Giá sữa tăng vô tội vạ

Thứ Sáu, 12/06/2009, 08:45
Liên tiếp từ năm 2007 đến nay, giá sữa tăng tới mức chóng mặt và tăng không chỉ một đợt mà 3-4 đợt trong một năm, đặc biệt với sữa nhập ngoại. Một nghịch lý xảy ra là trong khi trên thế giới sữa nguyên liệu, sữa thành phẩm đang giảm ồ ạt thì ở trong nước sữa lại tăng giá.

Mà các yêu tố có thể ảnh hưởng đến giá thành như thuế, chi phí sản xuất… nhìn chung, đều không biến động, nếu có,  tác động cũng không đáng kể. Vậy vì sao, người tiêu dùng Việt Nam phải uống sữa với giá cao nhất thế giới?

Khảo sát trên thị trường hiện nay, sữa Similac dòng Abbott  giá 195.000 đồng/hộp loại 400g, Pedia Sure loại 900g giá 615 - 618.000 đồng/hộp, EnSure loại 900g giá 420.000 đồng/hộp. Không “kém cạnh”, sữa Friso Gold cũng tăng tới 340-345.000 đồng/ hộp loại 900g. Sữa XO số 1 của Hàn Quốc giá 174.000 đồng/hộp loại 400g, 335-340.000 đồng/hộp loại 800g...

Theo ông Hồ Tất Thắng, Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, với mức giá như vậy, từ đầu năm 2008 đến nay thống kê sơ bộ sữa  Abbott tăng từ 20-25%, Friso tăng 15-26%, Enfagrow A+ tăng 20%... So với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia thì giá sữa nói trên của Việt Nam cao gấp 2 lần.

Ông Raf Somers, một chuyên gia của Dự án bò sữa Việt - Bỉ cũng đánh giá: Giá bán lẻ sữa ở Việt Nam không chỉ cao hơn các nước trong khu vực mà còn cao nhất thế giới, ở mức 1,4USD/lít. Trong khi đó Trung Quốc 1,1USD/lít, Ấn Độ 0,5USD/lít. Các nước châu Âu, châu Mỹ: 0,5-0,9USD/lít...

Nguyên nhân các hãng sữa đưa ra để tăng giá tại thị trường Việt Nam là do tỉ giá đồng USD tăng, chi phí quảng cáo lớn, các công ty cắt giảm chiết khấu... Tuy nhiên, tất cả những lý do này theo đánh giá của các chuyên gia đều bất hợp lý.

Người tiêu dùng Việt Nam bị “móc túi” công khai khi mua sữa ngoại nhập.

Bởi theo phân tích của họ tỉ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng Việt Nam từ 2007 đến nay chỉ tăng 5%, chiết  khấu của các hãng đối với cửa hàng phân phối chỉ giảm 2-3%, chi phí quảng cáo từ năm ngoái đến nay lại giảm nhiều do bối cảnh kinh tế của toàn cầu suy thoái. Thêm vào đó chi phí dành cho sản xuất không tăng. Thậm chí, như một tính toán, sữa thành phẩm khi đến tay người tiêu dùng chi phí sản xuất thực chỉ chiếm 40-50%. Còn lại không kiểm soát được.

Đã vậy, thuế nhập khẩu năm 2008 giảm, giá sữa nguyên liệu trên thế giới giảm từ 5.000USD/tấn xuống còn 2.000USD/tấn (đối với sữa bột  nguyên kem) vào năm ngoái, đầu năm nay lại giảm tiếp chỉ còn 1.750USD/tấn. Lợi nhuận sản xuất sữa bột theo ông Raf Somers còn ở mức 86%.

Cho nên xét trên mọi góc độ, thì không có lý do gì để các hãng sữa nhập ngoại tăng giá vùn vụt. Nếu có, chỉ có thể hiểu duy nhất theo cách: các hãng sữa cùng với nhà phân phối “bắt tay” kiếm cớ để “móc túi” khách hàng. Tuy nhiên, vì sao các hãng sữa có thể thực hiện được điều này thì đây là vấn đề cấp thiết cần đặt ra.

Theo Nghị định 75/2008/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung chi tiết về Pháp lệnh giá và Thông tư 104/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính, sữa thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá chứ không thuộc những mặt hàng do Nhà nước định giá. Cho nên, sữa hoàn toàn do doanh nghiệp tự định đoạt giá khi phân phối trên thị trường mà không phải chịu bất kỳ sự chi phối nào của cơ quan quản lý Nhà nước.

Nhà nước chỉ can thiệp khi giá sữa có những bất thường như: tăng cao, giảm thấp không hợp lý khi có thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế hoặc tổ chức cá nhân lạm dụng liên kết độc quyền về giá, đầu cơ... làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân.

Cụ thể những bất thường ấy theo quy định của Nhà nước: nếu tăng trong 15 ngày liên tục; giá bán lẻ tăng bình quân từ 15% trở lên so với giá thị trường trước khi có “biến” sẽ chịu áp dụng các biện pháp bình ổn giá do Nhà nước đặt ra: điều chỉnh cung - cầu hàng hóa, các biện pháp về tài chính, tiền tệ...

Và các doanh nghiệp khi đã phải chịu các biện pháp bình ổn giá sẽ bị xử lý theo hình thức phạt tiền, thu phần chênh lệch giá tăng bất hợp lý sau đó nhập vào ngân sách Nhà nước; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh... Nói chung tùy theo mức độ vi phạm để xử lý.

Nếu dựa trên nội dung của Nghị định và Thông tư này để đối chiếu với các hãng sữa hiện nay trong việc tăng giá thì rõ ràng các hãng sữa không có gì vi phạm. Và nói một cách chính xác chẳng dại gì các hãng sữa lại vi phạm để rồi “mua dây buộc mình” hay tự chuốc vạ vào thân.

Trong khi đó điều  kiện để họ có thể vừa thỏa mãn mục đích lợi nhuận vừa không “phạm” luật quá đơn giản. Việc được phép định đoạt giá đã là một điều kiện vô cùng “mở” đối với các hãng sữa nhập khẩu trong việc “làm mưa, làm gió” trên thị trường, mặc dù đây là mặt hàng thiết yếu được sử dụng hằng ngày như cơm ăn, áo mặc trong đời sống.

Họ khai báo giá thế nào, thậm chí đẩy giá nhập khẩu lên, cơ quan quản lý chấp nhận thế ấy mà không tham chiếu từ giá sữa kinh doanh ở nước ngoài để nhận ra sự hợp lý hay bất hợp lý (đây chính là hiện tượng gửi giá tại nước ngoài). Thêm vào đó, thời hạn: trong 15 ngày liên tục không được phép tăng giá sữa lại là một yếu tố nữa tạo điều kiện cho các nhà kinh doanh sữa nhập khẩu thu lợi. Vì với biên độ này, giả sử có một hãng sữa vô lối nhất cũng không bao giờ họ làm như vậy để mất khách hàng và tự triệt tiêu mình.

Cho nên, quy định ấy vô hình trung lại là kẽ hở cho các nhà kinh doanh “lách luật” chứ không cân bằng được mối quan hệ cung - cầu trên thị trường. Phân tích như vậy để thấy thực tế chính cơ chế của chúng ta phần nào đã tự làm khó chúng ta và để cho các hãng sữa, nhà nhập khẩu lợi dụng đẩy giá nhằm kiếm lời.

Cùng với nguyên nhân căn bản trên đây thì tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng cũng là lý do để các hãng sữa nhập ngoại tăng giá vô tội vạ. Nói một cách khác tâm lý của người tiêu dùng trong thời điểm này đã trở thành “quan hệ biện chứng” đối với việc tăng giá của các hãng sữa. Hiện nay, sữa bột ngoại nhập chiếm 60% thị phần trong nước, mặc dù so với sữa chế biến trong nước giá thành của loại sữa này cao gấp 2-3 lần.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, sở dĩ sữa ngoại nhập chiếm thị phần lớn như vậy là do các hãng sữa nhập khẩu đã “đánh” đúng tâm lý của người tiêu dùng khi quảng cáo rầm rộ các chất bổ sung của họ như DHA, các loại vitamin... vào trong sữa. Với tâm lý, phải dành loại sữa tốt nhất cho con nên nhiều cha mẹ đặc biệt là ở thành phố đã dốc hết túi tiền mua sữa ngoại cho con mà “tẩy chay” sữa trong nước. Trong khi, xét về chất lượng thì sữa nội hoàn toàn không thua kém so với sữa nhập khẩu.

Trước thực tế giá sữa đang ở mức ngất ngưởng hiện nay, theo ông Vũ Công Chính, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, cơ quan quản lý đã tổ chức thanh tra trên toàn quốc về mặt hàng sữa, đặc biệt là sữa ngoại nhập, mặc dù diễn biến về giá sữa không xảy ra bất thường (bất thường ở đây được hiểu  theo Thông tư 104/2008/NĐ-CP như đã nói trên).

Tuy nhiên, đợt thanh tra này ông Chính cho biết đã kéo dài từ tháng 2 đến giờ mà chưa có kết quả. Và khi chưa có kết quả nghĩa là chưa có giải pháp để giải quyết tình trạng người tiêu dùng bị “móc túi” về giá sữa hiện nay. Như vậy, người uống sữa, đặc biệt là trẻ em còn phải chịu dài dài (!?).

Hiện nay, có một số ý kiến cho rằng vì là mặt hàng thiết yếu, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người, hơn nữa hầu hết các hãng sữa nhập khẩu vào Việt Nam đều theo hình thức phân phối độc quyền, nên chăng thay vì đưa vào danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn giá như hiện tại, Nhà nước đưa sữa vào mặt hàng do Nhà nước định đoạt giá để có thể bảo vệ người tiêu dùng đồng thời giữ vững sự ổn định của thị trường

Tú Anh
.
.