Gã “cao bồi Hàng Bạc”: “Ai ngăn nổi mùa xuân tới”

Thứ Tư, 21/02/2018, 18:53
Đàn chim mùa xuân gọi thênh thang mây trời/ Giọt sương mùa xuân gọi long lanh mặt người/ Em trông muôn ngàn nụ xuân hé/ Ai ngăn nổi mùa xuân tới…”. Những câu hát xô về ta cả một mùa xuân, được Nguyễn Cường mang đến trong dáng dấp kiêu bạc của một gã “cao bồi phố Hàng Bạc”.

Nguyễn Cường nói: “Tinh thần của tôi trong âm nhạc là tinh thần của mùa xuân, mùa hạ. Mùa của niềm vui, của bắt đầu, của lạc quan, phóng khoáng. Dĩ nhiên tôi viết nhiều đề tài, viết cả 4 mùa chứ không chỉ mùa xuân. Nhưng những mùa mà mọi người cho là buồn, là cô đơn cô quạnh, là hoang vắng, úa tàn, với tôi không có tâm trạng đó.

Chẳng hạn như bài hát tôi viết về mùa đông, thì có những câu như thế này: “Anh dang tay đón em, anh dang tay đón gió, Hà Nội ngày em tới, Hà Nội ngày gió bấc về… Mùa đông đấy, nhưng là trong sự hào sảng, nhiều năng lượng, trong tình yêu bất tận với cuộc sống”.

Với nhiều người sáng tác, nỗi buồn là chất liệu để họ viết, và không hiếm tác phẩm nghệ thuật chúng ta say mê trong đời sống được tạo tác từ nỗi buồn của người viết ra chúng. Nguyễn Cường không hẳn là kiểu người sáng tác như vậy. Nghệ thuật của ông bắt đầu từ những cảm hứng lớn, từ sự đồng điệu với cuộc đời, trên nền những giá trị di sản mà ông suy ngẫm.

Ông không ưa những cú “bỏ nhỏ” trong nghệ thuật, kiểu như kể lể một câu chuyện cá nhân vụn vặt, những tâm tình thủ thỉ bé mọn, những thở than buồn bã chật hẹp. Ông ưa những cái nhìn khái quát, dào dạt mạch nguồn, tạo ra những tiếng vọng mang tính thời đại, đủ để người đến với nghệ thuật của ông suy ngẫm nhiều hơn về một điều gì đó vượt lên trên đời sống cá nhân họ.

Nguyễn Cường không chủ định, nhưng âm nhạc của ông có sức mạnh truyền cảm hứng rất lớn. Đó là cảm hứng sống, cảm hứng yêu cuộc đời mình đang có, biết tự hào với các giá trị truyền thống của dân tộc, của đất nước.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường (thứ hai từ trái sang) cùng nhạc sĩ Quốc Trung, ca sĩ Thanh Lam và ca sĩ Tùng Dương.

Ông nói: “Lúc nào tôi cũng vui. Mùa nào tôi cũng vui. Tôi sống mỗi ngày trong sự biết ơn. Tôi luôn tự nhắc mình rằng, đừng bao giờ chửi bới, ca thán cuộc đời. Thay vì ca thán, hãy làm một việc gì đó cho sự ca thán nhỏ đi một chút. Tôi thích một câu nói của ai đó đại ý, thà thắp một ngọn đèn nhỏ còn hơn là ngồi im lặng mà nguyền rủa bóng tối”.

Nguyễn Cường thường hóm hỉnh nói, ông kính trọng nỗi buồn nhưng không “xài” nó. Ông không thuộc tạng người sống với ủ ê, sầu não. Nhưng chữ Vui của ông cũng khác với chữ Vui mà chúng ta quan niệm. Là chữ Vui của một người đã đủ trải nghiệm cuộc đời, thấu hiểu cuộc đời, thấu hiểu mình. Một sự nhận biết đời sống trong sự vô thường của nó. Rằng mọi thứ đều trôi qua, ngay cả cuộc đời tưởng như to lớn của mỗi chúng ta.

Được sống trong đời này, được đến đây đã là đủ để biết ơn, vậy hãy bình thản, an vui, hãy sống với lòng biết ơn bất tận. Và nghệ thuật hãy trở thành đôi cánh của loài chim báo đáp niềm hứng khởi tới mọi người. Một năm cũng như một đời người, mùa tiếp mùa đến rồi đi, vòng quay đó là mãi mãi. Và, như một câu hát trong bài hát nổi tiếng “Một nét ca trù ngày xuân” của ông, “Ai ngăn nổi mùa xuân tới”.

Không ai ngăn nổi mùa xuân tới. Khi mùa xuân đã bước tới như một sự chủ động của không gian, thời gian, con người chỉ còn một sứ mệnh là đón nhận mùa xuân, sống trong mùa xuân, sống với mùa xuân. Trước mùa xuân, nỗi buồn thật nhỏ bé, những li ti lăn tăn thường nhật cuộc đời thật nhỏ bé. Nguyễn Cường kể, ông viết ca khúc “Một nét ca trù ngày xuân” từ năm 1983. Những câu hát đầu tiên của bài hát đến tình cờ, chỉ là hát đùa để an ủi một cô gái đang buồn (nghe đâu cô gái đó sau này là vợ của nhạc sĩ).

Thấy cô gái khóc thì an ủi, lệ ơi đừng rơi, mùa xuân đến rồi, dù em có khóc thì mùa xuân vẫn tới. Bài hát ban đầu được đặt tên là “Kìa em, mùa xuân”, nhưng sau được ông đổi thành “Một nét ca trù ngày xuân”, vì chất liệu ca trù đậm đặc được ông sử dụng trong từng nét nhạc.

Trong âm nhạc, nếu Nguyễn Cường nhắc chuyện tình yêu lứa đôi, thì tình yêu đó chỉ là cái cớ để ông nói một câu chuyện lớn hơn trong cuộc đời. Dường như không có tình khúc Nguyễn Cường. Bởi mọi bài hát khởi đầu là tình yêu lứa đôi đi nữa thì rồi đến giữa hay cuối bài hát và nhìn tổng thể bài, người nghe nhận ra ông đang viết về một vùng đất, một vùng văn hóa, một miền di sản nào đó thì đúng hơn.

Tình yêu chỉ như một dấu son đầu tiên để khơi gợi cho âm nhạc phát triển, cho mạch nguồn tư duy, cảm hứng của người viết phát triển. Nó không dừng lại ở nỉ non thề thốt buồn thương. Và nhân vật trữ tình lúc bắt đầu bài hát đã trở thành những nhân vật mang tính ẩn dụ, khái quát ở giữa hay cuối bài hát. Có thể tìm ví dụ trong hầu hết các ca khúc của Nguyễn Cường có gắn với chủ đề tình yêu.

Chưa cần hiểu nhiều về âm nhạc, chỉ phần lời đã đủ cung cấp cho người nghe những dữ liệu để nhận biết một tình yêu ẩn dụ, bao giờ cũng lớn hơn tình yêu lứa đôi trong bài hát của ông. Ví dụ: “Em đẹp quá Pleiku ơi/ Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi/ Không dám nhìn vào đôi mắt ấy/ Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy” (Em đẹp quá Pleiku ơi). Một lúc khác: “Khi mặt trời thức dậy, trái tim em lại hát về anh/ Bằng lời nắng sớm tinh khôi mặt trời/ Bằng lời gió sớm cao nguyên vời vợi/ Bằng lời mây trắng, mây là em”. (Cho tình yêu bay lên bồng bềnh). Ngay cả lúc riêng tư: “Vì ta đã thấy mặt trời ngày nào trên cao nguyên/ Và ta đã thấy mặt trời rạo rực trên môi em…”(Và ta đã thấy mặt trời).

Ngay cả lúc đắm say, vẫn là: “Anh tựa màu xanh trái đất này/ Ngày từng ngày nên biển mặn rừng cay/ Là mắt là tay là giọng buồn em hát/ Là nắng là mưa là khoảng vắng em chờ…”. Không thể lắng nghe tình yêu trong các ca khúc của Nguyễn Cường mà không gắn với một vùng đất hay một vùng văn hóa nào đó. Âm nhạc Nguyễn Cường quả thực không có tình yêu “suông”.

Nguyễn Cường chia sẻ: “Tôi suy nghĩ thế này, khi người nhạc sĩ sáng tác ca khúc nói về tình yêu lứa đôi của mình, anh nghĩ đó là cái gì đó lớn lắm, quan trọng lắm. Nhưng xin thưa, thế hệ sau nó sẽ viết về tình yêu thời của nó, nó quên luôn tình yêu thời của anh. Mỗi thế hệ đều có câu chuyện của họ, trong cách thức của họ, đừng nghĩ chỉ thời mình mới là ghê gớm. Cho nên, với tôi, nghệ thuật phải quan tâm đến những vấn đề khác, phải cao hơn, phải vượt lên trên, phải là những vấn đề mà công chúng nhiều thế hệ có thể chia sẻ, có thể đồng cảm”.

Nguyễn Cường không sa vào chuyện “lời” khi viết ca khúc, mặc dù lời của ông khi nào cũng đủ sâu sắc để mê hoặc người nghe. Ông quan tâm đến âm nhạc, đặc biệt là chất liệu âm nhạc để tạo thành một tác phẩm. Ông quan niệm, nếu trong cuộc đời, cái tài, cái sắc đến trước, nhưng cái tâm, cái đức ở lại, thì trong âm nhạc, lời đến trước và âm nhạc là cái cuối cùng ở lại.

Bởi quan niệm đó, Nguyễn Cường “ngụp lặn” trong kho tàng âm nhạc từ cổ chí kim, trong nước và ngoài nước. Ông đọc, nghe, nghiên cứu mọi di sản âm nhạc của thế giới và của Việt Nam. Đối với ông, những giá trị cổ điển, truyền thống là nền tảng để người nhạc sĩ sáng tạo, phát triển. Người sáng tạo chỉ có thể tự tin khi bước đi trên cái nền vững chắc đó. Nếu bỏ qua truyền thống, những bước chân đi vào hiện đại của anh có thể bị hụt xuống hố sâu, hoặc có thể rơi vào tăm tối.

Trong giới viết nhạc, nếu có ai đó để lại dấu chân nhiều nhất trong các di sản văn hóa, truyền thống, dân gian, thì đó là Nguyễn Cường. Âm nhạc của ông phong phú chất liệu, từ ca trù đến quan họ, dân ca các miền từ vùng núi cao đến Bắc Bộ, Trung Bộ, đến Tây Nguyên. Ông kế thừa các di sản đó, và phát triển nó lên đến một tầng bậc mới, đậm hơi thở của cuộc sống hôm nay, cộng thêm một cá tính sáng tạo đậm chất Nguyễn Cường không thể trộn lẫn.

Có cơ hội được nghe nhiều tác phẩm của Nguyễn Cường, tôi nhận ra rằng, lịch sử dân tộc cũng như lịch sử âm nhạc Việt thấm đẫm trong văn hóa của ông. Nguyễn Cường đã đi những bước chân âm nhạc từ trong quá khứ đến hiện tại “êm như nhung”, bởi sự hiểu biết thấu đáo, thấu suốt của ông đối với lịch sử, truyền thống. Ông sử dụng điêu luyện mọi chất liệu truyền thống vào tác phẩm, mở ra một không gian mới, một sự tiếp nối đặc biệt trong cảm nhận của người nghe.

Công chúng thực sự mới chỉ biết một phần sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Cường từ trước đến nay, trong đó chủ yếu là các sáng tác của ông về Tây Nguyên. Cũng bởi những sáng tác về Tây Nguyên đã đủ biến ông trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng nhất nhì trong âm nhạc Việt. Nhưng còn một Nguyễn Cường đồ sộ trong ca khúc (ở nhiều mảng đề tài khác), trong khí nhạc như hợp xướng, giao hưởng. Ông mong các tác phẩm khí nhạc của mình có cơ hội được đến với công chúng nhiều hơn trong tương lai gần.

Riêng về mảng ca khúc, Nguyễn Cường vẫn còn là mảnh đất vô cùng tiềm năng cho các thế hệ ca sĩ, đặc biệt là những ca sĩ trẻ giàu nội lực, tài năng, cá tính đến khai phá và tạo ra dấu ấn của riêng họ.

Bình Nguyên Trang
.
.