“Gái thiếu, trai thừa” và những hệ lụy

Thứ Ba, 27/08/2013, 16:20

Không chỉ mất cân bằng giới, việc sinh một con - và phải là con trai còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác mà các nhà xã hội học gọi là "hội chứng một con". Vì là con một nên thường thì những đứa trẻ này rất được cưng chiều, khiến nhiều trẻ trở nên hư hỏng...

1. Bảy giờ tối, tôi ghé thăm vợ chồng Phòng - người mà tôi coi như em - ở cư xá Lữ Gia, quận 10, TP HCM. Đã lâu không gặp, thằng con trai Phòng ngày nào vẫn còn lẫm chẫm tập đi, bây giờ đã học lớp 2. Chuyện trò một lát, tôi hỏi Ái, vợ Phòng, sao không sinh thêm đứa nữa? Ái, cười: "Dạ thôi. Một đứa đủ rồi bác".

Phòng là kỹ sư điện, làm việc tại Khu công nghiệp Biên Hòa, còn Ái công tác tại một ngân hàng trên đường Ngô Gia Tự, quận 10, thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng tổng cộng gần 30 triệu. Nhà ở được cha mẹ cho nguyên căn nên có thể nói về mặt kinh tế, cuộc sống của vợ chồng Phòng khá ổn định. Tuy nhiên, lý do mà Ái đưa ra để giải thích cho việc chỉ sinh một con, là: "Nếu em có hai đứa con nhưng chỉ có một cái bánh thì em phải chia hai. Còn nếu có một đứa thì nó hưởng hết. Vợ chồng em quyết định chỉ sinh một đứa là để tập trung nuôi dưỡng, giáo dục cho tốt hơn".

Suy nghĩ của vợ chồng Phòng trong việc chỉ sinh một con không phải là cá biệt. Theo tìm hiểu của tôi với 20 cặp vợ chồng có học thức, điều kiện kinh tế ổn định, hoặc là công nhân, lương vừa đủ sống tại TP HCM, thì họ đều chọn giải pháp một con - và có đến 18 cặp muốn đứa con ấy phải là con trai bởi lẽ quan niệm "trọng nam, khinh nữ" của người Việt khó có thể một sớm một chiều mà xóa bỏ được. Vẫn 18 cặp này cho rằng con trai rất quan trọng để duy trì nòi giống và chăm sóc cha mẹ khi về già, ốm đau, còn nếu chỉ sinh toàn con gái thì đó là nỗi bất hạnh.

Anh Tùng, ở đường Lê Đại Hành, quận 11, mới lập gia đình được 8 tháng, nói: "Em thích sinh con trai để có người nối dõi tông đường, thờ cúng ông bà, tổ tiên. Hơn nữa, con trai thường là trụ cột kinh tế gia đình, về già cha mẹ có thể cậy nhờ chứ sinh con gái, nuôi nó lớn lên, nó đi theo chồng là hết!". Cũng cùng suy nghĩ như anh Tùng, chị Mai, nhà trong một con hẻm gần Trường Phan Văn Hân trên đường Võ Văn Tần, quận 3, cho biết: "Cuối năm nay em lấy chồng. Dự định của tụi em là chỉ sinh một con và nếu được con trai thì tốt nhất".

Con số 20 cặp vợ chồng mà tôi tìm hiểu không phải là nhiều để có thể hình thành nên một thống kê, nhưng cũng phần nào phản ảnh tình trạng "trai thừa, gái thiếu" trong xã hội hiện nay. Chả thế mà lắm cặp vợ chồng sinh được hai - thậm chí ba đứa con gái thì vẫn "ráng" kiếm thêm đứa con trai để khỏi bị coi là… "tuyệt tự"! Thành, giám đốc một công ty xuất khẩu hải sản ở quận Bình Tân, có 3 đứa con gái, mỗi lần đi nhậu và mỗi lần nghe bạn bè chọc ghẹo bằng 4 câu thơ "Đêm nằm nghĩ lại thấy mà lo…". thì Thành lại cười như mếu: "Hồi mới mang thai, đi siêu âm, nghe bác sĩ nói là gái thì vợ chồng em đã tính bỏ. Nhưng rồi nghĩ con nào cũng là con, hơn nữa phá thai mang tội nên em giữ lại, hy vọng đứa sau. Ai dè đứa sau, rồi đứa sau nữa cũng vẫn là… con gái!". Tôi hỏi: "Vậy cậu có tính kiếm thêm con trai không?". Ngần ngừ một lát, Thành gật đầu: "Chắc là có anh à, chứ mai mốt cả ba đứa theo chồng, hai vợ chồng già ở với nhau, buồn lắm".

Quan niệm "con trai mới là con" đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới. Ước tính cả năm 2012, ở nước ta cứ 112,3 bé trai chào đời thì số bé gái chỉ là 100. Các chuyên gia xã hội học dự báo cứ theo cái đà ấy, thì khoảng 20 đến 30 năm nữa, Việt Nam sẽ "thừa"  2,3 - 4,3 triệu đàn ông. Điều đáng nói là nếu như trước đây, việc tìm hiểu bào thai là con trai hay con gái chỉ xuất hiện ở khu vực thành thị thì bây giờ, ngay cả ở nông thôn, khi đi siêu âm, hầu hết các bà mẹ đều muốn biết đứa con đang mang trong bụng mình là trai hay gái.

Bác sĩ Nguyễn Giang Hồng, nguyên Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Quận 3, TP HCM, nói rằng: "Cứ 100 sản phụ vào siêu âm thì 99 người đều tìm cách hỏi xem giới tính con mình là gì mặc dù việc tiết lộ giới tính bị luật pháp ngăn cấm".

Tại một phòng siêu âm tư nhân trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp, có một quy định ngầm được bác sĩ và sản phụ hiểu với nhau. Đó là sau khi siêu âm xong, nếu bác sĩ kín đáo giơ 1 ngón tay cái lên thì nghĩa là trai, còn giơ xuống dưới là gái. Không ít sản phụ khi biết con mình là gái, đã xin phá thai với lý do "kinh tế còn khó khăn", hoặc "sức khỏe kém quá".

Bác sĩ Hồng nói: "Mặc dù tôi đã giải thích những nguy hiểm và hậu quả có thể xảy ra trong và sau khi phá thai như nhiễm trùng do không tuân thủ các điều kiện vệ sinh, băng huyết, thậm chí vô sinh nhưng họ vẫn quyết định bỏ vì mong muốn của họ là con trai".

2. Không chỉ mất cân bằng giới, việc sinh một con - và phải là con trai còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác mà các nhà xã hội học gọi là "hội chứng một con". Vì là con một nên thường thì những đứa trẻ này rất được cưng chiều, khiến nhiều trẻ trở nên hư hỏng. Trò chuyện với tôi, chị Bình, nhà ở đường Đoàn Văn Bơ, quận 4, hiện làm việc cho một chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại quận 1, không ngớt than thở về cậu "quý tử" của mình: "Nó muốn gì được nấy. Không chiều theo ý thì nó giận, bỏ ăn, bỏ học. Bây giờ vợ chồng em bó tay với nó luôn!".

80% phụ nữ biết trước giới tính bào thai qua siêu âm. Ảnh minh họa.

Việc "bó tay" của vợ chồng chị Bình bắt nguồn từ nguyên nhân "con một". Ngay từ khi mới bắt đầu vào lớp 6, Trung, con chị đã được tập cho xài tiền. Mỗi sáng, dù đã ăn uống ở nhà nhưng chị Bình vẫn nhét vào túi con 100 nghìn đồng vì theo lời chị: "Sợ bữa cơm trưa ở trường không được ngon nên em cho tiền để nó thích gì thì ăn thêm". Với số tiền ấy, Trung gia nhập nhóm bạn "nhà giàu". Cứ đến trưa, nhóm này không vào nhà ăn mà xuống căng tin của trường, gọi cơm ăn riêng, mỗi phần 40 nghìn.

Chị Bình kể tiếp: "Có lần cô giáo chủ nhiệm thông báo cho em, đề nghị em nói với cháu là nên ăn chung với lớp để hòa đồng tập thể nhưng khi em bảo thì nó chê đồ ăn trường nấu món này mặn, món kia cay, món nọ nó ăn không quen nên em đành chịu".

Lên đến lớp 7, chị Bình mua cho Trung một chiếc điện thoại di động. Chị nói: "Nó than với em là nhiều bữa nghỉ học sớm nhưng không biết cách nào gọi ba, gọi mẹ đến đón về. Em thấy cũng có lý nên em mua!". Thế rồi một bữa được nghỉ sớm, thay vì gọi mẹ, lại sẵn tiền trong túi, Trung theo đám bạn "nhà giàu" vào một tiệm Internet, chơi game. Thoạt đầu, Trung chỉ dám ngồi 1 tiếng. Riết rồi "lậm" game, Trung bịa ra lý do phải ở lại để… học nhóm để có thời gian chơi, chưa kể nhiều buổi trưa, khi cô chủ nhiệm vừa ra khỏi phòng nghỉ dành cho học sinh bán trú thì Trung và nhóm bạn bật dậy, lén ra phía cổng sau, trèo tường đi chơi game.

Chị Bình thở dài: "Có bữa, nó bỏ luôn 3 tiết học chiều. Tới hồi phát hiện ra thì nó đã nghiện game nặng nên vợ chồng em đành phải sắm cho nó cái máy vi tính để quản lý giờ giấc". 

Cũng cùng một nỗi khổ tâm như chị Bình, vợ chồng anh Lộc, nhà ở chợ Cầu, quận 12, ngày đêm không ngớt đau đầu về đứa con trai tên Vương. Mới học lớp 9, nó đã buộc anh chị phải mua cho nó chiếc xe gắn máy. Sợ con bị phạt vì chưa đủ tuổi, lại chưa có bằng lái, anh Lộc mua chiếc Chaly. Đến năm lớp 11, nó chê xe Chaly "nhà quê" rồi nằng nặc yêu cầu phải mua cho nó chiếc Exciter 125 phân khối. Anh Lộc nói: "Có xe khỏe, nó tham gia đua xe, lạng lách, đánh võng, bốc đầu".

Hệ quả của sự chiều chuộng quá mức này là trong một lần đua xe, Vương bị tai nạn gãy chân, phải đóng đinh cố định xương trong suốt 3 tháng nên  anh Lộc đành vào trường gặp ban giám hiệu, xin cho nó được bảo lưu lớp 11. Vợ anh chì chiết: "Do ông chiều nó quá". Anh Lộc đáp lại: "Con hư tại mẹ, tôi ngày đêm làm quần quật để kiếm tiền. Tôi giao nó cho bà mà bà dạy chẳng nên thân".

3. Nếu theo dõi và so sánh sự mất cân bằng giới ở các quốc gia Đông Nam Á, ta sẽ thấy tại Việt Nam vấn đề này diễn ra khá muộn nhưng tốc độ gia tăng lại nhanh hơn và phức tạp hơn. Nó diễn ra trong bối cảnh một số quốc gia Đông Nam Á  đang phải đối mặt với hệ lụy "trai thừa, gái thiếu" mà cụ thể là hằng năm, Hàn Quốc, Trung Quốc phải "nhập khẩu" cô dâu nhưng vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu lấy vợ của cánh đàn ông.

Theo các chuyên gia dân số, 20 hay 30 năm nữa, với 2,3 - 4,3 triệu đàn ông người Việt "thừa" ra, thì lấy được vợ trong nước đã khó chứ nói chi đến lấy vợ nước ngoài bởi lẽ theo những thống kê nhân khẩu của các quốc gia trong khu vực, 20 năm nữa, Lào, Campuchia, Philippines.., cũng không "thừa" phụ nữ cho đàn ông nước họ, thì lấy đâu ra mà "xuất khẩu" sang nước ta! Một chuyên gia về dân số, nói đùa - mà cũng có thể sẽ là sự thật: "Khi đó, qua châu Phi may ra mới kiếm được vợ, còn không thì cứ gọi là độc thân suốt đời!".

Để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn từ năm 2013 đến 2020, Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình - Bộ Y tế - đã đưa ra đề án, là hỗ trợ kinh tế cho những gia đình chỉ sinh toàn con gái với tổng số tiền khoảng 3.000 tỉ đồng. Đề án này đã được Tổng cục trình Thủ tướng xem xét đồng thời đang lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, điều khiến dư luận lo ngại là việc hỗ trợ bằng tiền có đủ tác dụng để làm giảm mất cân bằng giới tính hay không?

Anh Thành, người mà tôi vừa nêu ở trên, nói: "Như tôi chẳng hạn, nếu được hỗ trợ về kinh tế vì tôi chỉ có 3 đứa con gái nhưng sau đó, tôi sinh thêm con trai nữa thì sao? Chẳng lẽ lúc đó Nhà nước đòi tiền lại? Mà nếu có đòi thì tôi nói tôi nuôi con hết rồi". Chị Mai, người sẽ lấy chồng vào cuối năm nay, đặt câu hỏi: "Nếu em có hai con, đều là gái và em cam kết không sinh thêm nữa thì em được nhận tiền hỗ trợ. Nhưng cam kết thì cam kết, đâu ai cấm em không được có bầu đứa thứ ba. Và nếu đứa đó là trai thì chẳng lẽ em  phải… phá thai hay trả tiền lại cho Nhà nước?".

Một vấn đề khác: 3.000 tỉ đồng là một con số không nhỏ trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay. Sử dụng không hiệu quả sẽ gây ra lãng phí lớn. Trung Quốc chẳng hạn, những nhà hoạch định chính sách dân số ở quốc gia này đã từng thực hiện phương án thưởng tiền cho những gia đình chỉ sinh con gái. Tuy nhiên đến nay, Trung Quốc vẫn đứng đầu thế giới về mất cân bằng giới tính (nam nhiều hơn nữ). Chưa kể nếu đề án này được đưa vào áp dụng ngay từ năm nay, thì cũng phải 15, 20 năm nữa mới có hiệu quả.

Theo các chuyên gia dân số, để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính ở Việt Nam, trước mắt các ngành chức năng cần hoàn thiện cơ sở luật pháp liên quan đến vấn đề này - chẳng hạn xác định giới tính bào thai - bởi lẽ có đến 80% các cặp vợ chồng đều biết trước đứa con sẽ chào đời là trai hay gái qua phương pháp siêu âm, và các dịch vụ nạo, phá thai hầu như không giới hạn số tuần tuổi thai nhi.

Để đạt được nội dung, yêu cầu đề ra, cần đầu tư mạnh hơn, nhiều hơn về truyền thông sinh sản vì nhận thức nếu được nâng cao thì hành vi mới thay đổi, cũng như cần tạo thêm điều kiện để phụ nữ phát huy khả năng của mình trong mọi lĩnh vực, nâng cao hơn nữa vị thế và vai trò của phụ nữ trong xã hội, hướng dần đến nam nữ bình đẳng. Theo bà Mandeep K.O'Brien, quyền Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, thì nếu không có những can thiệp tích cực, ắt sẽ dẫn đến khủng hoảng "thị trường hôn nhân" trong tương lai.

Vì vậy, thực hiện thành công những yếu tố vừa nêu, mới hy vọng giảm dần mất cân bằng giới tính

Vũ Cao
.
.