Đừng để giải thưởng mất thiêng!

Thứ Ba, 20/07/2021, 14:17
Có lẽ cũng không phải chuyện lạ khi mỗi mùa xét giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh dư luận lại có nhiều ý kiến bất đồng, khi một số nghệ sĩ xứng đáng bị “loại” khỏi danh sách giải thưởng. Năm nay, có nhiều đơn kiến nghị ở các lĩnh vực đã được gửi đề nghị xem xét lại giải thưởng cho các tác giả. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc trao giải thưởng “dễ dàng” sẽ khiến cho giá trị giải thưởng mất thiêng.


Sóng gió từ việc “trượt” giải thưởng

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Chuyên ngành cấp nhà nước nhận được 331 hồ sơ xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt này. Sau phiên làm việc và bỏ phiếu đã loại 83 hồ sơ ở cả hai giải thưởng. Trong đó, Giải thưởng Hồ Chí Minh loại 9 hồ sơ, Giải thưởng Nhà nước loại 74 hồ sơ trước khi trình Hội đồng cấp nhà nước xem xét. Lâu nay, dư luận vẫn lo ngại sự thiếu minh bạch, thiếu chuyên nghiệp trong việc xét duyệt hồ sơ ở Hội đồng cấp cơ sở. Thực tế, nhiều hồ sơ rơi rụng ở cấp này dấy lên nhiều tranh cãi đã không còn là chuyện lạ.

Lần này, sóng gió lại nổi lên khi ở lĩnh vực điện ảnh, hai cây đa cây đề là NSND Trần Văn Thủy và NSND Đào Trọng Khánh đã bị “loại” khỏi danh sách Giải thưởng Hồ Chí Minh khi đề trình lên Hội đồng cấp nhà nước. Điều này đã gây “sốc” trong giới điện ảnh nói riêng và giới văn hóa nghệ thuật nói chung. Không ai có thể phủ nhận những đóng góp của hai nghệ sĩ gạo cội này đối với điện ảnh nước nhà, đặc biệt ở mảng phim tài liệu. 

Nghệ sĩ nhân dân Trần Văn Thủy.

Theo ông Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung Ương, NSND Đào Trọng Khánh và NSND Trần Văn Thủy đều là những cây đa cây đề của làng điện ảnh tài liệu cũng như của Hãng phim Tài liệu và Khoa học. Ông Tùng chia sẻ: “Về các tác phẩm của NSND Trần Văn Thủy, đặc biệt là hai tác phẩm “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” là những bộ phim đánh dấu một thời kỳ lịch sử của hãng đồng thời là những tác phẩm tạo tiếng vang thế giới. Những bộ phim đó không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn có tính thời sự, thậm chí đến bây giờ vẫn còn tính thời sự”.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương khẳng định, nói đến mảng phim tài liệu, có 3 cái tên rất nổi tiếng và được giới làm nghề kính trọng, đó là NSND Trần Văn Thủy, NSND Bùi Đình Hạc và NSND Đào Trọng Khánh. Họ đã để lại những tác phẩm mang đậm dấu ấn của thời đại và mang lại vinh dự cho ngành, đó là những người đã có đóng góp to lớn cho điện ảnh tài liệu. “Vì thế, giới làm nghề rất mong ban xét duyệt hồ sơ cấp cao hơn xem xét lại việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho hai nghệ sĩ”. Ông Tuấn nói.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cũng khẳng định, những đóng góp của NSND Trần Văn Thủy và NSND Đào Trọng Khánh đối với nền điện ảnh tư liệu rất to lớn. “Giải thưởng Hồ Chí Minh là cách chúng ta tôn vinh sự nghiệp và những đóng góp của các nghệ sĩ cho đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà, nên có một hình thức tôn vinh xứng đáng hơn chứ không phải xét theo kiểu nguyên tắc và máy móc thế này, đó là một sự xúc phạm đến nghệ sĩ. Những người ngồi trong hội đồng cơ sở, mỗi người một lĩnh vực, họ đôi khi cảm tính, không hiểu hết những đóng góp của từng người”.

NSND Trần Văn Thủy đại diện làm hồ sơ đăng ký cho cụm tác phẩm phim tài liệu “Những người dân quê tôi”, “Phản bội”, “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế” và “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai”. NSND Đào Trọng Khánh đại diện làm hồ sơ đăng ký cụm tác phẩm: “Một thế kỷ - một đời người”, “Giọt nước giữa đại dương”. Trong số các tác phẩm này, “Chuyện tử tế” có nội dung về thân phận những người nghèo khổ và những mâu thuẫn xã hội, được đánh giá là tác phẩm xuất sắc nhất của NSND Trần Văn Thủy. Bộ phim đã đạt giải Bồ Câu Bạc tại Liên hoan phim quốc tế Leipzig 1985, được báo chí nước ngoài gọi là “quả bom đến từ Việt Nam nổ tung ở thành phố Leipzig”.

Nghệ sĩ nhân dân Đào Trọng Khánh.

Ngày 8-7, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Căn cứ kết quả kiểm phiếu bầu của các thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước lĩnh vực điện ảnh, cụm tác phẩm phim tài liệu: “Những người dân quê tôi”, “Phản bội”, “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế”, “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai” do NSND Trần Văn Thủy đại diện làm hồ sơ đăng ký, tác phẩm và cụm tác phẩm phim tài liệu: “Một thế kỷ - một đời người”, “Giọt nước giữa đại dương” do NSND Đào Trọng Khánh đại diện làm hồ sơ đăng ký tác phẩm không đạt đủ số phiếu đồng ý 80% của tổng số thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước có mặt tại cuộc họp nên không đủ điều kiện trình Hội đồng cấp nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật theo quy định tại khoản 11, Điều 1, Nghị định số 133/2018/NĐ-CP”.

Nhiều bất cập cần thay đổi

Ở lĩnh vực điện ảnh, chỉ có lại duy nhất một hồ sơ của NSƯT Phan Thế Dõng (Trần Nhu, Nguyệt Hải). Dư luận sẽ đặt ra câu hỏi, tại sao những bộ phim tài liệu của NSƯT Phan Thế Dõng như “Du kích Củ Chi”, “Đội nữ pháo binh Long An”, “Hạt lúa vành đai” ít người biết đến hơn các tác phẩm của hai nghệ sĩ Trần Văn Thủy và Đào Trọng Khánh lại được Hội đồng cấp cơ sở bỏ phiếu cao hơn và dành vị trí đề cử lên Hội đồng cấp nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật? Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn nhận được những đơn khiếu kiện ở các lĩnh vực khác như văn học, âm nhạc.

Rõ ràng, tiêu chí và sự công tâm trong việc xét Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh là điều đáng bàn. Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy đang nằm viện. Ông chia sẻ, cuộc đời ông cống hiến, làm phim gian khổ, không bao giờ nghĩ đến giải thưởng. Ông ngậm ngùi: “Có thể người ta không muốn ai hơn mình”... 

Còn đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần nói rằng, ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước, bạn bè cũng giục ông làm hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng ông không làm. 

“Tôi nghĩ, Giải thưởng Hồ Chí Minh hay danh hiệu NSND là điều gì đó thiêng liêng, cao quý, nó mang tính chất tôn vinh cả cuộc đời cống hiến của người nghệ sĩ. Vì thế, việc xét tặng giải thưởng dựa vào cụm tác phẩm chưa được lựa chọn khi trao Giải thưởng Nhà nước sẽ là một sự chồng chéo, không phù hợp. Giải thưởng Hồ Chí Minh là sự tôn vinh cả cuộc đời lao động và sáng tạo của người nghệ sĩ ở một tầm cao, nó là một giải thưởng thiêng liêng”. Ông cũng chia sẻ, Hội đồng Nhà nước cấp cơ sở, mỗi người ở 1 lĩnh vực, có thể không hiểu hết giá trị, đóng góp của từng người ở các lĩnh vực khác nhau, đó là một bất cập lâu nay. “Việc bỏ phiếu đôi khi dựa vào quan hệ hay yêu ghét cá nhân nên chưa thực sự công tâm. Không phải chỉ tôi, mà nhiều nghệ sĩ lớn tuổi không còn mặn mà với các giải thưởng, danh hiệu”.

Nhạc sĩ Phú Quang được xét tặng giải thưởng Nhà nước khi ông đã ốm yếu.

Năm 2011, nhạc sĩ Phú Quang cũng đã “trượt” Giải thưởng Nhà nước, dù không thể phủ nhận những đóng góp của ông cho đời sống âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là mảng ca khúc về Hà Nội. Năm nay, hồ sơ nhận được sự đồng thuận cao của Hội đồng cơ sở thì nhạc sĩ Phú Quang đang cấp cứu trong bệnh viện và ông, có lẽ cũng không còn đủ sức khỏe để đón nhận niềm vui này. Vợ nhạc sĩ Phú Quang đích thân làm hồ sơ cho chồng, chị ngậm ngùi, giá như giải thưởng đến khi ông còn khỏe mạnh, chắc ông sẽ vui hơn nhiều. Dù đối với người nghệ sĩ, tâm thế sáng tạo của họ không bao giờ làm vì giải thưởng.

Nhà văn Sơn Tùng từng được Hội đồng cơ sở làm hồ sơ để phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động nhưng khi đề xuất xét Giải thưởng Hồ Chí Minh thì cũng chính hội đồng đó đã “loại” hồ sơ của nhà văn Sơn Tùng. Những đón góp của nhà văn Sơn Tùng cho đời sống văn học không thể phủ nhận, đặc biệt tác phẩm “Búp sen xanh” của ông đã in đi in lại hàng triệu bản.

Đó là một vài trường hợp trong "bảng danh sách" rất nhiều tác giả “trượt” Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh trong những năm qua. Năm nay, danh sách lại thêm một số nghệ sĩ gạo cội xứng đáng được tôn vinh khiến dư luận rầm rĩ.

"Nhất bên trọng, nhất bên khinh"?

Bên cạnh những bất cập trong việc xét hồ sơ giải thưởng, để lọt những tác giả có đóng góp quan trọng cho đời sống văn học nghệ thuật nước nhà, nhiều người lo ngại, ở chiều ngược lại, giải thưởng, đặc biệt là Giải thưởng Hồ Chí Minh sẽ được trao không đúng người và có hiện tượng “hết nạc vạc đến xương”.

Cảnh phim “Hà nội trong mắt ai” của đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Trần Văn Thủy.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc trao Giải thưởng Hồ Chí Minh không đúng người sẽ làm giải thưởng mất “thiêng”. Không nên cứ đến hẹn lại lên, khi tác giả, tác phẩm chưa xứng tầm. Chúng ta không nên khoác những chiếc áo quá rộng cho một giải thưởng danh giá như vậy. Xem lại tiêu chí của Giải thưởng Hồ Chí Minh: “Tác phẩm, công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh phải đáp ứng tiêu chí: Có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có giá trị đặc biệt xuất sắc về văn học nghệ thuật, nội dung tư tưởng, hình thức nghệ thuật, đã được tặng giải cao nhất”... Điều đó đòi hỏi tầm cao về sự đóng góp của một tác giả.

Theo nhà phê bình Ngô Thảo, nhìn vào danh sách các tác giả năm nay, ở mảng văn học, khó có ai đạt tầm để đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, để có thể đứng ngang hàng với các bậc tiền bối Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân... Còn đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng, có sự bất cập trong việc lựa chọn tác phẩm xét giải, khi tác giả chọn hết các tác phẩm tốt để trao Giải thưởng Nhà nước thì đến Giải thưởng Hồ Chí Minh, có nhiều tác phẩm không giá trị bằng. Ông cho rằng, nên giãn cách ra, không phải 5 năm mà 10-15 năm mới trao một lần Giải thưởng Hồ Chí Minh và chỉ trao cho người xứng đáng chứ không phải cố để trao. “Đừng để giải thưởng mất thiêng”. Ông nói.

Bảo Linh
.
.