Gặp dị nhân đắp tượng

Thứ Ba, 08/10/2013, 15:30

Bằng nhiều cách liên lạc, cuối cùng chúng tôi cũng có được một cái hẹn gặp mặt ông Phạm Chứng, 72 tuổi - chủ khu vườn kinh dị ở Long Hải (huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh). Địa điểm gặp nhau được ông ấn định là… bãi biển Cần Giờ, mặc dù hộ khẩu thường trú của ông ở khu phố 3, phường 8, quận 3, TP HCM và địa chỉ khu vườn kinh dị ở Tây Ninh. Có thể ông đang lẩn tránh thị phi, dị nghị sau hàng loạt dư luận chỉ trích. Ông đang là tâm điểm chú ý của dư luận vì khu vườn có nhiều tên gọi: “Nghĩa địa đầu người”, “Khu vườn ma quái”, “Khu vườn đầu người”, “Khu vườn xác ướp’… Với cách gọi như vậy, là chủ khu vườn, ông không lẩn tránh mới là chuyện lạ.

E ngại ông không cởi mở chuyện trò, chúng tôi phải nhờ diễn viên điện ảnh - Hoa hậu biển Khánh Hòa Mai Hải Anh đi theo để làm thao tác cân bằng tâm lý. Mai Hải Anh nhận lời.

Chân dung người nghiện… mặt người

Địa điểm hẹn gặp cách bãi biển du lịch Cần Giờ khoảng 1 km đường chim bay. Ông đi bộ hơn 1 km ra đón chúng tôi. Hóa ra, ông không biết chạy xe gắn máy, kể cả xe đạp. Dáng vẻ ông nhanh nhẹn hơn cái tuổi 72 rất nhiều.

Không như chúng tôi lo ngại, ông rất nhiệt tình đưa chúng tôi về một ngôi nhà cấp bốn tại Giồng Ao (Cần Thạnh, Cần Giờ, TP HCM). Ngôi nhà nép giữa một dãy phố và sau một lùm cây um tùm. Rải rác trên khoảng sân hẹp trước thềm nhà, vài tấm mặt nạ người và hàng chục phù điêu hình cá tai tượng đắp nổi trên mặt đất. Bậc tam cấp nối liền khoảng sân với thềm nhà mang hình dáng một chiếc đầu trâu thè lưỡi; Hai bên vách thềm nhà treo hàng chục bức tượng chân dung người bằng xi măng. Mỗi bức là một trạng thái tâm lý con người; Chiếc bàn con đặt trên nền gạch men nơi hàng ba cũng mang một gương mặt phụ nữ.

Hướng mặt về phía ngôi nhà, ông bảo: "Nhà này cũng là nhà của tôi. Khi có chuyện không vui, tôi thường về đây tá túc một mình". Ông niềm nở mời chúng tôi vào nhà rồi pha trà đãi khách.

Trong phòng khách, chiếc bàn uống trà bằng xi măng, bề mặt khá rộng cũng được đính một bức chân dung người. Khắp vách tường trong nhà treo khoảng hơn 30 bức mặt người đủ mọi trạng thái.

Không khách sáo, ông hào hứng vào chuyện ngay sau khi chiêu ngụm trà đầu tiên.

Cha mẹ ông là người Nam Định. Năm 1942, Nhật đổ quân vào Việt Nam. Vùng quê Nam Định trở thành chiến trường giữa quân Pháp và Nhật. Sợ hãi, cha mẹ ông đưa cả gia đình chạy loạn vào Sài Gòn. Khi ấy, ông mới 1 tuổi.

Cha ông mang theo vào Sài Gòn nghề nấu phở truyền thống Nam Định. Trước năm 1975, tiệm phở Việt Hương của cha mẹ ông rất nổi tiếng ở khu vực quận 3. Ông bà có 8 người con và ông Phạm Chứng là người con thứ 3 (theo cách gọi thứ của người miền Nam). Sau khi cha qua đời, em trai ông Chứng mở tiệm may Hoàng (cũng rất nổi tiếng) tại địa điểm tiệm phở Việt Hương trước kia.

Từ thuở nhỏ, ông Chứng đã đam mê hội họa và điêu khắc nhưng cha mẹ chỉ muốn ông học văn hóa. Ông giấu kín niềm đam mê nghệ thuật vào lòng rồi cố học đến lớp "đệ tứ trung học" (tương đương lớp 9 THCS bây giờ) thì quyết định bỏ học giúp cha bán phở. Niềm đam mê vẽ chân dung cứ lớn dần trong ông. Những khoảng thời gian trống trong cuộc mưu sinh, người ta thường rời khỏi nhà đi tìm thú vui ở các quán cà phê, phòng trà, uống rượu, đánh cờ… Với ông, thú vui  duy nhất là nhốt mình trong nhà để vẽ chân dung con người. Hàng ngày, khi có dịp, ông âm thầm vẽ chân dung con người với nhiều nét biểu cảm khác nhau rồi cất kỹ để dành ngắm.

Ông ghét la cà quán xá và đàm luận chuyện xã hội. Vì vậy, ông không hề có bạn thân. Tất cả những người quen biết, với ông đều chỉ là bạn sơ giao. Bạn thâm giao của ông là giấy vẽ. Vì không được học hành bài bản, ông chỉ vẽ theo cảm hứng.

Sau khi cưới vợ, được quyền làm chủ một gia đình, ông bắt đầu quay lại nuôi dưỡng niềm đam mê của mình. Việc đầu tiên là ông đi tìm thầy học vẽ ký họa và điêu khắc. Ông không học một người mà học nhiều người. Mỗi người ông học một chút kiến thức. Ông cho biết: "Tôi vẽ để thỏa mãn niềm đam mê cá nhân chứ không có ý định làm họa sĩ gì cả. Tôi vẽ cho tôi chứ không cho xã hội". Và suốt hơn 40 năm qua, ông đã vẽ hàng trăm bức chân dung con người. Vẽ xong, thay vì đi khoe với mọi người, ông đem tác phẩm của mình đi… giấu. Ông cũng muốn đắp tượng nhưng diện tích ngôi nhà tại quận 3 quá nhỏ hẹp không có không gian để ông thực hiện.

Năm 2000, niềm đam mê của ông có dịp bộc phát khi vợ con đồng ý mua một khu vườn rộng 1.000m2 ở Long Hải, Hòa Thành, Tây Ninh. Từ đó, ông xem khu vườn là "trại sáng tác" của mình. Hàng tuần ông bỏ ra 1 - 2 ngày về khu vườn cặm cụi đắp tượng mặt người. Hầu hết những tượng mặt người đều được chế tác bằng nguyên liệu xi măng trộn cát. Chỉ có vài bức, ông tự chế nguyên liệu thay xi măng. Ông bộc bạch: "Hai đứa con đã trưởng thành. Mỗi tháng chúng cho tôi 1,5 triệu đồng để chi tiêu. Tôi dành hết vào việc đắp tượng".

Sau đó, vợ con ông tiếp tục mua thêm 2 căn nhà, một ở Đà Lạt và một ở Cần Giờ. Ông cũng tận dụng 2 ngôi nhà đó làm nơi đắp tượng mặt người và trưng bày. Sau này, vì lý do riêng, vợ con ông bán bớt căn nhà ở Đà Lạt.

Những bức tượng chân dung của ông Chứng.

Giải mã khu vườn “nghĩa địa đầu người”

Trong 2 "trại sáng tác" của mình, ông xem khu vườn ở Tây Ninh là địa điểm chính. Tại đây, lúc đầu ông chỉ sáng tác những gương mặt người thể hiện các trạng thái cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố…. Ông không bao giờ chuẩn bị ý tưởng trước khi tạo tác. Ông trộn xi măng rồi tùy theo cảm hứng xuất thần đắp tượng. Ông nói, dân trong nghề gọi kiểu sáng tác đó là "xuất thần bất ý". Sau khi tượng hình thành, ông mới đặt tên.

Trong những lần xuất thần, hình ảnh những người thân yêu đã quá vãng của ông hiện về. Thế là ông đắp tượng nằm ông bà nội, ông bà ngoại, mẹ và đứa cháu. Tượng nằm ông bà nội, ông đắp ở thềm nhà trước. Tượng nằm ông bà ngoại, ông đắp phía sau nhà. Những bức tượng nằm này, ngoài vật liệu là xi măng, cát ông còn trộn vào một phần tro cốt đã hỏa táng của những người này để "tạc lòng tưởng nhớ". Giữa khu vườn, ông đắp một nấm mộ gió rồi treo tượng chân dung những người thân đã khuất kèm những dòng chữ bi oán.

Hàng ngày, đọc trên báo thấy hiện tượng cướp của, giết người, ông nảy sinh ý tưởng đắp những tượng chân dung nạn nhân bị chết để lên án hành vi vô nhân của nhân gian. Thế là ông đắp những tượng chân dung nạn nhân bị giết.

Thời trẻ, một lần chạy xe gắn máy, ông bị một kẻ đi xe sai luật va chạm. Tuy không bị thương nhưng ông trở nên sợ lái xe. Thỉnh thoảng chứng kiến những vụ tai nạn giao thông vì tài xế chạy ẩu dẫn đến chết người, ông cảm thấy thương tiếc người bị nạn. Mạng sống con người bị tước đoạt chỉ vì một hành động thiếu ý thức khi tham gia giao thông khiến ông phẫn nộ. Thế là ông sáng tác một loạt tượng mặt người chết vì tai nạn giao thông với ý nghĩ nhắc nhở mình cẩn trọng hơn khi lưu thông trên đường.

Vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 30/9/2013, ông Phạm Chứng gọi điện cầu cứu chúng tôi: “Chính quyền xã yêu cầu tôi ra trình diện vào ngày 3/10 để dọn dẹp khu vườn. Họ cho biết, nếu tôi không trình diện họ sẽ cho người giải tỏa khu vườn ở Long Hải. Có cách nào cứu tôi không? Tại sao những tác phẩm của tôi lại có tội?”.

Được biết vào sáng ngày 30/9, sau khi khảo sát khu vườn của ông Chứng, lãnh đạo UBND huyện Hòa Thành cho biết sẽ cho dẹp bỏ những bức tượng mang tính “kinh dị, rùng rợn”. Nhưng theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP HCM, ông Chứng không vi phạm quy định tại Nghị định 103 vì đây chỉ là những tác phẩm chế tác theo ý tưởng cá nhân và trưng bày trong sân vườn để giải trí. Nếu chính quyền tự phá bỏ sẽ có dấu hiệu của tội hủy hoại tài sản và phải bồi thường thiệt hại cho người dân.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc sau khi các cơ quan chức năng địa phương có hướng xử lý khu vườn của ông Chứng.

Ông quan niệm cá tính, tâm hồn con người thể hiện qua nét mặt. Dù giấu kỹ nỗi niềm hay những mưu toan sâu tận đáy lòng nhưng trạng thái tâm lý vẫn bộc lộ qua gương mặt. Từ lý do đó ông chỉ chọn thể loại vẽ chân dung và đắp tượng mặt người. Gần 20 năm qua ông đã sáng tác được hàng trăm bức tượng mặt người. Một số "trưng bày" tại khu vườn ở Tây Ninh và một số tại ngôi nhà ở Cần Giờ. Ông chưa từng có ý định bán hay cho thuê những bức tượng mặt người. Ông cho biết, hồi năm ngoái, một cán bộ địa phương Cần Giờ phát hiện ông đắp tượng đã đề nghị ông liên lạc với Phòng Văn hóa huyện để triển lãm cho khách du lịch tham quan. Ông từ chối.

Ông sống khép kín và không thích giao du với mọi người xung quanh. Mỗi khi về "trại sáng tác cá nhân" ông lặng lẽ đắp tượng một mình. Khi có hàng xóm tò mò đến xem, ông luôn tìm cách từ chối giao tiếp. Có lẽ đó là lý do những người hàng xóm không thiện cảm với ông.

Khi chúng tôi hỏi về việc dư luận cho rằng ông đắp tượng mặt người để đe dọa hàng xóm hoặc có ý định kích động bạo lực, ông buồn bã phân trần: "Tôi chưa từng làm điều gì trái với luật pháp. Tôi không ganh ghét ai. Tôi sáng tác tượng trong khu vườn của tôi và không muốn khoe khoang với mọi người thì mong mọi người đừng nói như thế. Tôi chỉ làm nghệ thuật cho cá nhân tôi thôi mà. Nếu mọi người không tò mò lẻn vào khu vườn của tôi thì không thể trông thấy để mà sợ".

Ông kể, cách đây vài tháng, một cán bộ xã đã đến đề nghị ông hạ nằm và sơn trắng những bức tượng mặt người xuống đất và ông đã chấp hành dù lòng không muốn. Ông hứa với lòng nếu sau này được phép, ông cũng sẽ để nguyên tình trạng tượng nằm như thế.

Cách nay hơn một tuần, có một đoàn cán bộ xã dẫn một người xưng là phóng viên báo địa phương đến khu vườn của ông phỏng vấn. Hôm ấy, phóng viên hứa sẽ viết bài hỗ trợ ông. Vì không đọc báo nên ông không hay biết tờ báo địa phương viết về ông như thế nào. Bỗng dưng, con cháu cho ông hay, hàng loạt các tờ báo giấy lẫn báo mạng đều viết về khu vườn và phê phán ông đã dùng khu vườn để kích động bạo lực.

Ông nói: "Tôi xin cám ơn ông phóng viên đó và tất cả những phóng viên chưa từng gặp mặt tôi mà viết bài. Vì nhờ những bài viết phê phán tôi mới biết mình chưa thỏa lòng mọi người. Tôi không kích động bạo lực mà phê phán nó. Thông điệp của tôi là: Những bức tượng mặt người chết vì tệ nạn xã hội khiến người ta sợ hãi mà không vi phạm vào để gây tội ác. Tôi rất buồn vì họ chưa từng gặp tôi. Thậm chí có báo viết là khu vườn đầu người. Đầu người khác với mặt người chứ. Bây giờ tôi chỉ dựa vào quyết định công minh của chính quyền và các cơ quan chức năng. Chủ trương của tôi là tuân thủ tuyệt đối quyết định của chính quyền và luật pháp".

Ông cũng chưa từng có ý định dừng việc sáng tác tượng mặt người cho đến khi không còn sáng tác được nữa. Ông bày tỏ: "Niềm vui sống duy nhất của đời tôi là vẽ chân dung và đắp tượng chân dung. Tôi không mê danh, hám lợi. Tôi không thích khoe khoang với mọi người. Tôi cũng không muốn ai biết việc làm của tôi. Tôi chỉ muốn thỏa lòng với những bức vẽ và bức tượng của tôi thôi".

Khi chúng tôi hỏi ông: "Nếu có một doanh nghiệp nào đó muốn thuê khu vườn ở Tây Ninh để tổ chức sinh hoạt lễ hội Hallowen sắp đến, ông có đồng ý cho thuê không?". Ông trả lời rất hồn nhiên: "Tôi không cần tiền bạc và cũng không cần danh tiếng. Nhưng nếu muốn thuê để tạo quỹ từ thiện thì tôi sẵn lòng cho mượn, không lấy một xu"

Nông Huyền Sơn
.
.