G20 và hi vọng chấm dứt thương chiến hai bờ đại dương

Thứ Hai, 01/07/2019, 14:19
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố có thể đạt thỏa thuận thương mại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Osaka, Nhật Bản.

Song, với việc vẫn để ngỏ những lựa chọn cứng rắn khác, tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng được xem là hành động “nước đôi” trong đàm phán với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau hơn một năm rơi vào chiến tranh thương mại với Mỹ.  Mặc dù vậy, giới phân tích vẫn hi vọng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo là mấu chốt để đưa các cuộc đàm phán trở lại đúng hướng, từ đó làm giảm căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Trước khi tới Nhật Bản, ông Donald Trump nói một cách khá chắc chắn rằng: “Hoàn toàn có thể... Chúng tôi đạt được một thỏa thuận tốt”. Thậm chí ông bày tỏ mong muốn có “một cái bắt tay thật chặt” với người đứng đầu Trung Quốc sau cuộc chiến thương mại, khẳng định sẽ không để mất nhiều thời gian trong cuộc đàm phán đang được cả thế giới trông đợi. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng cho biết thỏa thuận thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đã hoàn tất “khoảng 90%” và bày tỏ lạc quan có thể sớm hoàn tất toàn bộ thỏa thuận này.

Tuy nhiên, việc Tổng thống Trump vẫn chuẩn bị kịch bản sẽ áp mức thuế bổ sung đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu hai nước tiếp tục bất đồng về vấn đề thương mại, đang khiến giới phân tích hoài nghi cho dù vẫn đánh giá đây là một trong những cuộc gặp song phương được theo dõi sát sao nhất tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long - sử gia, nhà ngoại giao quốc tế Đại học Maine (Mỹ) - nhận định: “Nếu ông Tập Cận Bình gặp ông Donald Trump, tôi nghĩ rằng phía Trung Quốc sẽ có một sự mềm dẻo nào đó”. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ không thể được giải quyết trong Hội nghị G20 lần này. Ông giải thích: “Cuộc chiến thương mại sẽ không kết thúc trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020. Tổng thống Trump cần ‘gây sự’ với các nước khác để lấy phiếu của người Mỹ và sự ủng hộ của đảng Cộng hòa...”.

Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ cố gắng kéo dài vấn đề này để qua hết nhiệm kỳ của ông Trump với hy vọng tình hình sẽ dịu bớt dưới nhiệm kỳ của tân tổng thống - một người khác chứ không phải ông Trump. Điều đó cũng có thể đúng nhưng chắc chắn ông Trump sẽ không để cho ông Tập Cận Bình có thời gian “câu giờ” như vậy mà muốn có câu trả lời sớm.        

Tuy nhiên, để đạt được kết quả từ phía Trung Quốc, Mỹ cũng cần tránh làm mất mặt Bắc Kinh. Sẽ là tai hại nếu Mỹ làm Trung Quốc mất mặt. Dù sao Trung Quốc bây giờ cũng là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Mỹ cần có sự nhượng bộ vừa phải để giữ thể diện cho Trung Quốc, từ đó Washington mới có thể đạt được kết quả.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Mặc dù bề ngoài, ông Trump dường như đang chiếm thế thượng phong, song gần đây, nhiều hiệp hội doanh nghiệp lớn của Mỹ ra sức khuyên can ông suy nghĩ lại, bởi Mỹ không thể tách rời khỏi Trung Quốc và biện pháp thuế quan sẽ gây ra “hiệu ứng cánh bướm”, ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế, không có lợi cho việc theo đuổi khả năng tái cử tổng thống.

Ví dụ, nếu Mỹ áp thuế trừng phạt đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại, bao gồm 167 tỷ USD là các sản phẩm điện tử mang tính chất tiêu dùng như điện thoại, máy tính bảng, thiết bị nghe nhạc, máy chơi game..., giá cả các mặt hàng này chắc chắn sẽ tăng lên.

Do đại bộ phận người tiêu dùng không vội vàng theo đuổi trào lưu mua mới các sản phẩm điện tử nêu trên, chỉ cần giá tăng, họ sẽ kéo dài chu kỳ thay máy. Hệ quả là thời gian biểu tung ra các sản phẩm công nghệ mới cũng sẽ bị kéo dài. Chỉ cần “đợi” cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu là trong xã hội hiện nay, các sản phẩm thông minh đang giữ vai trò chủ lưu và sự phát triển của chuỗi ngành nghề này lệ thuộc rất lớn vào tốc độ thay mới sản phẩm của người tiêu dùng.

Cho nên, nếu ông Trump áp thuế trừng phạt đối với các sản phẩm liên quan tới dân sinh, “hiệu ứng tuyết lở” là câu chuyện không thể xem nhẹ. Đó là chưa nói tới tình hình hiện nay cho thấy dù Mỹ - Trung có “bắt tay” thì cũng khó tránh được cuộc chiến ngầm trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Ngoài khoa học công nghệ, chiến tranh tài chính Mỹ - Trung cũng là một thách thức lớn. Hiện có 3 ngân hàng đầu tư lớn của Trung Quốc có thể bị từ chối tham gia hệ thống tài chính của Mỹ, nguyên nhân là do những ngân hàng này vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên và đang bị điều tra. Do thông tin trên loan đi vào thời điểm nhạy cảm nên đã xuất hiện đồn đoán rằng phía Mỹ đang cố ý tăng thêm quân bài trong tay trước khi trở lại bàn đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Tình hình hiện nay là nếu đàm phán thương mại Mỹ - Trung lại đổ vỡ, chiến tranh tài chính bùng nổ là điều khó tránh. Vấn đề càng trở nên đáng quan tâm hơn khi gần đây không ít quan chức cấp cao của Trung Quốc bắn tin rằng, khi cần thiết, đồng nhân dân tệ (NDT) của nước này có thể phá mốc 7 NDT đổi 1 USD vốn được giữ vững kể từ sau khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008.

Cộng thêm việc ngân hàng trung ương Âu, Mỹ giảm lãi suất, lời kêu gọi nới lỏng định lượng sẽ tăng lên và cuộc cạnh tranh phá giá tiền tệ giữa các nước sẽ gây ra sự hỗn loạn tài chính trên thế giới. Các nền kinh tế quy mô nhỏ như Hàn Quốc hay các quốc gia Đông Nam Á có thể sẽ rơi vào suy thoái trước.

Đứng trước tình thế khó lường hiện nay, nhiều ngân hàng và thể chế tài chính lớn đã cảnh báo thị trường không thể chịu đựng được việc Mỹ - Trung “lật mặt” với nhau. Một khi cuộc gặp Trump - Tập có cái kết giống cuộc gặp Trump - Kim tại Hà Nội hồi tháng 2, trong ngắn hạn, toàn thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng tài chính, thị trường chứng khoán sẽ rơi vào xu thế giảm, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không chỉ giảm lãi suất ngay trong tháng 7-2019 mà còn giảm mạnh, có thể tới 1%.

Phương Hoa (tổng hợp)
.
.