Khi trang mạng trở thành “chiếc que cời rác”:

Giật gân câu khách - Ai hưởng lợi?

Thứ Tư, 06/08/2014, 18:00

Có vẻ như bây giờ "lộ hàng + báo mạng = nổi tiếng" đã không còn là công thức vàng để câu view như trước đây khi mà những hình ảnh lộ ngực khủng, khoe thân… đã trở nên lỗi thời.
Giờ, để câu view, những trang mạng, chủ yếu là các web, các chuyên trang giải trí lá cải dùng thủ thuật đẩy những nhân vật phản cảm, thậm chí dị dạng về hành vi, về nhân cách thành "nhân vật truyền thông".

Công nghệ câu view về bản chất thì vẫn nhơ nhuốc vậy, chỉ khác, công thức vàng sẽ chuyển từ "lộ hàng" thành những nhân vật khác biệt theo cách méo mó, bất chấp mọi quy chuẩn. Miễn sao để đạt được mục đích tối thượng: tăng view.

Ai cũng biết, view càng tăng thì quảng cáo càng bán được nhiều. Đồng nghĩa với việc, lợi nhuận thu được càng lớn.

Nhưng, ai là người được hưởng lợi thì lại là một câu chuyện dài, có cả những bi kịch, mà không phải ai cũng biết.

Nhuận bút trả theo view: Bèo bọt

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì ở hầu hết các trang mạng điện tử kiểu lá cải, phần lương cứng hàng tháng mà người viết bài được nhận thường khá khiêm tốn, chỉ một vài triệu đồng, thậm chí có nơi thì ngay cả cái khoản tiền ít ỏi mang tính tượng trưng ấy cũng không có. Người viết bài cho những trang mạng điện tử kiểu này sống chủ yếu bằng nhuận bút.

Nhưng nhuận bút ở các trang mạng kiểu này thường cũng không quá cao. Một biên tập viên cho chúng tôi biết, trung bình mỗi ngày trang mạng nơi chị làm việc post lên khoảng 200-300 tin bài và vì đây là web chuyên giải trí nên phần tin bài liên quan đến giải trí chiếm phần lớn trong số đó. Và, cũng bởi lượng tin, bài hàng ngày post lên mạng lớn như vậy nên nhuận bút tính bằng đơn vị "chục đồng" chứ không phải "trăm đồng" hay "triệu đồng".

Song, cùng với nhuận bút thì người viết cho các trang mạng này đều được trả thêm một khoản tiền nữa. Đó là tiền tính theo view. View càng cao thì tiền thưởng càng nhiều. Những người điều hành web sẽ thuê một dịch vụ đếm view hàng giờ, hàng ngày, đếm vào từng chuyên mục, từng tin bài. Kết quả đếm view dùng để làm căn cứ trả nhuận bút gia tăng cho người viết, đồng thời là căn cứ để quyết định xem tin bài đó sẽ được treo ở vị trí nào, trong thời gian bao lâu. View càng cao thì phần nhuận bút gia tăng càng nhiều. View càng cao thì tin bài đó càng được đứng lâu ở vị trí được coi là dễ đập vào mắt độc giả nhất. Điều ấy lý giải vì sao ở nhiều trang thông tin điện tử, báo mạng điện tử, những chùm tin bài phản cảm nhất lại trụ được lâu nhất, ở vị trí dễ thấy nhất

Và, câu view, bởi thế, trở thành áp lực sống chết, tồn tại hay không tồn tại đối với người viết và biên tập viên các trang mạng, báo mạng. Mọi thủ đoạn câu view cũng vì thế mà sinh ra.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang, Phó trưởng Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, người đã từng có nhiều nghiên cứu về lĩnh vực báo mạng điện tử và đạo đức nhà báo, trong một bài viết của mình đã trích một lá thư của phóng viên báo mạng gửi cô giáo.

Những trần tình về áp lực câu view, nghe sao mà chua xót: "Họ bắt chúng em phải "trăn trở" tìm cho được những chỗ "hở", "lộ" của người nổi tiếng, "săn" được những vụ "độc" rồi lại phải tìm những từ thật "đanh thép", thật "kêu" để đặt tít, chú thích ảnh… Độc giả càng rùng mình, càng kinh hãi càng hiệu quả. Lúc đầu em cũng thấy ngượng, xấu hổ nhưng không làm thế bài không được đăng. Lâu dần thành quen. Mỗi khi thấy bài vừa đưa lên đã có hàng trăm, hàng nghìn người click vào, mọi người trong tòa soạn đều vui, em cũng có cảm giác thật thỏa mãn…".

Thế cho nên, cũng chẳng có gì là khó hiểu khi mà xung quanh sự kiện ca sĩ Chế Linh về biểu diễn tại Hà Nội, một trang báo mạng quan tâm đến chuyện ca sĩ đã ở tuổi lão này xoay sở ra sao với mấy bà vợ. Chuyện ấy được đưa lên làm tít lớn với khẳng định "Chế Linh vẫn sinh hoạt đều đặn với các bà vợ" cùng sapô đậm ngay dưới tít: "Tôi có 4 người vợ và 14 con, 7 trai, 7 gái. Từ người vợ trước cho đến người vợ sau tôi đều tôn trọng và sinh hoạt đều đặn mặc dù không chung sống với nhau".

Thế cho nên đừng hỏi vì sao có trang mạng còn dành cả vị trí vàng để đưa cảnh đại gia cùng vợ "thử giường".

Thế cho nên Bà Tưng, Quân Kun với những hình ảnh và phát ngôn phản cảm nhất mới được truyền thông mạng tung hô và Lệ Rơi mới được trở thành nhân vật để "giao lưu trực tuyến".

Nhưng ám ảnh "Câu view hay là chết?" không chỉ treo trên đầu những người viết mà đè nặng lên cả người biên tập. Mỗi loại web có một dạng từ khóa để câu view. Người biên tập phải bằng thủ thuật nào đó tag được càng nhiều từ khóa câu view vào bài thì càng gặt được nhiều view. Một biên tập viên cho biết, người ta trả lương cho anh hàng tháng để anh gia tăng view cho các bài viết bằng cách xử lý nó với mọi thủ đoạn câu view. Anh hiểu điều ấy nên cái đích nhằm tới của công việc biên tập không phải để gia tăng giá trị của sản phẩm báo chí, những điều anh đã được học trong trường báo mà đơn giản chỉ để tăng view, bất chấp mọi nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp.

Là biên tập viên phụ trách, anh còn phải đăng ký trước lượng view sẽ đạt cho người quản lý theo từng tháng, từng quý. Tất nhiên là tháng sau bao giờ lượng view cũng phải cao hơn tháng trước. View trở thành con dốc kinh hoàng mà anh không thể không vượt qua. Bởi không đạt view đồng nghĩa với kết cục bị mất việc. Và, bởi vậy mà vì view nên phải bất chấp thôi…

Lệ Rơi trở thành khách mời giao lưu trực tuyến của một tờ báo.

Song, có một thực tế mà chúng tôi đã tìm hiểu ở nhiều trang thông tin, báo mạng điện tử dạng lá cải, thì phần nhuận bút gia tăng trả theo view cho người viết, cho biên tập viên rất bèo bọt. Kể cả view đạt đỉnh thì mức nhuận bút 1 triệu đồng cho mỗi bài chỉ là giấc mơ, một người viết cười chua xót khi chúng tôi hỏi chuyện. "Thường thì chỉ được thêm độ 100 nghìn đồng thôi" - chị nói. Bài đạt view đỉnh ở web giải trí nơi chị làm việc, chưa bao giờ vượt quá mức nhuận bút 400 nghìn đồng.

"Ngôi sao từ mạng rơi xuống": Đừng mơ hốt bạc!

Chấp nhận bị ném đá, bị dè bỉu để được cộng đồng mạng biết đến, những "ngôi sao mạng" luôn hướng đến mục đích là kiếm được tiền. Tuy nhiên, kiếm tiền từ thứ danh vọng này là điều không hề dễ dàng. Một vài cá nhân cũng gây ầm ĩ mạng như, Cao Thùy Linh với bộ ảnh nude bên ngựa, Quân Kun (hay Kun Sịp Vàng) với những trò nhố nhăng và hình ảnh dung tục… không thể kiếm được tiền. Vì không bầu show nào lại dại dột quẳng tiền mời những "ca" này.

Hiện tượng mạng một thời là Bà Tưng, có giá mời show diễn ở quán bar trước khi bị Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấm trình diễn, là khoảng 25 triệu đồng/ show. Dẫu vậy, giá mời show của Bà Tưng có thể bị giảm xuống tầm 15 triệu đồng/ show, tùy theo bầu show thương lượng có cứng tay hay không. Ở thời điểm này, Bà Tưng chủ yếu kiếm tiền từ các quảng cáo dựa vào độ hot trên facebook cá nhân. Quảng cáo sản phẩm trên facebook có giá độ 2 - 4 triệu đồng tùy sản phẩm.

"Ngôi sao đương đại" Lệ Rơi, khi được mời show ở quán bar tại Hà Nội có giá là 40 triệu đồng/ show. Nhưng, show này đã thất bại vì quản lý của quán bar sợ quán sẽ bị “ném đá” từ dư luận. Có thông tin, Lệ Rơi thu được 50 triệu cho những ca khúc thu âm trong phòng thu nhằm bán cho các tổng đài nhạc chuông nhạc chờ. Ông chủ của một quán cà phê tại TP HCM, cho biết, ông từng có ý định mời Lệ Rơi vào biểu diễn ở quán của mình.

"Sau khi trừ chi phí vé máy bay, ăn ở, tổ chức cho Lệ Rơi đi tham quan vài nơi ở miền Nam, chắc tôi sẽ gửi cho Lệ Rơi vài triệu tiền quà. Ban đầu, Lệ Rơi đồng ý nhận lời. Thế nhưng, kế hoạch này phải thay đổi vì cũng có nhiều nơi khác tại Hà Nội muốn mời Lệ Rơi", ông chủ quán cà phê cho biết.

Thêm thông tin nữa, Lệ Rơi đã làm việc với một đối tác của trang Youtube nhằm hướng đến mục đích kinh doanh các clip có nội dung ca hát của Lệ Rơi. Thế nhưng, đề nghị này của Lệ Rơi không được phía đối tác của Youtube mặn mà lắm. Bởi họ cho rằng, Lệ Rơi chỉ là một hiện tượng nhất thời, không lâu dài.

Kiếm tiền từ trang Youtube, cũng là cái đích hướng đến của nhiều "ngôi sao mạng" ở nước ta. Việc đăng ký tài khoản trên Youtube rất đơn giản, sau khi đăng ký, các "ngôi sao mạng" phải liên tục cho ra đời nhiều clip có nội dung hài hước, đa phần là dung tục nhằm câu được lượng người truy cập vào clip trên trang Youtube. (Việc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa có quyết định cấm bộ phim 18+ "Căn hộ số 69" hay xử phạt quảng cáo của Ngọc Trinh được chiếu trên Youtube là điển hình rõ nhất của hiện trạng bất chấp tất cả để câu view của những "ngôi sao mạng"). Tần suất post các clip này lên trang Youtube phải dày đặc, nhằm khiến nhà quản lý của Youtube lưu tâm.

Nếu Youtube lưu ý đến "ngôi sao mạng" nào đó, đơn vị này sẽ trả một khoản tiền cố định cho "ngôi sao mạng" theo một hợp đồng được ký kết dưới dạng đối tác. "Ngôi sao mạng" được trả lương, Youtube có thêm sự sống động về mặt nội dung.

Khi trở thành "người của Youtube" với lượng người truy cập vào clip khoảng trên dưới 1 triệu lượt xem, những "ngôi sao mạng" có thể chèn vào các nhãn hàng mà họ lấy được quảng cáo vào các clip mà họ thực hiện. Số tiền họ thu được của những sản phẩm quảng cáo này cũng không nhiều lắm, khoảng 3 triệu đồng. Ví dụ, họ vừa quay phim vừa uống nước ngọt của hãng giải khát X chẳng hạn, thì hãng giải khát X phải trả tiền cho "ngôi sao mạng".

Từ trước đến nay, "ngôi sao mạng" kiếm được cátsê cao nhất vẫn là nữ hoàng bikini Ngọc Trinh, với giá cátsê khoảng từ 5.000 - 7.000 USD/ show. Dẫu vậy, đó là cátsê của quãng thời gian trước, khi mà nền kinh tế chưa gặp khó khăn.

"Ở thời điểm này, không ai bỏ ra 5.000 USD để mời show bất kỳ một ngôi sao nào. Chẳng ai còn khả năng đó cả", một quản lý nói với PV Chuyên đề ANTG.

Như vậy, để câu view, cho dù những người viết, những biên tập viên phải nhắm mắt bước qua những nguyên tắc nghề nghiệp, thậm chí có những khi bất chấp cả đạo đức làm nghề thì lợi nhuận mang lại cũng ít ỏi, nếu không muốn nói là bèo bọt. Nói như một biên tập viên thì tiền view, thật chua xót chỉ đáng hai bát phở Hà Nội mà thôi. Các ngôi sao mạng, bán mình đến thế, rẻ rúm đến thế, chấp nhận hứng chịu đủ mọi dè bỉu thì không phải đã hốt được bạc sau các cú lăng xê trên mạng. Vậy thì, lợi nhuận quảng cáo sẽ rơi vào túi ai?

Và, vì thế, không phải không có lý khi nhiều người cho rằng, rơi vào túi những nhà đầu tư chứ còn ai nữa. Họ đứng ở đằng sau tất cả những chiêu trò ấy, họ dường như vô can và ung dung hưởng lợi.

Không thể phủ nhận khi sống trong một xã hội với nhu cầu đa dạng thì những thông tin giật gân, câu khách cũng đang làm thỏa mãn một bộ phận bạn đọc. Nhưng cùng với hàng trăm, hàng nghìn người nhấp chuột vào những thông tin trên là con số gấp nhiều lần hơn thế của những độc giả đang ngày càng mất niềm tin vào báo chí nói chung, báo mạng điện tử nói riêng. Câu khách như vậy là coi khinh độc giả. Xin mượn lời của nhà văn, nhà báo tiền bối Ngô Tất Tố: "Có ai là người muốn họ quý trọng bằng cách ấy không? Người vô giáo dục thì không biết chứ người có giáo dục, chắc không ai rẻ mình mà ưu cái kiểu thô tục ô uế ấy".

Có ý kiến cho rằng, công bằng, khách quan, tôn trọng sự thật và trách nhiệm là những giá trị tốt đẹp từ bao đời nay của báo chí. Cần phải đem chúng vào truyền thông xã hội để làm nó lành mạnh hơn, mang tính trách nhiệm hơn, thu hút được trí tuệ, khả năng sáng tạo của hàng triệu người nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Tuy nhiên, không chỉ truyền thông xã hội mà hiện nay, chính trong báo mạng điện tử (một loại hình của báo chí), những giá trị đó cũng cần được nhấn mạnh và đề cao hơn bao giờ.

TS. Nguyễn Thị Trường Giang
Phó trưởng Khoa Phát thanh - Truyền hình Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Nhóm PV
.
.