuộc về họ.

Như Giám đốc P. Rayzental nêu ra một trường hợp trái khoáy mới xảy ra đầu tháng 5 vừa qua, khi Công ty Dr. Oetker tại Bielefeld đâm đơn kiện chuỗi cửa hàng giá rẻ Aldi Sued ở cùng địa danh, bởi đã vi phạm bản quyền kiểu bánh Pudding dành cho trẻ em mang thương hiệu Paula, mà Hãng Dr. Oetker từng dày công quảng cáo trên các kênh tivi. Kết cục, Tòa phúc thẩm tại Dusseldorf lại xử cho Aldi Sued được tiếp tục sản xuất sản phẩm bắt chước(!?).

Theo P. Rayzental, trung bình hàng năm các nạn nhân của tệ làm hàng giả tiêu tốn đến 1/4 triệu euro tiền án phí kiện tụng, khoản chi không đáng có đối với một thương trường lành mạnh.

"Trong lĩnh vực cung cầu thì giới tiêu thụ cũng có lỗi phần nào - vẫn theo lời ông P. Rayzental - Người tiêu dùng ham săn lùng đồ đẹp với giá rẻ, đã vô tình làm ngơ trước xuất xứ mờ ám của những mặt hàng được họ ưa thích"

Trần Hồng (theo Handelsblatt)
.
.