Giải mã bí ẩn của thuỷ quái hồ Kanasi

Thứ Năm, 20/08/2009, 15:40
Cũng giống như thủy quái hồ Loch Ness ở Scotland, sự xuất hiện của thủy quái tại hồ Kanasi ở Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học và cả khách hiếu kỳ.

Hồ Kanasi thuộc khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, theo tiếng Mông Cổ có nghĩa là "Hồ đẹp, phong phú và thần bí" được xếp vào vị trí đầu tiên trong danh sách những hồ nước ngọt lớn và sâu nhất thế giới. Hồ Kanasi nằm trên độ cao 1.200m so với mực nước biển, có chiều dài 24km kéo dài từ Bắc xuống Nam, rộng từ 1,6 đến 2,9km với mực nước sâu nhất là 188,5m. Nước của hồ Kanasi trong vắt và tinh khiết là nguồn cung cấp nước không chỉ cho dân cư sinh sống trong vùng, chủ yếu thuộc bộ tộc Tuwa, mà cho cả gia súc và động vật hoang dã đa dạng trong vùng.

Truyền thuyết của bộ tộc Tuwa lưu truyền rằng khi xưa Thành Cát Tư Hãn băng hà, di thể được đem thủy táng bí mật ở hồ Kanasi và những người Tuwa được tuyển chọn để được thủy táng sống cùng vị hoàng đế trứ danh này. Từ đó, người ta thấy thủy quái bắt đầu xuất hiện tại hồ Kanasi. Đó chính là những vệ sĩ trung thành bảo đảm vong linh của Thành Cát Tư Hãn không bao giờ bị xâm phạm.

Truyền thuyết là vậy, nhưng cũng đủ để kích thích trí tò mò của con người khi những tin đồn về thủy quái hồ Kanasi xuất hiện cách đây nhiều chục năm và do đời sống người dân Trung Quốc được cải thiện nhờ cải cách, mở cửa trong gần 20 năm qua đã tạo ra phong trào hiếu kỳ đổ xô đi xem thủy quái. Giờ đây, hồ Kanasi không chỉ thu hút ngày càng nhiều du khách mà cả những nhà khoa học, thám hiểm trong và ngoài nước không chỉ tới để chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt đẹp, hít thở bầu không khí thoáng đảng nơi đây, mà còn để nghiên cứu và có một lần may mắn trong đời mục kích thủy quái nổi lên. Ngành du lịch địa phương nhờ đó đã phát triển.

Đầu thập niên 80, khi xuất hiện tin đồn được cho là huyễn hoặc về thủy quái hồ Kanasi ngày càng nhiều, chính quyền Trung Quốc quyết định thành lập một đoàn khảo sát do  nhà nghiên cứu Zhou Xuen Feng thuộc Viện Nghiên cứu  khoa học bảo vệ môi trường Tân Cương dẫn đầu đã lên đường đến hồ Kanasi để nghiên cứu môi trường và hệ sinh thái động thực vật ở đây. Trong 3 tháng ở đây, đoàn đã nghe người dân thuộc bộ tộc Tuwa kể về những câu chuyện được lưu truyền về thủy quái hồ Kanasi.

Khi thực hiện các chuyến khảo sát thực địa, đoàn của Giáo sư Zhou đã phát hiện xương của rất nhiều loại động vật chết ven hồ, trong đó có cả những loài lớn, mạnh như trâu, bò, ngựa và cả lợn rừng. Những người Tuwa sống quanh hồ còn kể về việc bắt cừu, ngựa, bò để ăn thịt của thủy quái hồ Kanasi với một vẻ huyền bí. Người Tuwa phong thủy quái hồ Kanasi làm một vị thần, cúng tế hàng năm hậu hĩnh và rất ít khi đề cập đến "ngài" vì họ xem đó là một việc làm kị húy, sẽ bị trừng phạt. Kết quả của chuyến khảo sát không có gì đáng chú ý ngoài việc thu thập nhiều truyền thuyết lẫn chứng cứ về sự tồn tại của thủy quái hồ Kanasi.

Năm 1985, Giáo sư Zhou lại dẫn đầu một đoàn khảo sát thứ hai tới hồ Kanasi và vô cùng sửng sốt khi tận mắt chứng kiến sự xuất hiện của thủy quái hồ Kanasi. Hôm đó, khi đang xuống núi ven hồ, Giáo sư Zhou nhìn thấy giữa hồ có một vệt dài như thể ai đó trải tấm vải hồng trên mặt hồ Kanasi. Bất chợt nhiều người bên cạnh thốt lên "Thủy quái. Chúng đang động đậy".

Khi quan sát bằng kính viễn vọng, Giáo sư Zhou nhận thấy rằng rõ ràng không phải tấm vải hay sinh vật phù du, hay một dải tảo hồng mà trên mặt hồ có rất nhiều cái đầu tròn há miệng tạo ra những quầng bọt lớn. Một số con nhấp nhô tấm lưng màu hồng lên mặt nước. Đến trưa cùng ngày, số lượng thủy quái xuất hiện ngày càng nhiều, trong đó có nhiều con dài từ 6 đến 9m, và con to nhất dài đến 15m và ước cân nặng chừng 4 tấn, đầu rộng trên 1m. Trông chúng như những chiếc tàu ngầm nhô lên mặt nước, dài và to gấp 2-3 lần một cây cổ thụ. Trong bản báo cáo của mình, Giáo sư Zhou có ghi: "Chúng giống những con nòng nọc rất lớn ngoi lên mặt nước để thở, mắt to, miệng há rộng".

Vào ngày 7/6/2005, khi đang trên thuyền du ngoạn cảnh hồ Kanasi, một nhóm du khách đến từ thủ đô Bắc Kinh cũng may mắn nhìn thấy 2 con thủy quái xuất hiện. Chúng đùa giỡn nhau tạo ra những cột sóng cao tới 2m. Khi vươn lên, chúng cao bằng những cây lớn mọc ven hồ, thân dài ít nhất là 10m. Tuy nhiên, phải đợi đến tháng 7/2007 khi Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát đi đoạn băng ghi hình nhiều con thủy quái xuất hiện tại hồ Kanasi đã gây chấn động không chỉ dư luận Trung Quốc mà cả thế giới. Do một khách du lịch cung cấp ngày 5/7/2007, cuốn băng ghi hình được cảnh nhiều con thủy quái bơi với tốc độc cực nhanh và để lại đằng sau bọt nước tung trắng xóa, như thể vừa có hàng chục chiếc thuyền máy phóng nhanh trên mặt hồ.

Vậy là từ đồn đại cho đến thực tế, có lẽ đây là lần đầu tiên người ta có được bằng chứng sống động và thuyết phục về thủy quái hồ Kanasi. Sự kiện này lập tức làm dấy lên làn sóng tranh luận sôi nổi về sự tồn tại của thủy quái dưới mặt nước hồ Kanasi - một sinh vật huyền thoại của Trung Quốc mà xét về kích thước và sự bí ẩn, nó cũng nổi tiếng không kém so với thủy quái hổ Loch Ness ở Scotland.

Những năm gần đây, các câu chuyện thần thoại hiện đại kiểu  thủy quái hồ Loch Ness không còn bị cấm kị trên các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc. Tân Hoa xã đã từng đưa tin về "dấu chân khổng lồ" của một người Trung Hoa cổ đại, hoặc dấu vết về người hoang dã tí hon ở miền Trung Trung Quốc. Tin tức về sự xuất hiện của đĩa bay cũng được đăng tải... Vì vậy không lạ gì khi sự kiện xuất hiện của thủy quái tại hồ Kanasi lại được dư luận quan tâm đến thế.

Theo nhận định của các nhà khoa học, thủy quái hồ Kanasi là loài động vật nước ngọt lớn nhất cho tới nay bởi người ta mới chỉ bắt được con vật sống ở nước ngọt lớn nhất là loài cá tầm dài khoảng 9m ở Nga. Vì vậy có thể thực chất thủy quái hồ Kanasi là loại cá hồi Zheluo (Triết La) có vẫy màu hồng, thân dài khoảng 12-15m, đầu rộng 1,5m, nặng chừng 3-4 tấn. Đây là loại động vật ăn thịt dưới nước rất hung hãn. Thức ăn của chúng không chỉ là cá bé, thủy cầm hoang dã và thậm chí cả gà, chó, cừu, bò và đồng loại. Tuy nhiên, từ lâu, cá hồi Zheluo được cho là đã tuyệt tích và tới nay chưa ai bắt được loại cá này.

Hiện nay, cứ đến hè, hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước lại đổ xô về hồ Kanasi với ước mong một lần trong đời sẽ chiêm ngưỡng được thủy quái hồ Kanasi

V.H. (theo National Geographic)
.
.