Đức: Liều mạng vì thú chơi nghệ thuật graffiti

Thứ Năm, 04/09/2014, 10:30

Nhiều thanh niên sẵn sàng liều mạng với bộ môn graffiti khi muốn đặt dấu ấn của họ tại những vị trí nguy hiểm như trên bức tường dốc của các tòa nhà chọc trời hay trong những đường xe điện ngầm. Trong những năm gần đây, có không ít nghệ sĩ graffiti bị mất mạng hay bị thương nặng do niềm đam mê của họ.

Những bức tranh graffiti khổng lồ có thể nhìn thấy nhan nhản trong các thành phố lớn ở Đức như Berlin, Hamburg, Cologne... từ lâu đã là một bộ phận không thể tách rời của cảnh quan thành thị. Những bề mặt trống trải trong nội đô được tận dụng để thực hiện những bức tranh graffiti của các nghệ sĩ tài tử, những người phản đối chính phủ (cánh tả) và những fan bóng đá, nhất là giới trẻ.

Tại sao giới trẻ dám mạo hiểm tính mạng, thách thức cảnh sát, gây mâu thuẫn với cha mẹ và tạo ra những cuộc tranh cãi trong trường học hay tại nơi làm việc chỉ vì graffiti?

Tìm quên cuộc đời buồn thảm

Mới đây, hai nghệ sĩ graffiti trẻ tuổi ở thành phố Hamburg bị những vết thương trầm trọng. Julius G., 21 tuổi, đẹp trai và có nụ cười dễ mến. Anh là người mẫu thời trang có tiếng cho các công ty thời trang hàng đầu thế giới như Benetton và Prada; thường xuyên bay đến các thành phố lớn như New York, Milan và Paris để chụp ảnh và xuất hiện trên trang bìa tạp chí Vogue bản tiếng Nhật.

Nhưng vào một ngày u ám cuối tháng 10/2013, tương lai đầy hứa hẹn phía trước của Julius G. đã khép lại. Julius G. nhập viện vì những vết bỏng độ 2 và độ 3, chiếm hết 40% cơ thể - bao gồm vai, hai cánh tay, lưng và mặt.

Một cầu đường sắt được các tay chơi graffiti “trang hoàng”.

Tai nạn ập đến cho Julius G. do niềm đam mê "nghệ thuật" của mình: vẽ tranh graffiti bất hợp pháp trên những bức vách toa tàu hỏa và trạm tàu hỏa. Khi leo lên một toa tàu hàng, Julius G. không biết rằng sát trên đầu anh là đường dây điện 15.000 volt. Sau khi bị điện cao thế phóng vào người, G. được các "nghệ sĩ" graffiti khác đưa đi cấp cứu.

Bốn ngày trước đó, một nghệ sĩ graffiti khác ở Hamburg cũng bị tai nạn trầm trọng. Enrico M., 25 tuổi, bị tàu hỏa tông trúng khi anh đang sơn vẽ tranh graffiti. Enrico M. nhập viện với tình trạng đa chấn thương - trên đầu và xương sống bị gãy vài đoạn. Các bác sĩ chẩn đoán Enrico M. sẽ thành người tàn phế trong quãng đời còn lại.

Patrick, học sinh trung học ở Hamburg đã bỏ học nửa chừng và graffiti đã giúp cho anh quên đi những rắc rối trong cuộc sống, cho biết: "Phun sơn khiến tôi cảm thấy hạnh phúc". Đôi khi Patrick thực hiện graffiti với bạn bè, nhưng thường thì anh chỉ làm một mình mà không hề quan tâm đến sự nguy hiểm của bộ môn này. Patrick vẽ chữ ký đặc trưng (tựa như nghệ danh) của mình - SUN (Mặt trời) - với màu xanh, vàng và đỏ trên các bức tường và trụ cầu, các garage và nhà chờ xe buýt.

"Mặt trời xóa tan mọi sự buồn thảm", Patrick giải thích. Sự "buồn thảm" mà Patrick nói đến không biết đó là những bức tường xám xịt hay là sự buồn tẻ trong cuộc sống của anh.

Mặc dù ở tuổi 18, song Patrick chưa hẳn là người phun sơn graffiti trẻ tuổi nhất. Nhiều thiếu niên bắt đầu thực hành graffiti từ lúc 12 hay 13 tuổi và rời khỏi bộ môn này khi bước vào tuổi đôi mươi. Kể từ khi graffiti rời khỏi các khu người da đen ở Mỹ để du nhập vào Đức vào thập niên 80, thế kỷ XX thì một quang cảnh náo nhiệt gắn liền với nó phát triển khắp các thành phố lớn của nước này.

Trong một số trường hợp, graffiti mang tính hiếu chiến và hướng đến bạo lực, vào trong một số trường hợp khác thì nó kết hợp với tham vọng nghệ sĩ. Tuy nhiên, mọi người phun sơn vẽ tranh đều chia sẻ ước muốn thách thức những định kiến xã hội.

Nhóm 3 người SN 180 chụp hình trên một đường ray.

Johnny S. vẽ những hình ảnh đáng sợ nhưng tuyệt mỹ - đó là những con ma sói nhe nanh, những hình người đầu chim ưng vai u thịt bắp và những quái vật khạc ra lửa. Để cho những hình vẽ được nhìn thấy từ khoảng cách xa, Johnny S. đôi khi đột nhập vào tầng thượng của cao ốc, trèo lên mái nhà và buộc dây thừng vào người để phun sơn trong tư thế lộn ngược đầu vô cùng nguy hiểm! "Anh phải vượt qua nỗi sợ hãi và sáng tạo ra hình vẽ gì đó coi cho được", Johnny S. giải thích. Johnny S. cũng lập luận rằng những người dành hết tâm huyết cho bộ môn giải trí graffiti "có thể tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống".

Johnny S. là một y tá và anh đã dành phần lớn tiền lương của mình để mua những thùng sơn phun. Một thùng có giá khoảng 3,80 euro (5,14 USD) đủ để bao phủ bề mặt có diện tích khoảng 5m2.

Phun sơn graffiti là niềm đam mê kéo dài nhiều năm của Johnny S. và cộng đồng graffiti là gia đình thứ hai của anh. Trở nên nổi tiếng trong cộng đồng graffiti chính là phần thưởng quý báu cho Johnny S. Các tay chơi graffiti trẻ tuổi chụp ảnh và cố gắng sao chép những hình vẽ của Johnny S. thường trông giống những nhân vật truyện tranh, và họ còn tìm gặp anh để học hỏi kinh nghiệm.

Tuy nhiên, S. không coi hoạt động graffiti của mình là phá hoại tài sản văn hóa. Walter F. - nổi tiếng với chữ ký riêng là OZ - nay đã 63 tuổi và được coi là tay chơi graffiti nổi tiếng nhất và lớn tuổi nhất ở Đức. Với biểu tượng "gương mặt cười" nổi tiếng của mình, Walter F. đã thực hiện graffiti hàng ngàn lần và, với chữ ký OZ đặc trưng, ông trở thành nhân vật đáng ghét nhất đối với các chủ tòa nhà bởi vì "OZ" đã gây thiệt hại hàng triệu euro cho họ.

Walter F. bị ngồi tù vài lần và hiện nay ông vẫn tiếp tục bị thưa kiện. Những hình vẽ của OZ hiện nay được bán cho các gallery và một số bức có giá hơn 3.000 euro (4.065 USD).

Càng bị truy kích càng phấn khích!

Người ta có thể nhìn thấy những dấu hiệu SN ("SachschadeN" trong tiếng Đức hay có thể hiểu là "thiệt hại tài sản") và Crew 180 ở bất cứ nơi nào có tàu hỏa chạy qua ở thành phố Hamburg - trên các cây cầu, trong đường hầm. Đó là ký hiệu của nhóm graffiti 3 người với thủ lĩnh tự xưng là Uwe. Nhóm SN 180 gồm chỉ 3 người đàn ông trong độ tuổi giữa 30 (quá độ tuổi trung bình của các tay chơi graffiti), không có gia đình hay con cái và gắn bó với graffiti trong hơn 20 năm. Họ không hề có tham vọng trở thành nghệ sĩ và thường xuyên gây thiệt hại cho hệ thống đường sắt quốc gia Deutsche Bahn của Đức.

"Tất cả những gì chúng tôi làm là gây thiệt hại cho tài sản và chúng tôi xuất hiện vào mỗi đêm", Uwe cho biết. Họ là đối tượng săn lùng của cảnh sát Đức vài lần trong tuần.

Một toa tàu bị phun sơn.

Đó là một đêm Thứ bảy, không lâu sau 2 giờ sáng, gần nhà ga trung tâm ở thành phố Hamburg, 3 người đàn ông mặc áo jacket màu đen, quần dài màu đen và trùm mũ len kín mặt cũng màu đen. Họ sử dụng chìa khóa giả để đột nhập nhà ga và len lén tiến đến đường ray, nơi mà trước đó đã có tay chơi graffiti người Berlin tên là Enrico M. gặp nạn.

Chờ thời cơ thuận lợi, cả bọn bắt đầu vác ba lô chứa đầy những bình sơn phun tiến đến các toa tàu để trổ tài vẽ graffiti. Chỉ vài giờ sau, họ đưa lên Internet vài bức ảnh mô tả những chiếc tàu phủ đầy dấu tích của SN.

Khi được hỏi tại sao dám mạo hiểm như thế, một thành viên trong bọn tên là Lengo trả lời ngay: “Tất cả chỉ vì niềm đam mê. Không có gì hấp dẫn hơn khi anh phun sơn lên chiếc tàu và có thể cảm nhận được mùi sơn nơi đầu lưỡi!". Điều kỳ lạ là nỗi lo sợ bị tai nạn, điện giật hay bị bắt quả tang càng làm cho những tay chơi graffiti thêm phần phấn khích.

Vậy thì liệu những tay chơi ngông này có thể bị coi là những phần tử chống đối xã hội hay tội phạm hay không? Một tay vẽ graffiti khẳng định phong trào graffiti đã tạo ra những "việc làm mới" cho xã hội - thêm nhiều công nhân sản xuất sơn và thêm nhiều nhân viên dọn rửa và bảo vệ làm việc cho hệ thống đường sắt quốc gia Đức Deutsche Bahn!

Ghi "dấu ấn" cho đời lên bộ mặt phố phường và lên cả thân thể

Trên thực tế, nhiều lực lượng cảnh sát đặc nhiệm chống graffiti hiện đã được thành lập tại nhiều thành phố lớn ở Đức. Họ có nhiệm vụ lùng bắt những tay chơi graffiti do đó nguy cơ những người này bị tàu đâm là rất cao. Theo Rudiger Carstens, người phát ngôn cho Cảnh sát Liên bang Đức, chính quyền thành phố Hamburg thường xuyên sử dụng máy bay trực thăng để truy lùng những tay chơi graffiti.

Giới chức thành phố cho biết thiệt hại do "nghệ sĩ" graffiti gây là vô cùng lớn. Năm 2012, các nhân viên đường sắt ở Đức báo cáo 14.000 trường hợp thiệt hại tài sản nghiêm trọng có liên quan đến graffiti. Chỉ riêng công việc tẩy rửa những chiếc ôtô bị dính đầy sơn đã ngốn khoảng 8 triệu euro/năm. Đó là chưa kể đến những món tiền lớn khác sinh ra để chữa trị cho những tay chơi graffiti không may bị tai nạn.

Enrico M. cùng với đám bạn chơi graffiti rong ruổi khắp nước Đức và đến nhiều nơi khác ở châu Âu và đều để lại "dấu ấn" ở những nơi mà họ đi qua. Mức tiền phạt cho trò vẽ graffiti phá hoại tài sản đường sắt là 500 euro và thậm chí phải ngồi tù cho mỗi lần vi phạm. Nhưng, Enrico M. không hề sợ hãi bởi vì mỗi lần ra tay với graffiti là anh cảm thấy mình có cơ hội được mọi người biết đến.

Walter F., với dấu hiệu riêng là “OZ", che mặt bằng gương mặt cười nổi tiếng của ông.

Trong giới graffiti Đức, Enrico M. trở thành một con người tiêu biểu, một anh hùng được ca ngợi với dấu hiệu riêng là "Kasor" nổi tiếng khắp các thành phố lớn nước Đức - từ Hamburg cho đến Berlin, Dresden và Collogne. Còn Julius G., 21 tuổi, lớn lên ở vùng ngoại ô giàu có của Hamburg. Bất cứ khi nào rời khỏi thế giới chụp ảnh thời trang, Julius G. đều tìm sự kích thích từ trò graffiti bất hợp pháp và nhóm của anh gọi là "DREIST" (tự mãn). Với dấu hiệu riêng kỳ cục là "Doktor", Julius G. sơn những hình ảnh đầy màu sắc.

Những vết bỏng do điện của Julius G. thật sự gây khiếp đảm cho cộng đồng graffiti. May mắn là anh sống sót sau ca phẫu thuật ghép da đầu tiên. Thế mà trên các diễn đàn Internet, hai tai nạn xảy đến cho Enrico M. và Julius G. đều được bàn luận với sự căm ghét. Thành viên của một chatroom cho biết: "Tôi vui mừng khi thấy mỗi chiếc tàu đâm phải một tay chơi graffiti".

Trong nỗ lực chống lại phong trào graffiti gây thiệt hại cho thành phố hàng triệu euro mỗi năm, Deutsche Bahn bắt đầu thử nghiệm vũ khí mới - đó là, máy bay không người lái (drone) trang bị camera hồng ngoại. Trưởng ban an ninh của Deutsche Bahn - Gerd Neubeck - cho biết chỉ riêng năm 2012 những chiếc tàu của công ty đã bị "bôi đầy sơn" khoảng 14.000 lần gây thiệt hại khoảng 7,6 triệu euro.

Chiếc drone mới của Deutsche Bahn đường sắt được sơn logo hai màu đỏ và trắng của công ty, sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS để ghi nhận số lần và những nơi mà các tay chơi graffiti ra tay nhằm giúp dễ truy tố những kẻ phạm pháp. Bay ở độ cao 150 mét, drone có thể hoạt động do thám hơn 80 phút/lần và lặng lẽ di chuyển trên bầu trời với tốc độ 54km/giờ. Khả năng này cho phép Deutsche Bahn quan sát những khu vực rộng lớn trong thời gian ngắn

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.