Facebook… du ký

Thứ Sáu, 06/07/2012, 19:00

Facebook là một trang liên kết cá nhân đang thịnh nhất hiện nay. Facebook soán ngôi hoàn toàn những trang mạng cá nhân khác. Giờ ra đường, người ta ít gọi tên nhau, mà chỉ gọi nickname (tên hoặc biệt danh) trên facebook.

Facebook phổ biến đến mức, ai vô tình không có facebook hoặc ai chủ động không có facebook hay ai đang không sở hữu facebook, chỉ im lặng không đáp lời về những thứ liên quan đến facebook. Mở miệng hỏi ú ớ, kiểu không biết facebook là gì, không quan tâm đến facebook ra sao… là lập tức trở thành đề tài thuộc thể loại “mù tin học”.

Facebook được gọi chung là thế giới ảo. Mà đã gọi là thế giới, thì cho dù ảo hay thật, vẫn có cá nhân muốn làm mọi cách để facebook mình trở nên “đỉnh của đỉnh” trong cái thế giới ấy.

Sinh chuyện từ đây(!).  

1.Tất nhiên là tôi không nói đến facebook của những nhà báo, luôn ăm ắp những thông tin vừa chính xác, vừa hơi hơi chính xác, vừa rất không chính xác… đủ khiến những facebook khác tò mò nhào vào bấm like và để lại phần bình luận.

Hẳn nhiên, tôi cũng không nhắc đến những facebook vốn dĩ được lập ra là để ném đá một nhân vật nào đó, kiểu ca sĩ Thủy Tiên, Vũ Hà... hay bình luận viên Tạ Biên Cương… hoặc là một ai đó vô tình bị "túm áo trên cành táo" rồi bị tổng xỉ vả đến tơi tả.

Đương nhiên, tôi cũng không đề cập đến những cuộc chiến của cá nhân nổi tiếng này và cá nhân lừng danh kia trên facebook với những ngôn từ cơm hàng cháo chợ, đón gió vỉa hè, đón mưa phố vắng cho đến giới tính, lừa tình…

Và tôi cũng không quan tâm đến những facebook được lập ra, như là cách tiếp cận đến các phóng viên để đưa ra thông tin theo chiều hướng "Tao mà lộ ra thêm một chi tiết nữa, là mày sẽ ngã lăn quay như một cái cây bị trốc gốc". Thế nên, trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ nói đến sự hiếu thắng trên facebook.

Người chơi facebook đa phần là người trẻ. Ngoài đa phần là người trẻ thì cũng có một số ít là người không trẻ. Trong số ít người không trẻ thì có một chút người hết trẻ. Trong số một chút người hết trẻ là những người già.

Nghĩa là, nam phụ lão ấu, nhan sắc phong tình, thượng lưu hạ lưu, trung lưu thấp lưu… gì đó cũng đều sử dụng facebook.

Facebook cốt yếu là để sẻ chia, ai mà không có nhu cầu sẻ chia.

Sẻ chia từ chuyện cá nhân cho đến sẻ chia một vấn đề thời sự. Sẻ chia từ chuyện bé đến chuyện lớn, từ tin đồn cho đến tin chính thống, từ tin móc cống cho đến tin đá rơi, từ tin ngoài biển khơi cho đến tin nơi thành thị, từ tin của chị cho đến tin của em, từ tin bán cà rem cho đến tin bán trà đá, từ tin phố xá cho đến tin miền quê, từ tin quán cà phê cho đến tin phòng máy lạnh…

Còn nếu như ai không có tin để chia sẻ, thì có thể chụp ảnh xong chuyển ảnh của mình lên facebook và ngồi chờ được khen ngợi.

Facebook ảo diệu lắm, tôi biết có cái chuyện thật như đùa về facebook.

Một nhà báo có tuổi xíu, là sếp của một ban trong một tờ báo. Sếp báo thấy giới trẻ suốt ngày nháo nháo, lăn lê bò trườn, ăn ngủ thở than, vui buồn sướng khổ, yêu đương thất tình trên facebook. Sếp báo không bằng lòng.

Sếp báo cho phóng viên viết bài phê bình giới trẻ vì đã phung phí thời gian cho một trò vô bổ. Sau khi phóng viên viết bài xong, sếp báo tò mò gợi mở: "Hay em tạo cho anh một địa chỉ trên facebook đi, để anh xem thế này là thế nào mà kinh quá".

Phóng viên tạo cho sếp báo một địa chỉ facebook. Sếp báo ban đầu ngày cập nhật 3 lần. Ngày hôm sau cập nhật 6 lần. Ngày hôm sau nữa cập nhật 12 lần. Ngày hôm sau nữa nữa, cập nhất 24 lần… Chưa đến 1 tuần thì sếp báo nghiện facebook thật.

Sếp báo ngồi bất kỳ đâu, chỗ nào, với ai đều hí hoáy lôi điện thoại iPhone ra để xem có người nào để lại lời nhắn hoặc like ở cái status (chủ đề) mà mình vừa viết trên facebook hay không(?!).

Không thấy ai bấm like hoặc bình luận, sếp báo ngồi thừ người một lúc lâu mới thẫn thờ than: "Sao kỳ vậy ta, mình viết duyên lắm mà. Kỳ vậy ta". Dứt câu, lại hý hoáy viết một status khác.

Một trang facebook với những lời chửi bới nhảm nhí.

2. Facebook rất dễ nghiện. Như một dạo người ta nghiện blog hay game trực tuyến Võ lâm truyền kỳ dạo trước vậy.

Người không có facebook, rất ngạc nhiên vì không hiểu sao lại có thể nghiện một trang mạng cá nhân.

Đơn giản thôi, lấy ví dụ thế này.

Ai đó có trang facebook, buồn đời chán người, hận mình giận bạn, bèn viết lên facebook của mình một dòng rất ngắn: "Đời anh không còn gì vui. Anh đi chết đây".

Vừa chuyển lên facebook, lập tức có tám trăm bình luận, sáu trăm người bấm like, bảy trăm người chia sẻ status vừa viết.

Ai đó có trang facebook, thấy người này ngứa mắt, thấy người kia lắm mồm, bèn viết: "ĐKM (Xin lỗi bạn đọc, đây là một cụm từ rất tục tĩu không tiện viết thẳng - NNL), cái thằng ấy, bẩm sinh bố mẹ nó sinh ra, đầu không phải dùng để suy nghĩ, chỉ để giữ thăng bằng. Mồm không phải để nói lời hay, chỉ để buông câu xằng bậy cho người khác chửi".

Vừa viết xong, nhanh chóng có được hằng trăm bình luận, hàng nghìn người bấm like. Ban đầu, thấy người ta bình luận hay bấm like cũng bình thường. Nhưng càng về sau, càng thích.

Và đương nhiên, nghĩ rằng mình phải thông minh tuyệt thế, vô tiền khoáng hậu, thần sầu vô địch, đường đường chính chính như một thủ lĩnh tinh thần của chín trăm người bấm like, năm trăm người viết bình luận.

Một ngày mà mình không viết facebook, sẽ có hàng nghìn người kém ăn.

Một buổi mà mình không viết facebook, sẽ có vạn người bỏ bữa. Cũng có phóng đại một chút, bạn đọc đừng xác tín quá về con số.

Vậy là thành nghiện.

Đầu tiên, giải quyết chuyện nghiện người bình luận và bấm like bằng cách kể chuyện của mình.

Kế đến, mình hết chuyện kể thì bắt đầu kể chuyện thiên hạ.

Mà thiên hạ, bao giờ không lắm chuyện.

Thế mới có chuyện, cậu nhóc nào đấy gây tai nạn cho một người lớn tuổi, xong lên facebook của mình, khoe chiến tích vừa làm một người tử vong. Than thở về số tiền bị mất. Kêu gọi người khác đánh… số đề từ suy luận riêng của dân nghiện số.

Thế mới có chuyện, cậu sinh viên nào đó, đang yên đang lành, tự dưng lên facebook miệt thị nam thanh nữ tú của một vùng đất khác. Kết quả, nam thanh nữ tú của vùng đất kia, kéo nhau đến ký túc xá nơi cậu sinh viên đang lưu trú, đòi đấm cho cái thằng tào lao ấy "Người không ra người, ngợm không ra ngợm, mặt nát như tương, cơ thể rã như bèo" mới hả cái giận bị sỉ nhục tổng thể.

May cho cậu sinh viên ấy là Ban giám hiệu nhà trường đứng ra can thiệp kịp thời, yêu cầu cậu sinh viên đứng ra xin lỗi đám đông để tránh cho cậu lâm vào cái cảnh "tóc tai ở lại, răng môi đi nhé".

Thế mới có chuyện, cậu nhóc hay cô nhóc nào đó, đùng đùng lên facebook chửi bà ngoại của mình bằng những ngôn từ mà đọc xong, chỉ muốn xắn tay áo, dạy dỗ cô cậu ấy bằng bạo lực thay vì bằng lời nói.

Thế mới có chuyện, nhân ngày 8-3, cái loại không phải con người ấy, mới nhào lên facebook, dùng tất cả sự ngu xuẩn lẫn bất hiếu của mình để chửi mẹ ruột như hát hay.

Thế mới có chuyện, cô nàng chán anh chàng ít tiền, mắt nhìn vào màn hình máy vi tính, tay lướt trên bàn phím, hai nhân bảy mười bốn lần luận tội người yêu rằng "Nghèo là nhục".

Cập nhật vụ cướp tiệm vàng.

3. Hà Nội vừa xảy ra vụ cướp tiệm vàng bằng thuốc nổ khiến 3 người bị thương, tạo nên cơn địa chấn về thông tin.

Như mê lộ gặp đường, chết đói gặp canh ngọt, Chí Phèo gặp Thị Nở… giới nghiện facebook xôn xao như ong trong vườn nhãn mùa có hoa, thiếu nữ trong hội hè. Lập tức, hỏi nhau "Có thông tin gì mới về vụ đó không?".

Đã hỏi, tất nhiên có câu trả lời. Những câu trả lời xin được trích dẫn như sau.

"Ngay gần nhà mình, dân tình kéo đi coi còn đông hơn quân Nguyên".

"Chiều nay đi học phải ngang qua đây, ms dk (chửi thề)".

"Không có vàng rơi ra đâu mà nhặt bác ạ. Tiệm vàng nhanh lắm, đóng cửa cuốn lại ngay".

"Chiều mềnh (mình) ra ngóng"…

 …Và còn rất nhiều bình luận khác, theo đúng chất "hạnh tai lạc họa", vui mừng trước nỗi bất hạnh của gia đình nạn nhân.

Khi người ta trẻ, người ta có quyền cười cợt vào bất cứ thứ gì. Nhưng khi người ta trẻ, và người ta vin vào số tuổi của mình để cười cợt vào nỗi đau của người khác, nói xin lỗi, chứ rất muốn gọi là lũ vô giáo dục.

Như cái thời, kẻ sát nhân man rợ Lê Văn Luyện bị bắt giữ. Giới trẻ đã tung hô Lê Văn Luyện không kém một người hùng.

Thậm chí, mấy cậu nhóc nhà quê ở một tỉnh miền Trung còn hùn hạp tiền lại, mua sắt kiếm thợ rèn, làm mã tấu để chờ ngày tái xuất giang hồ với hỗn danh băng nhóm là "Đàn em anh Luyện".

May mắn là Cơ quan Công an đã túm được mấy ông “đàn em anh Luyện” này trước khi hành động y như "anh Luyện".

Rồi người ta truyền khẩu cho nhau câu vè, câu trước "phạm húy" tôi không nhắc, chỉ nhắc câu sau là "…gặp lưu manh, bảo em anh Luyện".

Một hành động dã man, không thể chấp nhận trong xã hội lại được "vinh danh" theo đúng cái chất mà khiến bất cứ ai cũng đều giật mình kinh sợ. Cái này, thẳng thắn mà thừa nhận thì có sự "góp công" rất lớn của giới truyền thông. Đặc biệt, là mấy anh mấy chị làm báo mạng.

Cảm thấy chưa thỏa mãn, những vụ án tàn nhẫn khác sau khi Lê Văn Luyện bị tuyên án, các anh các chị lập tức khai thác rồi giật tít "Lại thêm một Lê Văn Luyện xuất hiện". Hoặc "Hung thủ vụ giết người: "Em không muốn bắt chước Lê Văn Luyện"… Các anh các chị làm tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác về khả năng nhấn mạnh thông tin trong cách làm báo của mình.

Một sự việc đều có hai mặt, facebook không hẳn chỉ toàn những kẻ rảnh rỗi sinh nông nổi, nghiện ngập nên bất cập… Facebook cũng có sự liên kết khiến người khác cảm động.

Như trường hợp của cặp tình nhân người Hồng Công, sang Việt Nam du lịch, bị giật đồ tại Sài Gòn phải bán bưu thiếp để kiếm lộ phí về nước. Sau khi một cá nhân đề cập đến chuyện này lên facebook, nhiều phóng viên đã vào cuộc. Kết quả, cặp tình nhân ấy đã kiếm lại được giấy tờ mà mình bị giật mất.

Hay nhiều trường hợp cơ nhỡ, thương tâm, bất hạnh… được cộng đồng mạng cưu mang bằng chính những câu chuyện từ trên facebook.

Đáng tiếc, sự tươi sáng ấy không nhiều.

Tôi không có ý định lên án hay phê phán những tín đồ facebook, bởi mỗi cá nhân có quan điểm sống của riêng mình. Hơn nữa, nói tếu táo thì, facebook của ai, người đó muốn viết gì thì viết. Miễn sao, không vi phạm pháp luật, không bị kiện tụng vì hành vi vu khống, bôi nhọ hay gì gì đó.

Tôi cũng không có ý định, kiến nghị các cơ quan chức năng chuyên trách quản lý facebook. Vì ai cũng biết, không cơ quan nào đủ nhân lực lẫn trí lực để làm việc này.

Tôi cũng không có ý định, gào thét trong tuyệt vọng những câu từ sáo rỗng kiểu "Giới trẻ hãy nhân văn, giới trẻ hãy ý thức trách nhiệm của mình". Đơn giản, khi người ta trẻ, người ta thông minh hơn chúng ta nghĩ rất nhiều.

Tôi chỉ cho rằng, trước khi viết hay hành động gì đó trên thế giới ảo, dẫu là ở trang cá nhân, hãy đặt mình vào vị thế của người sắp được (hoặc bị) mình đề cập.

Bạn miệt thị đám đông theo kiểu "đứa nào ở vùng đất đó, đều đáng ghét", bạn hãy nghĩ mình là người sinh ra ở vùng quê ấy để hiểu cảm giác của người khác(?!).

Bạn vui vẻ tung hô một sát thủ khát máu, bạn hãy đặt bạn là người thân có nạn nhân bị sát hại trong vụ việc ấy, để hiểu nỗi đau của họ(?!).

Bạn kiếm tìm tên tuổi bằng thông tin không may của một gia đình, bạn hãy nghĩ đến giả như bạn là thành viên của gia đình tang thương ấy, bạn sẽ như thế nào(?!).

Như khi, bạn miệt thị mẹ bạn, bà ngoại bạn…

Như khi, bạn cười cợt về một người tử vong vì tai nạn giao thông do chính bạn hoặc bạn của bạn gây ra…

Bạn hãy nghĩ đến mai này, vì trời mây gió khôn lường, người rủi may chớp mắt… Không có gì chắc chắn rằng, sự bất hạnh không rơi vào chính bạn hoặc gia đình bạn.

Tôi chỉ nói vậy thôi, còn tin hay không tùy bạn. Tôi nói bằng luật nhân quả, tôi không có định khuyên răn bạn.

Đơn giản, vì bạn còn rất trẻ(!). Và bạn có quyền…

Ngô Nguyệt Lãng
.
.