Giã cào bay đang “tận diệt” nguồn thủy sản Bình Thuận

Thứ Ba, 27/12/2016, 11:35
Ngư dân Bình Thuận, một trong những địa phương có ngư trường lớn nhất nhì cả nước có chiều dài bờ biển gần 200 km đang bức xúc, gay gắt với nạn ngư tặc sử dụng tàu thuyền “giã cào bay” đang hành nghề từng ngày, từng giờ tận diệt nguồn lợi thủy sản ven bờ...

Người dân các tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên nhức nhối vì nạn “lâm tặc” đang phá rừng và thủy điện đang gây ra lũ lụt nghiêm trọng trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu. Với người dân các tỉnh thượng hạ lưu các con sông Tiền, sông Hậu, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn... đang thấp thỏm bên bờ vực sạt lở do nạn khai thác cát bừa bãi đang bức tử dòng chảy các con sông. Còn ngư dân Bình Thuận, một trong những địa phương có ngư trường lớn nhất nhì cả nước có chiều dài bờ biển gần 200 km đang bức xúc, gay gắt với nạn ngư tặc sử dụng tàu thuyền “giã cào bay” đang hành nghề từng ngày, từng giờ tận diệt nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Giã cào bay hoạt động trên vùng biển Phan Thiết, Bình Thuận. Ảnh: Đình Hòa.

Giã cào bay, cào nồi cơm ngư dân nghèo

Do đặc thù hoạt động của tàu thuyền lưới đôi (giã cào) thường theo tuyến lộng và tuyến bờ, nên các cặp tàu đôi kéo lưới giã cào thường tận diệt mọi thứ, bất kể loài thủy sản lớn nhỏ và làm hỏng các loại ngư cụ, lưới khác của ngư dân hoạt động ven bờ theo kiểu cao bồi “lấy mạnh hiếp yếu”, nên khiến nhiều xung đột, mâu thuẫn xảy ra trên biển, gây mất an ninh trật tự. Trong đó, có cả những hành vi cố ý chống trả lại cơ quan thi hành công vụ trên biển của các tàu thuyền giã cào bay, khiến cho tình hình diễn biến phức tạp và nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Theo thống kê, toàn tỉnh Bình Thuận có khoảng gần 1.100 tàu thuyền hoạt động trên ngư trường với nghề kéo lưới, trong đó gần 600 tàu thuyền kéo lưới đơn, 496 tàu thuyền kéo lưới đôi chủ yếu tại TP Phan Thiết, thị xã La Gi, huyện Tuy Phong và Phan Rí Cửa. Tổng sản lượng khai thác đánh bắt thủy sản của tỉnh Bình Thuận có sự đóng góp trên 50% của các tàu thuyền đánh bắt lưới đơn và lưới đôi.

Hoạt động nghề cá của Bình Thuận đang phát triển mạnh từ các loại hình đánh bắt theo nhiều mô hình HTX, đội, tổ nhóm nên thời gian qua, tình hình khai thác đánh bắt thủy sản và an ninh trật tự trên tại ngư trường Bình Thuận khá ổn định. Tuy nhiên, tại các tuyến lộng và ven bờ, hoạt động theo kiểu “ăn cướp” của các tàu thuyền “giã cào bay” đã làm phát sinh nhiều vụ tranh chấp mâu thuẫn, bức xúc cho ngư dân và các cơ quan chức năng.

Hiện tại ngư trường Bình Thuận có khoảng 170 thuyền hành nghề kéo lưới đôi (giã cào) có công suất lớn từ 168-950 CV (mã lực), ngư dân quen gọi là “giã cào bay” với khoảng 80 cặp/170 tàu kéo lưới đôi, tổng công suất khoảng 79.525 CV. Nghề lưới đôi “giã cào bay” đang có xu hướng phát triển gần đây, mặc dù chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng luôn khuyến cáo và tìm mọi biện pháp ngăn chặn.

Thế nhưng, nghề “giã cào bay” vẫn rầm rộ diễn ra trong vụ cá Nam từ tháng 8 đến tháng 10 hằng năm. Đây là mùa các loài thủy sản như mực, cá sinh sản và nhiều đàn cá mực con thường áp sát lộng, ven bờ. Do đó, “giã cào bay” hoạt động đánh bắt diễn ra từ vùng biển Tuy Phong (giáp biển Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) kéo dài đến thị xã La Gi, huyện Hàm Tân cả ngày lẫn đêm. Lợi nhuận cao “tối đi, sáng về” đã có thu hoạch từ 80 đến 100 triệu đồng cho một cặp tàu giã cào bay, nên họ áp sát bờ biển Phan Thiết cách 2-3 hải lý để hành nghề.

Theo quy định, hành nghề giã cào phải cách bờ ít nhất 24 hải lý, nhưng 90% tàu thuyền giã cào hiện nay hành nghề sát bờ. Hơn nữa, một mẻ lưới của giã cào cặp đôi dài nhất 1.500m, thả sát đáy chỉ diễn ra chớp nhoáng từ 1-2 giờ đồng hồ, khi cơ quan chức năng phát hiện và đến nơi thì “giặc cướp” giã cào đã thu lưới, nổ máy chạy đi xa rồi.

Ông Năm Tân, một ngư dân Mũi Né cho hay: Ngư dân nghèo như chúng tôi chỉ đánh bắt ven bờ trong vụ cá Nam. Nhưng vừa thả lưới là tàu giã cào bay ầm ầm chạy đến càn quét cả lưới, thuyền thúng chai, thuyền lưới rê, rập lẫn thủy sản... Nó nuốt hết không chừa thứ gì.

Chính quyền tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều giải pháp chủ động tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển để ngăn chặn các hành vi tận diệt nguồn lợi thủy sản do tình trạng đánh bắt trái phép của các tàu thuyền giã cào bay, thợ lặn tìm thủy sản non, đánh bắt bằng chất nổ... Nhưng qua thực tế, tình hình mất an ninh trật tự trên biển vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Ngoài công tác vận động, tuyên truyền giáo dục về ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, pháp luật trên biển thì việc thiếu, mỏng về lực lượng chuyên trách, phương tiện, thiết bị của cơ quan chấp pháp trên biển cũng chưa thể đảm bảo trên một vùng biển bao la.

Giã cào bay đang hằng ngày tận diệt nguồn hải sản ở vùng biển Bình Thuận. Ảnh: Tư liệu Chi cục Thủy sản Bình Thuận.

Chi cục Thủy sản Bình Thuận hiện chỉ có 4 ca nô và 2 tàu đã xuống cấp, chưa đủ đầu tư kinh phí mua sắm phương tiện mới, nên vẫn phải thường xuyên phối hợp với lực lượng BĐBP tại 7 đồn biên phòng trong công tác quản lý tàu thuyền và tuần tra, kiểm soát hoạt động đánh bắt giã cào bay.

Cách nay không lâu, vào ngày 23/9, Trạm Quản lý và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tuy Phong tuần tra phát hiện cặp tàu đôi có công suất 450 CV đang hành nghề giã cào trên vùng biển Phan Rí Cửa. Hai tàu mang số hiệu BV-90315 và BV-90314 của ông Trần Hữu Đẩu, ngụ huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm thuyền trưởng.

Khi tàu tuần tra yêu cầu dừng tàu kiểm tra, thì chủ tàu cho nổ máy tăng tốc bỏ chạy. Do mạn tàu giã cào rất cao, nên các thanh tra viên rất khó khăn mới leo được lên boong tàu cá. Thuyền viên tàu BV-90315 đã xô ngã thanh tra viên Lê Bá Quốc Huyên rơi xuống biển, còn tàu BV-90314 chở luôn hai thanh tra viên Lương Chí Trung và Lương Văn Sơn vừa leo lên, nổ máy tăng tốc chạy ra khơi khoảng 5 hải lý mới dừng lại, các thuyền viên và chủ tàu có hành vi xô xát, mắng chửi thậm tệ và tống hai thanh tra viên xuống một thùng chèo cứu sinh bỏ lênh đênh giữa biển. Đoàn thanh tra phải nhờ đến Hải đội II BĐBP hỗ trợ, truy đuổi gần 40 hải lý mới bắt và áp giải hai tàu vi phạm về cảng để giải quyết theo pháp luật.

Vụ việc trên cho thấy, sự manh động và hành vi chống trả quyết liệt của các chủ tàu giã cào bay khi bị cơ quan chức năng phát hiện đã ngày càng táo tợn, liều lĩnh hơn, vi phạm pháp luật hình sự. Nếu không có ca nô cao tốc và tàu truy đuổi, thì chưa biết số phận của 3 thanh tra viên sẽ ra sao.

Theo ông Phạm Chín, Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong kể lại: Đầu tháng 8 ông cùng mấy ngư dân giong tàu cá ra khu vực thả chà cách bờ khoảng 09 hải lý. Khi đến nơi thì phát hiện cặp giã cào càn quét qua, làm hư hại gần chục cội chà, mỗi cội giá trị khoảng 8 triệu... Các tàu cá chạy sát giã cào yêu cầu họ bồi thường, không ngờ họ lái tàu đâm thẳng vào tàu cá ngư dân Nguyễn Văn Long số hiệu BTh 86876 TS làm vỡ lá phủ, gãy be vành.

Trước đó, vào cuối tháng 7, tại vùng biển Cam Bình, thị xã La Gi cũng đã xảy ra một vụ tàu giã cào bay chống người thi hành công vụ. Phát hiện cặp giã cào mang số hiệu BTh 98457 TS và BTh 98458 TS do ông Lê Ân Tình ngụ KP 7 Phường Bình Tân, thị xã La Gi làm chủ đang khai thác cách bờ khoảng 1,5 hải lý, Đội TTTS số 3 ở thị xã La Gi dùng ca nô phát tín hiệu cập mạn đề nghị kiểm tra giấy phép.

Thuyền trưởng giã cào Huỳnh Quốc Tạo cầm mảnh ván ra mạn tàu đe dọa các thanh tra viên còn các thuyền viên dùng vòi nước phun mạnh vào ca nô không cho cập mạn. Đến khi 3 thanh tra viên leo lên boong tàu, ông Tạo cùng 14 thuyền viên xông vào đánh tới tấp và hất văng các thanh tra viên xuống biển. Sau đó dùng các vật cứng ném xuống ca nô của Đội TTTS làm hư hỏng máy móc rồi nổ máy chạy ra khơi tẩu thoát.

Thời gian qua, Bình Thuận xảy ra nhiều vụ tranh chấp ngư trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an ninh trên biển. Vụ va chạm giữa 2 nhóm tàu cá thị xã La Gi và huyện Tuy Phong tại khu vực Hòn Lao - Mũi Né vào ngày 25-9, hậu quả là 5 tàu cá hư hỏng, 4 thuyền viên rơi xuống biển, trong đó tàu cá ông Phạm Bá Quang, mang số hiệu BTh 98199 TS bị đâm chìm, thiệt hại rất lớn về tài sản.

Ngăn chặn “giã cào” bay còn nhiều bất cập

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 61 từ năm 2015, về việc nghiêm cấm không cho hành nghề giã cào bay từ tháng 3 đến tháng 7 hằng năm, nhưng hoạt động giã cào vẫn hoành hành thường xuyên, liên tục. Riêng tại xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong hiện đang có 30 hộ làm nghề “giã cào bay”, trong khi các ngành chức năng đang giám sát “nhất cử, nhất động” nhưng vẫn không xuể. Đó là chưa kể tàu thuyền giã cào từ các tỉnh khác đến vùng biển Bình Thuận hành nghề.

Nhiều ngư dân nghèo, không có tàu thuyền công suất lớn, chuyên hành nghề đánh bắt thủy sản ven bờ, nạn giã cào bay đã “cào” luôn nồi cơm của họ. Ngư dân nghèo không chỉ bị cướp nguồn lợi thủy sản khiêm tốn và nhỏ bé mà còn bị phá hủy lưới, câu, ngư cụ.

Ông Mai Kiều - GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết: tính đến tháng 10-2016, cơ quan chức năng đã phát hiện 58 trường hợp vi phạm hành nghề “giã cào bay” trái phép, cơ quan chức năng đã xử phạt hơn 2 tỷ đồng.

Tàu giã cào ném thành viên xuống biển bị áp giải về Cảng Phan Thiết. Ảnh: Tư liệu Chi cục Thủy sản Bình Thuận.

Hoạt động của tàu giã cào bay được cho là có tổ chức cảnh giới, báo động cho các chủ tàu để kịp thời đối phó với lực lượng tuần tra, kiểm soát từ lúc tàu xuất bến và hầu hết tàu giã cào có công suất lớn nên việc truy đổi, tiếp cận rất khó khăn. Chưa kể đến những hành vi chống đối quyết liệt để giải vây, tẩu thoát khi bị cơ quan chức năng phát hiện hoặc đâm ghe tàu nhỏ, tấn công các ngư dân trong vùng biển “giã cào bay” hành nghề. Thực tế cho thấy, nếu không có lực lượng Hải đội BĐBP thì lực lượng quản lý, bảo vệ thủy sản Bình Thuận khó mà bắt được các tàu “giã cào bay” hành nghề trái phép.

Đại tá Phạm Thật - Phó GĐ Công an tỉnh Bình Thuận cho rằng: “Giã cào bay” là hành vi trộm tài nguyên, phải xử lý nghiêm về mặt hình sự. Công an tỉnh và các cơ quan chức năng tham mưu UBND tỉnh nên cấm triệt để, vì đây là hoạt động đánh bắt, sử dụng phương tiện công suất lớn tận diệt tài nguyên, làm cạn kiệt nguồn thủy sản trong khi toàn dân đang nỗ lực bảo vệ nguồn tài nguyên. Thay vì phải đầu tư phương tiện để chống bắt rất tốn kém, nên cấm hành nghề giã cào là giải pháp tốt nhất.

Không chỉ cấm trên địa bàn ngư trường Bình Thuận, mà UBND, Sở NN&PTNT Bình Thuận từ tháng 9 vừa qua đã kiến nghị Bộ NN&PTNT đề nghị cấm toàn bộ hoạt động giã cào trên toàn quốc. Nếu điều này thành sự thật thì chắc chắn, không còn phải lo tình trạng tàu thuyền “giã cào bay” các tỉnh đến bắt trộm thủy sản ở ngư trường tỉnh khác. Và chắc chắn mọi hành vi vi phạm đều có thể xử lý nghiêm.

Theo ước tính, có khoảng 75% nguồn hải sản non bị “giã cào bay” tận diệt. Hoạt động này đã gây ra hậu quả làm phá hoại toàn bộ thảm thực vật dưới đáy biển, làm mất các bãi cạn là nơi sinh sản của các loài cá, mực, ốc biển và lâu dài sẽ làm mất môi trường sinh tồn, sinh sản của các loài thủy sản “đặc sản” của vùng biển Bình Thuận.

Hàm Yên
.
.