Giấc mơ dự đoán những vấn đề về sức khoẻ

Thứ Sáu, 25/11/2011, 10:45
Một người sau vài đêm liên tục nằm mơ thấy bị một quả chuối đâm vào cuống họng và thức giấc với cảm giác ngạt thở thấy rõ. Cơn ác mộng có ý nghĩa gì? Liệu có phải giấc mơ kỳ quái là sự tiết lộ một sự trụy lạc giới tính ẩn tàng theo kiểu phân tâm học của Sigmund Freud (1856 - 1939)?

Thật ra, có lẽ chúng ta nên nhìn sự việc dưới con mắt của bác sĩ. Luciano Ribeiro Pinto, chuyên gia thần kinh học thuộc Viện Nghiên cứu giấc ngủ Sao Paolo, giải thích: "Những cơn ác mộng như thế này xảy ra do sự bất an về thể xác hay thậm chí là dấu hiệu về một bệnh".

Trong một số trường hợp, giấc mơ có thể liên quan trực tiếp đến sức khỏe của một cá nhân. Một số nghiên cứu được tiến hành trong những năm gần đây cho thấy dường như các sự kiện trong giấc mơ có thể giúp chẩn đoán nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến sức khỏe.

Giấc ngủ là một tiến trình thần kinh phức tạp. Vào giai đoạn nửa đầu của giấc ngủ, sóng não chậm xảy ra và giấc mơ lúc này thường không được nhớ lại. Sau đó đến một loạt những giấc mơ sống động hơn xảy ra trong giai đoạn mắt chuyển động nhanh gọi là "Giấc ngủ REM". Lúc đó, thân thể và trí óc hoàn toàn thư giãn. Do đó giấc mơ trong giai đoạn này thường là dấu hiệu báo hiệu về mặt sinh học. Các nhà nghiên cứu Đức xác định những bệnh nhân trầm uất thường mơ thấy những hình ảnh không tốt, gây khó chịu.

Nhóm nhà khoa học Đức chứng minh rằng tính trầm trọng của những triệu chứng rối loạn cơ thể tương quan trực tiếp với cường độ của những cảm xúc tiêu cực trong mọi giấc mơ và đối tượng thường xuyên mơ thấy mình bị tấn công và cái chết xảy đến.

Nói chung ác mộng thường là dấu hiệu của một số bệnh như: Parkinson, Alzheimer, tâm thần phân lập, đau tiền đình, suyễn, âu lo và viêm phế quản. Những vấn đề trong giấc mơ thật ra là dấu hiệu về sự mất cân bằng giữa tâm thần và thể xác. Như nhà tâm lý học Peter Simor thuộc Đại học Semmelweis ở Budapest (Hungary) nhận xét: "Như thế nào đó, trong giấc mơ, não bộ dò thấy những tiến trình sinh học bị biến đổi trước khi đối tượng nhận thức được".

Sigmund Freud là người đầu tiên nghiên cứu giấc mơ theo hướng khoa học khi xuất bản cuốn sách "Lý giải những giấc mơ" năm 1899. Còn môn đồ của ông người Thụy Sĩ, Carl Gustav Jung (1875 - 1961) coi giấc mơ là công cụ giúp cho tâm thần tìm kiếm sự cân bằng.

Hiện nay những chất ức chế serotonin được sử dụng rộng rãi trong điều trị những rối loạn tâm thần như chứng trầm uất, lo lắng và bulimia (chứng cuồng ăn). Những chứng bệnh này khiến cho đối tượng mơ nhiều hơn bình thường và giấc mơ có thể căng thẳng hơn. Những thứ thuốc điều trị chứng suy nhược thần kinh sẽ làm giảm bớt hay ngăn chặn giấc ngủ REM.

Trong khi đó thuốc an thần hay làm giảm căng thẳng thần kinh sẽ gây nên tình trạng ngủ lơ mơ và có xu hướng rút ngắn giấc ngủ REM. Ác mộng nằm trong số những hiệu quả phụ ở những người sử dụng các loại thuốc này

Di An (tổng hợp)
.
.