Gặp người hiến tặng “sổ đỏ” Hoàng Sa cho quốc gia

Thứ Ba, 04/08/2009, 15:25
Vẫn đôi chân trần trên cát, mỗi sáng tinh mơ cất xuồng ra khơi để chiều về chiếc xuồng lại đầy ắp cá. Ông là vậy đấy! thế nhưng có mấy ai hiểu hết về ông-người đã từng dâng hiến báu vật vô cùng quý giá của dòng tộc cho quốc gia-ông Đặng Lên ở thôn Đông Hộ, xã An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Lưu giữ báu vật suốt 175 năm

Một buổi chiều đầu tháng 7, theo chân chiếc tàu cá vượt 18 hải lý, tôi đến huyện đảo Lý Sơn. Đập vào mắt tôi về một Lý Sơn đầy sóng, gió và cát là những chiếc xuồng máy đầy ắp cá, những cánh đồng tỏi bát ngát. Theo chân một anh bạn đồng nghiệp đi qua mấy con hẻm, cuối cùng tôi cũng gặp được ông Lên. 54 tuổi, trông ông khỏe và rắn chắc. Có lẽ đó là điều ông có được sau nhiều năm vật lộn cùng sóng gió biển khơi...

Tiếp chúng tôi trong căn nhà thờ tổ tiên, đề cập đến tờ lệnh quý liên quan đến Hoàng Sa, ông kể: Tờ lệnh được lưu giữ và truyền lại đến nay đã trải qua sáu đời. Ông là con trai thứ nhưng khi anh trai trưởng là ông Đặng Tôn mất vào năm 2003 thì ông được kế tục gìn giữ báu vật của Đặng tộc.

Sở dĩ tờ lệnh còn khá nguyên vẹn suốt 175 năm qua là nhờ được làm bằng chất liệu giấy dó, được cất giữ trong hộp bằng gỗ cây ra bể (một loài cây chịu được sóng gió ở đảo Lý Sơn), để nơi cao ráo. Năm 1979, nhân có đoàn công tác tới Lý Sơn khảo cổ về những tư liệu quý liên quan đến Hoàng Sa thì hai anh em ông Lên mới mở hộp gỗ ra xem nhưng sau đó lại đem cất giữ.

Suốt 30 năm qua (1979-2009), nhân dịp lễ tế xuân của tộc họ Đặng vào tháng 2 âm lịch 2009 vừa qua, ông Lên họp chi phái trong tộc họ lại. Mọi người trong tộc họ thống nhất cho ông Lên photo tờ lệnh gửi cho các cơ quan chuyên ngành văn hóa nghiên cứu, dịch ra nhằm tìm hiểu tổ tiên của mình để lại trong ấy nội dung gì.

Qua nghiên cứu, TS Nguyễn Xuân Diện - Phó giám đốc Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm - khẳng định: tờ lệnh này là công lệnh của quan tỉnh Quảng Ngãi, ghi rõ ngày 15/4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834), phái đội thuyền ba chiếc ra canh giữ đảo Hoàng Sa. Đây là tờ lệnh cấp đầu tiên cho ông Đặng Văn Siểm và ông Dương Văn Định.

Tờ lệnh ghi rõ: "Các phái viên và lính thủy đi trước để cùng thám sát các vùng của xứ Hoàng Sa. Xem xét và tuyển chọn trong tỉnh ba thuyền tốt cùng với các vật dụng được tu bổ vững chắc, lại chọn ra Võ Văn Hùng đã được cử đi từ năm trước và chọn thêm những dân phu ven biển thông thạo đường biển để sung làm thủy thủ trên thuyền... Cứ hạ tuần tháng 3 thuận thời tiết mà đi". Điều này đã góp thêm một bằng chứng rằng đã từ lâu (từ trước năm 1834 - thời điểm ban hành tờ lệnh này) Hoàng Sa đã thuộc phạm vi cai quản của đất nước ta.

Tờ lệnh gồm có 4 trang - bản gốc còn nguyên vẹn nhất từ trước đến nay, mỗi trang dài 36cm, rộng 24cm. Tuy chỉ vỏn vẹn vài trang nhưng nó chứa đựng nhiều thông tin quý, nêu rõ danh tính, quê quán của từng binh thuyền vâng mệnh triều đình đi lính Hoàng Sa không chỉ riêng ở huyện đảo Lý Sơn mà còn ở các vùng quê ven biển khác tại Quảng Ngãi.

Tờ lệnh này đã góp phần bổ sung và kết nối logic với hệ thống tư liệu quý cùng nhiều di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa, quần thể mộ lính Hoàng Sa, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa... là những minh chứng sống khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong suốt nhiều thế kỷ qua.

Sóng gió tờ lệnh quý

Tờ lệnh được phát hiện vào cuối tháng 3/2009, khi ông Đặng Lên ở thôn Đồng Hộ trao bản photo tư liệu này cho Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Quảng Ngãi. Trong khi nhân dân  cả nước sung sướng vì phát hiện thêm chứng cứ mới về chủ quyền đất nước đối với Hoàng Sa thì gia đình ông Lên lo canh cánh vì chuyện canh giữ tư liệu quý do tộc họ Đặng gìn giữ suốt 175 năm qua.

Lễ giao nhận tư liệu quý về Hoàng Sa.

Nguyên do, như bà Nguyễn Thị Ba (vợ ông Đặng Lên) kể: Sáng 2/4, một người đàn ông khoảng 45 tuổi, giọng nói không phải người địa phương, xưng là cán bộ ngành văn hóa tỉnh Quảng Ngãi (đã thông qua sự cho phép của ông Võ Xuân Huyện, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, như lời người này nói) đến nhà ông Lên để lấy tờ công lệnh của quan tỉnh Quảng Ngãi. Ông Lên lúc này vắng nhà. Người đàn ông lạ hỏi vài câu rồi thản nhiên vào nhà lục lọi khắp nơi để tìm tờ lệnh. Tìm không thấy gì, người đàn ông này có ý không vui và bỏ đi.

Chiều cùng ngày, ông Đặng Tấn Thành (cháu ông Đặng Lên) báo cáo sự việc này với UBND huyện Lý Sơn. Theo ông Thành, ngoài người đàn ông lạ nói trên còn có một phụ nữ tự xưng tên Huỳnh Nga ở Hồng Công liên lạc qua điện thoại gặng hỏi gia đình ông Đặng Lên thật sự có giữ tờ lệnh quý liên quan đến Hoàng Sa hay không...

Ngay sau khi nhận được báo cáo của gia đình ông Lên, UBND huyện Lý Sơn cấp tốc có công văn gửi đến 45 tộc họ trên toàn huyện, thông báo sự việc và đề nghị canh giữ, bảo vệ cẩn mật những văn bản, hiện vật cổ chứng minh tổ tiên của họ từng giong thuyền ra biển Đông cắm mốc khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. UBND huyện cũng gửi công văn đến các cơ quan chức năng của huyện, đề nghị có phương án hỗ trợ bảo vệ nguồn di sản quý giá này.

Sáng 9/4/2009, tộc họ Đặng tổ chức cúng giỗ báo cáo tổ tiên về việc hiến tặng và bàn giao tờ lệnh quý liên quan đến Hoàng Sa cho Nhà nước. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã tiếp nhận tờ lệnh. Chiều ngày 10/4/2009, đại diện Bộ Ngoại giao, ông Vũ Anh Dũng, Phó vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ đã tiếp nhận từ UBND tỉnh tài liệu quý này.

Tâm sự với chúng tôi, ông Lên mừng rỡ: Tờ lệnh quý này không chỉ là của riêng của tộc họ Đặng chúng tôi nữa mà nó đã trở thành tài sản lớn của quốc gia. Do vậy, tộc họ chúng tôi đã thống nhất hiến tặng tư liệu quý này cho Nhà nước.

Giờ đây, tộc họ Đặng ở đảo Lý Sơn đã dâng hiến bảo vật quốc gia cho đất nước, góp thêm tư liệu xác lập chủ quyền của Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ do tổ tiên giao phó. Với nghĩa cử cao đẹp, ông Lên được Nhà nước trao tặng nhiều bằng khen và giấy khen về thành tích xuất sắc trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Phó giám đốc Sở VH - TT&DL tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, cùng với các tài liệu vật thể và phi vật thể khác về Hoàng Sa còn lưu giữ trên đất đảo Lý Sơn như Âm linh tự, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa v.v... thì "tờ lệnh" trên là bằng chứng sống khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bởi lẽ vào thời điểm ấy, 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa chưa phân biệt rõ ràng. Mặt khác cũng cho biết rằng, việc đưa quân lính ra Hoàng Sa của triều đình là nhiều lần trong một năm chứ không phải mỗi năm chỉ có một lần như đã nghiên cứu bấy lâu nay. Đặc biệt, tư liệu trên đã nêu rõ tên của các nhân chứng sống từng nhận nhiệm vụ đến Hoàng Sa.

Như đối với ông Võ Văn Hùng, trong sách Đại Nam thực lục có ghi tên ông với nhiệm vụ đo đạc, vẽ bản đồ về Hoàng Sa nhưng không nêu rõ ông là người ở đâu, thì nay trong "tờ lệnh" đã ghi rõ ông là người đảo Lý Sơn v.v... Có thể nói, tờ lệnh trên như là một "sổ đỏ" khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với cả quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa

Võ Thanh Việt
.
.