Giải mã mối đe dọa mang tên "Bitcoin"

Thứ Tư, 05/05/2021, 07:47
Thời gian gần đây, giá Bitcoin liên tục tăng mạnh và lập những kỷ lục mới khiến đồng tiền số này nhanh chóng trở thành "đứa con cưng" của các nhà đầu cơ. Tuy nhiên, với những diễn biến lên-xuống kể từ khi ra đời đến nay, hiện vẫn còn nhiều hoài nghi về những mối đe dọa mà đồng tiền kỹ thuật số vốn có tính biến động cao này gây ra.

Ông Satoshi Nakamoto, một kỹ sư phần mềm tài năng của Nhật Bản, đã phát minh ra Bitcoin từ năm 2008 nhờ sử dụng một thuật toán chuỗi khối (blockchain). Bitcoin được thiết kế để trở thành đồng tiền số phi tập trung đầu tiên trên thế giới, tức là không chịu sự kiểm soát của bất kỳ cơ quan chính quyền trung ương hoặc bất kỳ người trung gian nào. Bitcoin là giấc mơ của những kẻ vô chính phủ, cung cấp một loại tiền tệ nằm ngoài sự kiểm soát của bất kỳ ngân hàng trung ương hoặc cơ quan chính phủ nào và nằm ngoài các đòn bẩy kiểm duyệt trung gian của hệ thống ngân hàng toàn cầu Bretton-Woods.

Bitcoin lần đầu tiên được tung ra thị trường năm 2009 với giá trị tài sản ban đầu chỉ là 0 USD. Đến tháng 10-2010, Bitcoin được giao dịch với giá khoảng 10 xu/1 đồng. 100 USD sẽ mua được khoảng 1.000 Bitcoin. Nếu một nhà đầu tư nắm giữ những “đồng tiền số" đó thì giá trị hiện nay là hơn 62 triệu USD.

"Động lực" của Bitcoin

Bitcoin được thiết kế để phục vụ như một phương tiện kỹ thuật số hoàn hảo, ẩn danh, dành cho việc mua sắm trực tiếp bất kỳ loại hàng hóa hoặc dịch vụ nào. Đồng tiền "ảo" này đang nhanh chóng đi theo hướng đó, được coi là tiền điện tử để mua bất cứ thứ gì và mua được mọi thứ. Nó đang trở thành tiền tệ của mạng Internet, được hàng triệu người nhìn nhận là một tương lai tuyệt vời của một hệ thống tiền tệ toàn cầu mới, không chịu sự kiểm soát của các chính phủ và hệ thống thanh toán ngân hàng. Ngay cả các công ty quản lý tài sản thường có thái độ thận trọng của Phố Wall cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ Bitcoin cho khách hàng.

Mối đe dọa đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

Theo thống kê thị trường của Coindesk, giá Bitcoin trong những ngày có lúc vượt 60.000 USD/BTC. Bitcoin đã có một cú lội ngược dòng đầy ngoạn mục khi nhảy vọt từ dưới đáy vực 47.000 USD để quay trở lại mức cao.

Lý giải về những kỷ lục về giá trị của đồng Bitcoin liên tục được xác lập trong những ngày qua, các chuyên gia cho rằng đó là kể từ sau khi tỷ phú Elon Musk, Giám đốc điều hành (CEO) của hãng chế tạo xe điện Tesla, hôm 8-2 thông báo rằng công ty đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào đồng tiền kỹ thuật số phổ biến nhất thế giới này để đa dạng hóa và tối đa hóa lợi nhuận từ tiền mặt. 

Bên cạnh đó, việc Tesla có kế hoạch chấp nhận Bitcoin như một hình thức thanh toán đối với bất kỳ khách hàng nào mua ô tô của hãng trong tương lai là những lý do khiến giá trị của Bitcoin tăng vọt. Nếu kế hoạch này được triển khai thì Tesla sẽ trở thành nhà sản xuất ô tô lớn đầu tiên trên thế giới chấp nhận tiền điện tử. Vị thế của Bitcoin không chỉ manh nha tại Mỹ mà còn ở các quốc gia khác. Bithome, công ty tư vấn của Thụy Sĩ, đã đăng giá bán bất động sản trên khắp thế giới bằng đồng Bitcoin trên trang thông tin của mình, bao gồm cả Mỹ. Ở Venezuela, Bitcoin có thể mua được bánh pizza tại Pizza Huts.

Bitcoin sẽ hất cẳng đồng USD, trở thành đồng dự trữ quốc tế?

Động lực thúc đẩy Bitcoin trở thành một loại tiền tệ toàn cầu có giá trị và tự do hoạt động trên thị trường đang tiếp tục tăng tốc. Vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hồi trung tuần tháng 4 vừa qua của Coinbase, sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất ở Mỹ, đã đạt mức 85 tỷ USD. Sàn giao dịch này cho phép mua và bán dễ dàng không chỉ Bitcoin mà còn khoảng 50 loại tiền ảo khác, trong đó, không có loại tiền ảo nào được phát hành hoặc kiểm soát bởi bất kỳ chính phủ nào. Amazon gần đây đã công bố kế hoạch riêng để tạo ra một loại tiền số nhằm trao đổi mua bán hàng hóa ngay trên trang tin điện tử của hãng. 

Tuy nhiên, với sức mạnh thị trường của Amazon đã vượt qua hầu hết các quốc gia, việc thêm một loại tiền số vào công cụ thanh toán sẽ đặt ra câu hỏi quan trọng về khả năng các quốc gia có thể kiểm soát nền kinh tế của họ trên thị trường toàn cầu trong dài hạn. Điều này cũng châm ngòi cho những hoài nghi về Bitcoin.

Mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ?

Một bài viết trên tạp chí The National Interest nhận định không sớm thì muộn Mỹ cũng phải đối mặt với mối đe dọa đối với an ninh quốc gia do Bitcoin hoặc bất kỳ loại tiền ảo nào khác gây ra. Điểm mấu chốt trong chính sách tiền tệ của mỗi quốc gia là khả năng nước đó có thể kiểm soát được nguồn cung tiền của mình để kiềm chế lạm phát và duy trì sự ổn định giá cả. 

Nếu Bitcoin trở thành một phương tiện chính, thậm chí có thể là phương tiện chủ yếu để mua hàng hóa và dịch vụ thì đồng USD sẽ phải đối mặt với cơn ác mộng lạm phát với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phải vật lộn để duy trì sự ổn định về giá và lãi suất thông qua việc kiểm soát nguồn cung tiền. Ngày nay, USD là tiền tệ dự trữ chính của thế giới. Thế nhưng, Bitcoin và các loại tiền ảo khác có thể thay đổi điều đó.

Những động lực và rủi ro của Bitcoin.

Với mức thâm hụt thương mại gia tăng và các chương trình chi tiêu trị giá hàng nghìn tỷ USD tại Mỹ, các nhà đầu tư dần dần có thể thích lưu trữ tiền bằng đồng Bitcoin hơn là bằng đồng USD. So với USD hoặc đồng Euro, hoặc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, Bitcoin có thể phát triển thành một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu được ưa chuộng, không bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về gánh nặng nợ quốc gia, chính sách tài khóa/tiền tệ hoặc kiểm soát độc tài. Điều này cũng phần nào giải thích lý do vì sao Iran, Triều Tiên và một số quốc gia khác đã và đang sử dụng Bitcoin để tránh các lệnh trừng phạt.

Mối đe dọa đối với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ do Bitcoin gây ra thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn khi tính đến yếu tố Trung Quốc. Ngày nay, hơn 65% nguồn cung Bitcoin trên thị trường toàn cầu bắt nguồn từ Trung Quốc. Bắc Kinh có thể ngầm tác động các vấn đề có lợi cho những mục đích riêng của Trung Quốc, có khả năng thao túng nguồn cung Bitcoin nhằm hủy hoại, tấn công và phá vỡ niềm tin vào đồng USD. Việc "hất cẳng" đồng USD ra khỏi vị thế là đồng tiền dự trữ của thế giới có thể là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ, giống như mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo (IS), Taliban hoặc nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát các vấn đề ở Biển Đông.

Tin tốt lành là có thể không cần một loạt quy tắc mới để giải quyết những rủi ro mà Bitcoin gây ra. Luật Liên bang hiện hành, bao gồm cả Hiến pháp, có thể là điểm khởi đầu thích hợp để bảo vệ đồng USD. Khoản 5, Mục 8, Điều I của Hiến pháp trao cho Quốc hội Mỹ, chứ không phải tư nhân, quyền duy nhất để thiết lập và điều hành tiền tệ. Bitcoin thực sự là thứ mà ông Dmitry Shkipin, Giám đốc điều hành công ty bất động sản Home Openly của Mỹ, đã gọi là “tiền tệ bất hợp pháp” đe dọa vị thế của đồng USD với tư cách là đơn vị tiền tệ duy nhất được phép lưu thông ở quốc gia này. 

Theo luật liên bang, việc Bitcoin được sử dụng như một loại tiền tệ tư nhân để cạnh tranh với đồng USD được cho là bất hợp pháp. Đạo luật tiền đúc năm 1792 ban đầu giao quyền độc quyền điều tiết và sản xuất tiền đúc cho Bộ Tài chính. Đạo luật tiền đúc năm 1857 đã tiến thêm một bước nữa khi cho rằng việc sử dụng bất kỳ đồng tiền nước ngoài nào là bất hợp pháp, bởi vì Cục Đúc tiền kim loại Mỹ đã dần có thể sản xuất đủ nguồn cung tiền để đáp ứng nhu cầu trong nước, khiến việc sử dụng tiền đúc nước ngoài là không cần thiết.

Ngày nay, Cục Khắc và In tiền của Bộ Tài chính và Cục Đúc tiền Mỹ chịu trách nhiệm sản xuất tiền giấy và tiền xu. Đã đến lúc ngừng sử dụng Bitcoin như một loại tiền tệ bất hợp pháp trước khi nó lan rộng hơn nữa không chỉ trong nền kinh tế Mỹ mà còn trong toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu. Trung Quốc có thể hiểu quá rõ về tiềm năng của Bitcoin và các loại tiền ảo khác để đánh bật Mỹ ra khỏi vị thế lãnh đạo kinh tế và tài chính toàn cầu. Mỹ cần có cách đối phó ngay từ bây giờ trước khi đối đầu với một thảm họa tiềm tàng khác giống như thảm họa mà Cộng hòa Weimar (Cộng hòa Đức) từng đối mặt.

Còn nhiều hoài nghi

Trong hơn 10 năm qua, đồng tiền số Bitcoin đã gây nhiều tranh cãi và tác động không nhỏ đến hệ thống tài chính toàn cầu. Mặc dù không thể phủ nhận tiền điện tử là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của tiền tệ, khi thế giới đang trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng thực tế Bitcoin cũng gây ra những biến động khó lường kể từ khi nó ra đời cho đến nay.

Màn hình hiển thị của sàn giao dịch Coindesk.

Có thể kể đến như cuộc khủng hoảng đồng Bitcoin năm 2014 khi Mt.Gox, một trong những sàn giao dịch đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới, quy tụ 80% giao dịch đồng tiền ảo trên thế giới, bị tin tặc đánh sập và làm biến mất một lượng tiền điện tử có giá trị lên tới 477 triệu USD.

Và cuối năm 2018, giá đồng Bitcoin “lao dốc” kỷ lục, giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm 2017, chạm mốc thấp khoảng 3.800 USD/BTC. Điều này đã vẽ nên một bức tranh tương phản hoàn toàn so với tình hình thị trường tiền kỹ thuật số cùng kỳ năm 2017.

Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng nếu không có hình thức quản lý hợp lý và hiệu quả thì đồng tiền kỹ thuật số có thể sẽ gây ra những hệ lụy khác ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách tiền tệ, tạo ra sự hỗn loạn trong xã hội, gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Dù ở thời điểm hiện tại Bitcoin đang được các nhà đầu tư và các doanh nghiệp lớn chấp nhận nhưng một số nhà phân tích và nhà đầu tư vẫn hoài nghi về đồng tiền kỹ thuật số có tính biến động cao này, đồng thời cho rằng Bitcoin còn lâu nữa mới trở thành hình thức thanh toán được sử dụng rộng rãi.

Chuyên gia Harley Bassman thuộc Simplify Asset Management cho rằng đồng tiền kỹ thuật số này hiện không phải là một phương thức hiệu quả để thực hiện những giao dịch khối lượng lớn và chắc chắn cũng không phải là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư vì khả năng biến động giá của nó ở mức 80%, cao hơn hàng chục lần so với đồng Euro và gấp 7 lần so với đồng Ruble của Nga.

Các nhà phân tích tại JP Morgan cho rằng giá hiện tại của Bitcoin cao hơn nhiều so với ước tính về giá trị hợp lý. Trong tháng 2-2021, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cũng đã từng tuyên bố rằng Bitcoin không phải là một đồng tiền, mà nó là một tài sản có tính đầu cơ cao và yêu cầu phải có quy định quản lý trên toàn cầu.

Hà Ngọc (Tổng hợp)
.
.