Gian nan đời bồi phòng!

Thứ Năm, 14/08/2014, 16:45

"Gọi là "nhân viên phục vụ phòng khách sạn" cho sang chứ thật ra tụi em là bồi phòng…", Phụng, cô gái 24 tuổi vừa đưa phích nước sôi cho tôi, vừa trả lời khi tôi hỏi vì tôi cứ ngỡ cô là quản lý của cái khách sạn tư nhân thường thường bậc trung nằm trên đường dẫn ra Mũi Né...

1. Tôi ra huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận viết bài về một ông "Tây" lấy vợ Việt, và vợ chồng ông trong thời gian ở Lâm Đồng đã tự tay thiết kế, xây dựng hơn 20 chiếc cầu treo cho người dân ở những xã vùng sâu. Nhưng do quốc lộ 1 đang mở rộng nhiều đoạn, xe phải bò mất 7 tiếng, đến TP Phan Thiết thì trời đã tối nên tôi thuê khách sạn ở qua đêm. Có lẽ lần đầu gặp khách hỏi han tỉ mỉ về nghề nghiệp của mình nên Phụng rất mau mắn.

"Gọi là "nhân viên phục vụ phòng khách sạn" cho sang chứ thật ra tụi em là bồi phòng…", Phụng, cô gái 24 tuổi vừa đưa phích nước sôi cho tôi, vừa trả lời khi tôi hỏi vì tôi cứ ngỡ cô là quản lý của cái khách sạn tư nhân thường thường bậc trung nằm trên đường dẫn ra Mũi Né.

Chỉ vào chiếc xe đẩy bằng inox sáng loáng nằm ngoài hành lang, trên đó lỉnh kỉnh cây lau nhà, xô đựng nước cùng cả chồng khăn, bao gối, mấy chai nước thơm xịt phòng còn ngang thân xe là cái túi đựng rác treo lủng lẳng, Phụng nói tiếp: "Có phòng, khách nhậu về ói lênh ói láng trong toa-lét rồi để nguyên. Lúc bước vô dọn dẹp, cái mùi chua, mùi tanh làm em cũng muốn ói theo. Có khách khi em vừa mở cửa thì ổng nắm tay em và đề nghị tối nay "vui vẻ" với ổng. Có khách hiền lành, tử tế nhưng cũng có khách ba trời ba trợn…".

Quản lý hướng dẫn cho "bồi" cách làm giường.

Tôi chưa kịp hỏi ba trời ba trợn là như thế nào thì một phụ nữ đứng tuổi từ bên kia hành lang bước đến, mượn Phụng chai nước thơm xịt phòng. Theo lời Phụng thì đó là Kim, bồi phòng ở khách sạn này đã hơn 10 năm. Công việc của họ làm theo ca, mỗi ca 10 tiếng và mỗi người chịu trách nhiệm 6 phòng.

Kim cho biết: "Lương tháng em được trả 3,5 triệu, chủ cho ăn bữa cơm trưa còn con nhỏ này - Kim liếc nhìn qua Phụng - mới vô nên lương 2,7 triệu. Vì là khách sạn nên tụi em không biết lễ tết gì hết, cứ đúng ca là làm". Vào những ngày bình thường, lượng khách ít thì còn đỡ chứ những dịp đông khách, bồi phòng dọn long tóc gáy, dọn dẹp bở hơi tai.

2. "Bồi" là chữ đọc chệch từ tiếng Anh "boy", hoặc "houseboy" - nghĩa là "thằng nhỏ chuyên làm công việc dọn dẹp nhà cửa" và chữ "bồi" hoàn toàn không có ý xấu, ngoại trừ người gọi cố tình khinh miệt. Làm nghề báo, tôi đã đi nhiều nơi, ở nhiều khách sạn, nhà trọ tư nhân và những người "bồi phòng" mà tôi gặp đa phần là phụ nữ lớn tuổi, ít học nhưng siêng năng.

Nghe nói các khách sạn VIP, 4 sao, 5 sao, bồi phòng hầu hết là nam nữ thanh niên, mặc lễ phục rất bảnh, tiếng Anh, tiếng Pháp nói như gió còn màu sắc trang phục phổ biến của nữ bồi phòng tại những khách sạn tư nhân dạng trung bình thường là quần dài, áo blu may theo kiểu điều dưỡng bệnh viện, sắc thì tùy chủ. Hầu hết đều không được đào tạo trường lớp chính quy, mà chủ yếu là nghề dạy nghề.

Chị Út, phụ vụ tại một khách sạn trên đường Nguyễn Trung Trực, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang nói: "Hồi mới vô, tui được bà chủ dạy cách làm phòng, cách sắp xếp mền, gối, cách trải tấm "ra" (drap)…". Tuy nhiên, có những chi tiết rất nhỏ mà chủ lại quên dạy nên chị đã gặp một tình huống dở khóc dở cười.

Chị kể: “Bữa đó, khi dọn xong phòng 237 rồi đến phòng 239, và mặc dù đã nhìn thấy tấm bìa nhựa có in dòng chữ "please do not disturb - nghĩa là "xin miễn làm phiền" treo lủng lẳng ở tay nắm nhưng do không biết tiếng Anh nên chị Út cứ điềm nhiên gõ cửa. Gõ lần đầu, bên trong im ắng. Lần thứ hai, có tiếng người nói gì đó nhưng cửa vẫn khép kín. Đến lần thứ ba, khi tiếng gõ chưa dứt thì cánh cửa hé ra rồi một khuôn mặt đàn ông xuất hiện.

Không để cho chị Út kịp giải thích gì, ông ta chỉ vào tay nắm, miệng gầm lên: "Bộ đui hay sao mà không thấy cái này!". Chị Út kể tiếp: "Ổng đóng sập cửa lại rồi điện thoại cho tiếp tân. Giây lát, quản lý gọi tui xuống, chửi như tát nước. Tui phải phân trần là cái đó viết bằng tiếng nước ngoài mà có ai chỉ cho tui biết đâu".

Khác với nhiều ngành nghề như tiếp viên nhà hàng, quán nhậu, tiệm ăn, nữ nhân viên phục vụ thường xuyên nhận được tiền "boa" của khách, còn bồi phòng thì hầu như không bao giờ biết đến cái khoản này. Ở TP HCM, trong một con hẻm ngắn chỉ chừng 500 mét là hẻm 42 đường Lê Hồng Phong, quận 10, có không dưới 20 khách sạn, nhà nghỉ. Hầu hết khách vào đây không phải là người cần nơi nghỉ ngơi mà là những đôi trai gái muốn tìm chốn riêng tư.

Và cũng vì khách không ở qua đêm nên chủ khách sạn hoặc quản lý chẳng cần phải đăng ký với cơ quan chức năng, cũng như không làm hóa đơn chứng từ, thậm chí còn không buồn hỏi giấy tờ tùy thân của khách nếu là khách quen mà chỉ ghi số phòng vào một cuốn sổ để theo dõi. Dĩ nhiên, những khoản thu ấy chẳng bao giờ phải nộp thuế.

Chị Thiện, bồi phòng thuộc một khách sạn ở khu vực này cho biết: "Trai gái thường mướn theo giờ, có ngày tôi phải dọn 10 phòng vì cứ sau 1 tiếng hoặc 2 tiếng, cặp này ra thì cặp khác vào”. Hỏi có khi nào họ "boa" cho chị không? Chị Thiện lắc đầu: "Còn lâu, tết… Congo mới có! Dọn phòng cho những khách này cực muốn chết. Vì chỉ ở một thời gian ngắn nên nhiều người rất bừa bãi. Lúc họ trả phòng, nhiều phòng như bãi chiến trường. Thay vì bỏ vào thùng rác thì lắm khi "xong việc", họ quăng luôn 2, 3 cái bao cao su trên nệm. Để đón khách mới, tụi tôi phải dọn thiệt nhanh, cực lắm".

Vẫn theo chị Thiện, một bữa có một cặp tuổi đã sồn sồn vào thuê phòng. Đưa họ lên lầu rồi giao cho họ chìa khóa, chị xuống tầng trệt lấy cái xô và cây lau nhà, chuẩn bị làm vệ sinh hành lang thì bất ngờ một phụ nữ xông vào la lớn: "Chồng tôi ở phòng nào?".

Có lẽ đã từng kinh nghiệm với tình huống này nên cô quản lý vừa hỏi người phụ nữ, vừa nháy mắt với chị Thiện: "Dạ xin lỗi, chồng chị tên gì, vô đây hồi nào ạ?". Người phụ nữ nghiến răng trèo trẹo: "Vừa mới vô với con đĩ đó, xe để ở dưới nhà xe kia kìa". Cô quản lý vẫn rất bình tĩnh: "Dạ, chị vui lòng đợi em kiểm tra sổ thuê phòng".

Chị Thiện kể: "Hiểu ý quản lý, tôi cầm xô lên lầu, gõ cửa phòng, vừa gõ vừa nói "vợ anh tới kiếm, anh cho bạn anh ra lẹ lên". Chỉ trong tích tắc, cánh cửa bật mở rồi bà sồn sồn mặt xanh như tàu lá chuối, vừa bước ra vừa cài lại nút áo: "Tôi nói với ổng ráng nghĩ cách nào đó để vợ khỏi quậy, còn bà kia tôi dẫn lên nhà kho, nơi chứa mền, ra, gối, nệm, trốn đỡ".

Khoảng nửa tiếng, sau một hồi gào thét chửi bới, sóng lặng gió êm, ông sồn sồn trả tiền mướn phòng rồi lủi thủi theo vợ ra về còn bà sồn sồn xin nán lại thêm 1 tiếng nữa để đề phòng phe kia đánh tập hậu! Tôi hỏi chị Thiện là bà ta có hậu tạ chị không? Chị Thiện trề môi: "Không có một cắc. Nói thiệt với anh, tôi ghét cái cảnh mèo mả gà đồng đó lắm nhưng mình là người làm mướn nên phải theo ý chủ vì nếu không, họ kêu công an tới, quậy um xùm thì mất khách".

3. "Nghề bồi phòng bây giờ gian nan lắm", Cúc, làm bồi tại một khách sạn ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương than thở với tôi. Tốt nghiệp trung cấp kế toán nhưng suốt 3 năm vẫn không xin được việc làm nên Cúc tạm chọn nghề "bồi" để sống qua ngày. Theo lời Cúc, khách thuê phòng cũng có 5, 7 loại. Có những nhóm trai gái thuê phòng để chơi thuốc lắc, hít heroin. Có gái mại dâm thuê theo tháng để làm nơi "đi khách".

Có khách còn chơi trò độc chiêu: Một ông người nước ngoài, da đen thui vào thuê phòng - mà thuê theo giờ chứ không thuê qua đêm. Nhận phòng xong, chỉ một lát là có bạn đến thăm. Cúc kể: "Chưa đầy 1 tiếng, ông ta có 3 bạn đến thăm, người này vừa ra thì người khác vào. Vài lần như vậy tụi em mới phát hiện là họ vào tắm, ủi quần áo, nấu nước cho vào chai mang đi uống dần. Giá phòng 1 tiếng 70 nghìn đồng mà họ chơi kiểu đó thì chẳng mấy chốc khách sạn sập tiệm".

Thuận, người làm chung với Cúc cho biết, ngán nhất là gặp những ông chủ có máu dê: "Trước khi về đây, em đã làm ở một khách sạn trong khu Bình Trị Đông, quận Bình Tân. Vô được chừng tuần lễ, một bữa ông chủ kêu em lên phòng để ổng "nâng cao nghiệp vụ". Sau khi giả bộ chỉ cho em cách gấp mền, xếp gối, cách trải "ra" giường, ổng khen em có thân hình đẹp rồi nói sẽ may cho em mấy cái váy ngắn… tới chừng này! Vừa nói ổng vừa đưa tay vuốt đùi, vuốt mông em. Ổng nói nếu em chịu "thương" ổng, ổng sẽ sắp xếp cho em làm quản lý. Hoảng quá, em bỏ xuống lầu đi thẳng về nhà, coi như nghỉ việc luôn".

Làm việc vất vả, lương thấp, nhiều khách sạn tư nhân lại không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thậm chí không làm hợp đồng lao động với bồi nên người bồi phòng chịu lắm thiệt thòi.

Thu, bồi phòng của một khách sạn ở quận 6, TP HCM nói: "Nhiều bữa đông khách, tụi em phải làm thêm giờ, thậm chí còn phải phụ với tổ giặt, ủi áo gối, "ra", mền, nhưng không được cho thêm đồng nào vì lúc vào làm, chủ đã nói là không bồi dưỡng. Còn nếu xin tăng lương hoặc than phiền thì chủ bảo "nhắm làm không nổi cứ nghỉ việc, bây giờ thất nghiệp đầy ra đó, kêu một tiếng là có ngay cả chục người"

Vũ Cao
.
.