Giải pháp chống lạm phát của một số nước trên thế giới

Thứ Sáu, 14/03/2008, 15:30
Trong năm 2007, do chịu tác động, ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đặc biệt là sự tăng giá liên tục với mức độ lớn của các loại hàng hóa như dầu mỏ, lương thực, dầu thực vật, đã dẫn đến tình trạng lạm phát với mức độ khác nhau ở các nước trên thế giới. Để ứng phó với tình trạng này, giảm bớt gánh nặng cho nền kinh tế, chính phủ các nước cũng đã thực thi hàng loạt các biện pháp để kiềm chế lạm phát.

Nga: Sử dụng tổng hợp các biện pháp để kiềm chế lạm phát:

Năm 2007, tỉ lệ lạm phát ở Nga là 8,7%. Để kiểm soát giá cả, đặc biệt là giá lương thực tăng vọt, ngay từ năm 2007, Chính phủ Nga đã đưa ra hàng loạt các biện pháp:

- Nâng cao tỉ lệ lãi suất gửi ngân hàng, kiểm soát việc lưu thông lượng tiền lớn quá lớn, tăng thêm dự trữ vàng.

- Tung ra thị trường 1,5 triệu tấn lương thực dự trữ nhằm giảm bớt áp lực tăng giá lương thực.

- Tăng cường điều tiết xuất nhập khẩu, nâng thuế xuất khẩu lúa và hạt mạch từ 0% lên 10 và 30%, giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng như sữa, rau quả, dầu ăn từ 15% xuống 5%, đồng thời xóa bỏ những hạn chế việc nhập khẩu thịt hộp đến từ Trung Quốc, Mỹ và Brazil.

- Trực tiếp can thiệp về giá cả, thông qua việc chính phủ thỏa hiệp giá cả hàng hóa với các hãng sản xuất, kinh doanh hàng hóa lớn trong nước đồng thời hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp liên quan.

- Tấn công các hành vi vi phạm giá cả, sử dụng biện pháp trừng phạt kinh tế và sử lý hành chính với các doanh nghiệp vi phạm việc nâng giá.

- Nâng cao mức lương hưu cơ bản và tuyên bố vào nửa cuối năm 2008 tiếp tục tăng lương để giải quyết khó khăn trong sinh hoạt của người hưu trí.

Hiện nay, các biện pháp trên của Chính phủ Nga đã có hiệu quả bước đầu và tháng 1/2008, xu hướng lạm phát giá cả lương thực, thực phẩm của Nga thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.

Hàn Quốc: tích cực thực hiện các biện pháp giảm áp lực lạm phát:

Mức độ lạm phát hàng hoá của Hàn Quốc năm 2007 là 2,5%, phá kỷ lục kể từ 5 năm trở lại đây. Vào đầu năm 2008, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện chính sách ổn định giá cả hàng hóa thời gian ngắn, trong đó có các biện pháp sau:

- Thành lập tổ công tác về chính sách liên ngành đối với sự ổn định giá cả với sự tham gia của 14 cơ quan trung ương như Bộ Tài chính kinh tế, Bộ Tài nguyên, Bộ Giáo dục, Bộ Nông lâm, Cơ quan y tế thực phẩm... Ủy ban trao đổi thương mại bình đẳng. Nhiệm vụ là theo dõi, kiểm soát những sản phẩm tăng giá quá nhanh, thành lập “nhóm điều tra hiện trường” điều tra, theo dõi về việc sản xuất, lưu thông hàng hóa liên quan đến dân sinh. Chính quyền địa phương cũng thành lập cơ quan chỉ đạo và Ủy ban đối sách về giá cả để theo dõi xu hướng lên xuống của giá cả và đề ra chính sách tương ứng.

- Tăng cường điều tiết nền kinh tế vĩ mô. Theo đó, chính phủ và cơ quan tài chính sẽ điều chỉnh phù hợp chính sách tiền tệ, kiểm soát thị trường ngoại hối.

- Miễn giảm thuế, tăng cường trợ cấp cho những gia đình có thu nhập thấp, mở rộng phạm vi hỗ trợ cho tầng lớp dân cư có thu nhập thấp thông qua các quỹ hỗ trợ tài chính cho giáo dục, hỗ trợ phúc lợi,  miễn giảm thuế. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tạo thêm các cơ hội việc làm cho những người  nghèo trong xã hội, sử dụng ngân sách chính phủ giúp giảm bớt áp lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi bán phá giá không chính đáng, trọng điểm là những hành động lũng đoạn giá cả, tăng cường giám sát các hành vi tăng giá cao các sản phẩm hàng hóa như dầu mỏ, lương thực, phòng ngừa những giao dịch không minh bạch thông qua lợi dụng thị trường và địa vị chính trị.

Nhật bản: đẩy mạnh kiểm soát việc lưu thông hàng hóa cần thiết cho cuộc sống để ổn định giá cả:

Nhật Bản luôn là một trong những quốc gia trên thế giới ổn định nhất về giá cả các loại hàng bán lẻ và cách làm dẫn đến sự thành công đó là:

- Coi trọng tính ổn định trong việc cung cấp các sản phẩm cần thiết cho cuộc sống.

- Chính phủ kiểm soát khâu lưu thông và đưa ra mức giá của hàng hóa, kiểm soát, điều tiết hiệu quả việc sản xuất và khâu thị trường. Hiện nay ở một số nơi đã xây dựng các trung tâm cung cấp sản phẩm hàng bán lẻ quy mô lớn để tiện cho chính phủ trong việc kịp thời, nắm bắt tình hình, tạo cơ sở  nhanh chóng ổn định giá cả.

- Xây dựng, kiện toàn hệ thống mạng thông tin, kịp thời công khai các thông tin về thị trường để phòng ngừa lạm phát và các hành động cạnh tranh không lành mạnh.

Thái Lan: kết hợp kiểm soát đồng bộ để giá cả không tăng nhanh:

Để kiểm soát sự tăng giá hàng hóa quá nhanh, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện đồng bộ hai biện pháp.

- Coi lương thực, rượu, sữa, bình ắc-quy, bốn loại hàng hoá thuộc vào những mặt hàng bắt buộc chịu sự quản lý về sản xuất, kinh doanh, bất cứ hành vi tăng giá những mặt hàng này đều phải được sự cho phép của Bộ Thương mại. Kế hoạch "lá cờ xanh” – Blue Flag do Chính phủ Thái Lan đề ra yêu cầu các hãng cung ứng hàng hóa phải đưa ra thị trường các loại thực phẩm và đồ đi kèm với sự tiện lợi về dịch vụ giao hàng và giá phải rẻ hơn những cửa hàng thông thường.

- Chính phủ đẩy mạnh hoạt động tấn công các hành vi vi phạm giá bán của hàng hóa và bất cứ ai đầu cơ tích trữ, căn cứ vào luật pháp để phạt tiền rất cao, nếu nghiêm trọng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Pháp: thực hiện “giá chuẩn” tránh sự biến động bất thường của giá cả:

Để duy trì sự ổn định cơ bản của giá cả các loại hàng hóa, Chính phủ Pháp đã xây dựng hệ thống giá cả lấy “giá chuẩn” làm trung tâm, có sự hỗ trợ tài chính và trợ giá ở các mức độ khác nhau. Mục đích của việc này nhằm tránh cho giá cả thị trường lên xuống không có trật tự, Chính phủ luôn kiểm soát và điều tiết được mức giá.

Để thực hiện mức “giá chuẩn”, chính phủ Pháp đã phối hợp đồng bộ và hiệu quả với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, các hãng phân phối, kinh doanh hàng hoá, các cơ quan thông tin về giá cả và cả các chính sách vĩ mô điều tiết kinh tế

Thanh Trung (theo Thời báo hoàn cầu)
.
.