EU không có khái niệm “người tiêu dùng hạng hai”

Thứ Ba, 03/10/2017, 18:13
Ở thị trường chung châu Âu, không phải sản phẩm nào cũng “chung nhất” về chất lượng. Nhiều nước thành viên của liên minh này ở khu vực Đông Âu như Hungary, Czech, Slovakia, Croatia... than phiền rằng, họ là nạn nhân của sự “phân biệt chất lượng thực phẩm” hoặc đang bị đối xử như “một kho lưu trữ và tiêu thụ hàng dạt của châu Âu” vì nhiều loại mặt hàng lưu thông trong khu vực này có chất lượng kém xa so với ở khu vực Tây Âu, dù bao bì và quy cách đóng gói thì không có gì khác nhau.

Vấn đề này được đưa lên bàn nghị sự của EU và ngày 26-9 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết sẽ có biện pháp trừng phạt đối với những hãng sản xuất thực phẩm bán ra các sản phẩm có chất lượng không đồng nhất tại các thị trường nội khối và các nước thành viên sẽ được cấp một khoản ngân quỹ nhằm thực hiện biện pháp kiểm tra, đối chiếu sản phẩm.

Với cùng một mức giá, trọng lượng và hình thức bao bì, nhiều mặt hàng tiêu dùng tại các nước châu Âu có chất lượng không đồng đều và thực trạng này cần được các cơ quan chức năng của EU xem xét, xử lý một cách thấu đáo để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng. Đây là vấn đề được bà Biljana Borzan, chính khách đến từ Croatia và là thành viên Nghị viện châu Âu (EP), nêu ra.

Minh họa cho vấn đề mà mình đưa ra, tại phiên họp của EP ở Brussels, Bỉ, bà Borzan đã dẫn kết quả cuộc khảo sát do bà khởi xướng về chất lượng hàng hóa tiêu dùng tại các nước Đông Âu và Tây Âu. Ở thị trường Đông Âu, các sản phẩm cà phê hòa tan ít caffeine và nhiều đường hơn; những lát cá tẩm bột ít thịt hơn; hay kẹo sôcôla có hàm lượng cacao ít hơn ở thị trường Tây Âu. Tại Croatia, hơn 50% số sản phẩm được khảo sát có giá thành cao hơn, nhưng chất lượng không bằng với sản phẩm cùng loại bán tại Đức.

Vào tháng 2-2017, Cơ quan an toàn thực phẩm của Hungary đã công bố báo cáo cho rằng, nhiều mặt hàng bán ở thị trường nước này có chất lượng kém hơn so với các sản phẩm bán ở nước Áo láng giềng. Cơ quan này còn liệt kê danh sách các mặt hàng “có vấn đề”, như sản phẩm sôcôla Nutella của công ty Ferrero - được cho là “ít thơm và không mềm mịn”, đồ uống Coca Cola - được cho là “kém hương vị”, hay sản phẩm Nesquik vị cacao của hãng Nestle, bán ở Czech được cho là “không hài hòa” bằng ở Áo.

Trong thị trường thực phẩm đóng hộp, một số nước Đông Âu cũng nhận thấy các tập đoàn thực phẩm Italy và Hà Lan đang dùng nguyên liệu kém hơn để sản xuất các mặt hàng “cùng chủng loại” dành cho thị trường Đông Âu. Có một thực tế là mặc dù các sản phẩm đó vẫn đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng nguyên liệu kém hơn và có giá bán rẻ hơn so với cùng mặt hàng bán tại Tây Âu.

Bằng việc viện dẫn trường hợp của một thương hiệu thức ăn dành cho trẻ em, bà Borzan lập luận rằng, những kết quả nghiên cứu được đưa ra là chính xác, đã được công khai trên tuyền thông và gửi đến các doanh nghiệp. Tờ 24h ra tại Croatia cho biết, cùng một lọ sôcôla Nutella giống hệt nhau nhưng bán tại Áo và Đức lại ngon hơn hẳn đúng loại sôcôla đó bán tại Hungary.

Điều các nước Đông Âu không nhắc đến là mặt bằng giá cả ở Đông Âu và Tây Âu không như nhau.

Bài báo viết: “Cơ quan kiểm soát thực phẩm Hungary đã xét nghiệm 24 sản phẩm đóng hộp và kết luận là các tập đoàn chế biến thực phẩm đã dùng nguyên liệu kém hơn và rẻ tiền hơn trong các sản phẩm dành bán tại Đông Âu”.

Vấn đề này đang được giới chức lãnh đạo EU nghiêm túc nhìn nhận trước suy nghĩ cho rằng, các nước Đông Âu lo ngại sẽ bị gạt ra rìa. Tờ Le Monde của Pháp trong bài báo “Người châu Âu chia rẽ quanh lọ Nutella” cho biết, các nước Đông Âu đã đột nhiên “đồng thanh tương ứng” đưa ra những lời cáo buộc mạnh mẽ.

Bài báo trích lời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cộng hòa Czech rằng “mọi người thấy mệt mỏi vì cứ phải là thùng rác của châu Âu” và lời Thủ tướng Slovakia rằng “cách làm này hạ nhục và tạo ra hai loại công dân trong cùng một khối liên minh”.

Các tuyên bố này làm cho những nhà quản trị Ủy ban châu Âu không khỏi hoang mang vì EU không có chính sách phân biệt, việc chất lượng sản phẩm có sự khác biệt “nho nhỏ” là chuyện của doanh nghiệp. Các nhà sản xuất được phép dùng nguyên liệu khác nhau để tạo ra sản phẩm phù hợp khẩu vị của từng thị trường, theo đó thì hương vị, màu sắc... thậm chí bao bì sản phẩm có thể thay đổi, miễn là phải tôn trọng các quy định về vệ sinh thực phẩm và nêu rõ thành phần trên bao bì.

Như Hãng Coca Cola của Mỹ cũng vẫn làm như vậy khi họ thừa nhận rằng, nhà máy của hãng ở địa phương sử dụng các chất tạo ngọt khác nhau tùy theo từng quốc gia và không ảnh hưởng gì đến chất lượng của thức uống phổ biến này. Trong khi đó, điều mà các nước Đông Âu không nhắc đến là mặt bằng giá cả ở Đông Âu và Tây Âu không như nhau. Dùng nguyên liệu giống hệt nhau cho một loại sản phẩm bán cả ở Hà Lan và Bulgaria, chắc gì cả người Hà Lan và người Bulgaria đều thấy hợp khẩu vị.

Và quan trọng hơn là nguyên liệu giống nhau thì giá bán phải như nhau nhưng có thể thấy người Hà Lan cho rằng, giá đó là chấp nhận được, trong khi với người Bulgaria lại là quá cao.

Phản hồi lại ý kiến của bà Borzan, bà Vera Jourova, quan chức cao cấp của Ủy ban châu Âu phụ trách về công lý và quyền của người tiêu dùng cho biết, trong năm tới, EC sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu chung, thực hiện các cuộc khảo sát về chất lượng hàng hóa để đảm bảo quyền bình đẳng của người tiêu dùng tại các nước thành viên EU.

Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker khẳng định: “Tại EU không có khái niệm người tiêu dùng hạng hai”, nhưng để giải quyết thực trạng, EC dự kiến sẽ cấp cho mỗi nước thành viên EU 1 triệu euro để hỗ trợ các nước này xúc tiến biện pháp kiểm tra, đối chiếu sản phẩm, qua đó phát hiện các điểm khác biệt trong chất lượng, đồng thời đưa ra những bằng chứng xác thực tình trạng gian lận này.

Quang Học (tổng hợp)
.
.