Góc khuất chương trình “Đổi đầu tư lấy quốc tịch”

Thứ Bảy, 05/09/2020, 06:00
Các chương trình đầu tư để có được quyền công dân tại nhiều quốc gia trên thế giới hiện đang thu hút một số lượng lớn các cá nhân thuộc tầng lớp thượng lưu tại các quốc gia đang phát triển. Những người này quan tâm đến việc đưa một tấm hộ chiếu thứ hai vào danh mục đầu tư của mình.

Bên cạnh một tấm thị thực tự do đi lại thì một tấm hộ chiếu thứ hai còn mang lại khả năng lưu động cao hơn nữa. Tuy nhiên, xu hướng phát triển nhanh chóng của các chương trình như thế này cũng đang tạo ra những lỗ hổng lớn để các thành phần tiêu cực lợi dụng, không chỉ vì mục đích kinh tế mà còn vì các mục đích xấu khác liên quan đến chính trị, xã hội, thậm chí còn đe dọa phá vỡ các quy tắc dân chủ tại những khu vực thu hút đầu tư cao như châu Âu và Bắc Mỹ.

“Quốc tịch thứ hai giống như một chính sách bảo đảm trong thế kỷ XXI”.

Ngày càng phổ biến

Theo luật sư người Thụy Sĩ Christian Kalin, những quan niệm truyền thống về quyền công dân đã lỗi thời: Ông cho rằng cần phải suy nghĩ lại về điều này và giải thích rằng nguồn gốc của con người không phụ thuộc vào tài năng hay kỹ năng của họ, mà đó chỉ đơn thuần là một “sự may mắn”.

Các chương trình này cũng nhận được sự ủng hộ của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF). Thực thể quốc tế này cho rằng các chương trình cấp quyền công dân để đổi lấy đầu tư của một quốc gia là một hoạt động “đôi bên cùng có lợi”. Những dòng tiền lớn đến từ các chương trình này đã giúp thúc đẩy tăng trưởng và việc làm. Xu hướng này đã tạo ra sự bùng nổ của cái gọi là chương trình đầu tư để lấy quốc tịch hay là quyền công dân kinh tế thời gian gần đây, theo đó cho phép những người thuộc giới thượng lưu đến từ các nước đang phát triển hoặc đang nổi được quyền hợp pháp xin cấp hộ chiếu để có thể đi lại thuận lợi hơn tại khu vực Shcengen, châu Âu hay Bắc Mỹ. Đến năm 2019, đã có khoảng 14 chương trình đầu tư để đổi lấy quốc tịch được áp dụng trên thế giới.

Lý do quan trọng nhất khiến chương trình này ngày càng phổ biến trong thời gian gần đây là bởi người đăng ký nhập tịch được phê duyệt một cách rất nhanh chóng, chỉ trong vòng từ 2 đến 3 tháng mà thậm chí không cần phải có một chuyến đi nào trước đó đến quốc gia sở tại hay các yêu cầu về cư trú nào khác, trừ Cộng hòa Malta yêu cầu 1 năm cư trú và Cộng hòa Síp yêu cầu ít nhất 6 tháng cư trú trước khi được nhận quyền cư trú tại đây.

Chương trình “Đầu tư để đổi lấy quyền công dân” tạo nhiều kẽ hở cho các tội phạm rửa tiền, tham nhũng....

Sự phát triển của thị trường hộ chiếu

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng đầu tư để sở hữu quyền công dân, thị trường mua bán hộ chiếu cũng ngày càng phổ biến. So với cách đây 50 năm, việc một quốc gia cho phép công dân sở hữu 2 quốc tịch là điều khá hiếm thấy, song hiện nay, xu hướng này đã trở nên rất phổ biến. Hiện, có hơn một nửa quốc gia trên thế giới có các chương trình cấp quyền công dân cho những người có các khoản đầu tư “tương xứng” vào nước họ. Theo chuyên gia Christian Kalin, đây đã trở thành một nền công nghiệp toàn cầu có giá trị lên tới 25 tỷ USD mỗi năm.

Bất chấp những ý kiến trái chiều, thị trường hộ chiếu vẫn phát triển mạnh mẽ. Lấy ví dụ về tấm hộ chiếu quốc đảo Vanuatu, một “thiên đường thuế” và vừa gia nhập “danh sách đen” của châu Âu về các vấn đề tham nhũng và sự minh bạch tài chính: Nhiều người sở hữu tấm hộ chiếu này thậm chí còn chưa từng đặt chân lên đất nước.

Thay vào đó, họ chỉ cần đăng ký xin cấp quyền công dân tại các văn phòng khác ở nước ngoài, chẳng hạn như hãng tư vấn trung gian PRG tại Hong Kong, một trong những thị trường mua bán hộ chiếu lớn nhất thế giới. Trả lời phỏng vấn CNN, M.J. - một doanh nhân người Hong Kong chuyên hỗ trợ cho các công dân Trung Quốc đại lục sở hữu những tấm hộ chiếu thứ hai, thậm chí thứ ba, nói về các khách hàng của mình: “Họ muốn vào châu Âu để mở tài khoản ngân hàng, để mua tài sản hoặc hoạt động kinh doanh”.

Những rủi ro và các mánh khóe đầu tư

Đối với nhiều nhà đầu tư quốc tế và các gia đình giàu có, việc lựa chọn sở hữu một quốc tịch thứ hai thông qua một chương trình đầu tư để lấy quốc tịch được cho là mang lại cho họ những cơ hội quan trọng để đảm bảo tương lai cho các thành viên trong gia đình và sự thịnh vượng của họ. Tuy nhiên, liệu một quốc tịch thứ hai có gây ra rủi ro nào hay không? Quá trình sở hữu quốc tịch thông qua đầu tư liệu có tồn tại những cạm bẫy?

Trên thực tế có nhiều nước cấm hoặc hạn chế quyền sở hữu quốc tịch thứ hai, một số khác thì cho phép nhưng lại yêu cầu công dân của mình trình báo việc họ đạt được bất cứ quyền cư trú hay quốc tịch mới này, nếu không sẽ bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí là phải chịu trách hình sự.

Trong thập niên trước, đã có nhiều quốc gia đề ra các chương trình đầu tư để có quyền công dân với mục tiêu thu hút nhân tài và vốn bằng cách cung cấp quyền công dân hoặc quyền cư trú để đổi lấy mức độ đầu tư hoặc đóng góp “tương xứng” cho nền kinh tế của quốc gia sở tại. Đây là một điều tốt theo đúng nghĩa của nó, trong chừng mực mà nó mang lại sự thịnh vượng về kinh tế và những nhân tài cần thiết cho đất nước, điều vốn được người dân địa phương hết sức ủng hộ.

Tuy nhiên, chủ đề này cũng là một chủ đề rất nhạy cảm về chính trị. Chẳng hạn, tại các quốc gia như Malta, nơi chính trường địa phương bị phân cực, thì đảng đề ra những chương trình như thế này sẽ phải đối mặt với một sự phản ứng rất mạnh mẽ, thường là từ các bè phái trong đảng đối lập (chứ không hẳn là toàn đảng), những người đã đưa ra các lập luận phản đối việc “bán hộ chiếu cho các tội phạm giàu có”.

Tờ Al-Jazeera mới đây vừa công khai phóng sự điều tra của họ về các tài liệu bị rò rỉ của Chính phủ Cộng hòa Síp, theo đó tiết lộ quốc gia này đã bán quốc tịch cho hàng chục người nước ngoài có liên quan đến các hành vi phạm tội hoặc tham nhũng.

Hộ chiếu của Cộng hòa Síp có ý nghĩa quan trọng đối với các cá nhân đến từ những quốc gia bị cấm nhập cảnh vào châu Âu, bởi Síp là một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và tấm hộ chiếu của nước này cho phép người sở hữu nó nhập cảnh, đi lại, làm việc và có tài khoản ngân hàng tại tất cả 27 quốc gia thành viên.

Theo các tài liệu mật có tên Hồ sơ Đảo Síp, trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2019, chính phủ quốc đảo này đã phê chuẩn hơn 1.400 đơn xin cấp hộ chiếu, trong đó đa phần là người Nga, Trung Quốc và Ukraine. Trong số 500 đơn xin cấp hộ chiếu của Trung Quốc được phê duyệt, có cả các nữ doanh nhân giàu nhất châu Á, Đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc và Chính hiệp Trung Quốc, các chủ doanh nghiệp nhà nước...

Malta bán hộ chiếu với giá 650.000 euro cho các công dân nước ngoài không có thời gian cư trú một năm ở nước sở tại.

Điều đáng nói là việc xin hộ chiếu hoặc thường trú lâu dài của một quốc gia khác ở Trung Quốc Đại lục là không vi phạm pháp luật nhưng Đại lục không công nhận 2 quốc tịch. Trong khi đó, những người giữ chức vụ quan trọng trong các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc không được mang hộ chiếu nước ngoài.

Điều này đã làm dấy lên những hoài nghi lớn về Chương trình Đầu tư Đảo Síp. Những kẻ lừa đảo bị kết án, các tội phạm rửa tiền và các nhân vật chính trị bị cáo buộc tham nhũng nằm trong số hàng chục người từ hơn 70 quốc gia đã mua cái gọi là "hộ chiếu vàng" từ Síp.

Sự đầu tư của các cá nhân Trung Quốc cũng bị những người dân Vanuatu chỉ trích. Thủ tướng Vanuatu Barak Sope lên án việc nước này bán quyền công dân là một sự “phản bội”, ám chỉ “dòng lũ đầu tư” của Trung Quốc vào khu vực. Ông phàn nàn rằng “các công ty Trung Quốc có nhiều tiền hơn chúng ta rất nhiều nhưng họ luôn giữ tiền của mình và chỉ tuyển dụng các lao động người Trung Quốc.

Với nhu cầu bùng nổ từ thị trường Trung Quốc, Dan McGarry, tổng biên tập một tờ báo địa phương, cho rằng sẽ khó có thể có một sự thay đổi trong chính sách trong tương lai gần. Theo Dan, doanh số bán hộ chiếu hiện chiếm hơn 30% doanh thu của cả nước. "Đối với một đất nước nhỏ bé như chúng tôi, đây là một vấn đề lớn. Nhưng, chúng ta phải tự hỏi rằng liệu đây có phải là những gì mà chúng ta hướng tới hay không? Điều này có đúng không? Bán đi chủ quyền mà chúng ta khó khăn lắm mới giành được cho kẻ trả giá cao nhất liệu có đúng hay không?”

Đó là một câu hỏi mà nhiều quốc gia, không chỉ Vanuatu, sẽ phải đau đầu tìm lời giải trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa.

Ảnh hưởng chính trị

Về ảnh hưởng chính trị tiêu cực của việc liên kết quyền công dân với đầu tư, có thể lấy ví dụ qua câu chuyện của Frank Stronach, một tỷ phú gốc Áo nhập cư vào Canada và trở thành một doanh nhân có tiếng trên thương trường Canada. Theo luật pháp Áo, Stronach mất quốc tịch Áo khi trở thành công dân Canada. Tuy nhiên, sau khi thành lập các chi nhánh đại diện châu Âu của công ty mình tại Áo, ông đã được cấp quyền công dân theo một điều khoản đặc biệt không yêu cầu cư trú hoặc từ bỏ quốc tịch khác và điều đó cũng được sử dụng để nhập quốc tịch Nga cùng với các nghệ sĩ và vận động viên thể thao nổi tiếng với lý do “có những thành tích xuất sắc phục vụ lợi ích của nước cộng hòa”.

Sau khi lấy lại quốc tịch Áo, Stronach bắt đầu mua lại ảnh hưởng chính trị bằng cách tuyển dụng các cựu chính trị gia cho công ty của mình. Năm 2012, Stronach đã mua cho mình một đảng chính trị mà ông gọi là “Đội ngũ Stronach” và thực hiện một chiến dịch tranh cử tốn kém. Dù đã có những phần thể hiện khá ngờ ngệch trong các cuộc tranh luận trên truyền hình và nhận được ít phiếu bầu hơn dự kiến nhưng chính trường Áo hiện đã có một đảng trong Quốc hội được thành lập và đặt tên theo một công dân - nhà đầu tư.

Có lẽ, ngay từ đầu Stronach đã không nên mất quyền công dân Áo. Nhưng cách mà ông có thể lấy lại quốc tịch Áo thông qua những khoản đầu tư của mình đã mở rộng cánh cửa cho những ảnh hưởng tiêu cực của ông đối với nền chính trị Áo sau này.

“Bán" quốc tịch và những ảnh hưởng tiêu cực

Ngoài những góc tối với những ảnh hưởng chính trị và xã hội tiêu cực của các chương trình cấp quyền công dân để đối lấy đầu tư, các tiến trình được gọi là bán quốc tịch này còn bị coi là đang phá hoại tính dân chủ trên toàn thế giới.

Quốc tịch có 2 mặt: một mặt hướng về các quốc gia khác, mặt còn lại hướng về chính các công dân bên trong quốc gia này. Có thể lấy EU làm ví dụ điển hình. Chính sách bán hộ chiếu của EU cho các nhà đâu tư bị cho là đang làm biến dạng cả hai mặt này. Các nước thành viên thực hiện chương trình này kiếm tiền từ giá trị gia tăng của quyền công dân EU, điều vốn được thiết lập bởi tất cả các nước thành viên EU chứ không chỉ riêng bất kỳ nước nào.

Sự bất bình đẳng về quốc tịch trên toàn cầu sẽ càng trầm trọng hơn thay vì được giảm nhẹ đi nếu như những cá nhân thuộc tầng lớp thượng lưu có thể mua lại những quốc tịch có giá trị. Còn trong nội khối EU, việc bán quốc tịch được cho là sẽ phá hoại nền dân chủ theo một cách tương tự như là việc mua phiếu bầu. Là một liên minh của các nền dân chủ, EU cần phải lo ngại khi mà tính dân chủ đang bị hủy hoại bởi quy tắc của đồng tiền tại bất cứ quốc gia thành viên nào trong đó.

Ngoài sự không công bằng trong việc phân chia lợi ích tiền tệ từ giá trị của quốc tịch EU, các quốc gia thành viên cũng có lý do để lo ngại về việc bất kỳ ai trong số các công dân của họ là những người có nguồn gốc nước ngoài, sinh ra và cư trú ở nơi khác mà không có liên kết thực sự với quốc gia này. Những người này có khả năng sử dụng hộ chiếu của họ cho các mục đích khác chứ không phải là "trở lại" những quốc gia mà họ đã có quốc tịch.

Có nhiều ý kiến ủng hộ lập luận về việc mua bán hộ chiếu của ông Kalin, rằng những quan niệm truyền thống về quyền công dân đã lỗi thời, song cũng có nhiều người cho rằng ý tưởng coi những tấm hộ chiếu, vốn gắn liền với bản sắc của con người, là những món hàng, thì không phù hợp cho lắm.

Ngọc Bích
.
.