Giấc mơ kiếm tìm danh vọng

Thứ Tư, 06/08/2014, 18:30

Nhiều người vẫn xuýt xoa khi ai đó nhắc tới ca sĩ theo dòng nhạc thị trường, cái câu cửa miệng: “Ồ, nữ ca sĩ A giàu lắm”, “Ồ, nam ca sĩ B cátsê “khủng” lắm”, “CôÌ, ca sĩ C nhà cao cửa rộng, đi xe hơi tiền tỉ…”. Việc ca sĩ này giàu, ca sĩ kia cátsê cao không còn là việc hiếm khi những ca sĩ dòng nhạc thị trường ấy “đến vận hốt tiền” bằng nhiều cách khác nhau mà khả năng của họ mang lại.

Tuy nhiên, bên cạnh sự giàu sang do nghề nghiệp mang lại cho một số ca sĩ, thì cũng có không ít các ca sĩ theo dòng nhạc trẻ lận đận mãi trên con đường đi tìm kiếm danh vọng tiền tài. Và dù có tài năng thiên bẩm, có những khát vọng đi dài hơn trên con đường mình đã chọn, song họ vẫn đang hàng ngày chấp nhận cuộc sống đạm bạc thậm chí là tạm bợ của mình.

Ploong Thiết là một nam ca sĩ người dân tộc Pa Cô (A Lưới, Thừa Thiên Huế) người đã đoạt giải Nhì Sao Mai 2003 với ca khúc dân ca Pa Cô "A Miêng ơi!" với những dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả bởi một giọng hát khỏe khoắn, đậm chất núi rừng Tây Nguyên, vừa ma mị, vừa quyến rũ, vừa đầy hoang dại với những ca khúc gắn với cao nguyên, những ca khúc đầy chất rock bốc lửa nhưng cũng đầy tha thiết, đắm say.

Chàng trai ấy may mắn được nhận về làm việc tại Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Tuy nhiên, song hành với công việc tại nhà hát, Ploong "cựa quậy" muốn tìm cho mình một con đường đi để phát triển giọng hát của mình nhưng quả thật, con đường đi tới "thánh đường sân khấu" không hề dễ dàng đối với chàng trai Pa Cô này.

Ploong kể: Tôi là con thứ 5 trong một gia đình có 6 anh chị em. Lúc tôi đang học phổ thông tại trường phổ thông dân tộc tại Thừa Thiên - Huế, vì có một chút năng khiếu được bạn bè động viên, thầy cô khuyến khích nên tôi mạnh dạn tham gia các phong trào và hoạt động văn hóa, văn nghệ của nhà trường cũng như của tỉnh. Năm 1998, tôi được đại diện cho trường tham gia cuộc thi Văn hóa Nghệ thuật thể thao các trường phổ thông dân tộc toàn quốc tổ chức ở Thanh Hóa trong đó có thầy An Thuyên làm trưởng ban giám khảo. May mắn, trong cuộc thi đó tôi đã đoạt giải đặc biệt với bài hát "Người con gái Pa Cô".

Sau cuộc thi, thầy An Thuyên gặp tôi và hỏi, có thích đi theo nghề ca hát chuyên nghiệp không vì Trường cao đẳng Nghệ thuật Quân đội lúc ấy đang chiêu sinh những người có khả năng ca hát. Với vốn tiếng Kinh ít ỏi, tôi bảo rất thích nhưng cũng không hy vọng nhiều vì nghĩ, mình bé tẹo teo, lại ở vùng núi xa xôi, chắc gì đã có cơ hội để thử sức mình. Niềm vui ấy khiến tôi sung sướng trong một thời gian dài, rồi tôi cũng quên đi để yên phận với việc học hành còn đang dang dở.

Ca sĩ Ploong Thiết.

Một ngày nọ, khi tôi đang nghỉ hè và đang đi làm rẫy cùng bố mẹ thì người anh trai từ nhà chạy bộ cả mấy cây số hớt hải cầm cái giấy trúng tuyển Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (Khi đó trường đang là hệ Cao đẳng). Tháng 9 năm ấy, sau kỳ nghỉ hè, tôi khăn gói ra Hà Nội, mặc dù bố mẹ tôi, sau những suy tính thì không muốn tôi đi học, không phải họ không tin tưởng vào khả năng của tôi, không phải họ không muốn con mình có một tương lai tương sáng, mà họ sợ một mình tôi không thể sống đơn độc ở Thủ đô. Gia đình tôi quá nghèo, bố mẹ chăm chỉ đến mấy cũng chỉ đủ nuôi con qua bữa, lấy đâu ra tiền để cho tôi trang trải, dù biết việc học của tôi được Nhà nước chu cấp hoàn toàn.

Cả nhà suy tính, cuối cùng tôi quyết định sẽ bán chiếc xe đạp bố mẹ đã  dành dụm mua cho mình khi còn đi học trường nội trú. Chiếc xe gắn bó với tôi trong suốt nhiều năm trời, cùng tôi bon bon trên 60 cây số đường đèo dốc mỗi lần đến trường. Bán xe được 70 nghìn, tôi tay nải xách đúng 1 bộ quần áo ra bến xe mua vé hết 30 nghìn, một mình tự tìm đường ra Hà Nội. Tôi vẫn nhớ cảm giác hoang mang vô cùng của mình khi đứng chơ vơ ở bến xe Giáp Bát, nỗi hoang mang, bất an khi một thằng bé nhà quê tóc xoăn, da đen nhẻm, nhỏ thó gầy gò, chỉ biết vài chữ tiếng Kinh là tôi trước một biển người không biết đi đâu về đâu.

May mắn tôi quen được một anh học Trường đại học Giao thông Vận tải, người Huế, sau khi hỏi han biết nỗi lo lắng của tôi, anh bảo yên tâm anh sẽ đưa tôi đến tận trường chứ không phải sợ gì cả. Bây giờ nghĩ lại những buổi đầu tiên ấy, tôi vẫn nghĩ rằng, có lẽ mình ngốc nên ông trời thương, có lẽ mình đam mê nên số phận đã cho tôi được những điều may mắn".

Tuy nhiên, những bước đi ban đầu ấy cũng gặp đầy những khó khăn chồng chất với nhiều sự va đập của đời sống đô thị, của mối quan hệ người với người mà một tâm hồn hoang sơ như Ploong nhiều khi tưởng không thể đương đầu nổi.

Có thời điểm, Ploong vừa khóc vừa gọi điện thoại cho nhạc sĩ An Thuyên nói con muốn về với Pa Cô, con không thể hợp với nơi này. Đó là khi cái nghèo, cái khó đeo đẳng, có những người đã đồng cảm, sẻ chia nhưng cũng có những người coi thường, gọi cậu bằng những từ ngữ đầy khiếm nhã. Có những lúc túng quẫn đến nỗi, Ploong không có tiền để mua kem đánh răng, phải xin muối của nhà ăn để dùng. Giấu mãi, lâu dần bạn bè cũng biết, họ đồng cảm, thương yêu và chia sẻ cùng Ploong những khó khăn.

Ploong chia sẻ: "Tôi không biết những ca sĩ khác khởi nghiệp có vất vả lắm không, nhưng bản thân tôi thì cũng cảm thấy chật vật vô cùng trong thời buổi này. Tôi ra trường, may mắn được nhận vào Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, được cơ quan tạo điều kiện cho ở nhà công vụ. Rồi tôi lấy vợ, sinh hai con. Vợ tôi cũng là một người ở tỉnh xa, tốt nghiệp Đại học Văn hóa xong cô ấy chấp nhận ở nhà trông con vì chúng tôi không có đủ điều kiện để thuê người giúp việc.

Trong công việc, "tự bơi" để cố gắng tạo mối quan hệ. Có những show diễn ở tận Thái Bình chẳng hạn, cátsê chỉ được 1 triệu đồng một bài nhưng tôi vẫn nhận lời, tôi quan niệm rằng, cứ được đi, được hát để mọi người biết mình, vỗ tay khen ngợi mình là mình hạnh phúc rồi. Khổ nhất là những lúc con ốm đau, hai đứa nhỏ một mình vợ tôi không trông được, tôi lại phải ở nhà hỗ trợ. Hai vợ chồng tự nỗ lực kiếm sống nên cũng vất vả, chật vật".

Chính bởi có những vướng víu về đời sống nên sau giải Sao Mai, nhiều người đầu tư phát triển nghề nghiệp của mình, thì Ploong sau hơn 10 năm mới ra được album đầu tay với những ca khúc như "Lên với đại ngàn", “Tiếng cồng quê tôi”, “Chuyện tình thảo nguyên”, “Về nghe gió kể”, “Đi tìm bóng núi”, “Giấc mơ Cha Pi”, “Ngọn lửa Cao nguyên”... Đây là những ca khúc gắn liền với tên tuổi anh trong hơn 10 năm qua, là những kỷ niệm, những cột mốc đánh dấu từng giai đoạn âm nhạc của anh trong quãng thời gian hơn chục năm đi hát. Vì thế, những bài hát này đã ngấm vào máu, mà khi cất giọng lên, Ploong Thiết như hát về chính bản thân mình, hát về gia đình mình, hát về quê hương mình.

Hỏi Ploong đang có dự định gì cho sự nghiệp, anh chia sẻ thật lòng: "Đối với tôi, ca hát là một niềm đam mê, song thực sự tôi cũng đang lấn bấn trong vòng xoay của mình. Ngoài công việc tại nhà hát, tôi muốn mọi người biết đến giọng hát của mình nhiều hơn, tôi đi hát tại các mini show, đi các tỉnh dù vất vả, dù cátsê ít ỏi nhưng dù sao cũng là nghề nghiệp của mình, mình phải cố gắng thôi…".

Cũng như Ploong Thiết, Mai Trần Lâm sinh ra tại Minh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang trong một gia đình người dân tộc Tày, ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn (vùng 135). Là người thế hệ 8x nhưng Lâm sinh ra đã nếm trải đủ cái cơ cực của nghèo đói ăn cơm độn ngô, độn sắn, theo các anh chị đi đào củ mài. Dù vậy từ bé Lâm đã rất thích nghe nhạc, thích ca hát nhưng không được đi học nhạc, mà ở vùng quê nghèo ấy, cũng không ai dạy nhạc để mà học.

Dù gia đình nghèo khó, nhưng Lâm luôn nỗ lực học tập. Tốt nghiệp THPT Lâm thi đỗ vào Trường đại học Văn hóa Hà Nội, khoa Văn hóa quần chúng. Tuy nhiên, khi đi thi đại học về, chứng kiến những cuộc cãi vã của bố mẹ, Lâm cảm thấy đau lòng bởi vì điểm xuất phát của sự cãi vã ấy bao giờ cũng là tiền. Lâm đã nghĩ là mình không thể đi học và trở thành gánh nặng cho bố mẹ được.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đó, nhiều ca sĩ thị trường nổi lên tại miền Nam, Lâm chợt nghĩ "hay là mình đi Sài Gòn, vừa làm vừa học hát, vừa không làm khổ bố mẹ, kiếm được tiền sẽ đi học sau, biết đâu cơ hội sẽ đến với mình...". Suy nghĩ đó cứ thôi thúc, Lâm bỏ dở con đường học hành, để đi theo tiếng gọi của ước mơ.

Mai Trần Lâm.

Những ngày đầu bơ vơ ở đất Sài Gòn, xin đủ các việc để làm, từ thợ hồ, cho đến phụ quán ăn thậm chí nhịn ăn để qua ngày, nhiều lúc khổ quá, Lâm đã rơi nước mắt chỉ muốn bỏ về quê, nhưng vì chút sĩ diện "đã trót một lần đi xa không mặt mũi nào trở về tay không, nên em càng cố gắng hơn".

Sau nửa năm Lâm xin được vào một công ty làm giờ hành chính, buổi tối phụ quán cà phê ca nhạc, làm bồi bàn, thỉnh thoảng không có người hát, Lâm mạnh dạn lên sân khấu hát, được nhiều người khen, lúc đó Lâm đã vui và tự tin hơn rất nhiều...  Kiếm được tiền, vừa gửi về nhà cho bố mẹ, Lâm vừa mua sắm dụng cụ để học làm nhạc và đi học thanh nhạc tại Trung tâm Thanh thiếu niên dưới sự giảng dạy của nhạc sĩ Phạm Đăng Khương, nhạc sĩ Hoài An...

Sau những năm bươn chải tại mảnh đất Sài Gòn, đến 2010, vừa là sự mong muốn của gia đình muốn em học hành bằng bạn bè, vừa là bản thân em cũng khao khát trở lại con đường học hành còn dang dở, vừa lúc đó em cũng tích cóp được chút ít tiền nên Lâm quyết định quay về thi đại học lần hai tại Trường đại học Văn hóa Hà Nội và Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Lâm đỗ cả hai trường. Lâm bỏ lại tất cả mọi thứ xây dựng bao nhiêu năm ở Sài Gòn để ra học Đại học Văn hóa Hà Nội.

Đến nay, Mai Trần Lâm vừa ra trường và đã được nhà trường giữ lại làm việc. Lâm vẫn kiếm tiền bằng nghề ca hát với dòng nhạc dân gian hiện đại. Lâm bươn bả đi hát tại các phòng trà, đi làm MC, đi hát tại các sự kiện với mức cátsê vừa vặn với mình. Lâm bảo, em không giàu nhưng cũng nỗ lực sắm được một chiếc ôtô (mua ôtô cũ thôi) để đi làm. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng em vẫn yêu thích ca hát. Tới đây em sẽ ra abum và học cao học để phát triển nghề nghiệp của mình.

Lâm nói rằng, dù Lâm không dám so sánh với những lớp đàn anh, đàn chị trong nghề ca sĩ có cátsê cao, nhà đẹp, xe sang mà đôi khi Lâm nhìn sang những ca sĩ, nghệ sĩ mà Lâm đã quen biết, họ làm việc trong các nhà hát tuồng, chèo, cải lương thì vẫn chịu cảnh sống vất vả hơn nhiều lần. Sân khấu đìu hiu, vắng vẻ. Ngoài những chuyến đi lưu diễn ở các tỉnh vùng sâu vùng xa, còn lại, các nhà hát trên địa bàn Thủ đô hầu như không bán nổi vài cặp vé cho dù hàng tuần, theo thông lệ, họ vẫn phải sáng đèn chờ khách đến.

Rạp vắng khách, đồng lương nhà nước ít ỏi không đủ nuôi sống bản thân, các diễn viên sân khấu truyền thống dù có đam mê và yêu nghề đến mấy, cũng phải tìm kế sinh nhai trong thời buổi khó khăn này. Người chạy xe ôm, người đi hát các đám ma, đám cưới, có người bỏ hẳn nghề "xướng ca vô loài" mà mình trót theo đuổi, tìm một con đường khác sán lạn hơn… để mong trang trải đủ tiền thuê nhà, đủ tiền cơm áo cho gia đình. Nhiều nghệ sĩ sân khấu truyền thống đã và đang đứng trên bờ vực của sự khốn đốn, mà hầu hết những người trong cuộc khi được hỏi đến đều lắc đầu ê chề, ngán ngẩm…

Thiên Kim
.
.