Elvis Presley - Huyền thoại và đời thực

Thứ Hai, 23/08/2010, 05:30
Lễ kỷ niệm ngày mất của "vua nhạc rock" Elvis Presley thường được tổ chức một tuần trước đó, vào ngày 8/8 hàng năm, với buổi trình diễn nhạc mà mọi người tham dự đều yên lặng trong tâm trạng tưởng niệm. Những ngày kế tiếp là các cuộc chia buồn, cuộc thi chọn người giống Elvis nhất và các đại nhạc hội dưới ánh sáng laser tân kỳ muôn màu...

Trong đêm 15 rạng 16/8 là phần xúc động nhất: dòng người đông đảo lên đến hàng nghìn người lặng lẽ tiến về Graceland, mỗi người cầm một cây nến trên tay như trong các cuộc hành hương tôn giáo thực thụ.

Graceland là địa danh huyền thoại có ngôi biệt thự của Elvis Presley, nay là tòa bảo tàng nổi tiếng về anh: hàng loạt các căn phòng ken dày các đồ vật dát vàng, những chùm đèn pha lê lộng lẫy, rồi các bộ quần áo quỷ quái của "vua" cũng được trưng bày nơi đây, và cả 41 chiếc đĩa hát Vàng nữa. Chốn này có một khu mộ nhỏ - "khuôn viên để suy ngẫm" - nơi những người ngưỡng mộ Elvis Presley trọn đời tới đặt hoa viếng anh. Anh trút hơi thở cuối sau khi đã dùng một lượng cocktail lớn pha trộn giữa chất kích thích và thuốc an thần vì  buồn chán trong phòng tắm tại chính căn nhà này, vào ngày 16/8/1977.

Ai cũng biết rằng trong thập niên 50 thế kỷ XX, anh là "người hùng phản diện" của xã hội Mỹ, đối xứng với nhân vật cao bồi John Wayne. Có thể do tính chất "phản diện và đối xứng" này đã biến Elvis thành hình mẫu cho cả một thế hệ, thậm chí cho cả nhiều thế hệ tiếp nối nữa. Nhà văn nổi tiếng Peter Ulf nhận định: "Bây giờ người ta vẫn luôn nói về hiểm họa hạt nhân. Chính điều này đã trở thành lý do sinh ra dòng âm nhạc rock and roll trong những năm 50. Bom nguyên tử đã đẻ ra những nguyên mẫu như Marlon Brando và James Dean. Nó là nguyên nhân khiến giới trẻ bắt đầu thể hiện một cách cuồng nộ những mong muốn của mình, và chính Elvis đã biến thành hiện thân của họ".

Còn Bruce Springsteen, ca sĩ nhạc pop nổi danh, người chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Presley, quả quyết: "Không có một người nào như Elvis nữa. Mọi sự khởi đầu và kết thúc từ anh!".

Khoảnh khắc hạnh phúc hiếm hoi.

Elvis không giống những người khác, anh hát mạnh mẽ với chất giọng đầy cảm hứng như những ca sĩ da đen. Đó là lợi thế độc đáo của anh với khuôn mặt da trắng thể hiện chất nhạc của người da đen, được mọi giới chấp nhận và yêu thích. Nhưng công lớn khiến Elvis Presley nổi danh thuộc về Đại tá Tom Parker và hãng đĩa hát RCA. Anh ký hợp đồng trị giá 40 ngàn USD với RCA, một khoản tiền khổng lồ hồi ấy. Nhưng kết quả cho thấy ngay là RCA đã biết đầu tư đúng chỗ. Các đĩa hát của anh  luôn đạt tới con số 1 triệu bản bán ra.

Nhưng chúng ta nên cùng quay trở lại thời trước một chút.

Năm 1954, Elvis nhập ngũ và đồn trú tại Tây Đức. Ở đấy anh làm quen với Priscilla Beaulieu, 9 năm sau thì họ cưới nhau. Priscilla thực ra như là một món đồ trang sức mà "vua" muốn khoe với mọi người, đồng thời loại trừ khả năng để người đẹp tồn tại như một con người độc lập có giá trị thực về cá nhân mình (có thể đó là nguyên nhân chính khiến Priscilla đã bỏ Elvis hồi năm 1973 và tới sống với thầy dạy karate của cô).

Nhiều năm sau, thời gian tại ngũ Elvis không biểu diễn nữa. Anh cảm thấy hài lòng khi được làm phim và viết nhạc cho những cuốn phim mình đóng. Phong thái của anh cũng thay đổi: từ một rocker "hiếu chiến" thiếu cân nhắc, trở thành siêu ca sĩ "ngọt ngào" cùng tiếng tăm được cả hành tinh biết đến. Và công chúng vẫn tiếp tục yêu thích anh: các đĩa nhạc "Bây giờ hoặc không bao giờ" và "O, Sole Mio" đều bán ra được 9 triệu bản. Nhưng đó chỉ là những thành tích khiêm nhường, vì trong thời kỳ này đã xuất hiện các ngôi sao mới: The Beatles, Tom Jones hay Bob Dylan...

Mộ phần của Elvis Presley tại Graceland.

Đại tá T.Parker không chịu thua, ông quyết định đưa Elvis lên những đỉnh cao mới, với việc cho Presley xuất hiện trở lại trên sàn diễn thật sinh động. Thế là Elvis xuất hiện trở lại trước công chúng ở Las Vegas - "thủ đô cờ bạc" của nước Mỹ, với 2 concerts mỗi ngày liên tục trong thời gian một tháng. Trong đêm giao thừa của năm 1975, Elvis hát trước 6 vạn người ở Michigan, "xô đẩy" mọi người vào dòng thác nhạc sống động... Nhưng anh đột ngột ra đi về hướng đại lộ Hoàng hôn - con đường phủ đầy những nỗi vinh quang cũng như những niềm thất vọng, với tình yêu lớn để lại sự trống vắng bởi những lý do vô hình. Cô con gái rượu Lisa Marie đã lớn, nhưng không bao giờ hiểu hết cha mình cả...

Giờ đây Elvis Presley vẫn tồn tại như một huyền thoại, như ca sĩ gạo cội Bob Dylan - người rất ngưỡng mộ Elvis Presley - trong một bài hát của mình, là "huyền thoại được ghi vào gió". Elvis Presley mãi mãi phảng phất cùng với những ngọn gió đâu đây...

Quang Phú (theo L'Historie)
.
.