Giao lưu trực tuyến về hiến tạng: Nhiều nội dung bổ ích, nhân văn

Thứ Hai, 12/12/2016, 13:30
Buổi giao lưu trực tuyến "Hiến tạng: Sẻ chia sự sống và khía cạnh pháp lý" đã giúp người dân hiểu biết về Luật hiến tạng đồng thời góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi người trong cộng đồng, xã hội về ý nghĩa nhân văn của việc hiến tạng. Cũng trong buổi giao lưu, rất nhiều thông tin bổ ích, thú vị được chuyển tải tới bạn đọc...

Ngày 9-12-2016 Báo CAND phối hợp với Trung tâm điều phối về ghép bộ phận cơ thể người và Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ và truyền thông LC Việt Nam đã tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến "Hiến tạng: Sẻ chia sự sống và khía cạnh pháp lý". Buổi giao lưu đã giúp người dân hiểu biết về Luật hiến tạng đồng thời góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi người trong cộng đồng, xã hội về ý nghĩa nhân văn của việc hiến tạng. Cũng trong buổi giao lưu, rất nhiều thông tin bổ ích, thú vị được chuyển tải tới bạn đọc.

Khách mời buổi giao lưu có PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối về ghép bộ phận cơ thể người; ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối về ghép bộ phận cơ thể người; Đại tá Trần Mười, Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an.

Về phía Báo CAND có Thiếu tướng, TS Phạm Văn Miên, TBT Báo CAND; Đại tá Đặng Văn Lân, Phó Tổng biên tập Báo CAND; Thượng tá Phạm Khải, Phó Tổng biên tập Báo CAND.

Ban Biên tập Báo CAND tặng hoa các vị khách mời.

“Một người có thể cứu sống được 50 người”

Đây là thông tin rất thú vị mà PGS.TS Đồng Văn Hệ đã cung cấp trong buổi giao lưu.

Cũng theo ông Hệ một người bình thường khỏe mạnh có thể hiến rất nhiều mô như: gân, da, giác mạc… và tạng như: gan, phổi, tim, thận, ruột, tủy… Trường hợp là người sống muốn hiến mô, tạng thì chỉ hiến được một số bộ phận như: một quả  thận (nếu như quả thận còn lại hoàn toàn khỏe mạnh), một phần của lá gan. Còn trong trường hợp với người chết não, có thể hiến tim, phổi. Đặc biệt một người chết não với các tạng bình thường có thể tận dụng tất cả các mô tạng này, cứu sống tới 50 người.

Về khía cạnh luật pháp theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết đã được ghi nhận tại Điều 5 Luật “Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” năm 2006. Hiến pháp năm 2013 cũng nêu rõ: Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Điều đó có nghĩa là mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật.

Bên cạnh đó Luật “Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” năm 2006 còn quy định quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên tham gia; quy định cơ sở vật chất của các trung tâm thực hiện việc ghép tạng, điều kiện chết não của người hiến; việc vinh danh người hiến tạng. Quy định lần đầu tiên là điều phối hiến để đảm bảo tính công khai minh bạch và hiệu quả.

Luật cũng quy định tất cả công dân từ 18 tuổi trở lên được quyền đăng ký tự nguyện hiến tạng, xác. Về khía cạnh pháp lý là như vậy, tuy nhiên có hiến mô, tạng được hay không còn phụ thuộc vào khía cạnh chuyên môn. Sau khi đăng kí hiến mô, tạng, các bác sĩ tại các cơ sở y tế sẽ tiến hành các hoạt động chuyên môn để xem xét từng trường hợp cụ thể để tư vấn có thể hiến mô, tạng được hay không. Việc này được thực hiện trên cơ sở đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho người được ghép mô, tạng.

Các vị khách mời (từ trái qua): ông Nguyễn Hoàng Phúc, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Đại tá Trần Mười.

Trả lời câu hỏi của độc giả Thanh Hằng (Nam Định) về việc số lượng những ca ghép tạng của nước ta còn khá khiêm tốn, PGS.TS Hệ cho biết từ năm 1992 đến nay (sau 24 năm) toàn quốc đã thực hiện được gần 2.000 ca ghép tạng. Con số này thực sự là  rất khiêm tốn.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo TS Hệ không phải là do Việt Nam không đủ bác sĩ chuyên môn cao hay trang thiết bị hiện đại để thực hiện các ca ghép tạng mà vì nước ta không có đủ tạng hiến để ghép cho các bệnh nhân cần được ghép tạng. Ví dụ, hiện tại ở Bệnh viện Việt Đức mỗi ngày có tới 3-4 người bị chết não do chấn thương sọ não nhưng không ai trong số đó hiến tạng. Các bác sĩ tham gia điều trị mặc dù biết rõ khả năng hiến tạng của những người không may chết não nhưng không được quyền động viên thân nhân đồng ý hiến tạng do luật đã quy định rõ bác sĩ không được động viên bệnh nhân hiến tạng nếu có tham gia quá trình điều trị trước đó. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến con số ghép tạng ở Việt Nam rất khiêm tốn.

Tình trạng buôn bán người và nội tạng diễn ra rất phức tạp

Theo Đại tá Trần Mười, tình hình tội phạm mua bán người và mua bán nội tạng người có liên quan chặt chẽ đến nhau, diễn ra rất phức tạp cả ở Việt Nam và trên thế giới. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc và Interpol… trên thế giới có khoảng 63 triệu người bị đưa ra nước ngoài một cách trái phép mỗi năm. Trong đó, khá đông là nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Tội phạm mua bán người có tính quốc tế hóa, không chỉ diễn ra ở duy nhất một quốc gia, khu vực nào, hoạt động thành những mạng lưới, đường dây mua bán. Trong đó, địa bàn mua bán chủ yếu từ Việt Nam là sang Trung Quốc (chiếm đến 60 đến 70% tổng số vụ), ngoài ra còn sang các nước và như Lào, Nam Phi, Campuchia và vùng lãnh thổ Đài Loan… Tội phạm mua bán người thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ, được đánh giá là chỉ sau mua bán ma túy.

Về vấn đề mua bán nội tạng trái phép: Ước tính có đến hàng chục ngàn vụ mua bán nội tạng người trái phép xảy ra hàng năm. Trong đó số lượng các ca ghép tạng trái phép cũng không phải là nhỏ. Nguyên nhân của việc này là do còn thiếu những quy định của pháp luật, nhận thức của người hiến tạng còn thấp và sự tuyên truyền của các cơ quan chức năng còn chưa thực sự hiệu quả.

Theo Đại tá Mười, hiện tại nhu cầu ghép tạng, nhu cầu được chữa bệnh của người dân là rất lớn, nhưng hiểu biết về pháp luật còn hạn chế dẫn đến tình trạng ghép “chui”. Và lợi dụng điều đó, tội phạm mua bán nội tạng người đã dùng nhiều thủ đoạn để dụ dỗ người cần mua cũng như người cần bán tạng.

Hiện nay, các cơ quan chức năng đang phối hợp rất chặt chẽ để phát hiện, điều tra, ngăn chặn và xử lý những trường hợp mua bán trái phép nội tạng người.

“Để ngăn chặn mua bán tạng ghép ở Việt Nam, các cơ quan chức năng cần phải phối hợp thật tốt, đồng thời thực hiện đầy đủ, đồng bộ nhiều biện pháp. Đó là cần phải có những quy định cụ thể của luật pháp. Những quy định này sẽ là căn cứ pháp lý để các cơ quan, tổ chức và người dân thực hiện. Trong quá trình giải quyết các vụ án buôn bán nội tạng, lực lượng điều tra thậm chí gặp phải trường hợp không thể khởi tố theo Bộ luật Hình sự vì chưa có quy định. Rất may là hiện tại Dự thảo sửa đổi Luật Hình sự đã bổ sung những quy định này” – Đại tá Mười chia sẻ.

Ngoài ra như PGS.TS Đồng Văn Hệ, không phải bộ phận cơ thể người nào cũng hiến tặng được. Những bộ phận nào hiến tặng được thì cần được quy định trong luật để tránh vi phạm. Có quy định của luật pháp một cách rõ ràng thì việc phòng chống tội phạm cũng tốt hơn. Bên cạnh đó cũng cần phải chú trọng công tác tuyên truyền để người dân biết được rằng, thế nào là buôn bán, thế nào là hiến tặng theo đúng quy định trong luật pháp để người cho và người nhận thực hiện đúng và cả người thân trong gia đình cũng hiểu, biết rõ về việc này.

Các tổ chức y tế từ đó cũng áp dụng các quy định của luật để làm hết trách nhiệm. Các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cũng vậy. Bên cạnh đó lực lượng Công an cũng làm được tốt hơn công tác phòng chống tội phạm.

Hiến tạng là việc nhân văn, ý nghĩa và cần được nhân rộng

Trả lời câu hỏi của bạn đọc Lê Hiếu Minh (Quảng Nam) về quyền lợi của người hiến tạng, ông Nguyễn Hoàng Phúc khẳng định hiến tạng là việc làm nhân đạo, một nghĩa cử cao đẹp có thể góp phần cứu sống tận cùng cho người bệnh. Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng luôn trân trọng hành động này. Nhưng một khi hiến tạng mà kèm điều kiện thì không phải hành động nhân đạo mà là một hình thức trao đổi, mua bán vốn bị pháp luật cấm. Với bất kỳ một người nào tình nguyện hiến mô, tạng và bộ phận cơ thể mà không đòi hỏi bất kỳ điều kiện nào khác thì cần tôn vinh.

Chính sách của Nhà nước đối với người hiến tạng khi còn sống rất rõ ràng. Đó là: Tặng thẻ bảo hiểm miễn phí cả đời; tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân; được chăm sóc miễn phí ngay sau khi hiến tạng và thăm khám sức khỏe định kỳ miễn phí hàng năm… Với những người hiến tạng và bộ phận cơ thể người sau khi chết não, luật cũng quy định truy tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân.

Toàn cảnh cuộc giao lưu.

Ngoài ra, để thể hiện việc trân trọng giá trị nhân đạo, nhân văn của việc hiến mô, tạng và bộ phận cơ thể người, tùy từng cơ sở y tế tiếp nhận tạng của người hiến sau khi chết sẽ tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của người này và nếu gia cảnh khó khăn thì cơ sở y tế có thể tìm nhà hảo tâm để hỗ trợ một phần chi phí như chuyến xe về nhà mai táng hoặc miễn giảm một phần viện phí.

 PSG Hệ cung cấp thêm thông tin, hiện nay, trình độ và trang thiết bị tại cơ sơ y tế để thực hiện việc ghép mô, tạng, bộ phận cơ thể người không phải là quá khả năng của ngành y tế nước ta. Kể cả vấn đề chăm sóc sau khi ghép mô, tạng, bộ phận cơ thể người vì sau ca phẫu thuật, cả người hiến và người nhận đều phải có chế độ sinh hoạt riêng, chế độ chăm sóc y tế theo định kỳ một tháng một lần, chế độ thuốc uống…. Đối với ngành y của chúng ta hiện nay thì cái khó lại là việc điều trị chăm sóc bệnh nhân sau ghép. Và việc này chúng ta cũng đang làm rất tốt.

PGS.TS Đồng Văn Hệ khẳng định, vướng mắc lớn nhất trong hoạt động ghép tạng ở Việt Nam vẫn là nguồn hiến mô, tạng và bộ phận cơ thể người. Tuy vậy vẫn có nhiều câu chuyện cảm động về việc hiến tạng. Đó là lần PGS.TS Hệ đi công tác Quảng Ninh gặp một người chết não đồng ý hiến tặng. Khi đó, ông Hệ đã liên lạc qua điện thoại cho Giám đốc Bệnh viện Việt Đức và một ê kíp bác sĩ ở Bệnh viện Quảng Ninh đã đưa người này về Bệnh viện Việt-Đức bằng đường bộ để phục vụ việc ghép tạng. Thật là cảm động vì sau đó, có 4 người được ghép tạng từ người bị chết não này trong cùng một ngày và các phần khác như da, gân, giác mạc của người đó cũng được dùng để cứu nhiều người khác.

Nguyên nhân của việc thiếu nguồn hiến tạng theo ông Hệ là do công tác tuyên truyền của chúng ta chưa tốt. Để người dân nhận thức được hiến tạng là một nghĩa cử cao đẹp, nên làm thì chỉ tuyên truyền trong vòng 1-2 năm là chưa đủ mà phải cần tới 10-20 năm, thậm chí lâu hơn nữa. Và đặc biệt, công tác tuyên truyền không chỉ gói gọn trong phạm vi ngành y tế mà cần sự phối hợp tham gia của tất cả các ban ngành. Đặc biệt là trong giáo dục, cần phải dạy cho học sinh nhận thức được ý nghĩa nhân văn của hành động hiến mô, tạng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, một khi giải quyết được việc tăng số lượng người hiến tạng thì ngành Y tế của chúng ta sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề. Ngoài việc người được ghép tạng được hưởng lợi đầu tiên, thì ngành y tế sẽ được giảm tải các bệnh nhân nặng phải điều trị nội trú. Bên cạnh đó quỹ Bảo hiểm y tế cũng được giảm xuống. Người hiến tạng cũng “được” rất nhiều, vì ngoài những quyền lợi mà theo Luật quy định, thì bản thân người hiến tạng sẽ nêu một gương tốt cho người thân, gia đình và cộng đồng.

Lấy ví dụ về phong trào hiến máu nhân đạo. Cách đây khoảng hơn chục năm, người dân Việt Nam còn rất xa lạ với phong trào này. Tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại thì các bệnh viện đã có được một nguồn máu rất lớn từ đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia hiến máu. “Việc hiến tạng nếu được tuyên truyền tốt thì cũng sẽ được như vậy” - Ông Phúc chia sẻ.

Minh Tiến
.
.