“Ghìm cương”… giá cả

Thứ Bảy, 31/05/2008, 14:15
Dường như hiện nay đang có một tâm lý "nín thở" chờ đợi để xem giá cả thị trường sẽ ra sao sau thời điểm hết hạn quyết định của Chính phủ "ghìm cương" đà phi mã của "con ngựa" lạm phát bằng việc kìm tốc độ tăng giá của các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện, than, sắt thép, xi măng, phân bón, giá vé máy bay, xe lửa...

"Nín thở”, xen lẫn lo lắng, chờ đợi tác dụng hiệu nghiệm của các “liều thuốc” kiềm chế lạm phát, trước hết và trực tiếp là sự can thiệp hành chính để kìm giá thị trường, cũng là lẽ thường tình.

Khách quan đánh giá các chính sách kinh tế vĩ mô đưa ra trong 4 tháng qua đã có độ “thấm ngấm” nhất định, nhưng có đến “thần dược” cũng khó có thể cắt bệnh ngay lập tức. Các thầy thuốc, thường nói “thuốc ba thang”, con bệnh có chuyển biến rồi mới bốc thuốc tiếp, nếu không thì phải bắt mạch lại, chuyển thuốc khác.

Sự chuyển biến của nền kinh tế đất nước là có nhưng chưa nhiều và chưa đạt được hiệu quả mong muốn, trong khi từ nay đến tháng 6 chỉ còn tính đếm từng ngày. Sau rất nhiều tháng tăng tốc chóng mặt, chỉ số giá tiêu dùng đã giảm, dù mức tăng 2,2% của tháng 4 vẫn là khá cao, nhưng đã chậm lại hơn so với tốc độ tăng 2,99% của tháng 3.

Mặc dầu chỉ số này đã có dấu hiệu tăng thấp song “chớ thấy đỏ mà tưởng là chín”, mà vội mừng, vội lơ là, chủ quan như lời nhắc nhở của Thủ tướng Chính phủ. Bởi vì việc “ghìm cương” tăng giá 10 mặt hàng, dịch vụ sống còn của nền kinh tế, thực ra là điều hành thị trường bằng mệnh lệnh hành chính. Liều thuốc mạnh thông thường đều gây ra không ít phản ứng phụ.

Ngay từ bây giờ đã có thể tỉnh táo nhìn thấy một số hệ lụy ngoài ý muốn chưa phản ánh đúng các quan hệ giá cả trong một nền kinh tế đã hội nhập và có độ mở rộng lớn về xuất nhập khẩu với thế giới bên ngoài.

Trước hết là tình trạng  xuất lậu than, xăng và tái xuất phân bón để hưởng chênh lệch giá, tạo thêm mất cân đối giữa cung cầu trên thị trường nội địa. Việc kìm giá xăng trong nước trong khi không dự báo và càng không thể kiểm soát được giá dầu thô trên thế giới càng trút thêm gánh nặng bù lỗ lên vai Nhà nước.

Áp lực nén mà thị trường đang phải chịu đựng chẳng khác gì chiếc lò xo, bởi giá dầu thô thế giới đã phá kỷ lục 130 USD/thùng. Có trời mới biết được nó sẽ còn “bốc hỏa” lên đến chừng nào. Khi ấy khả năng chịu đựng của ngân sách để bù lỗ cho riêng khoản này sẽ có thể kéo dài đến năm nào?

Dự tính cả năm 2008, Nhà nước sẽ phải  bù lỗ giá xăng dầu tới 12.000 tỉ đồng. Riêng 4 tháng đầu năm nay đã ngốn đứt 10.000 tỉ đồng. Thử hỏi từ nay đến tháng 6, rồi tới cuối năm, Nhà nước có đủ sức “gồng mình” được không?  Chưa đến tháng 6, chưa đến lúc “thả cương” giá cả, vậy mà đã có hiện tượng đầu cơ, tích trữ trong khâu phân phối và đã gây ra những cơn sốt ảo về gạo, sắt, thép, xi măng, phân bón...

Thay vì đem lại lợi ích cho người tiêu dùng như chính sách kìm giá kỳ vọng, lợi nhuận bất chính lại rơi vào giới đầu cơ trung gian, ăn khúc giữa nạc ngon nhất, để lại đầu thừa đuôi thẹo cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Càng gần đến “ngày hẹn” 30 tháng 6, càng có nhiều “đại gia” kể cả doanh nghiệp nhà nước tham gia vào khâu phân phối, tạo ra sự căng thẳng giả tạo về cung-cầu trên thị trường, đua nhau tích trữ, găm hàng “phục kích” chờ thời cơ sau ngày 30/6/2008.

Lâu lắm rồi, từ năm 1986 xóa bỏ bao cấp đến nay mới lại xuất hiện tâm lý lo lắng “tích cốc phòng cơ” như bây giờ. Mỗi nhà, tùy túi tiền và nhu cầu, đã lo tích trữ một số nhu yếu phẩm với hy vọng tránh được ít nhiều “cơn sốt” tăng giá sau ngày 30/6 tới.

Nghiêm trọng hơn, xét về quy mô là tình trạng đầu cơ trên lĩnh vực tài chính tiền tệ, chưa có số liệu điều tra bao nhiêu tỉ USD Mỹ đã được đổ vào Việt Nam để hưởng chênh lệch lãi suất tiền gửi ở nước ta. Không thể trách doanh nghiệp và người dân gom hàng hay đầu cơ, bởi tính dự báo rất thấp, vô hình trung tạo ra tâm lý đối phó, phòng thân, lo xa trong xã hội và giới sản xuất, kinh doanh.

Nhìn lại thị trường 5 tháng qua, nhìn tới mốc thời gian cuối tháng 6, các chuyên gia kinh tế đưa ra nhận định có cơ sở rằng, nạn đầu cơ, găm hàng, lũng đoạn thị trường là một rào cản ngầm cản trở những nỗ lực kiểm soát tốc độ tăng giá của Chính phủ. Việc phát hiện được quá ít các cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân đầu cơ, tích trữ phải chăng là do cách thức kiểm tra, xử lý của cơ quan Nhà nước “có vấn đề”?

Bản thân ông Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cũng thừa nhận, cách làm như hiện nay là tổ chức các đoàn kiểm tra rầm rộ, thậm chí còn “thông báo” trước có khác gì “vẽ đường cho hươu chạy”. Đơn cử mặt hàng thép, giá từ khâu xuất xưởng tới tay người tiêu dùng bị đẩy lên mức phi lý, chênh lệch tới 2-3 triệu đồng/tấn, nhưng quản lý thị trường chỉ “nhắc miệng” chứ chưa thực hiện xử phạt. Một quan chức Bộ Thương mại phải kêu trời rằng, “thị trường thép đang bị... ba người đàn bà làm loạn”.

Trong Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh giá cả đã có quy định về chống đầu cơ, tuy thế, ghép các quy định lại vẫn thấy còn rời rạc, mức quy định về xử phạt lại chưa đủ sức răn đe và ngăn chặn. Chắc chắn sau thời điểm 30/6/2008, không thể và cũng không nên tiếp tục “neo giá” như ở mức độ và quy mô hiện nay vì những bất hợp lý và cái giá phải trả để bù giá cho các mặt hàng là quá lớn.

Nhưng nâng giá các mặt hàng đó sẽ diễn ra thế nào, trong khi ngày 30/6 cũng là thời điểm “đến hạn” thanh toán các tín dụng thư nhập khẩu với mức độ nhập siêu hàng hóa đã lên đến 11,1 tỉ USD, bằng 16,5% GDP, vượt trên ngưỡng an toàn và chưa từng xảy ra trong nền kinh tế nước ta. Điều mà Thủ tướng Chính phủ... “Tổng tư lệnh” chống lạm phát đã nhận thấy là cần áp dụng giải pháp chống lạm phát “cả gói”. Bắt đầu ngay từ bây giờ với các biện pháp cấp thiết và đủ mạnh, chắc chắn không phải là quá sớm.

Sau tháng 6, khi lệnh kìm giá của Chính phủ hết hiệu lực, nếu không lo xa đề ra kế sách, giải pháp thì tất yếu “lò xo” giá cả bị nén lâu ngày  sẽ bật  lên. Tâm trạng lo ngại giá cả tăng là đương nhiên. Vì vậy việc “ghìm cương” giá cả sao cho phù hợp với nền kinh tế đất nước với thế giới và thu nhập của người dân là điều hết sức cần thiết

Hồng Hạc
.
.