Grabtaxi được thí điểm kinh doanh tại 5 tỉnh, thành: Ai được lợi?

Thứ Ba, 01/12/2015, 13:05
Xuất phát từ quan điểm là bảo vệ lợi ích cho khách đi xe, việc cho phép thí điểm kinh doanh vận tải khách kiểu Grabtaxi đã chính thức được cấp thẩm quyền đồng ý từ giữa tháng 10. Nhưng ngày 2-11 vừa qua Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP HCM tiếp tục nhận được yêu cầu từ Hiệp hội Taxi thành phố đề nghị cấm Công ty Uber, Công ty Grabtaxi do kinh doanh vận tải “taxi trá hình”.

Kiểu kinh doanh "hơi tí là than khó" đã lỗi thời

Từ khi lĩnh vực vận tải khách bằng taxi xuất hiện loại hình Ubertaxi, rồi đến Grabtaxi, đã không ít lần Hiệp hội Taxi TP HCM và đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống lên tiếng phản ứng, cho rằng đây là hình thức kinh doanh không công bằng, lách luật, thậm chí là không nộp thuế…

Gần đây nhất, đầu tháng 11 vừa qua Hiệp hội Taxi TP HCM tiếp tục đề nghị Sở GTVT thành phố cấm Công ty Uber, Công ty Grabtaxi do kinh doanh vận tải "taxi trá hình".

Nhưng trước quan điểm phải cho phép loại hình kinh doanh taxi này tham gia thị trường để tạo sự đột phá cũng như đem lại tiện lợi nhất cho khách đi xe, Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Xuân Cường cũng chỉ có thể chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về điều kiện kinh doanh đối với các xe tham gia Uber, Grab.

Đồng thời kiểm tra, xử lý mạnh đối với các phương tiện tham gia sử dụng phần mềm Grab, Uber nếu có vi phạm, kể cả hành vi đối với xe kinh doanh vận tải mà "Không niêm yết tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phía ngoài thân xe" hoặc không niêm yết khẩu hiệu "Tính mạng con người là trên hết"...

Rõ ràng, với việc cho phép thí điểm trên, lĩnh vực kinh doanh vận tải khách bằng taxi đã tiến thêm một bước dài nhờ áp dụng công nghệ thông tin. Nhưng nhìn lại hoạt động kinh doanh taxi truyền thống, tuy doanh thu hàng ngày là khá cao, thì chỉ với việc đầu tư gắn hộp đen để kiểm soát hành trình nhằm tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Hiệp hội Taxi TP HCM đã phải xin cho lùi thời gian thực hiện đến 8 tháng.

Thời điểm này việc chấp hành gắn hộp đen cho taxi vẫn chưa thể thực hiện đồng loạt chỉ với lý do chờ tích hợp thêm phần mềm in hóa đơn và đồng hồ tính tiền vào chung trong hộp đen. Ngay như yêu cầu các hãng phải tự lo bến bãi đậu xe để chấm dứt tình trạng taxi chạy long nhong trên đường cả ngày lẫn đêm; xe taxi chiếm dụng lòng lề đường làm nơi đậu đỗ hoặc đánh liều mượn bãi đậu xe tại các cây xăng đối tác để tài xế taxi vào đổ xăng kiêm luôn việc giao ca, bàn giao xe gây mất an toàn về phòng chống cháy nổ… đến nay nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi ở TP HCM cũng vẫn không chịu thực hiện.

Trong khi đó, đa số xe tham gia hoạt động kiểu Grabtaxi sẽ đậu ở gara hoặc ở nhà, bãi đỗ tư nhân. Chỉ khi nào  khách gọi mới xuất phát nên có thể sẽ hạn chế được một lượng xe đáng kể chạy trên  đường.

Lực lượng chức năng kiểm tra một xe taxi.

Kinh doanh taxi kiểu truyền thống, hễ khách đi xe gọi điện tới tổng đài, tổng đài của hãng taxi thông báo công khai qua bộ đàm về vị trí khách cần lên xe, lập tức sẽ có vài ba xe, thậm chí là năm bảy xe cùng hãng ở gần khu vực đó chạy ào ào tới. Thực trạng này không chỉ góp phần gây thêm cảnh ùn tắc, tai nạn giao thông mà hiện tượng tài xế trong cùng một hãng giành khách, cự cãi nhau về chuyện đến trước đến sau để giành quyền đón khách trong một hãng taxi đó đây vẫn xảy ra.

Để ngăn chặn, gần đây một số hãng taxi lớn tại TP HCM đã thực hiện phân chia địa bàn hoạt động theo từng quận hay từng khu vực. Nhưng như vậy, mỗi khi khách gọi xe ở những vị trí không thuận tiện lại phải chờ đợi khá lâu.

Anh Bùi Hải, một người dân ở Gò Vấp, khu vực giáp ranh với quận 12 phản ánh, trước kia mỗi khi cần gọi taxi của hãng V, chỉ cần sau vài phút là có xe tới, nhưng gần đây gọi xe của hãng này thường phải chờ mất 15-30 phút.

Dò hỏi lái xe nguyên nhân là sao, anh Hải mới biết do hãng taxi này đã phân chia địa bàn, tuy nhà anh ở quận Gò Vấp, thì những xe của hãng đậu phía quận 12 cách đó vài trăm mét có nghe được tổng đài thông báo cũng không dám chạy qua. Khách phải chờ xe đậu ở khu vực cách đó vài cây số xuống đón nên thời gian chờ đợi mới lâu như vậy.

Cần sự hợp tác của hành khách

Mặc dù đã ra quân quyết liệt trong việc kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải khách nhằm bảo đảm an toàn cho chính bản thân khách đi xe và góp phần đảm bảo công bằng trong kinh doanh vận tải khách bằng taxi. Song từ đầu năm đến nay Thanh tra Sở GTVT TP HCM cũng chỉ xử phạt được 129 trường hợp xe tham gia hoạt động taxi theo hình thức Uber, Grab và một số loại hình khác.

Trong đó, vi phạm của chủ xe tập trung vào các lỗi như kinh doanh vận tải bằng xe ôtô nhưng không chịu đăng ký kinh doanh và không có giấy phép kinh doanh; không đảm bảo các điều kiện kinh doanh theo đăng ký; không có danh sách, hợp đồng vận chuyển theo quy định; xe không gắn hộp đen; không có phù hiệu và không niêm yết tên, số điện thoại của doanh nghiệp vận tải…

Lý giải về tình trạng xe tham gia hoạt động taxi dưới dạng Uber, Grab vi phạm điều kiện kinh doanh nhan nhản, nhưng chỉ phát hiện, xử phạt được rất ít như vậy, ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT cho hay, chủ yếu là do hành khách chưa chịu hợp tác với thanh tra. Tài xế vừa trả khách xuống xe, thanh tra lập tức ập đến kiểm tra nhưng tài xế nại lý do xe quen, xe nhà và khách đi xe gật đầu xác nhận điều này là lực lượng kiểm tra chỉ còn biết đứng ngó?

Thậm chí, ngay cả khi nhìn thấy khách đi xe rút tiền trả tài xế, thanh tra GTVT cũng không dễ kiểm tra điều kiện kinh doanh của chủ xe nếu khách nói rằng đó là tiền đưa cho tài xế đi ăn sáng hoặc uống cà phê. Ngày 23-11 vừa qua, khi lực lượng thanh tra GTVT kiểm tra điều kiện kinh doanh của một xe hoạt động dưới danh nghĩa taxi kiểu này, nhưng tài xế nhất quyết không chịu hợp tác. Đã vậy tài xế này còn la lối, kích động người đi đường dừng lại cùng tụ tập gây mất trật tự an toàn giao thông.

Taxi "vón cục" trên đường càng góp phần gây ra cảnh kẹt xe.

Dù vậy, giới tài xế hoạt động Grab hay Uber cũng không phải không có lý. Không tâm phục, khẩu phục việc xử phạt lỗi không có hợp đồng… bằng giấy mang theo để xuất trình khi thanh tra GTVT kiểm tra, một tài xế tham gia Grab nêu ý kiến: Cho phép thí điểm dịch vụ kết nối để chở khách theo hình thức hợp đồng hay còn gọi là "xe hợp đồng điện tử", cơ quan chức năng cũng nên sớm công nhận hình thức hợp đồng điện tử này để tránh phạt oan lái xe. Tỏ ra không dễ bị giới taxi truyền thống chụp mũ, rằng kinh doanh không đóng thuế, một lái xe tham gia Uber cũng cho rằng, Uber đặt công ty ở nước ngoài, căn cứ theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, Uber đã nộp thuế… ở nước sở tại(?)

Thực ra, để hoạt động ở trong nước, xe Uber đã đăng ký vào doanh nghiệp vận tải nào đó thì phải nộp một số loại thuế, phí nhất định chứ nói Uber trốn thuế là hoàn toàn chưa chuẩn xác. Vấn đề đặt ra là quản lý làm sao để buộc các xe nhàn rỗi tham gia chạy taxi bằng hình thức Uber đều phải chấp hành nghiêm các điều kiện kinh doanh. Chứ ngay khi thử nhìn lại hoạt động kinh doanh taxi truyền thống, chỉ với việc in hóa đơn cho khách đi taxi, dù đã được nhắc đến vài năm, thì đến nay vẫn chưa thấy thực hiện?

Điều này có phải taxi truyền thống cũng đang cố tình trì hoãn công khai chuyện doanh thu để dễ bề nhập nhèm về thuế? Về giá cước, khi giá xăng đã giảm cả chục lần trong vòng một năm nay, thử hỏi taxi truyền thống giảm cước được mấy lần? Do vậy chuyện khách quay ra sử dụng loại hình taxi tiện lợi, xe tốt giá cước rẻ này cũng là hiển nhiên.

Chưa dừng lại ở những vấn đề trên, giới tham gia hoạt động taxi theo hình thức Uber hay Grab còn cho rằng, chuyện tài xế taxi truyền thống của một số hãng "xào chẻ" với những khách đi xe không thông thuộc đường sá thành phố bằng cách chạy đường vòng. Hoặc lấy lý do đường này đường kia cấm xe, kẹt đường để đi đường vòng với những khách rành đường để móc thêm tiền của khách đi xe. Rồi cả chuyện taxi truyền thống trong sân bay mặc cả với khách đi các chặng ngắn cho đủ sở hụi một cuốc xe… vẫn thỉnh thoảng xảy ra.

Trong khi đó, cho phép áp dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh vận tải khách như kiểu Grabtaxi, sau vài thao tác đặt chỗ qua phần mềm trong điện thoại, sẽ có người gọi tới báo quãng đường, báo giá, khách đồng ý là chỉ vài phút sẽ có xe.

Với hành khách, chia sẻ về lý do tại sao chọn Grabtaxi, ông Hữu Bảo, một người dân ở quận 3 cho biết, thỉnh thoảng ông có việc phải đi từ nhà xuống thành phố mới Bình Dương rồi quay về. Gọi taxi truyền thống, dù đồng hồ tính cước chỉ báo hết khoảng 1,6 - 1,7 triệu đồng, nhưng ông vẫn phải trả 2 triệu đồng do hãng tính cả tiền cho thời gian chờ. Trong khi đi Grab hay Uber chỉ phải trả trên dưới 1,5 triệu đồng. Đã vậy còn được đi xe đẹp như đi xe nhà vì rất khó nhận ra đó là taxi; tài xế không vận đồng phục của hãng nào nên trông lại càng giống tài xế riêng của người đi xe… đây cũng là điều đáng suy ngẫm với giới kinh doanh taxi truyền thống.

5 tỉnh, thành phố đã được Chính phủ đồng ý với Bộ GTVT về việc cho phép Grabtaxi triển khai thí điểm dịch vụ kết nối cho loại xe chở khách dưới 9 chỗ ngồi theo hình thức hợp đồng điện tử là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh. Thời gian thí điểm là 2 năm.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố trong phạm vi thí điểm để hướng dẫn doanh nghiệp triển khai thực hiện, bảo đảm quản lý chặt chẽ việc thực hiện thí điểm, đặc biệt là trong công tác quản lý thuế; trong đó lưu ý bảo đảm cạnh tranh lành mạnh cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Thái Bảo
.
.