Đừng làm ô nhiễm môi trường sư phạm

Thứ Năm, 10/05/2018, 21:14
Trong một số quyển sách dạy ứng xử và kỹ năng mềm của nước ngoài có vô số trang nhấn mạnh khá rõ cần có sự thông cảm nhất định với phụ nữ. Bởi họ khác phần còn lại của thế giới, trong một tháng sẽ có những ngày đồng hồ “sinh học” điều chỉnh tính khí thất thường, đôi khi vượt ngoài tầm kiểm soát hoặc vượt quá xa ứng xử, đạo đức phù hợp.

Thế nhưng có một vấn đề khác đã xảy ra khi chúng ta có thói quen sử dụng mạng xã hội Facebook, bất kể sai lầm nào thuộc phạm trù đạo đức thường hiếm khi được cảm thông, bất kể đó là ai và thuộc giới tính nào.

Tối ngày 5-5 vừa qua, mạng xã hội liên tục chia sẻ đoạn clip dài hơn 2 phút rưỡi ghi lại cuộc tranh cãi căng thẳng của giáo viên NKT thuộc một trung tâm Anh ngữ ở Hà Nội cùng một nam học viên. Theo nội dung cuộc cãi vã thì mâu thuẫn giữa hai bên bắt nguồn từ việc nữ giáo viên yêu cầu nam thanh niên phải nộp phạt 100 nghìn đồng vì không làm bài tập về nhà, vi phạm nhiều lần trong cam kết giữa hai bên.

Lúc này, học viên nam lên tiếng xin cô giáo bỏ qua thì nữ giáo viên lập tức nói với vẻ khó chịu: "Anh không nói nữa, anh dừng lại. Một là anh đóng phạt, hai là lớp dừng lại. Đây không phải là lần đầu tiên của anh. Khẩn trương, 100 nghìn, nhanh lên!".

Nam học viên bức xúc nói lại:"Gì mà cứ nhì nhèo đòi tiền mãi thế, lừa đảo à. Vào đây để học chứ để xin tiền à?". Lúc này, nữ giáo viên đã tức giận, đổi cách xưng hô và bắt đầu lớn tiếng: "Mày nói ai là lừa đảo hả?", "Ra ngoài kia có 1 hay 10 trung tâm thì người ta cũng không biến mày từ 1 con lợn thành 1 con người được đâu"; "Học như mày không bao giờ khá được"...

Câu chuyện có thể tóm tắt ngắn gọn như vậy. Đây có lẽ là vụ việc thứ 2 liên quan đến vấn đề giao tiếp, ứng xử giữa giáo viên trung tâm dạy tiếng Anh và học viên. Trước đó là vụ việc cư dân mạng gọi là “cô giáo mang cung Bọ Cạp”.

Ở vụ việc ồn ào lần này theo nhiều góc nhìn khác, không ít người quy kết phần lỗi thuộc về anh chàng học viên được cho là lười nhác, trây ỳ không “nộp phạt” bởi đã đặt bút ký trong thỏa thuận, xin miễn bàn. Vấn đề ở đây lại là cách cư xử rất khó  cảm thông đối với cô giáo. Bởi, nghề dạy học khác các nghề nghiệp khác ở chỗ nơi đây không chỉ để truyền thụ kiến thức, mà còn là nơi xây dựng, uốn nắn hình thành nên nhân cách con người và vì thế việc ứng xử thầy – trò cần có một quy chuẩn đạo đức nhất định.

Tại nhiều quốc gia, điểm số, học lực của học sinh luôn được bảo mật, có nghĩa là học sinh không được quyền biết điều đó của nhau. Năng lực học trò yếu kém ra sao, giáo viên bộ môn gặp riêng vào thời gian phù hợp. Trong sự việc ồn ào của nữ giáo viên tiếng Anh NKT kể trên, có thể hiểu đã được nhận thù lao để dạy ngôn ngữ nhưng khi đứng trên bục giảng, điều đó mặc định cô mang chức phận là giáo viên dù như phát ngôn lúc nóng nảy, cô nói không màng tới cái danh “giáo viên giẻ rách”.

Màn đấu khẩu giữa cô và trò (ảnh cắt từ clip).

“Cô giáo” T đòi tiền phạt, hay hình thức kỷ luật học trò bằng cách thu tiền mặt có gì đó không ổn. Việc thu tiền phạt tương đương lỗi vi phạm luật giao thông xe gắn máy không có gương chiếu hậu được đòi ráo riết giữa lớp học có thể thấy không hề phù hợp về ứng xử. Cho dù nếu có sự thỏa thuận trước đó để cảm thông, nhưng với cách đòi vô cùng thiếu tế nhị đó rất dễ đẩy cậu học viên vào thế tẽn tò xấu hổ bởi mang hơi hướng bị xỉ nhục, tại sao không trao đổi việc đó tại nơi khác, vào thời gian khác? Cậu học viên đã không “nộp phạt”, có thể cảm giác tổn thương, không phục hoặc vì một lý do nào khác.

Nữ giáo viên NKT nói tiếng Anh rất tốt, điều đó không thể phủ nhận, trong các clip giảng dạy trên mạng cô cũng luôn cố chứng tỏ mình thuộc môtíp người văn minh. Vậy nhưng việc dừng buổi học để gây áp lực “đòi nợ” cậu học viên lại phủ nhận điều đó. Các học viên khác nộp một số tiền lớn tới đây để nhận kiến thức chứ ai thiết tha mất thời gian nghe chửi nhau. Việc trây ỳ không đóng tiền phạt của một cá nhân không thể là vấn đề của họ.

Việc bị “ném đá” trên mạng đôi khi quá đà, gây nhiều tổn thương tâm lý cho nạn nhân bởi có không ít lời lẽ vô cùng nặng nề. Trong tình huống này thật đáng tiếc, tất nhiên nữ giáo viên NKT đã buông lời từ chối tư cách giáo viên nhưng xã hội thì không. Hay là tất cả bắt buộc nhìn theo khía cạnh là bán chữ khi cơ quan chức năng thông báo tất cả các trung tâm giảng dạy ngôn ngữ của cô đều không có giấy phép hoạt động?

Việc thu thêm 100 nghìn đồng dưới hình thức phạt là vô lý dù cô NKT bao biện điều đó đã được công khai trong thỏa thuận khi nộp tiền học, rằng đây là sân chơi của cô, luật chơi của cô. Nhưng trung tâm đã thu tiền học của cậu học viên, chắc chắn có luật khác bảo vệ những cô cậu học trò đã đóng tiền. Cả 3 trung tâm đều đã bị đóng cửa bởi hoạt động giáo dục không có giấy phép, mọi việc còn lại thuộc về hình thức xử phạt của cơ quan chức năng và cũng là một bài học cần tham khảo cho các trung tâm ngôn ngữ khác.

Đừng làm ô nhiễm thêm môi trường sư phạm bởi những điều không được phép tồn tại khi đứng trên bục giảng, dù vì bất cứ lý do gì.

Minh Trí
.
.