“Em bé da cam” đang chờ được phẫu thuật tim

Thứ Tư, 17/08/2011, 18:15

Nhiều bạn bè quốc tế đã bị ấn tượng mạnh khi xem bức ảnh một em bé người Việt Nam với thân hình gầy gò, mỏng manh đứng trơ trọi bên cạnh bức tường trong căn phòng tối và ánh sáng của những tia nắng soi rọi qua ô cửa vào khuôn mặt bệnh tật nhưng đầy vẻ thánh thiện của em. Ngôn ngữ hình ảnh của bức ảnh giàu biểu cảm đến độ, gây nên một cơn dư chấn trong lòng người.

Và đặc biệt hơn, bức ảnh “Em bé da cam" của nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ Ed Kashi đã vượt qua 1.263 bức ảnh đến từ 33 quốc gia được Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) trao giải "ảnh của năm 2010". Đây là cuộc thi tìm ra những bức ảnh xuất sắc ghi lại đời sống trẻ em trên khắp thế giới, kỳ diệu thay, nhân vật của bức ảnh lại là một em bé Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam từ mẹ. Tròn một năm sau ngày bức ảnh được giải, những ngày cuối tháng 7, tôi tìm về nhà em, nhân vật trong bức ảnh, và tôi đã hiểu vì sao nhiếp ảnh Ed Kashi đầy cảm xúc khi thể hiện thành công tác phẩm ảnh nghệ thuật của mình. Và, đứa trẻ đáng thương này, nếu không nhanh được phẫu thuật kịp thời  cái chết sẽ đến gõ cửa bất cứ lúc nào…

Trong một bài báo, người ta giới thiệu, nhà em Nguyễn Thị Ly nằm ở trong thôn Khái Tây 2, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thuộc thành phố biển Đà Nẵng, bên ngoài ngôi nhà có ghi: "Nhà tình thương". Bằng đấy thông tin để tìm ra nhà của em. Sau một hồi dò đường, tìm nhà, chúng tôi đến gần cuối thôn. Chưa kịp vui vì tìm ra nhà của em thì một nỗi thất vọng trào dâng, căn nhà yên ắng không một tiếng động, cửa sổ đóng, cửa chính cũng đã bị khóa trái từ bên ngoài. Vậy là chúng tôi sẽ phải trở lại đây vào một dịp khác chăng?!

Đang đứng tần ngần trước cửa, thì có một âm thanh rất nhỏ được phát ra từ trong ngôi nhà. Hình như là tiếng hát, lại nghe như tiếng xì xầm. Tôi ghé mắt qua ô khóa và nhìn thấy hai đứa trẻ, một trai, một gái, đang chúi đầu vào một quyển sách để sát cửa sổ và cất tiếng đọc nho nhỏ. Nhân vật của tôi đây. Em bé nhỏ và uyển chuyển như một con mèo con. Bọn trẻ thấy người lạ lại mừng rỡ, có lẽ chúng đã bị "nhốt" quá lâu trong không gian tù túng và chật hẹp, buồn chán đến độ muốn nhìn thấy một gương mặt người.

Tôi hỏi hai đứa trẻ: "Mẹ con đâu?", bé gái nói: "Mẹ con đi làm, chiều tối mới về cơ". "Thế ba con đâu?", vẫn bé gái trả lời: "Ba con ở trong nhà". "Cô vào được không?", cả hai đứa trẻ đều đồng thanh: "Dạ, được". Nói rồi chúng mừng quýnh và mở cửa cho chúng tôi. Trong căn phòng trần lợp mái tôn nóng hầm hập, đập vào mắt chúng tôi là cái sự khốn khổ và đói nghèo của người dân lao động.

Căn nhà không có đồ vật nào đáng giá tiền triệu. Cái tivi màu nội địa từ những năm 80 cũ rỉn được xem là có giá nhất. Mọi cái đều cũ kĩ, bộ bàn ghế cọc cạch, bàn gỗ, ghế nhựa. Cái quạt điện long cánh. Nhà không có giường. Không tủ quần áo. Chỉ duy có một tủ tường nhôm kính đựng những đồ lặt vặt. Thôi thì gọi thế cho oai, chứ biết gọi là tủ gì…?!

Toàn bộ gia tài, của nả của gia đình này lại chính là một đời sống tinh thần đang hiện hữu. Một vài bức ảnh đẹp chụp gia đình được lồng vào khung kính treo trang trọng trên tường. Đó, hiển nhiên là những tấm hình của nhiếp ảnh gia Ed Kashi đầy tài năng và cảm xúc. Giấy khen học sinh tiên tiến, cháu ngoan Bác Hồ của hai chị em từ ngày bắt đầu đi học cũng được lồng vào khung để trong tủ tường. Trên bàn học của hai đứa trẻ còn vương lại những bức tranh ngộ nghĩnh mà bọn trẻ đang vẽ dở.

Bé Ly khoe với tôi: "Mẹ vừa mua cho con và em Mừng mỗi người một quyển sách Toán và sách Tiếng Việt lớp 4 để chúng con học trước". Rồi em nói: "Mẹ không đủ tiền mua cả hai bộ sách. Mẹ chỉ mua một bộ sách cho em Mừng thôi. Con học ké với em, cũng được mà… Năm nào cũng vậy, con quen rồi". Con bé nói mấy từ "Con quen rồi" nhẹ hều, tôi nghe mà xót lòng. Bé Ly 10 tuổi, hơn em Mừng 1 tuổi. Nhưng hiện nay hai chị em học chung lớp. Tại sao hai chị em lại học chung lớp lại là một câu chuyện dài. Câu chuyện đến từ chiến tranh.

Anh Nguyễn Quang Dương cha của bọn trẻ, một người đàn ông lành hiền, khắc khổ nhớ lại: Vợ anh, chị Lê Thị Thu sinh ra trong một gia đình 7 anh chị em, và từ khi sinh ra đời không may bị nhiễm chất độc điôxin từ cha, khi xưa đi chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Chị Thu hình thức  vẹo vọ, những ngày trái nắng trở trời, lên cơn đau nhức toàn thân, và những cơn đau đầu thì thường xuyên hành hạ.

Năm 24 tuổi chị rời quê ở thị xã Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) vào Đà Nẵng phụ chị bán hàng cơm, rồi quen anh. Anh yêu chị bằng tình yêu chân thành và giản dị. Bệnh tật ư?! Anh không sợ. Nghèo túng ư?! Anh cũng không ngại. Thế rồi bất chấp mọi lo sợ mơ hồ về những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình nhiễm chất độc điôxin, anh vẫn quyết tâm cưới bằng được chị. Gia đình anh không ai phản đối, vì họ hiểu con người ta chỉ có hạnh phúc thật sự khi có tình yêu. Và, con người ta ai cũng có quyền được hưởng hạnh phúc.

Đứa trẻ đầu tiên ra đời, cân nặng có 1,7 kg, sống những ngày dài trong lồng kính. Đầu nó mềm oặt, nhũn nhẽo, không có tóc. Sự sống của nó thoi thóp và quá mong manh. Bác sĩ bảo nó có thể ra đi bất cứ lúc nào. Buồn thấu ruột, anh chị đặt tên con là Nguyễn Thị Ly. Ly này là biệt ly, chia ly, ly cách… Ly lên 5 mới biết đi. Và kỳ diệu là đứa trẻ này trí não phát triển bình thường, thậm chí thông minh. Sau khi sinh Ly một năm sau, chị Thu lại hạ sinh một bé trai, thật may mắn làm sao, đứa trẻ lần này xinh xắn, khỏe mạnh. Anh chị mừng quá, liền lấy sự mừng vui mà thành tên đứa trẻ - Nguyễn Quang Mừng. Vì vậy khi Mừng vừa tròn 6 tuổi, Ly 7 tuổi thì cả hai chị em cùng bước vào lớp 1.

Ly yếu lắm, nhẹ bẫng. Tôi bế em trên tay mà cứ ngỡ như bế đứa bé 2 tuổi. Người em mong manh và gầy gò. Nó ăn mỗi bữa có được một góc của chén cơm. Trường tiểu học Phạm Hồng Thái cách nhà hai cây số là trường học của hai đứa trẻ. Ngày ngày, cứ sáng ra là anh Dương chở hai đứa trẻ tới trường. Ly có tiêu chuẩn của nạn nhân chất độc da cam nên được chế  độ ăn trưa và ngủ tại trường, còn Mừng không bị nhiễm bệnh nên không có tiêu chuẩn ở lại trường, buổi trưa phải về nhà rồi đến đầu giờ chiều lại đi đến trường học tiếp. Ly thương em, sợ Mừng đi về một mình buồn nên nó bỏ xuất "tiêu chuẩn đặc biệt". Cứ mỗi trưa sau giờ học buổi sáng dù mùa đông giá rét, hay mùa hè nắng gắt là hai chị em lại dắt díu nhau đi về nhà rồi đầu giờ chiều lại ríu rít tới trường.

Chính trên con đường từ trường về nhà của hai đứa trẻ tội nghiệp, mà nhiếp ảnh gia người Mỹ Ed Kashi và vợ là Cathesine đã nhìn thấy chúng. Có một sự đồng cảm nào đó với số phận nhỏ bé và mong manh kia, hai vợ chồng người Mỹ đã đi bộ theo hai em về đến tận nhà. Và để thực hiện được bộ ảnh mang đậm tính nhân văn ghi lại cuộc sống bé mọn của gia đình em Ly, hai vợ chồng người Mỹ gần như đã ở tại nhà em một tuần liền. Họ đến nhà Ly vào lúc 4 giờ sáng, khi mặt trời chưa mọc và ra về vào lúc 22 giờ đêm.

Ly trong vòng tay của mẹ. Ảnh: Ed Kashi.
Dù bệnh tật nhưng hàng ngày Ly vẫn miệt mài học tập. Ảnh: Ed Kashi.

Khi anh Dương đưa cho tôi xem bộ album của vợ chồng Cathesine đằng sau của một bức hình chụp bé Ly với mẹ là dòng chữ: "Dear. I hope you are all doing very well. I hope you like these photographs. Please enjoy. Ly, I give you a big hug. I hope you are doing well in school. Be you soon one day! Love Cathesine" (tạm dịch là: "Bé yêu! Tôi hy vọng bé đang làm mọi điều thật tốt. Tôi hy vọng bé thích những bức ảnh này. Hãy cảm nhận chúng nhé. Ly, tôi gửi đến bé cái ôm thật ấm áp. Tôi hy vọng bé đang làm tốt ở trường học. Mong sớm gặp lại bé một ngày sớm nhất. Cathesine").

Anh Dương sụt sùi, nói thể trạng của Ly bây giờ yếu lắm rồi, ngay từ khi sinh ra em đã bị lún xương, mỗi năm mỗi lớn thì xương ngày càng to ra và chèn ép vào tim em, làm cho tim em đau tức và rất khó co bóp. Nếu không sớm làm phẫu thuật lồng ngực, để lâu xương cứ to ra chèn vào tim thì em cũng chẳng sống được lâu nữa. Có kinh phí sớm ngày nào thì mổ lồng ngực cho em sớm ngày ấy, sẽ kéo dài sự sống. Nói đến đây, người đàn ông càng thêm lặng lẽ. Một nỗi buồn bao phủ và trùm lên tất cả. Hai đứa trẻ mặt cũng ngơ ngác, buồn tênh.

Nhưng chỉ một lúc sau là hai đứa bé lại quên đi nỗi u buồn, chúng mang vở và sách Tiếng Việt lớp 4 ra tập viết. Bé Ly mắt kém từ lúc bẩm sinh cúi sát mặt vào trang giấy trắng nắn nót viết những hàng chữ tròn đều thẳng tắp như những hạt ngô non tươi mát. Năm vừa rồi em đoạt giải Vở sạch chữ đẹp. Người cha trìu mến nhìn hai đứa trẻ.

Anh kể, Ly yếu lắm, ra ngoài kia chơi với bạn, bạn chỉ ẩy nhẹ một cái thôi là ngã ra. Cách đây hơn một tháng, bọn trẻ đùa nhau, Ly ngã nhẹ mà về ốm cả tuần, chân đau nhức không đi được, nên hằng ngày anh phải khóa cửa lại để Ly không đi ra ngoài. Mừng thấy chị bị nhốt ở nhà thì cũng không đi chơi nữa vì sợ chị ở nhà một mình buồn. Hai đứa trẻ cứ tha thẩn chơi với nhau suốt ngày trong căn phòng là thế giới riêng của chúng.

Bé Ly chốc chốc lại nhìn chúng tôi rồi nhoẻn miệng cười. Em bảo lớn lên em thích làm cô giáo. Chiều dần buông, chị Thu hôm nào cũng xẩm tối mới về đến nhà. Chị đi làm phụ hồ cách nhà dăm, bảy cây số. Năm ngoái, nhà còn có đất ruộng trồng rau, nay bị thu hồi, nghe đâu người ta lấy đất để xây khu sinh thái. Tiền đền bù các hộ dân ở đây đều chưa nhận được. Không còn đất trồng cây, anh Dương ở nhà quanh quẩn chăm các con. ở đâu gọi sang làm thêm từ làm ruộng cho đến thợ vữa, thợ hồ anh đều nhận tuốt tuột. Ky cóp mãi nhưng chỉ một trận đau đầu của chị từ di chứng da cam là bao nhiêu lại đổ thành tiền thuốc hết.

Từ khi bác sĩ nói về bệnh tình bé Ly, anh chị buồn lắm, nhà ít hẳn tiếng cười. Nhìn đứa trẻ hồn  nhiên và vô tội, nạn nhân của cuộc chiến tranh thảm họa của chất độc điôxin tàn khốc, đang miệt mài nắn nót từng chữ viết không ai không khỏi xót xa. Có lẽ nào mạng sống của em chỉ tính bằng thời gian ngắn ngủi. Nhưng, biết đâu đấy, tôi mong cuộc sống luôn có nhiều điều kỳ diệu, bất ngờ.

Mọi tấm lòng nhân ái xin gửi về địa chỉ gia đình  của em. Chị Lê Thị Thu, thôn Khái Tây 2, tổ 16, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Hoặc gửi về trụ sở tòa soạn Chuyên đề ANTG 100 Yết Kiêu - Hà Nội. hoặc 373D Nguyễn Trãi - quận 1, TP Hồ Chí Minh

Trần Mỹ Hiền
.
.