Góp một ý kiến cho quy hoạch Hồ Gươm

Chủ Nhật, 15/02/2009, 19:55
Một vòng dạo qua cuộc trưng bày "Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận" mới thấy 9 phương án đưa ra đều hoành tráng, nhưng cũng lại cần bàn thêm về... ý tưởng.

Lẽ ra việc quy hoạch Hồ Gươm phải được tham khảo ý kiến công luận từ cách đây... hơn chục năm rồi. Khi mà những vấn đề xôn xao dư luận hồi đó về kiến trúc tòa nhà "Hàm Cá Mập" rồi tòa nhà "Hà Nội Vàng" cần được xem xét đầy đủ vì mang phong cách xa lạ với kiến trúc cổ truyền hoặc xây cao quá làm hỏng cảnh quan Hồ Gươm, dễ biến Hồ Gươm thành một cái ao...

Thế rồi, ào ào một dạo, mọi chuyện hóa ra lại mang màu sắc... cải lương. "Hàm Cá Mập" được sửa sang qua loa, rồi cũng vẫn lại gần giống như cũ. "Hà Nội Vàng" không được xây như thiết kế dự định nhưng lại nhiều công trình bê tông cao tầng khác được xây dồn dập hơn.

Hồ Gươm thoáng đãng dạo nào nay đã... lùn đi biết bao trong mắt người Hà Nội. Chưa đến nỗi biến thành ao, nhưng đã có những khối nhà bê tông cao tầng ngân hàng, công sở mọc lên như không biết sợ... quy hoạch là gì.

Cuộc trưng bày đã đưa ra được 9 phương án, đều có những mặt mạnh và yếu. Có những ý tưởng tốt nhưng lại thiếu tính khả thi như phải di chuyển một vài khu dân cư đông đúc, khi mà việc giải tỏa mặt bằng vốn đã là một căn bệnh nan y của Hà Nội.

Có đề án lại dự định xây một cái tháp Thăng Long ven Hồ Gươm. Liệu có nên không khi mà một cái tháp như vậy sẽ lấn át tượng Vua Lý cạnh đó, lấn át cả một cái tháp bút "viết thơ lên trời cao" ở đền Ngọc Sơn. Có nên không khi biến một dãy phố cổ phía bắc, ở phố Đinh Tiên Hoàng thành một dãy khách sạn mini.

Khi mà khách sạn mọc lên rồi thì ắt hẳn các biển quảng cáo, mọi hoạt động quanh dãy phố khách sạn như vậy ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của hồ. Có dự án lại xây dựng biểu tượng "Tứ bất tử" tức bốn vị thánh ở ven hồ. Mới nhìn thì có vẻ mang đậm tính chất truyền thống lịch sử. Nhưng thực ra biểu tượng hơi thô và cũng chẳng nói lên điều gì.

Một dự án lại xây dựng cả một "Bảo tàng Hồ Gươm" đặt ven hồ. Có cần không, khi mà chỉ qua vài phố ngắn là đã có hai bảo tàng lớn nhất nước là Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Cách mạng thì hà cớ gì lại thêm một bảo tàng nữa ở đây, chưa kể liệu biết bày cái gì trong bảo tàng hay cũng chỉ là bản sao của các bảo tàng nổi tiếng.

Theo chúng tôi, Hồ Gươm là đối tượng quy hoạch đặc biệt. Có thể ví đây là nơi "lắng hồn núi sông ngàn năm", là viên ngọc quý. Mỗi nước đều trưng ra ở thủ đô của mình một viên ngọc quý như vậy, để khoe với thiên hạ những gì cốt lõi của văn hóa nước mình, để thu hút khách du lịch muôn phương.

Người Pháp chọn một đoạn đôi bờ sông Seine để quảng bá cho dân tộc mình, có cả tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn, nhà thờ Đức Bà, điện Elýsees... Thái Lan cũng có khu Hoàng Cung với chùa Phật Ngọc.

Nếu chúng ta quy hoạch Hồ Gươm, phải tìm ra điểm nhấn. Đó là một không gian đẹp đã đành, nhưng còn là một không gian tâm linh, gắn với lịch sử của Vua Lê với sự tích trả gươm thần huyền thoại.

Vì thế, trong tương lai, phải có quảng trường Lê Lợi bề thế, có tượng Vua Lê uy nghi mà chiều cao không thể kém tượng Vua Lý Công Uẩn hiện nay. Vị trí quảng trường này nên ở khu phía tây hồ, nơi có bức tượng Lê Lợi vốn có nhưng kích thước còn quá nhỏ. Hai quảng trường của hai vua sẽ như một sự đăng đối qua tâm của hồ.

Bên cạnh hai quảng trường lớn, nên có một số quảng trường nhỏ hơn. Điều đó phải tính đến chuyện quỹ đất và giải phóng mặt bằng. Một số công sở không nhất thiết phải nhoi ra mặt tiền Hồ Gươm như các trụ sở cơ quan bưu điện, văn hóa, điện lực, ngân hàng... nên lui vào những lớp phố sâu hơn nữa để nhường chỗ cho các quảng trường, công viên.

Nếu như ta giải phóng được các khối bê tông công sở thì không gian Hồ Gươm sẽ rộng ra nhiều, từ nhiều góc được nới rộng hơn sẽ ngắm hồ đẹp hơn. Mà chuyện giải phóng các công sở này hoàn toàn có tính khả thi.

Một ngôi chùa rất đẹp vốn nằm ven hồ bị phá đi xây Nhà Bưu điện là chùa Báo Ân, còn ảnh chụp. Di tích còn lại chính là tháp Hòa Phong ven phố Đinh Tiên Hoàng hiện tại. Kiến trúc Nhà Bưu điện hiện tại là một khối bê tông đồ sộ mà không đẹp vốn xây đè lên nền chùa Báo Ân.

Nếu như dời được đi như một vài phương án kiến trúc đề nghị, thì nên phục dựng lại ngôi chùa này. Chùa Báo Ân với những kiến trúc đẹp của một thời, nay có thể là một điểm nhấn quan trọng của mặt tiền hồ Hoàn Kiếm như vốn có từ xưa.

Chúng ta hoàn toàn có thể phục dựng được ngôi chùa này trên cơ sở khoa học, cũng như chúng ta đã từng phục dựng dãy nhà Thái học bên trong Văn Miếu trước đây. Một ngôi chùa Báo Ân được phục dựng cùng với những đền Ngọc Sơn, Tháp Bút, đền Bà Kiệu đều là các nét đẹp tâm linh của hồ chắc sẽ trường tồn mãi với thời gian.

Để thu hút du lịch, cũng nên tính đến chuyện các nhu cầu vui chơi giải trí và mua sắm của du khách trong và ngoài nước. Mặt đường phía bắc và phía nam của hồ hiện là hai dãy phố dân cư, chỉ cần cải tạo theo các quy định của phố cổ là đã có được các cửa hàng bán đồ lưu niệm, quán ẩm thực phục vụ ngày đêm.

Bên cạnh đó, một số kiốt lưu động bán hàng phục vụ du khách cũng là một giải pháp "mềm" trên các tuyến đường quanh hồ cho thêm sinh động mà không cần thiết phải mọc lên những trung tâm thương mại làm gì. Một giải pháp mềm nữa là các sân khấu di động, các hội chợ di động sẽ được sử dụng trong không gian các quảng trường.

Chuyện giao thông cũng là vấn đề đáng nói. Con đường quanh hồ dứt khoát chỉ dành cho người đi bộ. Còn giao thông cơ giới nên là một hệ thống đường xa hồ hơn, có thể mở thêm đường và cả những khu vực để xe nổi và ngầm rộng rãi nữa.

Hồ Gươm, ai đi xa mà không nhớ?

Nhưng sẽ nhớ lâu hơn nếu như được đi dạo ven hồ qua những quảng trường thoáng đãng, công viên và những di tích lịch sử tồn tại nhiều đời nay, hơn là nhớ những trung tâm thương mại đồ sộ mà một vài phương án quy hoạch đề ra trong cuộc trưng bày này

PGS.TS. Trịnh Sinh
.
.