Giấc mơ nào cho “thiên đường” sân khấu?

Thứ Tư, 01/07/2015, 15:05
Như chúng tôi đã đề cập đến trong hai kỳ trước về thực trạng đời sống khó khăn của các nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống. Thực tế cho thấy ở một số nơi, các nghệ sĩ tên tuổi, gạo cội đã bắt đầu… nản với việc truyền nghề trong khi lớp trẻ kế cận thì không chuyên tâm, mải chạy theo thời cuộc vì họ không đủ tình yêu, sự nhiệt huyết để sống với nghề cùng đồng lương "chết đói".

Tuy nhiên, trong cái khó, cái vô vọng đã "ló cái khôn", đã có những nghệ sĩ nỗ lực tìm cho mình một con đường sáng, với tâm niệm: không ai cứu mình bằng chính bản thân mình. Họ không mong sẽ giành lại những gì đã mất của một thời hoàng kim đã qua của nghệ thuật truyền thống, mà trước hết, vịn vào truyền thống, vịn vào cái điểm tựa của cha ông để vực dậy chính nghề của mình, dù để đạt được cái thành công nhỏ nhoi ấy, họ đã "trầy da tróc vẩy", chịu nhiều nỗi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần để mong chạm vào được vinh quang…

Nghiệt ngã nghề xiếc

Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Tống Toàn Thắng, với biệt danh là "người trăn" là một nghệ sĩ nổi danh từ cách đây 20 năm với hình ảnh gắn liền với những chú trăn rừng. Hiện nay, anh là Trưởng đoàn 3 kiêm đạo diễn chương trình. Dù có gần 20 năm trong nghề biểu diễn xiếc trăn, nhưng nghệ sĩ Tống Toàn Thắng cho biết, đối với anh, lần biểu diễn nào cũng như lần đầu tiên và lần cuối cùng trong đời.

Tiết mục đã khiến tên tuổi của Tống Toàn Thắng ghim vào lòng người là "Thạch Sanh đánh trăn tinh cứu công chúa". Tiết mục này không chỉ thành công trong nước mà anh còn mang đi lưu diễn hàng trăm buổi tại các nước như Mỹ, Thụy Điển, Thái Lan và 16 đảo quốc vùng Thái Bình Dương…

Tuy nhiên, để có những tiết mục biểu diễn hay dăm mười phút đứng trên sân khấu, người nghệ sĩ phải trả giá bằng rất nhiều nỗi nguy hiểm. NSƯT Tống Toàn Thắng đã vài chục lần bị trăn cắn. Anh kể: Tôi suýt chết vì bị trăn cuốn chặt, ngạt thở, người đổ xuống như một cây bị đốn gãy, đã bắt đầu co giật vì ngạt và chỉ còn mơ hồ nghe tiếng hô hoán của đồng nghiệp đang xông vào cứu.

Hay như lần diễn ở Đài Loan, tôi bị con trăn đớp thẳng vào mặt khi tôi đang mãn nguyện với chiến công và cười chào khán giả. Máu chảy nhiều nhưng tôi bình tĩnh chạy vào trong, tìm cách gỡ hai hàm răng khỏe đang bấu chặt lấy mặt mình, rồi chạy ra… chào tiếp.

Nghệ sĩ ưu tú Tống Toàn Thắng.

Lần khác ở Thái Lan, bị một con trăn bé cắn nhưng tôi cố chịu, khoác tiếp con thứ 2, thứ 3 lên người, tổng cộng gần 2 tạ, vẫy chào khán trong tiếng vỗ tay vang lừng, nhưng khi bước vào trong cánh gà, tôi mới gục xuống vì đau buốt nhưng khán giả không phải ai cũng biết điều đó. Có một lần cách đây khá lâu rồi, tôi phải dừng diễn giữa chừng vì bị trăn cắn vào động mạch, máu ra quá nhiều làm tôi choáng váng không đứng nổi phải đi cấp cứu".

Diễn viên xiếc có lẽ được coi là một trong những nghề đổ mồ hôi, sôi nước mắt nhiều nhất trong tất cả các ngành nghề biểu diễn nếu không muốn nói rằng đây là một nghề thực sự nghiệt ngã. Họ phải tập luyện từ khi còn bé, chịu nhiều nỗi đau về thể xác (vì bị ngã không chỉ ảnh hưởng đến phần mềm mà còn liên quan đến xương khớp).

Phải nói rằng, hầu hết diễn viên xiếc khi đã có tuổi đều có vấn đề liên quan đến xương khớp vì cường độ tập luyện quá tải đến mức đôi khi cơ thể không đủ sức để thích ứng. Việc bị gai đôi cột sống, thoái hóa khớp hay thoái hóa đốt sống cổ hay bị bong gân, trẹo cơ và phải đến bác sĩ hay mời bác sĩ đến rạp là chuyện bình thường.

Có những nữ diễn viên xiếc, cả thời tuổi trẻ cống hiến cho nghề, đến lúc lấy chồng, muốn sinh con thì lại không thể. Đó là một trong những hệ lụy không ai mong muốn khi đến với nghề. Nhiều nghệ sĩ phải gánh chịu hệ lụy từ những con thú trong giây phút bản tính hoang dã của nó bỗng trỗi dậy bất ngờ. Có chị từng bị voi ném tận lên mấy hàng ghế, may mà không có thương tật gì.

Nhưng cũng có những bạn trẻ đã vì nghề mà chịu những tai nạn thương tâm. Nghệ sĩ xiếc Ngô Thị Tuyết Hoàn là một điển hình, trong một lần luyện tập đu dây võng đôi cùng người chồng mới cưới của mình, một nghệ sĩ cùng đoàn, Tuyết Hoàn đã gặp tai nạn và bị rơi tự do ở khoảng cách khá cao xuống đất. Vụ tai nạn đó tuy không cướp đi mạng sống của chị nhưng đã cướp đi đôi chân lành lặn của chị. Nó không lấy đi được niềm đam mê của chị với nghề, nhưng đã khiến chị phải ngồi xe lăn và chịu thương tật vĩnh viễn không thể biểu diễn.

Diễn viên Bùi Thu Hương, cô gái có tiết mục xiếc "Đu quan họ" cùng người bạn diễn Vũ Anh Tuấn từng được Huy chương Vàng Liên hoan Xiếc Quốc tế tại Italia năm 2014, cũng bị ngã rạn xương gót chân phải nằm điều trị 3 tháng…

Tuy nhiên, đi ngược với sự vất vả đó là mức thù lao ít ỏi mà họ nhận được sau mỗi đêm diễn. Trung bình họ chỉ được từ 50-100 nghìn đồng trợ cấp biểu diễn tùy theo từng vị trí biểu diễn. Diễn viên xiếc khác với các diễn viên khác ở chỗ thường phải làm việc theo nhóm chứ ít khi làm độc lập, cho nên, cũng không "chạy sô" được dễ dàng như những môn nghệ thuật biểu diễn khác.

Ngoài địa bàn thủ đô Hà Nội, thỉnh thoảng cũng có những chương trình biểu diễn ở các tỉnh xa, cát-xê được trả cao hơn nhưng vất vả hơn. Họ thường phải làm việc qua bầu sô nên cũng phụ thuộc khá nhiều từ các "ông bầu". Bởi vì khi đi là kèm theo cả những con thú nào thì voi, ngựa, gấu, trăn, khỉ, chó… rồi thì công nhân, xe pháo, đồ ăn thức uống cho thú. Xe chở thú to và nặng đến 7 tấn và phải dành riêng một xe chở đạo cụ… Người ốm đau không sao chứ thú mà có sự cố gì thì anh em lo toát cả mồ hôi.

Một cảnh trong vở “Mai Hắc Đế”.

Đi ngoại tỉnh có hai trường hợp: Một là đi dài ngày hẳn để lo chỗ ăn chỗ ở cho cả diễn viên, và hai là chiều đi đêm về để không phải ở trọ. Nếu chỉ hợp đồng diễn một đêm mà ở trọ thì lỗ là cái chắc, tiền không đủ ăn nói gì đến việc trả tiền chi phí cho cả đoàn, thuê chỗ ở cho thú. Có những thời điểm bất khả kháng, đi đến nơi diễn thì mưa, hoãn, đành nằm lại chờ thì coi như chuyến đi đó bù lỗ hoàn toàn, thú còn được ăn đúng khẩu phần chứ anh em thì ăn mì tôm qua bữa…

Lay lắt cải lương…

Nhà hát Cải lương Trung ương và Nhà hát Cải lương Hà Nội ở trên địa bàn thủ đô vẫn tồn tại và chịu nhiều cảnh đìu hiu không khác gì những nhà hát của môn nghệ thuật truyền thống khác. Diễn viên Nguyễn Tiến Hiệp (nghệ danh Hiệp "Vịt" - Nhà hát Cải lương Hà Nội) là "con nhà nòi" và đã có 23 năm trong nghề. Cho đến nay, gia tài của Tiến Hiệp chỉ là những vai diễn hài trong các vở cải lương. Chưa kịp định hình cho mình một phong cách thì cải lương đã không còn đất diễn trên địa bàn Thủ đô. Chưa có cơ hội được vào biên chế nhà nước, không có nhà để ở, hiện tại Hiệp vẫn phải thuê nhà ở ngoài và chạy vạy kiếm thêm các "sô" diễn hài và nhờ cả vào công việc cắt tóc, gội đầu của vợ.


Diễn viên hiệp “vịt” trong một vai diễn.

Thời gian trước, khi kinh tế chưa suy thoái, anh còn chạy vạy xem ở đâu có những sô hài nhỏ để kiếm sống. Chủ yếu đó là các "sô" diễn hài ở các tỉnh xa. Có những đêm mùa đông rét mướt cóng thịt da, hoặc là nắng nóng như áp chảo, anh đều phải bắt xe khách lên đến tận nơi với một số tiền cát-xê ít ỏi đôi triệu cho anh và bạn diễn. Diễn xong, 2-3h sáng vẫn phải bắt xe trở về vì nếu ở lại thì tiền ăn, tiền trọ coi như không còn đồng nào mang về cho vợ con. Đôi khi ngồi trên xe ôtô khách ứa nước mắt vì mệt mỏi, chỉ mong về đến nhà để chợp mắt một lúc. Nhưng sáng sớm dậy là đối diện với cuộc sống cơm áo, là tiền sữa, tiền học của con…

Đồng lương diễn viên và tiền thù lao đi diễn ở nhà hát chỉ 50 nghìn một đêm, mà không phải đêm nào cũng có buổi diễn, đủ ăn đã là may, nói gì đến việc dư giả. Nghệ sĩ Hiệp "Vịt" chia sẻ: "Trong Liên hoan Sân khấu Hài toàn quốc tại Quảng Ninh năm 2011, với trích đoạn "Tấm vé số", tôi đã đoạt Huy chương Vàng. Vai diễn ấy thật sự đã nói hộ cuộc đời của tôi. Mỗi con người đúng là như tấm vé số đầy may rủi. Bản thân những người yêu và đam mê nghệ thuật, nhưng những người đi hát nhạc nhẹ, nhạc trẻ họ dù mới khởi nghiệp hay đã "già nghề" song ngay lập tức nhờ bầu sô, nhờ thời thế, nhờ thị trường… có thể kiếm hàng chục triệu một bài hát, còn những nghệ sĩ theo nghệ thuật truyền thống, học hành bài bản, rèn luyện bằng cả một đời cống hiến và hy sinh, nhưng thực tế là họ không đủ sống ở mức trung bình trong xã hội bây giờ.

Đối với tôi, kiếm sống bằng sức lao động chân chính chẳng có gì là đáng hổ thẹn, nhưng buồn nhất là khi đi diễn hài ở các đám cưới, đám hỏi, mình được mời đến thì cứ làm việc rồi lấy tiền đi về thôi, nhưng nhiều khi, người ta mải ăn uống, chúc tụng chẳng có nổi một tiếng vỗ tay cho nghệ sĩ dù họ đang rạc cổ họng diễn trên sân khấu đâu. Đôi khi nghĩ bụng, ê chề thế này thì thôi lần sau chẳng nhận lời nữa, nhưng không làm thì biết lấy gì để sống, để trả tiền thuê nhà, nuôi con… đành tặc lưỡi mà tiếp tục".

Nhiều Đoàn nghệ thuật truyền thống hiện nay ngay trên địa bàn thủ đô chứ chưa nói đến ở các tỉnh xa xôi đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải của đời sống cơm áo gạo tiền. Vấn đề đặt ra ở đây là các cấp quản lý có thấu hiểu được những nỗi niềm của đào kép thời nay để có những giải pháp hữu hiệu đối với các đoàn nghệ thuật truyền thống? Tại các trường đại học không tạo nguồn bởi vì không ai thi vào các chuyên ngành nghệ thuật truyền thống, các nhà hát thiếu nhân lực, thiếu tiền, đời sống khó khăn…

Vậy liệu trong một tương lai gần, khi xã hội ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt của công nghệ số, của phim ảnh trực tuyến, của các trò chơi bắt mắt hiện đại… những người già mê sân khấu kịch cũng dần đi về thiên cổ, thì những bạn trẻ đương đại, mấy ai còn biết đến sân khấu truyền thống, mấy ai còn đủ cảm hứng để ra nhà hát xem ngay cả không phải bỏ tiền mua vé vào cửa?

Giải pháp vực lại văn hóa, nghệ thuật truyền thống không còn là chuyện "từ từ rồi tính" mà đang thực sự bức thiết, cần gióng lên hồi chuông cảnh báo để cần một sự đầu tư thích đáng, rõ ràng và có hệ thống của nhiều cấp quản lý để bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống…

NSƯT Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trung ương, một người đi lên từ những vai diễn, chia sẻ: Bản thân anh là giám đốc nhưng việc đi làm thêm để kiếm đồng ra đồng vào là một niềm vui, một sự đam mê. Đã từ lâu, anh đi đọc quảng cáo truyền hình. Nói đến “Vinh quảng cáo" thì ai cũng biết. Ngoài ra, anh đi thu thanh, ra CD các thể loại âm nhạc khác nhau, anh cũng có thể chơi đủ các loại nhạc cụ, từ ghi ta, nhị, đàn bầu… và sẵn sàng đi phục vụ nếu có lời mời.

Mỗi một năm, Nhà hát Cải lương Trung ương chủ yếu đi diễn 3 tháng đầu năm, dịp lễ hội, thời gian còn lại là để tập vở. Bởi vì không có nhà hát riêng, nên chủ yếu nhà hát chỉ diễn để phục vụ các dịp lễ lớn của đất nước, các chương trình Nhà hát truyền hình.

Đầu năm 2015, vở cải lương “Mai Hắc Đế” (Tác giả Nguyễn Thế Kỷ) công diễn tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ - Huỳnh Thúc Kháng - Hà Nội, đã được khán giả Thủ đô đón nhận nhiệt tình. Điều này cũng chứng tỏ rằng, nếu có những vở diễn tốt, công phu và mang tính thời đại, thì vẫn thu hút được khán giả. Cố nhiên, để chờ đợi việc mua vé thường xuyên để đến rạp hay một lòng yêu nghệ thuật truyền thống chân tình từ những người yêu nghệ thuật truyền thống thì điều này thực sự… xa xỉ quá!

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.