Giọt máu hồng của người làm báo Công an nhân dân

Chủ Nhật, 21/06/2020, 10:44
Sáng 16-6 vừa qua là một dịp đặc biệt của những người làm báo thuộc Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an). Họ đã hiến dâng những giọt máu hồng vì nhân dân, vì đồng đội thân yêu đúng vào dịp Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Hàng trăm đơn vị máu được hiến đã bổ sung vào kho dự trữ máu của Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, trở thành món quà quý giá cho người bệnh, lan đi tinh thần sẻ chia vì cộng đồng...

Các đồng chí lãnh đạo Cục Truyền thông Công an nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện.

Hiến máu là hoạt động thường niên

Mới 7 giờ sáng nhưng không khí đã trở nên rộn ràng và ấm áp tại trụ sở Cục Truyền thông Công an nhân dân (CAND). Các đồng chí lãnh đạo cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên của Cục đã có mặt, hào hứng tham gia ngày hội hiến máu. Khác với những buổi ghi hình thường ngày, sân khấu trường quay S1 hôm ấy nhường chỗ cho các hoạt động hiến máu.

Hàng ghế dành cho người hiến máu chạy dài hết sân khấu không còn chỗ trống. Bóng dáng các y, bác sĩ thuộc Trung tâm Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) tất bật di chuyển trên sân khấu để tổ chức lấy máu và hướng dẫn, động viên người tham gia hiến máu. 

Trung tướng Mai Văn Hà - Cục trưởng Cục Truyền thông CAND có mặt tại đơn vị từ rất sớm để cùng cán bộ, chiến sĩ hiến máu. Đồng chí Cục trưởng nhấn mạnh rằng, đây là cuộc vận động lớn và là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Cục Truyền thông CAND năm 2020, thể hiện trách nhiệm xã hội lớn lao, ý thức chính trị sâu sắc đối với Tổ quốc, với Đảng và lực lượng Công an. Đồng chí Cục trưởng biểu dương, ghi nhận những tấm lòng cao cả, những giọt máu nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Cục Truyền thông CAND đã tích cực hưởng ứng tham gia hiến máu tình nguyện, chung sức cùng cộng đồng, để ngày hội hiến máu được lan tỏa mạnh mẽ và trở thành hoạt động thường niên trong toàn đơn vị.

Cười rất tươi khi đang ngồi ở hàng ghế hiến máu, Trung úy Nguyễn Tiến Trung - Bí thư Đoàn thanh niên Báo CAND nói với tôi rằng, dù đây không phải là lần đầu đi hiến máu nhưng anh vẫn thấy xúc động khi nghĩ đến hành trình của những giọt máu nghĩa tình sẽ đến được với đồng đội đang trong quá trình cấp cứu và điều trị. Mỗi giọt máu nhỏ xuống - một niềm hy vọng khởi lên, mỗi giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại, đây có lẽ chính là mệnh lệnh từ trái tim thôi thúc Trung và đồng đội san sẻ giọt máu quý giá giúp đỡ các bệnh nhân là những chiến sĩ CAND và người thân của họ.

“Sứ giả đỏ” 47 lần hiến máu

Trong số hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia hiến máu, có nhiều đồng chí đã thực hiện nghĩa cử cao đẹp này không phải 1 lần mà rất nhiều lần. Thượng úy Phạm Văn Chung - cán bộ Phòng Quản lý báo chí và xuất bản CAND là một tấm gương điển hình khi đã 45 lần hiến máu toàn phần và 2 lần hiến tiểu cầu, trở thành một trong những cán bộ, chiến sĩ tham gia hiến máu nhiều nhất của Bộ Công an.

Với người chiến sĩ có số lần hiến máu nhiều gấp rưỡi tuổi đời ấy, việc san sẻ những giọt máu quý giá đã thành một thói quen từ trong suy nghĩ. Chung kể về hành trình hiến máu nhẹ nhàng như không. Đầu năm 2009, khi còn đang là sinh viên, lần đầu tiên Chung ngồi vào bàn đăng ký hiến máu, tim loạn nhịp vì hồi hộp. Nhưng khi vào hiến máu, được các y, bác sĩ động viên, giải thích rõ các bước lấy máu thì Chung không còn lo lắng nữa.

Tính đến ngày 16-6, Thượng úy Phạm Văn Chung, Phòng Quản lý báo chí và xuất bản CAND đã có 47 lần hiến máu cứu người.

Lần đầu tiên cầm tờ giấy chứng nhận hiến máu, Chung thấy thật đặc biệt khi biết được nhóm máu của mình, biết rằng lượng máu mình cho đi đạt tiêu chuẩn để truyền cho người bệnh. Vượt qua lần đầu tiên ấy, Chung thấy hoàn toàn khỏe mạnh và tự tin tham gia những lần tiếp theo.

Năm 2010, sau khi ra trường, Chung trở thành phóng viên của Báo Điện Biên xông xáo đi địa bàn và vẫn hăng hái đi hiến máu. Trong một lần đi viết bài về nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Chung tận mắt chứng kiến bé gái 6 tuổi người dân tộc bị thương nặng, mất nhiều máu. Trước tình thế sự sống của bé gái ngàn cân treo sợi tóc, Chung không ngần ngại đăng ký hiến máu trực tiếp cho cô bé.

Thật may, nhóm máu của Chung phù hợp với bệnh nhân. Bé gái đã qua cơn nguy kịch khi được tiếp thêm nguồn máu quý giá. Và đó là lần duy nhất Chung biết rõ ai là người đã nhận máu của mình. Bởi với Chung, những giọt máu cho đi là không bao giờ mong nhận lại, cũng không quan tâm đến người nhận là ai. Từng giọt máu đều đáng quý nhưng sẽ trở nên quý giá hơn khi mang lại sự sống cho nhiều người.

12 năm nay, cứ đủ thời gian sau 3 tháng, sức khỏe ổn định là Chung lại đi hiến máu. Khi đã công tác trong lực lượng CAND thì hiến máu trở thành một hoạt động không thể thiếu, thậm chí Thượng úy Chung còn tự đặt chỉ tiêu hiến máu cho bản thân. Không chỉ tham gia hiến máu theo các đợt phát động trong lực lượng CAND, Chung thường đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, các trạm y tế phường - bất kỳ địa điểm nào có thể san sẻ được nguồn máu của mình cho cộng đồng.

Sau 12 năm hiến máu, “gia tài” mà Chung có được là 47 giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện. Mỗi lần nhận thêm một giấy chứng nhận hiến máu, không chỉ anh mà cả gia đình cùng trân trọng, cất giữ như những kỷ niệm đáng nhớ trong đời. Với những thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện của tuổi trẻ CAND, Thượng úy Phạm Văn Chung đã nhận được nhiều bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Chung cười bảo với tôi, chắc chắn số lần hiến máu sẽ không dừng ở con số 47 khi anh còn đủ sức khỏe để hiến, cốt mong sao điều đó giúp ích cho cộng đồng.

Với Trung úy Nguyễn Tiến Trung - Bí thư Đoàn Thanh niên Báo Công an nhân dân, hiến máu là mệnh lệnh từ trái tim.

Nhân lên những giọt máu hồng

Tại buổi hiến máu của lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Cục Truyền thông CAND, Đại tá Vũ Hải Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) đánh giá rằng cán bộ chiến sĩ Cục Truyền thông CAND không chỉ tích cực tham gia hiến máu mà còn phát huy tốt vai trò thông tin, tuyên truyền, tổ chức, vận động hiến máu, nhằm lan tỏa tinh thần hiến máu trong toàn lực lượng CAND và cả cộng đồng. Bởi nếu một người đi hiến máu thì mỗi lần cũng chỉ cho được một đơn vị máu. Nhưng nếu làm tốt công tác vận động hiến máu thì mỗi lần có thể huy động được hàng trăm đơn vị máu, cứu sống được nhiều người bệnh.

Song song với hành trình hiến máu, Thượng úy Phạm Văn Chung còn tích cực tham gia vận động hiến máu ở một số trường đại học trong và ngoài lực lượng CAND, là tình nguyện viên của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để dốc sức huy động nguồn máu từ cộng đồng. Đã nhiều lần Chung tham gia đoàn đạp xe, phát tờ rơi để phát động phong trào hiến máu cứu người. Chứng kiến những gương mặt bệnh nhân biến dạng do bệnh tan máu bẩm sinh, nhiều cơ thể yếu ớt đến nỗi không để tự đi lại được trong những ngày chờ đợi nguồn máu để được cứu sống, Chung luôn bị ám ảnh và như mắc nợ họ.

Năm 2017, Phạm Văn Chung vinh dự là đại biểu đại diện cho Bộ Công an đi dự Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc và Sự kiện toàn cầu “Ngày Quốc tế người hiến máu” do Việt Nam đăng cai tổ chức. Chung đã được gặp ông Floris Langendam là người hiến máu nhiều nhất thế giới. Người đàn ông Hà Lan này tham gia hiến máu từ khi 18 tuổi và đến khi 68 tuổi đã có gần 600 lần hiến máu cứu người.

Được gặp gỡ những người hiến máu tiêu biểu từ khắp nơi trên thế giới, Chung cảm nhận được tinh thần lạc quan, tràn đầy nhiệt huyết và một sức khỏe căng tràn từ họ. Chung cũng biết được rằng, ở rất nhiều nước trên thế giới, phong trào hiến máu luôn diễn ra sôi nổi và có sự tham gia của người dân ở nhiều độ tuổi, từ thanh niên đến cao niên.

Ở Việt Nam, phong trào hiến máu những năm qua đã lan tỏa toàn xã hội nhưng vẫn có một số người có nhận thức về hiến máu và an toàn truyền máu chưa đúng và chưa đủ. Lực lượng chính tham gia hiến máu vẫn là thanh niên, trong đó sinh viên các trường đại học, cao đẳng là chủ yếu. Điều đó lý giải tại sao cứ đến dịp hè, hay trong mùa dịch bệnh COVID-19 vừa qua - khi sinh viên dừng việc học tập trung tại trường thì ngân hàng máu phục vụ người bệnh cũng trở nên khan hiếm.

Cũng có nhiều người khi là sinh viên thì hăng hái hiến máu nhưng khi ra trường, đi làm thì dường như đánh mất thói quen đáng quý này. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang để phí nguồn máu từ cộng đồng.

Vậy phải tuyên truyền thế nào để ngày càng có nhiều người dân ở các độ tuổi tham gia hiến máu? Rất nhiều người vẫn giữ tâm lý cho rằng máu rất quý, rằng “một giọt máu bằng sáu bát cơm”, nên đã từ chối thẳng thừng khi được vận động hiến máu. Bạn bè Chung vẫn có người hiểu lầm rằng Chung đi bán máu lấy tiền. Ban đầu, Chung buồn lắm nhưng rồi tự nhủ lòng mình hãy cứ làm những điều có ích cho xã hội rồi dần dần mọi người sẽ hiểu.

Cán bộ, chiến sĩ Cục Truyền thông Công an nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện tại Trường quay S1.

Chung luôn tuyên truyền đến người dân rằng hiến máu là an toàn và giúp ích cho người bệnh, thậm chí còn có lợi cho người hiến. Với những ai đã từng hiến máu, hãy lan tỏa tinh thần hiến máu thay vì làm người khác bi quan, lo lắng và nhụt chí. Và không chỉ hiến một lần, hãy hiến thêm nhiều lần nữa, hướng tới hiến máu định kỳ và hiến ở bất cứ điểm hiến máu nào.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã từng phát đi thông điệp trên toàn thế giới, rằng đừng chờ đợi đến khi tai họa xảy ra, hãy hiến máu cứu người và hiến thường xuyên. Với những người có đủ sức khỏe, hãy tăng thể tích máu mỗi lần hiến, từ 250ml đến 350ml, rồi 450ml cho một đơn vị máu.

Thượng úy Phạm Văn Chung còn vận động những người trong gia đình tham gia hiến máu. Theo gương anh trai, hiện tại, 2 người em gái của Chung cũng đã có hơn 20 lần hiến máu. Đặc biệt, gia đình nhỏ của Thượng úy Chung còn được ca ngợi là “gia đình hiến máu” khi vợ anh cũng đã 10 lần cùng chồng đi hiến máu cứu người.

Chỉ cần biết được rằng, hằng năm có thêm nhiều người được cứu sống nhờ truyền máu thì Thượng úy Chung và đồng đội đã, đang và sẽ nguyện là những người anh hùng thầm lặng chia sẻ những món quà quý giá của cuộc sống, để hình ảnh những chiến sĩ công an hiến máu cứu người trở nên quen thuộc và gần gũi với người dân.

Huyền Châm
.
.