Gian nan việc quản lý game online

Thứ Ba, 23/12/2008, 09:45
Tranh quyền, tranh bá, chiếm đoạt báu vật, chiến tranh giữa các phe phái... đang là những game online có sức hút đầy “ma lực” đối với các game thủ là thanh thiếu niên hiện nay. Bên cạnh hữu ích là một trò chơi mang tính giải trí trong thời đại công nghệ cao, nhưng game online cũng đang trở thành “con dao hai lưỡi” khi lấy đi tuổi trẻ, hoài bão... thậm chí cả tính mạng của một số em.

Vậy mà công tác quản lý game online hiện nay dường như đang bị “bó tay. com” trước sai phạm của các nhà kinh doanh dịch vụ game online để rồi từ những sai phạm ấy dẫn đến ngày một nhiều hơn những hệ lụy khôn lường.

Từ thách thức...

11h rưỡi trưa, giờ tan học của khối học sinh buổi sáng đồng thời là thời gian chuẩn bị đến trường của học sinh học chiều, nhưng tại một quán net nằm trên phố Châu Long, thay vì phải về nhà nghỉ trưa hoặc tư thế sẵn sàng để đến trường thì những học sinh ấy lại ùa vào quán net như thể tranh thủ “cày” được game nào hay game ấy.

Chẳng cần nói vói nhau một lời, khách tự động ai ngồi vào chỗ nấy. Còn chủ chủ động bật máy, nhấp chuột để phục vụ các game thủ những trò chơi thuộc “sở trường” của họ.

Giữa chủ và khách dường như đã quá hiểu nhau. Sau khi hàng loạt máy tính sáng đèn và hiện dần lên trò chơi quen thuộc, các game thủ bắt đầu “cắm mặt” vào màn hình và lướt tay trên bàn phím để điều khiển những nhân vật của họ. Và hầu hết những nhân vật mà các game thủ đang điều khiển trên màn hình, dù là nam hay nữ trông đều đằng đằng sát khí và sẵn sàng hành động bạo lực. Tuy nhiên, đó chỉ là tất cả những gì người ta có thể chứng kiến ở quán net này.

Còn những quy định mà chủ kinh doanh dịch vụ game online cũng như người chơi game phải thực hiện theo Thông tư liên tịch giữa 3 Bộ: Bưu chính - Viễn thông (nay đã thay đổi thành Bộ Thông tin - Truyền thông); Văn hóa - Thông tin (nay đổi thành Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch) và Bộ Công an về Quản lý trò chơi trực tuyến tuyệt nhiên đã không diễn ra.

Chẳng hạn, người chơi game phải khai báo thông tin cá nhân gồm tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân... và người chủ cung cấp dịch vụ phải lưu lại thông tin ấy hay trường hợp đối tượng chơi game dưới 14 tuổi, phải có sự giám sát bảo hộ của cha mẹ... mới cho truy cập Internet...

Khi được thắc mắc về điều này thì chủ quán Internet cho biết: “Những thủ tục đó rất nhiêu khê (?) và nếu thực hiện nó sẽ khiến nhiều người khó chịu. Vì với mục đích đến điểm truy cập Internet để giải trí mà lại bị hỏi những thông tin mang tính cá nhân như vậy có khác nào làm khách hàng mất hứng. Mất hứng, khách hàng sẽ không đến chơi nữa dẫn đến cửa hàng ế, không có thu. Không có thu thì chủ... đói dài”. 

Không chỉ chủ quán net ở phố Châu Long mà rất nhiều chủ cửa hàng khác ở Hà Nội nói chung đều tư duy như vậy. Vì tư duy như vậy mà gần như tất cả họ đều không thực hiện theo Thông tư 60, mặc dù trước khi đưa thông tư này vào cuộc sống, chủ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ game online đều đã được tập huấn để thực hiện quy định.

Chủ quán net nằm trên đường Hoàng Hoa Thám cũng là một ví dụ như vậy. Khách hàng đến đây truy cập Internet, ngoài việc trả lời dùng máy để làm gì và trả tiền, khách hàng không phải thực hiện bất kể quy định nào.

Kể cả đó là những khách hàng trên vai còn đeo cặp sách và phù hiệu trên ngực áo chỉ rõ là học sinh của một trường tiểu học. Giải thích cho việc tại sao không cần giám sát của người thân như bố mẹ... mà vẫn cho học sinh dưới 14 tuổi chơi game, chủ quán nói: “Chẳng có bố mẹ nào đồng ý cho con chơi game, dù chả biết game là thế nào. Vậy đòi hỏi phải có bố mẹ bảo lãnh mới cho trẻ em dưới 14 tuổi chơi game thì chúng nó chơi làm sao được”.

Chủ quán nói tiếp: “Bây giờ, người ta cứ nghiêm trọng hóa việc trẻ em chơi game trong khi cứ để chúng nó chơi có ảnh hưởng gì đến “hòa bình thế giới” đâu. Nếu có phạm tội vì game cũng phải ở lứa tuổi lớn hơn chứ ở tuổi 13, 14 hiếm lắm. Cho nên cứ để chúng nó chơi cho thoải mái”.

 ...Đến 1001 kiểu “lách” Luật

Ở Điều 7 Chương II của Thông tư 60 quy định: “Doanh nghiệp phải có biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý giờ chơi cài tại hệ thống máy chủ nhằm hạn chế thời gian chơi được tính điểm thưởng của mỗi tài khoản chơi theo 3 phương thức: 3 giờ đầu tiên được 100% điểm thưởng, từ giờ thứ 3 đến giờ thứ 5 chỉ được tính 50% số điểm thưởng và từ giờ thứ 5 trở đi sẽ không được tính điểm thưởng”.

Theo nội dung này có thể hiểu, các nhà quản lý muốn dùng điểm thưởng để khống chế thời gian của người chơi. Tuy nhiên, biện pháp quản lý ấy đã không “thức thời” ngay từ khi nó ra đời. Bởi đối với dân “nghiền” game suốt ngày ngồi dán mắt vào màn hình thì việc “qua mặt” quy định về khống chế giờ chơi không có gì phức tạp.

Chưa kể nếu dân “nghiền game” đó lại là “hacker” chuyên nghiệp thì những thao tác “hack” của họ để “lách” luật còn đơn giản đến mức người ngoại đạo về máy tính cũng có thể thực hiện dễ dàng. Auditions, một trong những game online hiện đang thu hút nhiều “gamer” là thanh, thiếu niên.

Game này giới hạn chỉ được chơi 5 tiếng/ ngày. Nếu chơi quá 5 tiếng, không được điểm kinh nghiệm nữa. Tuy nhiên, đối với các game thủ, chỉ cần thực hiện những thao tác đơn giản thì thời gian chơi không chỉ là quá 5 tiếng mà có thể chơi bao lâu c ũng được.

Một game thủ chuyên “cày” game ở quán net nằm trên đường Lương Thế Vinh cho biết: “Auditions chỉ cho phép chơi 5 tiếng, sau đó không được điểm nữa. Nhưng chỉ cần account (tài khoản) “out” ra rồi vào lại thì thời gian chơi coi như lại được tính lại từ đầu. --PageBreak--

Cho nên cứ chơi khoảng 4 tiếng đồng hồ thì những người chơi chỉ cần đổi máy cho nhau rồi login vào account của mình để cho account đang chơi ở máy cũ “out” ra như vậy là có thể “yên vị” chơi tiếp 5 tiếng nữa mà không sợ không được tính điểm kinh nghiệm”.

Hay với Võ lâm truyền kỳ cũng có cách “lách” luật tương tự, mặc dù đây là game có áp dụng hình thức quản lý giờ chơi. Sau  5 tiếng chơi liên tục, người chơi đi đánh quái vật (train level) sẽ không được điểm thưởng nữa. Nhưng người chơi lại có thể tiếp xúc với “người giao nhiệm vụ trong game” (gọi tắt là NPC) để đi làm một số quest (các nhiệm vụ liên hoàn).

Các nhiệm vụ liên hoàn (nhiệm vụ làm hàng ngày) rất phong phú, người chơi có thể từ đó kiếm điểm thưởng, danh vọng hoặc chơi để kiếm đồ trang bị cho nhân vật.

Một game thủ còn nói rõ: “Công thành, Chiến trường Tống Kim... những hoạt động do người chơi lập đội thi đấu với nhau - vốn là những hoạt động hấp dẫn nhất trong game - cũng hoàn toàn có thể tiến hành bình thường kể cả khi người chơi đã chơi hết 5 tiếng liên tục mỗi ngày”.    

Như Võ lâm truyền kỳ, Phong thần, một game khác cũng có các nhiệm vụ liên hoàn như nhiệm vụ “thám quân” hoặc nhiệm vụ “vận chuyển” để nhận tiền hoặc kinh nghiệm một cách bình thường, kể cả khi người chơi đã chơi liên tục hơn 5 giờ.

Các game thủ còn truyền tai nhau: không chỉ như vậy, nhà cung cấp thậm chí còn bán các loại hàng hóa cho người chơi  để có thể làm nhiều lần nhiệm vụ này trong ngày. Cụ thể người chơi có thể bỏ tiền thật nạp kim nguyên bảo để mua “túi hàng” làm thêm các nhiệm vụ “vận chuyển” cho dù đã chơi liên tục 5 tiếng...

Nói chung, có nhiều cách để người chơi “qua mặt” các nhà quản lý nhằm kéo dài thời gian chơi. Chả thế mới có chuyện các quán game hoạt động suốt ngày đêm trong khi theo quy định chỉ được kinh doanh game từ 6 đến 23 giờ đêm.

Quản lý công nghệ bằng phương pháp... “thủ công”

Sở dĩ có thể xảy ra những chuyện “lách” luật hay “qua mặt” các nhà quản lý như vừa kể trước hết phải khẳng định công tác quản lý game online hiện vẫn còn khó khăn và bất cập. Mà cái khó khăn, bất cập có thể thấy đầu tiên là có quá nhiều chỉ thị, thông tư để quản lý về Internet nói chung và game online nói riêng.

Khai báo thông tin cá nhân, xuất trình CMND là những việc làm "xa lạ" của game thủ.

Theo danh sách mà Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội cung cấp thì có tới 13 Chỉ thị, Nghị định... làm “chiếc gậy” để quản lý vấn đề này. Và trong trường hợp nhiều văn bản như vậy dễ dẫn đến tình trạng nội dung chồng chéo hoặc không đầy đủ để quản lý. Văn bản quy định về xử phạt là một ví dụ.

Trước đây, khi xử phạt hành chính những trường hợp vi phạm áp dụng theo Nghị định số 175/2004, Nghị định 55/2001... Nhưng Nghị định 97 ban hành gần đây nhất để thay thế những nghị định nói trên đã không có văn bản hướng dẫn về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet.

Vì vậy, trong xử lý vi phạm của các đại lý Internet, các cơ quan chức năng không biết cách nào để xử lý.

Và không chỉ văn bản, ngay công tác quản lý thực tế hiện nay cũng cho thấy không hợp lý. Hiện công tác quản lý các cửa hàng Internet đang được thực hiện theo phương pháp chung: thanh tra, kiểm tra.

Tuy nhiên, lực lượng thanh tra, kiểm tra này quá mỏng, trong khi các đại lý kinh doanh dịch vụ Internet lại nhan nhản khắp mọi nơi. Chưa kể, trình độ công nghệ thông tin của những thanh tra viên chưa đạt mức cao nhất nên có thể nói công tác thanh tra, kiểm tra chưa hiệu quả.

Chỉ tính riêng thành phố Hà Nội (khi đã sáp nhập), theo thống kê của Sở Thông tin - Truyền thông đã có hơn 3.000 điểm truy cập Internet. Theo một vị có trách nhiệm ở Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội, năm vừa qua, các đoàn thanh tra, kiểm tra của Sở đã kiểm tra được 700 điểm đại lý kinh doanh dịch vụ Internet.

Và đây là một cố gắng rất lớn đối với bộ phận thanh tra, kiểm tra của Sở. Mặc dù, vẫn biết số kiểm tra đó mới chỉ chiếm khoảng 1/4  tổng số các cửa hàng Internet. Vị có trách nhiệm nói trên còn cho biết, qua các đợt thanh tra, sai phạm hầu như các cửa hàng đều mắc phải là: không niêm yết nội quy sử dụng dịch vụ Internet tại địa điểm kinh doanh; thời gian kinh doanh không đúng theo quy định; không có sổ đăng ký sử dụng dịch vụ hoặc có ghi chép nhưng không đầy đủ; không cài đặt phần mềm  quản lý đại lý Internet...

Trong khi, một số văn bản còn chưa đầy đủ, nguồn nhân lực  còn đang hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng thì Thông tư Liên tịch số 03/2008/TTLT-BTTTT-BNV lại phân cấp công tác quản lý, kiểm tra các đại lý Internet xuống các phòng Thông tin - Truyền thông của quận, huyện. Phòng Thông tin - Truyền thông của quận, huyện theo lãnh đạo Sở Thông tin - Truyền thông - Hà Nội, lại hạn chế đủ mọi mặt: nhân lực quá ít, không có người chuyên trách về công nghệ thông tin.

Vì vậy, Thông tư 03 để thực hiện cũng là một khó khăn đối với các nhà quản lý trực tiếp.

Tuy nhiên, sau tất cả những nguyên nhân kể trên đây thì nguyên nhân chính yếu nhất để dẫn đến công tác quản lý Internet, đặc biệt là game online chưa đạt kết quả như mong muốn là do chúng ta đang quản lý Internet theo phương pháp “thủ công”.

Quản lý bằng phương pháp “thủ công” lại áp dụng cho công nghệ cao như Internet không hiệu quả cũng là điều dễ hiểu. Ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng cho biết, thay vì phải đi kiểm tra, thanh tra tận điểm truy cập Internet như hiện  nay, chúng ta có thể sử dụng công nghệ để quản lý. Mà quản lý bằng công nghệ hiệu quả hơn nhiều so với quản lý “thủ công”.

Ông Quảng giải thích: “Chỉ cần các nhà cung cấp dịch vụ đường truyền “đầu tư” một máy chủ (server), sau đó máy chủ này sẽ như một cuốn nhật ký ghi lại toàn bộ thời gian, địa chỉ truy cập... của những người sử dụng dịch vụ Internet tại cửa hàng.

Từ những nội dung ghi lại trong nhật ký đó, cơ quan quản lý có thể phát hiện ra những sai phạm và xử lý nghiêm khắc đối với những người vi phạm”. Ông Quảng nói tiếp: “Quan trọng là cách tổ chức như thế nào chứ về công nghệ thì hoàn toàn không có gì khó khăn, thậm chí là rất đơn giản, chi phí đầu tư lại không nhiều, hiệu quả quản lý lại lớn”.

Game online có thể nói là một sự “đột phá” đầy sáng tạo của con người trong công nghệ cao. Nó mang lại đời sống tinh thần mới và tạo sự hứng khởi một cách hiệu quả nhất cho những người có đam mê giải trí bằng hình thức công nghệ. Tuy nhiên, với sự sa đà thái quá, một số người (đặc biệt là học sinh) đang mắc hội chứng nghiện game online, và gây cho xã hội, gia đình bao hệ lụy.

Đặc biệt là trong hoàn cảnh quản lý còn nhiều khó khăn như hiện nay. Vì vậy, không có cách nào khác là nên và phải thay đổi hình thức quản lý để game online trở về đúng vai trò giải trí và như vậy cũng là góp phần vào bảo vệ an ninh xã hội

Tú Anh
.
.