Gặp nhà phát minh ĐTDĐ Martin Cooper

Chủ Nhật, 16/05/2010, 15:10
Martin Cooper chẳng phải là cái tên quen thuộc, nhưng phát minh của ông lại quá quen thuộc với hơn một nửa dân số trên hành tinh này, những người từng sở hữu một máy điện thoại di động (ĐTDĐ).

Ý tưởng "máy gọi điện thoại cầm tay" là sản phẩm trí tuệ của Martin Cooper (82 tuổi), và với sự giúp đỡ của nhóm Motorola nơi ông làm việc, "máy điện thoại cầm tay" đầu tiên ra đời vào năm 1973, có trọng lượng khoảng 2kg.

Lúc đứng trên một con phố ở New York và thực hiện cuộc gọi đầu tiên từ nguyên mẫu "điện thoại tế bào" Dyna-Tac, ông chưa thể hình dung được mức độ thành công của nó sẽ mang lại tiện ích cho người sử dụng. Giờ đây, cả ngành công nghiệp viễn thông toàn cầu đã lớn mạnh cùng với vô số công nghệ phát triển cho riêng ngành ĐTDĐ.

Ông Cooper cho biết nhóm nghiên cứu của ông lần đầu tiên đối mặt với thách đố gay go: Làm sao dồn hết cả ngàn linh kiện điện tử vào một máy di động như vậy? Những nhà thiết kế công nghiệp đã làm tốt phần việc của họ, nhưng lúc đó các kỹ sư điện tử làm ra các sản phẩm cuối cùng nặng hơn 1kg. Phần rất quan trọng của chiếc điện thoại cầm tay đầu tiên là pin, thật ra lúc đó nó nặng gấp 3-4 lần trọng lượng cả máy ĐTDĐ bây giờ. Thời gian hoạt động của pin chỉ  khoảng 20 phút.

Gốc gác của chiếc điện thoại cầm tay là giúp cho các bác sĩ và nhân viên bệnh viện liên lạc với nhau dễ dàng. Ông hy vọng các thiết bị này giúp đem lại sự an toàn và tự do cho con người, nhưng những tiện ích của nó lại vượt quá tầm dự đoán về lâu dài của ông, ví dụ các trang mạng xã hội (Facebook và Twitter) hay những khái niệm công nghệ khác.

Một thế hệ mới của cái gọi là điện thoại thông minh đã cách mạng hóa kỹ nghệ ĐTDĐ và thay đổi phương thức người ta sử dụng chúng. Công nghệ trong các máy di động thời nay đã chuyển trọng tâm từ các cuộc gọi bằng giọng nói sang những cách thức và chức năng khác như máy nghe nhạc cầm tay, trình duyệt web, camera, phần mềm chat trên mạng...

Ông Cooper không đồng tình với việc ứng dụng quá nhiều loại công nghệ, thậm chí cuốn sách chỉ dẫn sử dụng dày và nặng hơn máy di động. Tuy nhiên, những dòng máy di động thông minh đời mới nhất vẫn cuốn hút ông và nhóm nghiên cứu, để "xem xu hướng cải tiến thị trường sẽ đến đâu".

Khi ĐTDĐ bước sang thế hệ thứ tư, với nhiều tính năng trong từng đợt nâng cấp, nhà phát minh Martin Cooper vẫn tin rằng máy di động trong tương lai sẽ nhắm đến cải thiện chất lượng cuộc sống của người sử dụng.

Ông nói: "Tương lai của ĐTDĐ là làm cho cuộc sống con người tốt hơn, quan trọng nhất theo quan điểm của tôi sẽ là cơ hội cách mạng hóa chăm sóc sức khỏe". Về lâu về dài, ông cho biết chiếc ĐTDĐ sẽ thu lại cực nhỏ trong 10 năm tới, được cấy dưới da sau lỗ tai cùng với 1 máy tính siêu mạnh để bảo vệ sức khỏe cho chúng ta

Lê Minh (tổng hợp)
.
.