Đường dài mới biết ngựa hay

Thứ Sáu, 17/03/2017, 18:10
Liên tục xác lập kỷ lục phòng vé, giúp mang về doanh thu hơn142 triệu USD sau 3 ngày đầu tiên công chiếu, cao hơn bộ phim đang nắm giữ kỷ lục này là Fast & Furious 7 đến 52%, “Kong: Đảo đầu lâu” trở thành bộ phim ăn khách nhất tại các thị trường điện ảnh thế giới trong tuần vừa qua.

Siêu phẩm điện ảnh Hollywood đầu tiên quay tại Việt Nam này đang là đề tài nóng bỏng trên nhiều diễn đàn, được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt mới cho phát triển du lịch lẫn ngành công nghiệp điện ảnh Việt. Hiện thực có như mong đợi?

Nhiều tín hiệu lạc quan

Được đầu tư kinh phí sản xuất lên đến gần 190 triệu USD, Kong: Skull Island (Tựa tiếng Việt là “Kong: Đảo đầu lâu”) tạo được nhiều hiệu ứng đặc biệt ngay từ khi mới khởi động. Với thị trường điện ảnh thế giới, đây là dự án phim bom tấn.

Với Việt Nam, “Kong: Đảo đầu lâu” còn đặc biệt hơn bởi đây là siêu phẩm đầu tiên của Hollywood - kinh đô điện ảnh thế giới được quay tại Việt Nam. “Kong: Đảo đầu lâu” là bộ phim thứ 7 về Kong - một nhân vật quái thú mang tính biểu tượng của lịch sử điện ảnh, đã được ra mắt lần đầu từ năm 1933.

Tuy nhiên, như chính thông tin quảng bá của nhà sản xuất trước khi phim ra rạp là “Kong: Đảo đầu lâu” không giống các phần phim trước vì đây là một phiên bản nguyên thủy hoàn toàn. Toàn bộ câu chuyện sẽ diễn ra trên hòn đảo quê hương của chúa tể Kong chứ không phải là tòa nhà chọc trời nào ở New York, Mỹ hay Dubai, Ấn Độ mà khán giả từng được xem.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trao chứng nhận Đại sứ du lịch Việt Nam cho đạo diễn Jordan Vogt-Roberts.

Ở bộ phim này, người xem lần đầu tiên được tới thánh địa của Kong để cảm nhận rõ ràng nỗi sợ hãi, những điều mới lạ và cả những nguy hiểm đang rình rập phía trước. Thánh địa ấy là Việt Nam!

Với số đông người dân trên thế giới, Việt Nam, hoặc giả là một đất nước nhỏ bé, rất xa lạ, hoặc là một quốc gia mang trên mình đầy những vết thương chiến tranh, trong đó, đế quốc Mỹ từng một thời là kẻ thù. Dấu ấn chiến tranh còn được khơi gợi lại khá đậm nét trong một khoảng thời gian không ngắn tại phần đầu của phim với rất nhiều cảnh quay và cả sự khẳng định bằng lời về sự sa lầy của Mỹ trên chiến trường Việt Nam trong quá khứ. Tất cả các yếu tố này là những liều thuốc đáng kể để kích thích sự tò mò của công chúng ngay từ khi dự án phim mới khởi động.

Quan niệm của số đông người Việt, còn gì vui và tự hào hơn khi cảnh đẹp đất nước được quảng bá rộng rãi và... miễn phí qua màn bạc thế giới. Với công chúng các nước, những quảng bá về khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ ở một đất nước xa xôi càng không phải không đáng giá để tìm hiểu. Ngay đạo diễn của phim - Jordan Vogt-Roberts cũng không ít lần thừa nhận, anh đã phải mất rất nhiều thời gian, đi đến nhiều quốc gia khác nhau để chọn bối cảnh cho đứa con tinh thần của mình.

Khi đến Việt Nam, tận mắt chiêm ngưỡng, khám phá các danh lam thắng cảnh của Việt Nam, anh đã bị thuyết phục hoàn toàn, rằng, không có nơi nào trên thế giới có thể làm bối cảnh cho “Kong: Đảo đầu lâu” tốt hơn Việt Nam. Khi phim hoàn thành, hình ảnh của Việt Nam chiếm đến gần 70% tổng thời lượng của phim.

Thực tế, với mô típ chuyện không mới, những phân đoạn có vẻ quen quen như đã bắt gặp ở đâu đó trong các siêu phẩm điện ảnh khác, kể cả mô típ người đẹp - quái thú cũng đã từng xuất hiện trong phim Kong trước đó, những chi tiết khiến người xem bật cười vì “Vua khỉ tiến hóa nhanh quá!” thì rõ ràng thiên nhiên Việt Nam đã góp phần quan trọng cho sự thành công của bộ phim.

Khi “Kong: Đảo đầu lâu” khuynh đảo các phòng vé trong nước và thế giới, đạo diễn phim - Jordan Vogt-Roberts trở thành “người hùng” của xứ Việt. Những hình ảnh tuyệt đẹp về Việt Nam kết hợp kỹ xảo điện ảnh được đạo diễn và ê kíp làm phim dụng tâm, dụng sức mà thành khiến người xem trầm trồ, công chúng Việt nức lòng.

Hình ảnh đất nước, con người Việt Nam còn “bay xa” hơn còn nhờ hiệu ứng đặc biệt từ tên tuổi của dàn diễn viên nổi tiếng thế giới, hành trình đoàn làm phim quảng bá “Kong: Đảo đầu lâu” trên thế giới, những clip, thông tin giới thiệu bộ phim được phát tán rộng khắp qua nhiều kênh thông tin, được bàn tán sôi nổi qua các trang mạng xã hội. Nói theo cách của chính đạo diễn là sức lan tỏa này khó có gì đo đếm được.

Nếu làm một phép so sánh đơn giản: Tạo điều kiện, cho phép siêu phẩm điện ảnh Mỹ quay tại Việt Nam để có những hiệu ứng tích cực trong quảng bá hình ảnh đất nước như “Kong: Đảo đầu lâu” với cách chấp nhận chi 2 triệu USD để có những phim ngắn vỏn vẹn 30 giây, 60 giây và 30 phút để quảng bá Thủ đô, quảng bá Việt Nam trên kênh truyền hình quốc tế CNN như cách thức Hà Nội đang đầu tư thì rõ ràng, phương pháp thứ nhất hiệu quả mà ít tốn kém hơn rất nhiều.

Thiên nhiên Việt Nam hoang sơ, kỳ vĩ trong siêu phẩm điện ảnh Mỹ.

Chưa kể, thành công của “Kong: Đảo đầu lâu” còn được kỳ vọng khai phá con đường phát triển dịch vụ sản xuất phim, đưa Việt Nam trở thành phim trường nổi tiếng của thế giới, đồng thời kích thích phát triển du lịch Việt Nam.

Thống kê từ cơ quan quản lý cũng cho thấy, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, có khoảng 2,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khách đến từ Mỹ là 133.000 người, tăng 11% so với cùng kỳ.

Có thể có nhiều lý do cho kết quả tăng trưởng này, trong đó, sức lan tỏa của “Kong: Đảo đầu lâu” được đánh giá có vai trò quan trọng. Nói theo cách của chính Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Ngọc Thiện thì đây là thời cơ cho Việt Nam phát triển du lịch.

Cần có góc nhìn chiến lược

Những kỳ vọng nói trên đã bước đầu thành hiện thực khi hàng loạt các tour, tuyến, sản phẩm du lịch Việt Nam được các đơn vị lữ hành trong và ngoài nước xây dựng nhằm “đón lõng” sức ảnh hưởng của bộ phim ngay từ giai đoạn mới bắt đầu chuẩn bị công chiếu. Trong đó, có những tour đang được chào giá lên đến trên 2.000 USD.

Cũng rất nhanh nhạy, cơ quan quản lý văn hóa, du lịch cao nhất là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức trao vai trò Đại sứ du lịch Việt Nam cho đạo diễn Jordan Vogt-Roberts. Ngoài tận dụng sức ảnh hưởng của siêu phẩm Holllywood đầu tiên quay tại Việt Nam để thu hút khách du lịch, đại sứ đặc biệt này còn được gửi gắm nhiều hy vọng trong việc giới thiệu, mời gọi thêm nhiều nhà sản xuất phim, nhiều đạo diễn, người làm chương trình khác trên thế giới đến Việt Nam để thực hiện dự án của họ.

Tại các địa phương, hàng loạt các hoạt động dịch vụ, du lịch “ăn theo” bộ phim cũng được triển khai: làm phối cảnh mô hình phim, lắp các biển chỉ dẫn địa điểm quay phim, các khách sạn đoàn làm phim đã lưu trú...

Cách tận dụng sức lan tỏa của bộ phim ăn khách trên thế giới để tạo nên bước ngoặt trong phát triển du lịch trên thế giới đã không còn mới mẻ. Sự phát triển đột phá của du lịch New Zealand sau thành công của bộ phim bom tấn “Chúa tể của những chiếc nhẫn”; là du lịch Anh quốc sau thành công của dự án phim “Trái tim dũng cảm”; là cú hích cho du lịch Thái Lan nhờ sự lan tỏa của tác phẩm điện ảnh “Bãi biển”...

Tuy nhiên, với Việt Nam, “lịch sử” ấy liệu có lặp lại hay không khi việc tận dụng sức lan tỏa của “Kong: Đảo đầu lâu” đang bị nghi ngại sẽ quá đà, mà cái gì thái quá cũng không tốt!

Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi công văn đề nghị Hà Nội tạo điều kiện thực hiện mô hình 3D phối cảnh phim tại khu vực tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh gần hồ Hoàn Kiếm là một điển hình. Ngay khi có thông tin này, dư luận đã có nhiều ý kiến phản đối. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật cho rằng hồ Hoàn Kiếm là di tích quốc gia đặc biệt, làm việc gì có thể ảnh hưởng đến cảnh quan đều phải cân nhắc kỹ, vừa phải phù hợp với luật di sản, vừa không phá vỡ cảnh quan chung.

Chưa kể, hồ Hoàn Kiếm là nơi linh thiêng, “Kong: Đảo đầu lâu” và hoạt động “ăn theo” mang tính thương mại, “Vua khỉ” là biểu tượng mang tính giải trí, mang ra chốn linh thiêng sẽ không khác gì “mang thứ nhảm nhí ra cãi nhau với tiền nhân”.

“Vua khỉ” - Kong được gửi gắm nhiều kỳ vọng cho phát triển điện ảnh, du lịch Việt.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái còn đề nghị Hà Nội từ chối đề nghị này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng đó là một đề nghị không hợp lí. Theo phân tích của TS Minh Thái thì “bộ phim ấy (Kong: Đảo đầu lâu) sở dĩ có ảnh hưởng cực lớn đến người xem trong nước và quốc tế ngay từ khi công chiếu là bởi cảnh quay về Việt Nam là bối cảnh quá đẹp và độc đáo, rực rỡ, lạ biệt, chứ còn nhân vật Kong, quái thú, thì không có gì mới mẻ.

Phối cảnh phim 3D bộ phim ở những khu vực đông người lại qua của Thủ đô là một ý định ăn theo bộ phim, để làm du lịch một cách nóng vội, thiếu tính toán, kiểu té nước theo mưa. Một bộ phim phải được chiếu ở rạp và gây tác động trước hết ở chính bộ phim ấy trong tính đặc thù phim ảnh và tính tổng thể toàn vẹn của một tác phẩm phim truyện điện ảnh. Vậy nên, phối cảnh sẽ phải cắt xén, phải biên tập, phải làm khác đi ngôn ngữ điện ảnh - ngôn ngữ bản thể của bộ phim. Ý đồ ăn theo, riêng trong trường hợp này đã "đường phố hóa" bộ phim, phá hủy tính toàn vẹn của nó, và không làm bộ phim trở nên cao giá hơn và đánh lạc hướng nghệ thuật của chính nó, vốn là một tác phẩm toàn vẹn, chứ không bị xé ra để phối cảnh trên đường phố”.

Cũng theo TS Thái, việc địa phương khác có hoạt động tương tụ cũng là biểu hiện “ăn theo nhất thời”. Để phát triển văn hóa du lịch bền vững cần có chiến lược, lâu dài.

Riêng về vai trò Đại sứ du lịch Việt Nam của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts, theo ông Phạm Trung Lương, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam thì đây là một cử chỉ văn hóa đẹp đẽ cho việc phát triển văn hóa, du lịch của Việt Nam. Tuy nhiên, đại sứ du lịch thì phải đáp ứng nhiều tiêu chí. Ngoài uy tín cá nhân, sức ảnh hưởng với cộng đồng trong nước và quốc tế, Đại sứ du lịch Việt Nam phải là người thực sự am hiểu về văn hóa, đất nước, con người Việt thì mới mong quảng bá Việt Nam với bạn bè thế giới một cách hiệu quả.

Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương, doanh nghiệp nhanh nhạy tận dụng sức lan tỏa của bộ phim là cần thiết, đáng khích lệ nhưng cũng cần tính toán kỹ lưỡng. Dựng phối cảnh phim cho người dân, du khách chụp hình lưu niệm, kết hợp quảng bá du lịch hiệu quả. Vấn đề là phải chọn địa điểm cho phù hợp như các khu nghỉ dưỡng, khu công cộng, các công viên rộng lớn, tránh các điểm chật hẹp, chốn linh thiêng...

Thực tế, thời điểm chính thức đảm nhận vai trò Đại sứ du lịch Việt, đạo diễn Jordan Vogt-Roberts cũng tiết lộ ông đã bán nhà ở Mỹ để chuyển sang Việt Nam sinh sống, làm việc để thực sự hòa mình vào cuộc sống của người Việt, hiểu sâu sắc hơn văn hóa, đất nước con người Việt Nam. Đạo diễn cũng chia sẻ rằng bản thân đã có rất nhiều chương trình tiếp xúc, trao đổi các ý tưởng, dự án sản xuất phim, chương trình mang tầm cỡ quốc tế với các nhà sản xuất, đối tác, bạn bè quốc tế.

Đại diện cơ quan quản lý, ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thừa nhận, thế giới có không ít tiền lệ phát triển du lịch thành công nhờ điện ảnh nhưng với Việt Nam không phải không có những trở ngại. Ngay với “Kong:Đảo đầu lâu”, quá trình làm việc với đoàn làm phim cũng giúp những người làm quản lý “vỡ” ra nhiều điều.

Ông Hoàng cũng cho biết, thời gian gần đây, có khá nhiều nhà sản xuất phim, chương trình truyền hình của nhiều quốc gia đến tìm hiểu, thương thảo để thực hiện chương trình tại Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội rất tốt để quảng bá đất nước, phát triển điện ảnh, dịch vụ, du lịch. Tuy nhiên, kết quả thực tế vẫn phải chờ thời gian trả lời.

Minh Hà
.
.