Giới trẻ Hàn Quốc đổ xô tới Bắc Kinh tìm kiếm việc làm

Thứ Tư, 16/03/2016, 14:15
Người trẻ Hàn Quốc đang phải đối diện với những khó khăn ngày càng gia tăng khi tìm kiếm việc làm tại đất nước quê hương. Thực trạng này đã khiến nhiều người phải lao đi tìm việc làm, bươn chải cuộc sống ở hải ngoại và Bắc Kinh là một trong những điểm đến của họ.

1. Ji Eun là một công dân Hàn Quốc 34 tuổi, song từ 8 năm qua cô đã làm việc tại một trường mầm non tư thục ở Bắc Kinh. Eun có vốn tiếng Anh và tiếng Hoa trôi chảy, song điều đáng nói nữa là cô còn có nhiều phẩm chất tốt, có nền tảng học vấn cơ bản, có vẻ ngoài kín đáo, nghiêm túc do phong cách ăn mặc không cầu kỳ nhưng phù hợp và có thái độ rất nhã nhặn khi cô thường cúi mình chào các bậc phụ huynh và các bé mầm non mỗi khi chào đón họ.

Không chỉ là một người phụ nữ Hàn Quốc điển hình, Eun còn có mọi thứ, tuy nhiên cô không có ý định trở về quê hương, bất chấp thực tế là họng cô luôn bị viêm do sương mù ở Bắc Kinh quá dày. "Cuộc sống ở Hàn Quốc khó khăn và chán nản hơn là sống với sương phủ ở Bắc Kinh" - Eun nói. "Với một người tốt nghiệp từ một trường đại học kém danh tiếng ở Hàn Quốc như tôi thì để kiếm được một công việc ở đất nước mình chẳng khác gì với sao trên trời".

Sự cạnh tranh trong thị trường tìm kiếm việc làm ở Hàn Quốc vô cùng khốc liệt và chỉ có một số nơi tuyển dụng sinh viên vừa tốt nghiệp có nền tảng học tập đáng chú ý, như các sinh viên từng theo học ở 3 trường đại học hàng đầu Hàn Quốc, gồm Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yongsei, trước khi họ làm thạc sĩ hoặc tiến sĩ tại các trường danh tiếng ở hải ngoại.

"Các bạn nữ của tôi ở Hàn Quốc thường dậy từ 5 giờ sáng. Họ tập thể dục và trang điểm. Vào thời gian rảnh, họ được đào tạo nghiệp vụ và "tháp tùng" các ông chủ đi uống rượu sau giờ làm" - Eun cho biết. "Ngoài ra, họ còn phải chú ý đến việc chăm sóc da và dành tiền để phẫu thuật thẩm mỹ".

Phải chịu sự phân biệt đối xử so với các đồng nghiệp nam, nhiều lao động nữ ở Hàn Quốc thường bị coi là kém cỏi. "Tôi rất nhớ nhà, nhưng khi nhìn cuộc sống của các bạn mình, tôi lại không muốn trở về" - Eun chia sẻ.

Bắc Kinh hiện được coi là "thiên đường" tìm kiếm việc làm của giới trẻ Hàn Quốc.

2. Theo Wang Xiaoling, nhà nghiên cứu thuộc Viện Chiến lược Toàn cầu & Châu Á Thái Bình Dương, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết thị trường việc làm trì trệ ở Hàn Quốc khiến giới trẻ nước này nản cả chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con, kết bạn.

Nền kinh tế của Hàn Quốc từng phát triển nhanh, song đã ngưng trệ kể từ khi bán đảo này rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 1998. Thị trường việc làm đang xấu đi do hậu quả của việc chuyển đổi và nâng cấp các ngành công nghiệp trong nước. Tỷ lệ việc làm ở thị trường nội địa rất thất thường, trong khi lượng sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp ngày càng tăng. Để giải quyết những vấn đề này, Chính phủ Hàn Quốc và ngành giáo dục Hàn Quốc phải khuyến khích giới trẻ ở đất nước này hãy tìm kiếm cơ hội ở hải ngoại.

Mô hình cuộc sống gồm tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng, tìm được việc làm, kết hôn, vay tiền mua nhà và nuôi dạy con cái từng rất phổ biến trong thời kỳ quá độ ở Hàn Quốc trong những năm 1970, khi nhiều nông dân đã trở thành các công dân đô thị trung lưu. Thế nhưng, 30 năm sau đó, lối sống đầy hứa hẹn ấy đã kết thúc do các dấu hiệu khủng hoảng từ thị trường việc làm.

Với tấm bằng tiến sĩ từ một trường đại học ở Mỹ và đã có kinh nghiệm làm việc ở Singapore và Hong Kong, Jae Seok kết hôn ở tuổi 40. Anh đang có ý định mua căn nhà mà vợ chồng anh đang thuê. Mặc dù so với cha mẹ mình, Jae kết hôn muộn hơn họ 10 năm, tuy nhiên anh vẫn được xem là may mắn bởi sau khi tốt nghiệp, anh luôn có việc làm.

"Nếu bất cứ người trẻ nào cũng cố gắng có được một cuộc sống thành công như Jae, họ nhất thiết phải làm tốt và có năng lực hơn anh ta" - Wang nói.

Jae có một cô em gái hiện 36 tuổi. Không tìm được việc làm ổn định như anh trai, người phụ nữ trẻ này đã tới nhiều nước cùng bạn trai để tìm kiếm việc làm tạm thời và do vậy họ đã tiêu hết cả số tiền tiết kiệm được.

"Tuy không kiếm được một công việc ổn định, song ít nhất chúng tôi cũng có thể được hưởng sự tự do cuộc đời" - em gái Jae chia sẻ.

Tuy nhiên, cô ngày càng thấy căng thẳng trước ngưỡng tuổi 40 của mình và hy vọng sẽ sinh con khi đã ổn định. Với nhiều chứng chỉ huấn luyện thể thao và có trải nghiệm là một huấn luyện viên Taekwondo đội tuyển quốc gia của một nước châu Phi, cô đang cố gắng mở lớp đào tạo thể thao cho trẻ em ở Bắc Kinh.

3. Còn Hye Won lại xuất thân từ một gia đình trung lưu. Cha mẹ và ông nội cô đều là giáo sư, Hye Won từng theo học tại một trường đại học danh tiếng ở Hàn Quốc và đã qua đợt kiểm ra trình độ tiếng Trung. Cô từng học tiếng Anh 1 năm tại một trường của Mỹ và đã tới Nhật Bản học tiếng. Hye Won là một sinh viên xuất sắc và đã làm thạc sĩ tại trường Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong 3 năm học ở Bắc Kinh cô rơi vào tình trạng trầm cảm và từng có ý định tự tử.

Hye Won mắc chứng trầm cảm một phần do chương trình học tập quá nặng và cảm thấy cô đơn với cuộc sống ở hải ngoại. Thêm nữa, cô luôn cảm thấy lo lắng bởi sự nghiệp còn chưa rõ ràng của mình. Cha mẹ luôn thuyết phục cô từ bỏ những nỗ lực của cô để trở thành một giáo sư trong bối cảnh sức cạnh tranh trong thị trường việc làm ngày càng khốc liệt, luôn đòi hỏi trình độ học vấn từ các trường đại học danh tiếng.

Hye Won cho biết, cô khó có được một cuộc sống đáng nể như cha mẹ mình, khi họ đã nỗ lực để trở thành những công dân thuộc tầng lớp trung lưu từ 2 bàn tay trắng. Won đã từ bỏ kế hoạch tiếp tục học ở Mỹ và đang cố gắng tìm một công việc ở Bắc Kinh và trải nghiệm làm việc ở nước ngoài sẽ giúp cô có thể tìm được việc làm ở Hàn Quốc.

Trong khi đó, Yeon Hak là một chàng trai 30 tuổi sinh ra trong một gia đình doanh nhân. Ông nội Hak là người sáng lập ra một công ty cỡ vừa, trong khi cha anh là một giám đốc ngân hàng. Hak đã tới cả Hong Kong và Bắc Kinh để thực tập và học hành sau khi tốt nghiệp đại học ở Mỹ. Mặc dù nền kinh tế Hàn Quốc đang gặp nhiều khó khăn và có thể ảnh hưởng tới các cơ hội tìm việc làm của Hak, song anh vẫn rất lạc quan. Anh đang định phát triển sự nghiệp của mình từ sự khởi đầu ở Bắc Kinh.

Phúc Quyên (Lược dịch)
.
.