"Gần chùa gọi Bụt bằng anh"

Thứ Ba, 24/03/2015, 07:00
Hiện nay, không ít các lễ hội, các không gian văn hóa tâm linh bị xâm hại một cách vô thức do sự thiếu ý thức của khách hành hương và phật tử xa gần. Không ít điều chướng tai gai mắt xảy ra như cơm bữa ở nhiều lễ hội, hay các khu di tích văn hóa là nơi cần sự tôn nghiêm, trân quý.

Ở nước ta hiện nay có hơn 8.000 lễ hội mỗi năm, được tổ chức nhiều nhất vào tháng Giêng, và kéo dài rải rác vào những tháng tiếp đó. Bất kỳ vùng nào trên bản đồ địa lý Việt Nam cũng đều có lễ hội, đó là nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng miền, và người ta nô nức kéo nhau đi lễ hội.

Ai nấy cố len để chạm tay mình vào tay tượng vua.

Câu ca dao "Tháng Giêng là tháng ăn chơi" như muốn nói tháng khởi đầu của năm mới người ta vẫn còn cảm giác chộn rộn của những ngày xuân cùng nhau đi thăm thú các nơi, và đa phần các lễ hội đều gắn với không gian văn hóa tâm linh. Đó là trảy hội chùa Hương bắt đầu vào ngày mồng 6 tháng Giêng, kéo dài hết tháng 3 âm lịch, đó là lễ hội chợ Viềng, Nam Định vào đêm mồng 7, ngày mồng 8 tháng Giêng âm lịch,  hay khai xuân Yên Tử bắt đầu vào ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch, hoặc lễ hội khai ấn Đền Trần vào đêm 14 tháng Giêng và hàng trăm, hàng ngàn lễ hội lớn bé khác khắp mọi miền của đất nước...

Người ta đến với lễ hội để được hòa mình vào bầu không khí rạo rực sắc xuân, tắm mình vui vầy trong không gian đậm bản sắc văn hóa vùng miền đặc trưng và cùng với đấy là thắp nén hương thơm, cúi đầu thành kính trước không gian tâm linh với mong ước  sang một năm mới an khang, thịnh vượng.  Chiều ngày mồng 9 tháng Giêng, từ Tổ đình Phúc Khánh tôi cùng nhiều đồng nghiệp đi Yên Tử trên chiếc xe ôtô đã cẩn thận thuê từ trước đó một tháng.

Thiếu ý thức, vẽ bậy lên tranh Phật ở chùa Bái Đính.

Trong chuyến đi chúng tôi chuyển địa điểm tất cả 4 lần, và phải đổi tất cả là 4 xe với tất cả 4 bác tài khác nhau. Thì ra, mùa lễ hội người ta tranh thủ kiếm cơm, nghĩa là trong hợp đồng chỉ là một xe nhưng sự thực là 4 xe khác nhau với 4 bác tài khác nhau. Vậy nên có xin số điện thoại của bác tài để sợ nhầm biển số xe thì cũng chẳng ích gì. Đã thế do mải mê tranh thủ cày cuốc nhiều nơi, nên những xe khách đón đưa không chính xác về giờ gây nên cảnh phải chờ đợi. Nhưng nguy hiểm hơn cả là bác tài phóng nhanh vượt ẩu để quay đầu được nhiều chuyến.

Chuyến xe chở hơn 50 con người mà bác tài phóng vèo vèo như gió, đoạn đường cao tốc Bắc Ninh tối đa là 80 km/giờ mà bác tài phóng đến 110 km/giờ, thế là bị cảnh sát giao thông tuýt còi giữ lại và lập biên bản. Bác tài sau khi bị phạt xong vẫn còn đùa: "Mình đi ôtô to, có xảy ra tai nạn thì chỉ có chết thằng ôtô con. Mà thằng ôtô con va chạm với thằng xe máy, thì chỉ thằng xe máy chết chứ ôtô con chỉ bị xây xát cái vỏ bọc”.

Chúng tôi nghe bác tài nói mà thấy rùng mình, ớn lạnh. Nếu cứ giữ cái tư duy kiểu mạnh ai nấy làm, thân ai nấy lo, mạng ai người nấy giữ thế này thì tai nạn giao thông vẫn sẽ còn tăng đều. Cô bạn ngồi bên cạnh buột miệng bảo: "Đây là minh chứng cho đồng tiền quan trọng hơn mạng người".

Sau chuyến đi Yên Tử về, chúng tôi lại có dịp đi lễ hội Đền Trần, Nam Định. Ở Đền Trần, Nam Định vào những ngày này khách thập phương đến lễ bái kêu cầu đông vô kể. Đền Trần là nơi thờ 14 vị vua triều Trần và vị tướng tài của nhà Trần đã được phong Thánh là Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Đền Trần chia ra làm ba nơi thờ tự. Chính cung thờ 14 vị vua triều Trần. Bên hữu của chính cung thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và Công đồng hội đồng các quan.

Tượng Phật bị phật tử, du khách sờ nhiều quá mang hình hài biến dạng.

Bên tả của chính cung là nơi đặt 14 pho tượng đúc đồng của 14 vị vua Trần trong tư thế ngồi với dáng vẻ uy nghiêm, tôn quý. Mỗi bức tượng đồng tượng trưng cho một vị vua. Điều đặc biệt hơn cả là những pho tượng đúc đồng của cả 14 vị vua Trần đều có thần sắc ở ánh mắt. Nếu như để ý kỹ thì dù người khấn lễ đứng, ngồi hay quỳ ở ngay chính diện, hoặc bên phải, bên trái bức tượng của đức vua thì đều có cảm giác nhà vua đang nhìn mình.

Có một điều mà khách đến lễ bái ở đây hầu như ai cũng làm và sự việc này lặp đi lặp lại với hết người này rồi lại đến người khác, cứ như là một quy trình đã được lên giây cót và lập trình sẵn.

Đó là hình ảnh không kể tuổi tác, giới tính, chức phận trong xã hội, từ người già cho đến người trẻ, từ đàn ông hay đàn bà, dù là quan chức, cán bộ nhân viên hay nông dân, công nhân, học sinh, sinh viên họ sau khi khấn vái liền lấy tay của mình sờ lên bức tượng nhà vua rồi xoa đi xoa lại. Hết người này rồi đến người khác. Người sờ vào chân, người cầm vào tay, sau khi xoa vuốt tượng vua xong thì lại tiếp tục cho tay đó cho lên mặt, lên cổ, lên hai bả vai của mình. Chỉ trong khoảng 10 phút ở mỗi bức tượng có đến cả dăm, bảy người sờ tay, xoa tay vào bức tượng tôn nghiêm.

Tôi không hiểu sao họ lại làm như thế?! Như thế thì có ích gì?! Những cảnh tượng như vậy quá quen thuộc ở bất kể ngôi đền chùa nào trong cả nước. Tôi còn nhớ nhà nghiên cứu di sản, GS Trần Lâm Biền đã hết sức bức xúc khi thấy các sĩ tử đến khu nhà bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám để sờ đầu rùa, đến độ đầu rùa bóng loáng, nhẵn thín. Khi Ban quản lý khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám đã phải xây hàng rào bảo vệ với biển ghi chú không chạm vào hiện vật, nhưng sĩ tử vẫn cứ đùn nhau leo qua hàng rào bảo vệ để được vuốt ve đầu rùa với suy nghĩ sẽ được thông minh, may mắn trong học hành thi cử.

Viết lên cả tranh Phật.

GS Trần Lâm Biền đã phải thốt lên rằng: “Tại sao họ không sờ vào đầu của mình xem có chữ nào trong đầu không mà lại sờ vào đầu rùa?". Còn ở đây, người ta cầm, nắm, chạm, xoa vào tượng vua để mong lộc rơi, lộc vãi, được hưởng ơn mưa móc của nhà vua. Tượng vua trang trọng uy nghiêm là thế, nhà vua tôn quý là thế.

Từ xưa tới nay, vua ngự ở ngai vàng điện ngọc, người dân muốn tấu lên vua là phải quỳ lạy ở điện rồng dùng hai tay dâng tấu sớ đưa qua mấy tầng quan mới dâng lên vua. Từ dân đến quan là một khoảng cách. Từ quan đến vua lại là một khoảng cách xa. Người ta muốn dâng vua cái gì cũng phải bỏ vào khay vàng đĩa ngọc rồi cung kính dâng lên, không bao giờ được đưa trực tiếp chứ nói gì đến việc được chạm tay mình vào tay vua. Vua cho quan và dân đứng mới được đứng, cho ngồi mới được ngồi, chứ làm sao chỉ là phó thường dân lại được đứng cạnh rồi rờ rẫm, cầm nắm bắt tay, xoa bụng có phải như thế là phạm húy lắm không?!

Tôi trộm nghĩ rằng cách đây hàng trăm năm nếu các đức vua Trần bị thường dân cứ leo đến bắt tay, xoa bụng thế này thì chưa chạm được vào vua là đã bị quan quân lôi ra hỏi tội vì tưởng nhầm là thích khách hoặc phạt nặng vì tội không biết tôn ti trật tự trên dưới...

Những hình ảnh xoa tay, xoa bụng không chỉ với tượng vua mà ở nhiều nơi tượng Phật, tượng Thánh cũng trong tình trạng bị xâm hại chung. Người ta bảo vào chùa thì dâng hoa cúng Phật. Vậy nhưng khách thập phương đến lễ bái kêu cầu lại không dâng hoa, mà lại thích dâng tiền. Mà tiền họ không cho vào hòm công đức mà lại nhét tiền lên các kẽ tay của Phật, đặt tiền lên bụng Phật. Họ có thể để mớ tiền lẻ mới tinh tươm, hoặc cũ kỹ nhàu nát lên lên bức tượng tâm linh thần thánh.

Hòm tiền nhang, tiền gửi xe, tiền công đức ngay trước cổng chùa.

Người trần mang sự dung tục, ô tạp, khát khao vật chất để đến với Phật, Thánh. Phật thì bao giờ cũng ngồi trên tòa sen, hoặc cưỡi mây, người cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh muôn loài vạn vật. Đừng bao giờ nhìn Phật với tâm thế của kẻ phàm phu tục tử. Đừng mang cái vật chất kim tiền vào chốn thanh tịnh chân tu. Thánh trong tâm linh là những vị thần đi mây về gió, hô mưa gọi gió đâu vì chút ít kim tiền mà nghiêng ngả. Đã thế, người trần mắt thịt lại nhét tiền vào kẽ tay, kẽ chân, đặt lên bụng, lên vai Phật, Thánh mang lại hình ảnh nhếch nhác và vô cùng phản cảm ở nơi tôn nghiêm trang quý.

Những bức tranh tượng Phật ở chùa Bái Đính, Ninh Bình thì bị vẽ nguệch ngoạc, bôi bẩn không thương tiếc. Bất kể trẻ già lớn bé, nam thanh nữ tú mạnh ai nấy ghi, tên ai người ấy viết lên bức tranh Phật. Hướng dẫn viên du lịch dẫn đoàn khách tham quan đi chiêm bái các bức tượng và tranh Phật nơi đây, khi cô đang say sưa kể về Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để lên án chế độ Mỹ ngụy thì một vài phật tử ngang nhiên chạy ra viết tên mình lên bức tranh. Họ coi đó là chuyện bình thường.

Hình ảnh các tranh in hình Phật ở chùa Bái Đính bị bôi bẩn nhằng nhịt chữ ký của các phật tử, du khách gần xa. Hiện tượng này đã có từ lâu mà đến giờ Ban quản lý khu di tích vẫn chưa có biện pháp nào để chấm dứt hành động thiếu ý thức trên. Cả những bức tượng Phật bằng đá cũng bị người đời bôi bẩn trông nhom nhem không kém. Phật tử hành hương hết sờ đùi rồi lại sờ ngực của Phật, sờ nhiều đến nỗi tạo ra những mảng đen bóng loáng.

Khi còn nhiều người chưa ý thức được hành động mình làm, thiếu tôn trọng những nơi văn hóa tín ngưỡng tâm linh thì thiết nghĩ cũng cần phải có các cơ quan đại diện cho văn hóa, hoặc ban quản lý di tích cần chấn chỉnh, khắc phục kịp thời các hành động đầy phản cảm trên để trả lại không gian và hình ảnh trong lành nơi tín ngưỡng.

Mỹ Trân
.
.