Dược phẩm chết người trên internet

Thứ Tư, 19/10/2011, 17:35

Sinh mạng nhiều người đang gặp nguy hiểm bởi sự bùng nổ rất nhiều thứ thuốc giả bán trên mạng Internet - nhiều loại "thuốc" khi phân tích ra chỉ thấy bụi gạch, bột mực in, sơn, bột phấn và thậm chí có cả… thuốc diệt chuột.

Tham rẻ, thiệt thân

Ngày 28/9 vừa qua, các chuyên gia y tế Anh lên tiếng cảnh báo: Thuốc bất hợp pháp mua từ các hiệu thuốc lừa đảo trên mạng Internet thường chỉ chứa khoảng một nửa các dược liệu thật. Trong năm qua, các quan chức cảnh sát và hải quan tịch thu được các sản phẩm tình nghi có giá trị lên đến 8,2 triệu bảng - tăng gấp 5 lần so với một năm trước đó. Trong số các sản phẩm bán chạy nhất có thuốc liệt dương, steroid, thuốc trị hói đầu, thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần.

Các quan chức Anh còn quan sát thấy xu hướng nguy hiểm đang tăng nhanh trong giới nữ thanh thiếu niên trẻ và sinh viên: Họ mua thuốc giảm cân để giảm béo và thuốc ngủ mạnh để chống buồn ngủ. Khách hàng bị giá cả hấp dẫn lôi kéo, vì các loại thuốc bán trên mạng này thường rẻ hơn so với thuốc kê toa, và người mua nhận hàng tại nhà rất nhanh chóng và tiện lợi. Nhưng tính bất hợp pháp của các hiệu thuốc trực tuyến là bán thuốc kê toa cho khách hàng mà lại không cần toa có sự chỉ định của bác sĩ.

Những hộp thuốc giả bị tịch thu sau một loạt các cuộc kiểm tra bất chợt của cảnh sát hôm 28/9 nằm trong chiến dịch trấn áp trên toàn cầu về các loại dược phẩm bất hợp pháp.

Các nhà kiểm soát cảnh báo rằng có quá nhiều người đang "mạo hiểm" với sức khỏe của họ khi sử dụng các loại thuốc không có giấy phép, chưa từng được thử nghiệm và thường được lưu trữ trong điều kiện khó chấp nhận được. Mới tuần trước, hai cô gái 13 tuổi ở miền Bắc nước Anh nhập viện trong tình trạng tim đập nhanh sau khi uống thuốc giảm cân mua trên mạng Internet.

Trước đó vào tháng 5, nhân viên y tế Lorna Lambden, 27 tuổi, đã chết sau khi uống thuốc ngủ cô mua trên mạng Internet để "dưỡng sức" cho ca trực đêm. Các số liệu nói trên được ghi nhận khi các quan chức Anh tham gia chiến dịch trấn áp toàn cầu về vấn nạn mua bán dược phẩm bất hợp pháp.

Số thuốc giả trị giá hơn 5 triệu bảng Anh đã bị thu giữ trên toàn thế giới chỉ trong tuần hành động có liên quan đến 80 quốc gia. Khoảng 13.000 trang web mua bán thuốc bất hợp pháp đã bị các chuyên gia tại Scotland Yard đóng cửa, nhiều địa chỉ trong số đó được các băng nhóm tội phạm có trụ sở tại Nga, Ấn Độ và Trung Quốc vận hành.

Các nhà điều tra cũng cảnh báo: Khách hàng khi giao dịch (mua thuốc) thường tiết lộ các dữ liệu ngân hàng nhạy cảm cho bọn tội phạm, từ đó chúng có thể sử dụng các chi tiết này để lừa đảo tiếp nhiều nạn nhân khác.

Châu Âu đau đầu vì thuốc giả

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tốc độ tăng trưởng hàng năm của "ngành công nghiệp phi pháp" này lên đến 100% từ năm này sang năm khác. WHO cho biết thuốc giả chiếm tới 30% và thậm chí, có khi còn lên tới 50% lượng dược phẩm lưu hành ở một số nước đang phát triển.

Châu Âu là một trong những nơi có mức sống cao trên thế giới và hệ thống an sinh xã hội đủ đảm bảo cho người dân trong việc chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, dược phẩm giả vẫn có đất sống tại đây, đơn giản vì nhiều người có quan niệm sai lầm: Chọn mua thuốc "trôi nổi" hoặc "rẻ" trên Internet sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và cả tiền bạc! Loại thuốc nhiều nhất trên thị trường thuốc giả là các loại thuốc hỗ trợ tình dục (kiểu Viagra), thuốc giảm béo và thuốc chống trầm cảm, căng thẳng thần kinh.

Theo một thống kê của Hãng dược Pfizer, 50% dược phẩm bán trên mạng Internet là thuốc giả và trong đó có cả các thành phần vô cùng độc hại như thuốc chuột và axit boric. Thị trường dược trên mạng Internet đang là một vấn đề nhức nhối đến mức vào năm 2009, tại Pháp, một đạo luật liên quan đến quản lý việc bán thuốc trên Internet được gấp rút soạn thảo.

Châu Âu còn là bàn đạp để đưa thuốc giả đến các nước đang phát triển khi mà hiện nay không ít người đang có một thứ "mốt" dùng các loại "hàng xách tay" gồm cả dược phẩm, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm nhập khẩu không theo các kênh chính thức, mà giá rẻ đồng nghĩa với việc coi rẻ tính mạng con người.

Công ước chống thuốc giả

Trước vấn nạn toàn cầu nói trên, trong các ngày 15 và 16/4/2010, một hội nghị quốc tế do Hội đồng châu Âu đã được tổ chức tại Bale (Thụy Sĩ) với sự có mặt của các đại biểu từ tất cả các nước thành viên liên minh châu Âu, WHO và các đối tác quốc tế, đồng bảo trợ là Cơ quan châu Âu kiểm soát chất lượng dược phẩm và chăm sóc sức khỏe (DEQM).

Trong hội thảo này, các khách mời đã cùng phân tích hiện trạng của "ngành công nghiệp thuốc giả" ở mức độ toàn cầu. Điều đáng sợ là hiện nay, lợi nhuận của kinh doanh thuốc giả có thể so sánh với lợi nhuận từ buôn ma túy, tuy nhiên những hình phạt dành cho loại tội phạm này lại nhẹ hơn rất nhiều so với buôn ma túy.

Chính vì lý do đó, trong hội nghị, Ủy ban châu Âu đã xây dựng một Công ước chống thuốc giả mang tên MEDICRIME (ghép của "medicaments" - dược phẩm và "crime" - tội phạm: công ước chống tội phạm liên quan đến dược phẩm). Công ước này sẽ có hiệu lực trên toàn châu Âu và sẽ là một công ước mở mà các quốc gia ngoài châu Âu cũng có thể tham gia.

Công ước này sẽ hình sự hóa tất cả những hình thức phạm tội liên quan đến dược phẩm và dược phẩm giả bao gồm: sản xuất dược phẩm giả; cung cấp, tạo điều kiện cung cấp và buôn bán các sản phẩm dược phẩm giả; làm giả giấy tờ; sản xuất hoặc cung cấp không phép các sản phẩm y tế cũng như đưa ra thị trường các sản phẩm y tế không đáp ứng các yêu cầu của pháp luật.

Công ước này cũng đưa ra các khung hợp tác quốc tế trong việc chống và trừng phạt các tội liên quan đến thuốc giả. Công ước này được Hội đồng Bộ trưởng của Liên minh thông qua vào ngày 11/5/2010 và được ký vào ngày 7/12/2010 tại Brussels (Bỉ)

Lệ Đào (tổng hợp)
.
.