Gulnara Karimova – Một “Paris Hilton” Uzbekistan

Thứ Ba, 19/06/2018, 07:01
Một nhà ngoại giao, người mẫu, nhà thiết kế, ca sĩ và là một quý bà của giới thượng lưu sở hữu nhiều bất động sản sang trọng tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới – đó chính là Gulnara Karimova, con gái của cố Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov.

Gulnara còn được biết đến nhờ mối quan hệ mật thiết với hoàng gia Anh, kết bạn với nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nhân vật từng được đánh giá là một trong những phụ nữ nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất thế giới này đã có một sai lầm không thể sửa chữa khi đứng ra chống lại cả gia đình mình. Đó cũng là lý do Gulnara được mệnh danh là một “Paris Hilton” của Uzbekistan.

Tài sản khổng lồ

Ngay sau cái chết của Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov vào năm 2016, các phương tiện truyền thông phương Tây đã đua nhau tính toán về gia sản mà con cái của ông được hưởng. Danh sách báo chí công bố khiến nhiều người phải sửng sốt – những cô con gái của Karimov – tại Uzbekistan vẫn được mệnh danh là những công chúa – sở hữu hàng loạt tài sản tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới.

Gulnara Karimova luôn là nhân vật nổi bật trong đám đông.

Cô con gái cả Gulnara Karimova có một căn nhà lớn tại trung tâm London, một penthouse tại tổ hợp “Arka” – Hồng Kông, 3 penthouse khác và hai biệt thự trong khu khách sạn sang trọng Jumeirah Zabeel Saray (UAE) được mua với giá 36,9 triệu USD, khu đất tại The Palm Jumeirah trị giá hơn 13 triệu USD, hai căn hộ tại tòa nhà chọc trời Damac Heights tại khu vực Dubai Marina (Vịnh Dubai), chưa kể một vài bất động sản sang trọng khác tại Paris, Moskva và Thụy Sỹ.

Cô em gái Lola tuy có danh mục tài sản khiêm tốn hơn nhưng cũng khiến mọi người phải trầm trồ. Cô được báo chí phương Tây nhắc đến lần đầu tiên vào năm 2013 sau khi bỏ ra 58 triệu USD mua cung điện Le Palais tại Los Angeles.

Công chúa của ánh hào quang

Trong suốt thời gian cầm quyền của cha mình, Gulnara được coi là một trong những người phụ nữ giàu có và ảnh hưởng nhất trong không gian hậu Xôviết. Người ta luôn bắt gặp cô tháp tùng các thành viên hoàng gia Anh trong những sự kiện của giới quý tộc, quen biết với nhiều nguyên thủ quốc gia trên khắp thế giới.

Những hoạt động mà Gulnara tham gia cũng khó có thể kể hết: Cô tốt nghiệp ngôi trường danh tiếng Harvard, điều hành hàng chục doanh nghiệp, là nhà thiết kế trang phục, thiết kế đồ kim hoàn với phong cách riêng khá ấn tượng. Gulnara nắm giữ đai đen của nhiều môn võ thuật, có thể nói thành thạo 4 thứ tiếng, làm thơ và sáng tác một số bài hát từng đứng hàng đầu trong bảng xếp hạng. Trong một clip ghi âm bài hát của mình, Gulnara còn đóng chung với diễn viên nổi tiếng Gerard Depardieu.

Gulnara được coi là người phụ nữ không bao giờ chịu lùi bước trước bất cứ điều gì. Như cựu đại sứ Anh tại Uzbekistan là Craig Murray từng mô tả: “Gulnara xinh đẹp, nhưng lại là hình mẫu một người phụ nữ độc ác đáng sợ như trong các bộ phim về James Bond. Giàu có hơn Paris Hilton, nhưng chắc chắn là thông minh hơn, sexy hơn vì tôi đã từng gặp cả hai người này”.

Nhà ngoại giao này nhớ lại thời ông còn làm việc tại Uzbekistan, Gulnara kiểm soát gần như toàn bộ thị trường in ấn và quảng cáo tại đây. Thậm chí có thời điểm, người ta còn bắt gặp hình ảnh của cô trên đường phố còn nhiều hơn cả người cha. “Cô hiện diện ở khắp nơi: các bài hát của cô được phát liên tục trên đài, còn chân dung thường xuyên xuất hiện trên những biển quảng cáo khổng lồ” – nhà sản xuất John Colombo từ Los Angeles, người từng tham gia xây dựng một clip âm nhạc cho con gái của nhà lãnh đạo Uzbekistan, nhớ lại.

Kẻ nổi loạn trong gia đình Karimov

Cho đến trước khi mọi chuyện bất ngờ xoay chiều, có cảm tưởng như con gái cả của Tổng thống Uzbekistan là nhân vật không thể xâm phạm. Ngay cả trên chính trường với nhiều cương vị từng trải qua như chủ tịch của nhiều quỹ từ thiện xã hội, Thứ trưởng Bộ ngoại giao, đại diện Uzbekistan tại Liên Hiệp Quốc, đại sứ tại Tây Ban Nha – Gulnara đã trở thành nhân vật nổi bật nhất trong giới chính trị thượng lưu Uzbekistan.

Gulnara trong buổi ra mắt bộ sưu tập Guli của mình tại Tashkent vào năm 2012. 

Phải nói là mạng xã hội đã trở thành công cụ giúp Gulnara khuyếch trương hình ảnh rất nhiều. Trang cá nhân của cô ta trên Twitter được mọi người theo dõi cả tại Uzbekistan cũng như trên khắp thế giới, thậm chí còn được mệnh danh là một phương tiện truyền thông đại chúng hàng đầu của Uzbekistan.

Nội dung của nó dần dần được chính trị hóa – nếu như trước đó chỉ bàn bạc về thời trang, đưa tin về sự tham gia của Gulnara tại các sự kiện khác nhau thì sau đó chuyển dần sang công kích các quan chức cao cấp (chẳng hạn như buộc tội giới chức hành pháp hành xử vượt quá giới hạn).

Những vụ việc mang tính “bóc trần bê bối” trên trang mạng của Gulnara khiến công chúng cảm tưởng cô ta là một người gần gũi với nhân dân, có nhiều khả năng là người kế nhiệm cha mình, thậm chí còn được ví là “kẻ phá bĩnh” trên chính trường.

Tuy nhiên cho đến khi Gulnara bị tước quyền bất khả xâm phạm về ngoại giao, người ta mới biết mọi chuyện trong gia đình của cô không diễn ra êm đẹp chút nào. Chẳng hạn như trong một bài trả lời phỏng vấn của Hãng BBC, cô em gái Lola Karimova đã khẳng định, bản thân nhà lãnh đạo Uzbekistan cũng ngày càng bất bình với cô con gái cả.

Lola khẳng định cơ hội của chị mình ngồi vào ghế tổng thống thay cha là không cao, dù lúc đó đa phần mọi người đều coi Gulnara là ứng cử viên số 1. Lola còn tiết lộ đã hơn 12 năm qua cô không hề qua lại với chị của mình. Những tiết lộ trên được đánh giá khi đó chẳng khác gì một quả bom nổ trên chính trường Uzbekistan.

Bí ẩn số phận kẻ thất sủng

Sự kiện “giọt nước tràn ly” cuối cùng đã xảy ra, sau khi Gulnara công khai tố cáo mẹ mình có quan hệ với giới phù thủy, đồng thời khẳng định thêm “bà luôn muốn hủy diệt mọi thứ liên quan đến con gái mình”. Cô em gái Lola cũng bị chỉ trích luôn “hoang phí cuộc đời trên chiếc du thuyền của mình”.

Gulnara và người chồng Timur Tilliaev.

Người cha nổi trận lôi đình đã ngay lập tức tước bỏ bộ phận bảo vệ riêng cho Gulnara và ngăn cấm cô xuất cảnh (có tin đồn là bị giữ luôn hộ chiếu). Cả đế chế kinh doanh của “công chúa Uzbekistan” ngay lập tức bị lung lay.

Họa vô đơn chí, khi cả 4 kênh truyền hình - Forum TV, TV-Markaz, NTT và SOFTS – do Gulnara điều hành cũng bị ngừng phát sóng. Số phận tương tự tiếp theo lan tới các đài phát thanh trên tần số FM thuộc về Công ty Terra Group của Gulnara. Các phương tiện truyền thông còn lại được chỉ đạo không đưa bất cứ thông tin nào liên quan tới cô con gái cả của Tổng thống.

Tham gia vào chiến dịch chống lại Gulnara không chỉ có cha mẹ, em gái mà còn cả Rustam Iniatov – cựu sĩ quan KGB, chủ tịch Cơ quan An ninh quốc gia Uzbekistan và là một trong những cố vấn của Karimov. Chưa hết, cô ta còn bị khởi tố hình sự vì tội tham nhũng. Viện kiểm sát Uzbekistan sau đó đã ra lệnh thu hồi một loạt tài sản của Gulnara tại Anh, Ailen, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Pháp, Latvia, Đức, Tây Ban Nha, Nga, Hồng Công, UAE và Malta.

Tai họa của người này lại trở thành cơ hội của kẻ kia – trong khi Gulnara đang quay cuồng trong làn sóng điều tra tội danh tham nhũng, Tổng thống Karimov lại chuyển hết ưu ái của mình cho cô em Lola. Trong suốt 1 năm sau đó (cho tới khi ông Karimov qua đời), hình ảnh cả gia đình Lola liên tục có mặt trên truyền hình. Kẻ phá bĩnh Gulnara gần như mất tăm mất tích kể từ năm 2014.

Có nhiều tin đồn liên quan đến số phận cô con gái cả của Karimov. Chẳng hạn như có nguồn tin khẳng định Gulnara đã chết, nhất là khi không thấy mặt cô ta trong lễ an táng của ông Islam Karimov vào tháng 9-2016.

Sự thật chỉ được biết đến sau đó một năm. Gulnara hóa ra đã bị bắt giữ từ năm 2015, bị buộc tội tham nhũng 2 tỉ USD, gian lận, che giấu tài khoản ở nước ngoài và bị kết án 5 năm tù. Người phụ nữ đình đám một thời trong không gian các quốc gia hậu Xôviết đã có một cái kết buồn như vậy.

Nga Quỳnh (tổng hợp)
.
.