Giải mã tác nhân dopamine

Thứ Bảy, 02/07/2011, 14:45

Rượu, hêrôin, thuốc lá, ecstasy, thuốc ngủ, tình dục, thể thao, quyền lực… tất cả chúng ta đều nghiện một thứ gì đó bởi vì não bộ của chúng ta tiết ra chất dopamine khiến chúng ta phải tìm kiếm sự thỏa mãn.

Các nhà khoa học ở New York đã quan sát thấy ở con người, tác động của cocaine là do ảnh hưởng đến những thụ thể dopamine trong não bộ. Càng nghiên cứu sâu hơn về ma túy, người ta càng nhận thấy rõ vai trò đặc biệt của dopamine, tựa hồ như nó là mục tiêu ưu tiên của những chất ma túy khác nhau. Rượu, cannabis, hêrôin, cocaine, thuốc tâm thần, ecstasy, LSD… tất cả đều ảnh hưởng đến dopamine.

Các chất này làm tăng lượng sản sinh dopamine, hay nói cách khác là ngăn chặn sự thoái hóa dopamine trong não. Kỳ lạ là thức ăn, sự cực khoái, stress hay tập thể dục cũng có tác động như thế.

Chất đó là chất gì mà luôn có mặt khi người ta ham muốn hay vui thú? Đối với nhiều nhà sinh học, nó là trọng tâm của cái mà người ta gọi là "hành vi lệ thuộc". Để làm tăng lượng dopamine, những kẻ nghiện ma túy phải tiêu thụ bất cứ chất gì cho dù có phải nguy hiểm đến sự quân bình về thể chất, tâm thần và xã hội.

Trong não bộ chất dopamine rất hiếm. Nó là chất dẫn truyền thần kinh của khoảng 0,3% số neurone trong não nhưng lại cần thiết trong nhiều chức năng. Dopamine được tiết ra từ một trong các vùng nguyên sơ nhất của não, ở đỉnh thân não. Một phần số neurone đó tác động đến việc kiểm soát cử động. Sự yếu kém của chúng sẽ gây ra các run rẩy đặc thù của bệnh Parkinson.

Nhưng một số lại can thiệp trong những điều kiện đặc biệt khi con người hay thú vật cảm thấy ham muốn và khoái lạc. Lượng dopamine tiết ra là một loại "nhiệt kế của tính khí". Mọi hành động tạo nên hứng thú như ăn một mẩu sôcôla, làm tình, nghe một khúc nhạc, thắng một trò chơi, đều làm tăng tiết dopamine.

Tuy nhiên không phải những ai từng một lần thử qua rượu, thuốc lá hay ma túy đều trở nên lệ thuộc. Các nhà thần kinh học xếp con người theo 2 loại: loại có khuynh hướng tránh các sự mới lạ, stress, kích thích quá mức, và loại ham thích cảm giác mạnh. Những người thuộc loại sau có khuynh hướng chơi ma túy và họ tiết ra dopamine nhiều hơn loại người trước. Khi lượng dopamine giảm thấp, họ cảm thấy có nhu cầu phải đưa nó trở về mức dễ chịu cũ.

Khó khăn đầu tiên của những kẻ nghiện khi muốn thoát ra khỏi vòng ma túy là sự thiếu thốn của thể chất. Hiện tượng này một phần có thể do sự thiếu hụt dopamine đột ngột trong não. Nhưng tác động của ma túy rất phức tạp. Thông thường ma túy ức chế các neurone noradrénaline tạo nên cảm giác khó chịu và sự tập trung. Ma túy sẽ thay thế những chất enképhaline trong não, do đó các neurone ngưng sản sinh chất này. Khi thiếu ma túy, neurone không có thời gian để sản xuất lại, thế là người nghiện bị đau đớn và vật vã về thể chất.

Vận động viên thường xuyên đòi hỏi những neurone tiết ra enképhaline. Khi bị buộc phải ngưng hoạt động nghề nghiệp, người ấy có thể có cảm giác thiếu thốn. Cũng như thế với cơn stress nghề nghiệp. Những người say mê công việc, hoạt động nguy hiểm hay cờ bạc đều đòi hỏi các neurone tiết ra những chất hóa học như cortisol, adrénaline và dopamine.

Tuy nhiên các nhà khoa học đều thừa nhận rằng sự vật vã đó chỉ kéo dài vài ngày, tối đa là một tuần. Sau một đợt điều trị cai thuốc, sự khó chịu không còn nữa nhưng nhường chỗ cho một cảm giác thiếu vắng, lý do chính để người nghiện sử dụng ma túy lại.

Chính Blaise Pascal đã viết trong tác phẩm "Tư tưởng": "Chẳng có gì khó chịu đựng hơn cho con người bằng khi nghỉ ngơi hoàn toàn, không đam mê, không công việc, không giải trí (…). Nếu không kiềm chế được, người ta sẽ bới móc từ trong tâm hồn sự buồn chán, ảm đạm, u sầu, phiền muộn, thất vọng, tuyệt vọng".

Như đã nói trên, người ta có thể nghiện nhiều thứ khác hơn là các chất hóa học. Nhưng nếu chúng ta khó thể thoát được sự lệ thuộc, tất cả đều là vấn đề kiểm soát, định lượng. Đa số có thể vượt qua, giữ được sự quân bình, nếu cần thì bằng cách dùng thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm, thuốc lá, vài ly rượu, dăm ba kilômét chạy bộ, nhưng không bao giờ thái quá. Nhiều người lại đi xa hơn. Không phải sự lệ thuộc chất hóa học mới là bệnh lý mà chính sự rối loạn về tâm thần đã khiến họ mất đi sự kiểm soát

Minh Luân (theo Science & Vie)
.
.