Phát động cuộc thi viết về đề tài: "Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống 2007-2010":

Góp phần khắc hoạ hình tượng chiến sỹ Công an cụ Hồ trong văn học

Thứ Bảy, 08/09/2007, 07:53
"Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 2007-2010" không chỉ là sự tôn vinh hay đề cao vai trò của Lực lượng Công an mà phải được coi là dịp để các nhà văn có những trang viết đi sâu vào tâm tư, tình cảm của người chiến sĩ công an thông qua đó, khắc họa được cuộc đấu tranh gian khổ, thầm lặng mà vô cùng cao cả của anh chị em trong thời bình, để đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Tiến tới kỷ niệm 65 năm thành lập Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2010); kỷ niệm 60 năm Công an nhân dân học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy (11/3/1948 – 11/3/2008) và thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, sáng ngày 4/9, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức phát động cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 2007–2010”.

Đồng chí Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an đã tới dự.

Hơn 60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Lực lượng CAND Việt Nam đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia và đấu tranh với các loại tội phạm đã xuất hiện hàng vạn tấm gương tập thể, cá nhân cán bộ, chiến sĩ an ninh, chiến sĩ cảnh sát tiêu biểu.

Những con người ấy đã vượt qua gian khó đời thường, vượt qua hy sinh, mất mát, vững vàng, kiên quyết đối với kẻ thù nhưng cũng thật giản dị, chân thành, mang đậm chất lãng mạn của người Công an cách mạng, rất đáng được điển hình hóa thành những hình tượng văn học nghệ thuật của đất nước.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại lễ phát động, đồng chí Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn nêu rõ: Đất nước ta đang bước vào giai đoạn hội nhập. Yếu tố đảm bảo an ninh chính trị và trật tự xã hội luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi thế, đây phải là cuộc đấu tranh của toàn dân, trong đó Lực lượng CAND là nòng cốt.

Cuộc chiến đấu này không ồn ào như những trận chiến vũ trang nhưng cũng thật quyết liệt không kém phần cam go, đòi hỏi huy động sức chiến đấu và sự tham gia của toàn dân. Chính vì thế, từ phong trào Bảo vệ An ninh Tổ quốc nay đã đổi thành phong trào Toàn dân tham gia Bảo vệ An ninh Tổ quốc. Đây cũng có thể được coi là đặc trưng của Việt Nam đối với các quốc gia khác trong công cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia mà bất cứ chính thể nào cũng phải theo đuổi.

Vì vậy việc phát động cuộc thi viết về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 2007-2010" không chỉ là sự tôn vinh hay đề cao vai trò của Lực lượng Công an mà phải được coi là dịp để các nhà văn có những trang viết đi sâu vào tâm tư, tình cảm của người chiến sĩ công an thông qua đó, khắc họa được cuộc đấu tranh gian khổ, thầm lặng mà vô cùng cao cả của anh chị em trong thời bình, để đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. --PageBreak--

Sự có mặt của đông đảo gần 100 nhà văn Việt Nam trong và ngoài Lực lượng CAND tại buổi lễ phát động đã chứng tỏ sự quan tâm của lực lượng những người viết văn với mảng đề tài hấp dẫn này.

Và cũng có thể coi đó là cách bày tỏ sự tri ân của các nhà văn, của Lực lượng những người cầm bút đối với những chiến công, những hy sinh cao cả của Lực lượng CAND. Nhà văn Nguyễn Như Phong đã đại diện cho các nhà văn công an tham dự phát biểu ý kiến khẳng định sẽ tham gia hết mình vì sự thành công của cuộc thi lần này.

Với đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, các nhà văn sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi trong quá trình sáng tạo tác phẩm. Có lẽ bởi tại cuộc đấu tranh chống các thế lực thù địch, chống các loại tội phạm với những pha đấu trí, đấu lực một mất một còn bản thân nó đã là một sự hấp dẫn.

Tuy nhiên, đề tài, nguyên mẫu, cốt truyện chưa phải là những yếu tố quyết định sự thành công của một tác phẩm văn học cũng như sự tồn tại của nó trong lòng công chúng. Để những tác phẩm văn học viết về đề tài này đạt tới chiều sâu đòi hỏi mỗi người cầm bút phải nỗ lực không ngừng trong sáng tạo để có thể biến những chất liệu thô ráp vốn có của đời sống thành hình tượng văn học.

Quả thực, đây vừa là lợi thế nhưng cũng vừa là trở ngại khi tiếp cận đề tài này. Từ những nguyên mẫu có thực là những tấm gương sáng của các tập thể, cá nhân cán bộ, chiến sĩ công an, với tài năng và tâm huyết của mình, các nhà văn sẽ xây dựng nên những hình tượng văn học điển hình có sức hấp dẫn và lay động đối với công chúng độc giả.

Phải làm sao để các hình tượng văn học này có tính cách riêng, số phận riêng, nhưng đều có nét chung của người chiến sĩ công an là thông minh, khôn khéo, quả cảm giàu đức hy sinh vì nước vì dân.

Cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tốt và cái xấu không chỉ diễn ra giữa hai phe ta - địch mà còn diễn ra ngay đối với những người cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Khắc họa được hình ảnh đó là một việc làm không dễ. \

Chính bởi vậy, như lời phát biểu của Thiếu tướng Lê Ngọc Nam, Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo cuộc thi, thì đây sẽ là dịp để động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà văn chuyên nghiệp và các cây bút trong cả nước sáng tạo những tác phẩm văn học xuất sắc, phản ánh trung thực, sinh động những chiến công thầm lặng của Lực lượng CAND Việt Nam và toàn dân ta trong sự nghiệp Bảo vệ an ninh Tổ quốc và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đồng thời góp phần tuyên truyền việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

1. Nội dung cuộc thi: Viết về người chiến sĩ CAND Việt Nam và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

2. Thể loại: Tiểu thuyết, truyện và ký.

3. Đối tượng tham gia: Tất cả các nhà văn chuyên nghiệp và không chuyên trong và ngoài Lực lượng Công an đều có thể gửi tác phẩm dự thi.

4. Về tác phẩm: Tác phẩm dự thi phải là tác phẩm chưa xuất bản hoặc chưa in trọn vẹn trên báo, tạp chí. Bản thảo dự thi được viết tay hoặc đánh máy rõ ràng, sạch sẽ, một mặt trên khổ giấy A4. Đối với thể loại truyện và ký, tác phẩm dự thi phải có độ dày từ 100 trang in khổ 13x19cm trở lên (không nhận tập truyện ngắn). Mỗi tác giả có thể gửi một hoặc nhiều tác phẩm dự thi. Bản thảo không được trả lại.

5. Thời gian và địa chỉ nhận tác phẩm: Bắt đầu nhận bản thảo dự thi từ ngày 5/9/2007, kết thúc vào ngày 30-6-2010 (theo dấu bưu điện). Địa chỉ nhận: Nhà xuất bản Công an nhân dân – 167 Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ngoài bì ghi rõ: Tác phẩm dự thi tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 2007–2010”.

6. Cơ cấu giải thưởng: Các giải thưởng được chấm chung cho 3 thể loại, với dự kiến cơ cấu giải thưởng bao gồm: 3 giải A trị giá mỗi giải 30 triệu đồng; 5 giải B trị giá mỗi giải 20 triệu đồng; 7 giải C trị giá mỗi giải 15 triệu đồng; 7 giải khuyến khích trị giá mỗi giải 5 triệu đồng.

P.V

Phan Việt Anh
.
.